Thư giãn Chủ nhật: Có ai biết Nguyễn Tuấn không?

Ngô Nhân Dụng

Chắc quý vị không ai biết Nguyễn Tuấn. Anh qua đời khi đang ngồi trong quán bánh ngọt tên là Jolly Donuts nằm ở góc Đại lộ Roscoe và Đường De Soto trong thành phố Los Angeles, nước Mỹ. Một chiếc xe hơi SUV cao và lớn đâm thẳng vào tiệm bánh lúc anh đang uống cà phê, khoảng 10 giờ đêm ngày 4 tháng Mười năm 2014.

Khi chết đi, trong túi Nguyễn Tuấn chỉ có mấy tấm vé sổ số cũ, 350 đô la tiền mặt, và một điện thoại di động. Thi hài anh được đưa vào nhà xác thành phố, tạm ghi tên là John Doe No. 278. John Doe là cái tên chung đặt cho những người không biết rõ họ, tên. Giống như lối người Việt gọi những người không rõ họ tên Nguyễn Văn Mỗ. Anh là tên Nguyễn Văn Mỗ thứ 278, trong số mấy trăm di hài vô thừa nhận trong nhà xác Los Angeles, một thành phố dân số gần 10 triệu.

Sở Giảo nghiệm (Coroner) chắc đã hỏi nhân viên làm trong quán cà phê mà đêm nào anh cũng tới, biết người ta gọi anh là “Tuan,” họ “Nguyen.” Vậy chắc tên anh là Nguyễn Tuân hay Nguyễn Tuấn. Nhưng vì anh không mang giấy tờ nào, cũng không thấy thân nhân nào đến nhận diện, cho nên họ vẫn ghi cái tên John Doe No. 278. Dấu tay anh được đưa cho cảnh sát tìm thêm, nhưng họ tìm không thấy trong các hồ sơ lưu trữ. Cả đời anh chưa bao giờ bị bắt vì bị tình nghi phạm tội. Có người cho biết tuổi anh, sinh khoảng năm 1961. Sở Xe tự động (DMV) giúp, cho chạy tên Tuan Nguyen 1961 trong máy vi tính, hy vọng tìm ra các chi tiết khác. Trên máy hiện ra 623 họ, tên tương tự. Nếu tìm trong hồ sơ của Sở Di trú Chính phủ Mỹ, chắc có thể thấy những dấu tay giống của anh; vì khi một di dân vào nước Mỹ thế nào cũng được lấy dấu tay. Nhưng trước đây gần 40 năm chưa có máy vi tính để chứa được nhiều dữ kiện trong hồ sơ các di dân như bây giờ. Cuối cùng, không ai biết gì thêm. Trước pháp luật, anh vẫn chỉ là John Doe No. 278, vô danh.

Thi hài Nguyễn Tuấn đang được giữ trong phòng lạnh của thành phố, với vài trăm người khác. Người ta sẽ lấy mẫu sinh học DNA từ thân thể anh, lưu giữ, sau này cần sẽ dùng tới. Đó là một di sản anh sẽ để lại rất lâu trên cõi đời này. Trong thời gian từ ha đến sáu tháng, nếu không ai đến nhận, anh sẽ được hỏa thiêu, rồi đưa về cất tại nghĩa trang của Quận Los Angeles. Trong vài năm, nếu vẫn chưa ai tìm, tro của anh sẽ được đem chôn. Mỗi năm, vào tháng Mười Hai, thành phố sẽ làm một lễ cầu nguyện cho tất cả những người được chôn chung như anh. Tôi viết bài này và yêu cầu báo Người Việt đăng ngày 22 tháng 11 năm 2014, để thắp một nén hương nhân 49 ngày Nguyễn Tuấn. Xin quý vị cùng cầu nguyện hương linh anh từ hôm nay được bình an mãi mãi.

Tôi biết đến Tuan Nguyen nhờ đọc ký giả David Montero, tác giả bài “Who was Tuan Nguyen?” Tuan Nguyen là ai? trên tờ Los Angeles Daily News, số ngày 25 tháng Mười. Anh Thiện Giao, Chủ bút nhật báo Người Việt, đã gửi cho tòa soạn cùng học hỏi về một bài ký viết hay. Montero đã tìm thêm, biết Tuan Nguyen là một người Việt trong số những thuyền nhân, “boat people” chạy khỏi nước Việt Nam trước đây hơn 30 năm.

Những người đầu tiên Montero phỏng vấn chắc là các nhân viên tiệm bánh, ai cũng nhớ Tuan Nguyen. Họ cho biết mỗi buổi tối anh đều tới quán đúng 9 giờ, trả một đô la mua ly cà phê. Anh cho rất nhiều đường và chỉ quấy sữa bột, không bao giờ dùng sữa lỏng. Anh ngồi ở một cái bàn nhất định, nếu chỗ đó có ai ngồi thì anh chờ tới lúc bàn trống mới vào. Lý do vì cái bàn đó gần chỗ cắm điện để anh “chạc” máy điện thoại di động. Vì cái máy đó mà mỗi đêm anh đến quán cà phê “chạc” điện. Buổi tối anh qua đời, cái máy vẫn còn chạc chưa đầy.  Chắc anh chỉ dùng cái cell phone để chơi “games”, các trò chơi điện tử. Trong máy không ghi lại một số điện thoại của người nào. Cũng không thấy số điện thoại nào gọi tới mà không gặp. Anh có rất nhiều bạn trong khu này; nhưng chắc anh không gọi cho ai bao giờ.

Tuan Nguyen sống không nhà, một người “homeless”. Mỗi ngày anh đi lượm lon, bán lấy tiền sống. Tối ngủ quanh quẩn trong công viên Canoga Park hay Winnetka Park. Ký giả Montero đã hỏi chuyện bà Lori Huynh, 77 tuổi. Bà biết Tuấn đã 20 năm nay; thân với nhau vì cùng trải qua cảnh vượt biển. Bà Huỳnh đi năm 1980 khi chồng bà còn nằm tù trong trại “cải tạo”. Chiếc thuyền chở 300 người chạy trốn chế độ cộng sản; tới được một hòn đảo ở Indonesia, bà đã sống ở đó sáu tháng. Bà Huỳnh kể lại nhiều cảnh hãi hùng. Năm 1986 bà mua lại một tiệm làm Nails. Thấy một anh da vàng hay đi qua lại, bà làm quen, mời anh ly cà phê. Hai năm sau Tuấn mới thổ lộ, kể rằng cha mẹ anh đã chết hết trên biển; anh là người duy nhất còn sống sót.

Không biết gia đình Nguyễn Tuấn vượt biển năm nào. Năm nay anh 53 tuổi thì chắc lúc đến nước Mỹ anh đã hơn 13 rồi. Tuấn kể với bà Huỳnh rằng cha mẹ anh từng làm việc tại “cơ quan điện nước” ở thành phố Sài Gòn. Gia đình sống trong khu chung cư, một khu nhà đẹp đẽ thuộc lớp trung lưu, của sở. Anh đã học Trung học Petrus Ký lúc trường chưa bị đổi tên; vậy trước 1975 anh đã hơn 10 tuổi. Anh kể khi đi học anh giỏi toán. Nhiều người cũng nhớ lại trong túi đeo vai của anh lúc nào cũng có một cuốn sách, lâu lâu anh lại ngồi xuống vẽ các đồ biểu hay hình học.

Nhà báo Montero cũng gặp Ben Massaband, chủ nhân một tiệm giặt khô trong 32 năm qua, nằm bên cạnh tiệm Nails của bà Huỳnh. Lâu lâu Tuan Nguyen vẫn giúp ông đem thùng rác ra cho xe đổ rác lấy. Ông nói, “Tôi gặp Tuan Nguyen nhiều hơn gặp vợ con”. Cô Kate Leone là chủ nhân một tiệm thẩm mỹ gần đó; cô kể có lần Tuan Nguyen đã giúp cô mà không cho cô biết. Một tối Chủ Nhật cô Kate đóng cửa tiệm mà không vặn khóa. Tiệm nghỉ ngày Thứ Hai, đến sáng Thứ Ba cô tới mới biết mình đã quên. Sau khi kiểm soát khắp chỗ, thấy không mất gì cả, cô vào coi lại trong máy truyền hình tự động. Trong cuộn phim cô nhìn thấy anh Tuan Nguyen đã đứng gác trước cửa tiệm giúp cô cả ngày Thứ Hai; có lúc anh đi khỏi, khi quay về lại kiểm soát xem có ai mở cửa vào tiệm hay không. Cô Maria Avila là thợ hớt tóc, biết Tuan Nguyên rất nhiều, mỗi năm cô cắt tóc cho anh hai lần. Cô kể mỗi lần lại bảo cô cắt cho anh không lấy tiền, nhưng lần nào anh cũng từ chối, nhất định trả đủ 10 đô la. Cô vừa nói vừa khóc: “Tuan Nguyên nghĩ chúng tôi săn sóc anh ấy, nhưng thực ra chính anh đã chăm sóc cho chúng tôi”.

Một người bạn “homeless” của Tuan Nguyên là bà Brooke Carrillo, 42 tuổi. Năm ngoái bà bị mất nhà, vì mất việc rồi không đủ tiền trả nợ ngân hàng. Mỗi Thứ Năm bà đến nấu nướng giúp Nhà thờ, cung cấp bữa ăn cho những người vô gia cư khác. Tuan Nguyên tuần nào cũng tới, lần chót là hai ngày trước khi anh mất. Bà còn nhớ anh thích ăn mì spaghetti kiểu Ý và nước trái cây. Bà biết anh thường ngủ ở công viên Winnetka Park hoặc một chỗ kín đáo trên con đường đó. Bà Carrillo đang sống trong cái xe hơi cũ của mình, trên nóc xe chất đầy đồ, phủ mền kín. Hàng ngày bà cũng đi lượm lon. Bà cần tiền đổ xăng, vì phải di chuyển chiếc xe hơi trong những ngày đường cấm đậu xe. Bà nhớ lại có lần hết tiền mua xăng, Tuan Nguyên cho. Bà cũng khóc, “Anh ta là một người nhân từ, hào hiệp, không bao giờ làm phiền ai cả”.

Bà Huỳnh đã bán tiệm Violet Nails từ năm 2007, sau khi quen Nguyễn Tuấn 20 năm. Đặt một điều kiện khi bán tiệm, Bà Huỳnh vượt biển đã dặn dò người chủ mới “phải trông nom cho Tuấn”. Và những người chủ mới vẫn giữ lời; khi nghe tin anh chết, ai cũng khóc. Họ đem hoa tới đặt tại nơi xẩy ra tai nạn. Cách đây ít lâu, Tuan Nguyên trúng vé số, được 800 đô la. Anh đã đi mua hoa đến tặng tiệm Violet Nails và mua nước hoa tặng các cô nhân viên.

Ký giả David Montero, dưới tựa bài “Who was Tuan Nguyen?” đã viết thêm một dòng tựa nhỏ: “Bạn bè kể lại niềm bí ẩn của người vô gia cư chết tai nạn xe hơi ở LA” (Friends unravel mystery of homeless man killed in LA accident).

Nhưng nhiều bí ẩn khác trong cuộc đời Nguyễn Tuấn sẽ không bao giờ được tiết lộ. Tại sao anh phải sống không nhà suốt mấy chục năm qua, trong khi nhiều thiếu niên cùng tuổi với anh đến tị nạn ở Mỹ một mình, các em đó vẫn sống  được, nhiều người đã thành công? Anh đã chứng kiến những thảm cảnh nào trong chuyến vượt biển, lúc 14, 15 tuổi? Nguyễn Tuấn chỉ tâm sự về chuyện đời mình với bà Huỳnh sau hai năm quen biết, và ký giả cũng chỉ kể một phần các chi tiết mà bà Huỳnh thuật lại. Có phải vì Nguyễn Tuấn cũng không kể hết, vì vẫn còn kinh hoàng khi nhớ lạ quá khứ? Cái chết của cha mẹ anh, và bao nhiêu người khác trong cùng chuyến vượt biển đã ảnh hưởng tới tâm não anh thế nào? Anh đã trông thấy những gì, nghe những âm thanh nào trên mặt biển sóng chập chùng gào thét? Nguyễn Tuấn mang theo những niềm bí ẩn đó xuống tuyền đài. Dân tộc Việt đã vác cây thánh giá trong bao nhiêu năm, hết cuộc chiến tranh khốc liệt lại đến một chế độ độc tài man rợ đẩy mấy trăm ngàn người phải chạy tị nạn, rồi chết chìm trên biển cả. Nguyễn Tuấn vẫn một mình vác cây thánh giá đó bao nhiêu năm, cho đến ngày 4 tháng Mười năm 2014. Chắc hương hồn anh đã bay ngay lập tức về Biển Đông tìm gặp lại cha mẹ.

Nhưng có một điều rõ ràng, minh bạch, không có gì bí ẩn trong cuộc đời Nguyễn Tuấn: Tất cả những người quen biết đều thương tiếc anh – như lời David Montero kể. Không một ai nhớ đến một kỷ niệm xấu nào. Một người “không bao giờ làm phiền ai cả” như bà Carrillo nói về anh, đã khó kiếm trên cõi đời này. Nhưng Nguyễn Tuấn còn đáng ngợi khen hơn thế nữa. Anh nhân từ, hào hiệp, sẵn sàng giúp đỡ người chung quanh. Thấy có thể giúp được ai, là giúp, như một Hướng đạo sinh tuân theo lời hứa thứ hai. Khi còn nhỏ, không biết Tuấn có đi Hướng đạo hay không? Nhưng anh đã làm theo lời hứa và luật của Hướng đạo sinh: Giúp ích mọi người bất cứ lúc nào! Giúp một người chủ tiệm quên khóa cửa. Giúp một người bạn homeless thiếu tiền đổ xăng. Và chắc còn bao nhiêu người khác mà ký giả Montero không gặp. Nguyễn Tuấn sống một mình nhưng không cô đơn, vì lúc nào anh cũng nghĩ đến người khác. Anh sống vô gia cư nhưng có cả một gia đình lớn, là cả loài người, những người gặp gỡ hàng ngày, ai cũng quý mến anh. Anh tận tình giúp người nhưng không muốn nhờ vả ai, không chờ ai đền đáp. Anh giữ tư cách, không nhận người khác bố thí cho mình, dù chỉ là công cắt tóc trị giá 10 đồng. Khi có tiền, 800 đô la là một món tiền lớn đối với anh, anh không hưởng một mình mà đem chia sẻ niềm vui chung với những người tử tế quanh mình.

Nguyễn Tuấn đã theo một quy tắc cư xử mà loài người vẫn dạy nhau mấy ngàn năm nay: Sống đàng hoàng tử tế; người khác sẽ tử tế với mình. Cứ thế, chúng ta sẽ tạo nên một thế giới gồm những người tử tế.

Một thiếu niên bơ vơ nơi đất khách quê người, không thân thích, không nơi nương tựa; chắc anh đã trải qua những thất bại lớn trong đời nên sống vô gia cư mấy chục năm nay. Nhưng khi qua đời anh vẫn được người khác kính trọng. Anh sống ở Mỹ, nhưng nếu sau khi vượt biển anh có lưu lạc đến xứ Zambia hay Equator thì chắc tư cách của anh vẫn đàng hoàng, không thay đổi. Cha mẹ anh đã dạy dỗ thế nào để người con giữ được tư cách như thế suốt đời? Họ học hỏi từ đâu các đức tính kể trên rồi truyền lại cho anh? Có thể tưởng tượng, cha và mẹ anh chỉ dạy anh theo những gì chính họ đã học được từ ông bà, chú, bác. Nền luân lý mấy ngàn năm để lại, được giữ gìn trong nền nếp xã hội chung quanh trước khi họ vượt biển, tất cả tạo nên môi trường đào luyện những con người Việt Nam như Nguyễn Tuấn.

Có ai biết Nguyễn Tuấn không? Chúng ta vẫn có hàng triệu, hàng chục triệu những em Nguyễn Tuấn (hay các em gái Nguyễn Thị Tuấn) đang được cha mẹ người Việt dạy bảo và làm gương cho các em biết phải sống như thế nào. Họ mong các em sẽ trở thành những con người nhân từ, hào hiệp, sống với tư cách đường hoàng, như chính họ đã được dạy bảo. Những em Nguyễn Tuấn đó sẽ lớn lên, có những quy tắc luân lý như thế làm hành trang cho cả cuộc đời, dù giàu hay nghèo, thành công hay thất bại, dù sống trong nước hay đang ở khắp bốn phương trời. Nghĩ như vậy chúng ta chẳng cảm thấy ấm lòng hay sao?

Đọc xong bài báo của David Montero, nhiều người không cầm được nước mắt. Nhưng không cần ai thương xót Nguyễn Tuấn. Chúng ta có thể còn hãnh diện về Nguyễn Tuấn. Vì mình là một người Việt Nam như anh. Nguyễn Tuấn mang trong mình một di sản văn hóa anh đã nhận được từ cha mẹ, ông bà, tổ tiên, từ những người cùng sống trong xã hội chung quanh từ lúc anh sinh ra đời. Anh đã  sống di sản văn hóa đó suốt cuộc đời một người vô gia cư. Cuộc sống càng gian nan, các đức tính anh thể hiện càng sáng lên rực rỡ. Tôi muốn dạy các con tôi tấm gương của anh: Dù gặp hoàn cảnh cùng quẫn thế nào chăng nữa, hãy giữ vững vàng tư cách xứng đáng của một người Việt Nam.

N.N.D.

Viết Thêm (PS):

Sau khi bài trên đây lên Người Việt Online, nhiều độc giả đã góp ý kiến với tòa báo hoặc trên facebook của mình. Một độc giả, Phương Quỳnh, tình nguyện sẽ liên lạc với chính quyền thành phố Los Angeles để xem có thể đưa tro của Nguyễn Tuấn về một ngôi chùa và làm lễ cầu siêu cho anh hay không.

Hàng trăm độc giả của nhật báo Los Angeles Daily News cũng viết thư khen ngợi David Montero, sau khi đọc bài “Who was Tuan Nguyen?” Họ đều khen ngợi và chúc Tuân Nguyên an giấc ngàn thu. Một người ký Green Coffee viết: “Cảm ơn David, đã dành thời giờ vinh danh tưởng niệm người đàn ông này bằng một bài báo rất hay. Xin Tuân Nguyên được an nghỉ, RIP”. Một độc giả, ký tên Larry Morgan, đặt câu hỏi: “Tại sao một người nhân từ và có tinh thần trách nhiệm như thế lại sống 30 năm ngoài đường?” Tại sao anh ta không xin phiếu trợ cấp thực phẩm (food stamps) và chương trình trợ cấp tổng quát (General Reloief) của Chính phủ?”Larry còn nhận xét: “Tấn thảm kịch trong câu chuyện này là một người có giá trị như anh ta (Nguyên Tuân) lại phải sống một cuộc đời đáng lẽ anh không phải sống như thế suốt 30 năm. Trong đất nước chúng ta (nước Mỹ), dù chỉ còn một người sống vô gia cư cũng là điều không thể tha thứ được”.

Ký giả David Montero đã trả lời thư của Larry Morgan. Ông viết rằng theo ông được nghe thì Nguyễn Tuấn không muốn sống bằng trợ cấp xã hội. Nhiều người đã tìm cách giúp Tuấn nhưng anh thích sống không nhà, giống nhiều người khác vẫn chọn sống như vậy. Có người đã giúp anh tắm táp sạch sẽ, đưa anh tới một khu nhà dành cho người vô gia cư tạm trú, nhưng mấy tuần sau đó anh lại ra đường sống. Khi nhà hảo tâm hỏi anh tại sao, anh trả lời rằng anh đã quen sống trong khung cảnh đó rồi (he said that this was where he belonged).

David Montero gợi ý: “Tôi nghĩ đây chỉ là câu chuyện bi đát của một người không quên được các thảm kịch mình đã trải qua rồi sau đó không còn muốn trở về với đời sống thực tế nữa”. Một độc giả khác, bạn của Larry Morgan, đồng ý: “Tôi đoán trong chuyến vượt biển cái chết của cha mẹ anh kinh khủng lắm nên anh mới thành một con người khác hẳn chúng ta”. David Montero kết luận: “Chắc chúng ta đều có thể bị rớt xuống như vậy nếu không nhờ ơn sủng thiêng liêng và có những người chung quanh săn sóc cho chúng ta để chúng ta không bị rơi vào hố thẳm”. Một độc giả, ký tên LSK, cảm ơn David đã kể chuyện Nguyên Tuân, và cũng cầu nguyện: “Mong mọi người chúng ta hãy tiếp tục mở đôi mắt và trái tim mình với những người sống chung quanh, và cầu nguyện Mr. Nguyên an nghỉ ngàn thu”.

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=198350&zoneid=7#.VHlnKmfW4sI Và: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=198789&zoneid=7#.VHln0mfW4sI

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn