“Bãi công là hồi chuông cảnh tỉnh”

clip_image002

Các công nhân đã “biểu tình ôn hòa” bên trong và bên ngoài nhà máy, theo lời kể của các nhân chứng

Cuộc đình công với sự tham gia của hàng nghìn công nhân ở TP.HCM là “hồi chuông cảnh tỉnh” đối với các nhà làm luật, theo một luật sư trong nước.

Hôm 31/3, hàng nghìn công nhân tại nhà máy sản xuất giày của công ty Pou Yuen Vietnam, có 100% vốn nước ngoài của Đài Loan, đã tiếp tục đình công sang ngày thứ năm để phản đối các quy định tại điều 60, Luật Bảo hiểm Xã hội sửa đổi, hãng thông tấn Reuters cho biết.

Theo luật này, công nhân sẽ phải đợi đến tuổi nghỉ hưu, tức nam giới là khi 60 tuổi và phụ nữ là 55 tuổi, mới được nhận trợ cấp.

Reuters dẫn lời các nhân chứng cho biết các công nhân đã “biểu tình ôn hòa” bên trong và bên ngoài nhà máy - nằm trong khu công nghiệp Tân Tạo, phường Tân Tạo, quận Bình Tân.

Trước đó, trong cuộc họp báo khẩn chiều 30/3, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ông Doãn Mậu Diệp, được tờ VnExpress trích dẫn nói mục đích việc thay đổi Luật Bảo hiểm xã hội là nhằm khuyến khích người lao động tích lũy, bảo vệ quyền lợi cho người lao động trước mắt và lâu dài.

Các công nhân đã chặn nhiều con đường lân cận hôm 30/3, VnExpress cho biết.

Nhiều nhà máy trong gần đó cũng đã đóng cửa vì lý do an toàn.

Trả lời BBC ngày 31/3, Luật sư Hoàng Văn Hướng, trưởng văn phòng luật sư Hoàng Hưng, cho rằng cuộc đình công là "hồi chuông cảnh tỉnh", nhắc nhở các nhà làm luật cần đạt được "sự đồng thuận, sâu sắc, thấu đáo" khi điều chỉnh luật.

"Trước đây thì họ thanh toán luôn, ngay sau khi chấm dứt hợp đồng, nhưng giờ sửa lại là phải đợi sau một thời gian nữa", ông cho biết.

"Mục đích nhà làm luật là muốn cộng dồn lại thời gian đóng bảo hiểm để mục đích cuối cùng là đảm bảo an sinh xã hội, tức là vấn đề hưu trí".

"Họ cho rằng nếu như đã thanh toán một lần ở doanh nghiệp này, thì sau này đến tuổi nghỉ hưu lại không có lương hưu thì đó là thiệt hại cho người lao động".

"Tôi nghĩ rằng nên chăng giữa các nhà quản lý về lao động, kể cả Liên đoàn Lao động ở TP.HCM cần có đối thoại để giải thích cặn kẽ".

"Nếu đối thoại tận cùng vấn đề mà thấy cần sửa luật thì cũng nên chỉnh sửa luật chứ cũng không cần phải cứng nhắc".

"Các cuộc đình công làm gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những người làm luật là khi ban hành chính sách thì phải đảm bảo tính đồng thuận, sâu sắc, thấu đáo".

“Phải tôn trọng người dân hơn”

Một ý kiến khác của Luật sư Hà Huy Sơn thì cho rằng cuộc đình công là một "biểu hiện tốt".

"Người lao động đã có ý thức về quyền lợi của mình nên chuyện đình công đó rất tốt cho xã hội", ông nói.

clip_image003

Một số nhà máy lân cận đã đóng cửa vì lý do an toàn

"Phía nhà nước cần thay đổi tư duy, nhất là đối với luật bảo hiểm xã hội để người ta có quyền lựa chọn chứ không thể áp đặt như vậy".

So sánh cuộc đình công hiện nay tại TP.HCM với cuộc biểu tình phản đối chặt cây xanh tại Hà Nội, ông Sơn cho rằng cả hai cuộc biểu tình có những tính chất khác nhau.

"Việc phản đối chặt cây xanh là cuộc xuống đường biểu thị mối quan tâm đối với vấn đề xã hội"

"Trong khi vấn đề bảo hiểm xã hội là vấn đề mang tính thiết thực hơn".

"Nhưng cả hai có điểm giống là đều là tiếng nói của người dân".

"Trong tương lai, nhà nước cần có cơ chế quản lý tính tới nhu cầu của người dân và phải tôn trọng người dân hơn trước đây, nếu không muốn xảy ra các xung đột xã hội như vụ đình công lần này".

Xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam tăng 15,8%, đạt 20,8 tỷ đôla trong năm ngoái, theo số liệu của Reuters. Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu đối với sản phẩm giày dép là 21,6%, đạt 10,2 tỷ đôla.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2015/03/150331_workers_strike_pouyuen

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn