Dân chủ và xây dựng nền dân chủ (3)

Phạm Đình Nhiên

Phần III - Chuẩn bị để xây dựng một nền dân chủ toàn dân:

Trước hết chúng ta phải học bài học của quá khứ. Trong chế độ quân chủ của đạo Nho, ý thức quốc gia không có hay có thì cũng mờ nhạt trước ý thức trung quân. Đến thời thực dân Pháp, ý thức về quốc gia, dân tộc lại càng bị thực dân tìm cách tiêu diệt triệt để. Sự chia cắt Việt Nam thành ba kỳ Bắc-Trung-Nam để hợp với Lào và Campuchia thành năm nước Đông Dương là nằm trong chính sách ấy. Ngoài ra, trong nội bộ mỗi kỳ người Pháp còn có những chính sách phân hoá khác về sắc tộc, địa phương, tôn giáo.

Hậu quả là ý thức về dân tộc, quốc gia bị suy giảm, không mấy ai còn nghĩ đến quyền lợi chung. Quyền lợi quốc gia bị lu mờ trước quyền lợi của địa phương, đảng, phe, nhóm, quyền lợi cá nhân.

Sự thật của chúng ta là như thế, có nhìn vào sự thật mới giải quyết được những vấn đề khó khăn của đất nước kéo dài đã quá lâu, Nhưng nói ra sự thật lại mất lòng, dù đó là lòng của quốc gia hay cộng sản, của các hội đoàn, đoàn thể hay các chính trị gia.

Hãy khách quan nhìn từ miền Nam.

Năm 1954, có biết bao nhiêu phe, phái, nhóm từ các đảng chính trị đến tôn giáo, địa phương ở miền Nam. Chính khách thì có nhóm Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Nam kỳ quốc; các đảng ngoài việc phân hoá thành các phe xứ ủy, tỉnh uỷ còn có phe phái của các lãnh tụ trong đảng; đạo Cao Đài, Hoà Hảo mỗi đạo có tới 3, 4 nhóm vũ trang chống đối nhau. Ngoài ra còn Công giáo, Phật giáo có những quyền lợi khác biệt. Trong tình trạng đầy phân hoá và tranh chấp ấy rất khó thiết lập nền dân chủ.

Ông Ngô Đình Diệm trông nhờ người Mỹ giúp tiền bạc, tổ chức, nhanh chóng thu phục các nhóm vũ trang của Cao Đài, Hoà Hảo và đè bẹp Bình Xuyên, Ba Cụt, các “mật khu quốc gia” ở Quảng Ngãi, Ba Lòng. Sau đó chỉ tạm ổn, mầm mống phân hoá vẫn còn đó khi bị kích thích hay có cơ hội lại bùng phát. Sau khi ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ ngày 1-11-1963, miền Nam với bao nhiêu phe, phái, tôn giáo, đảng, chính khách, quân đội náo nhiệt tranh chấp.

Miền Bắc có cả một chủ thuyết khống chế về chính trị và sách lược tiêu diệt, đàn áp khốc liệt của chủ nghĩa Marx-Lenin. Qua các đợt cải cách, thanh trừng, ở Liên Xô trên 20 triệu người bị giết, ở Trung Quốc 70 triệu, Bắc Việt Nam gần 2 triệu, Campuchia 1,5 triệu với dân số vào thời kỳ thanh trừng ở Liên Xô khoảng 200 triệu, Trung Quốc 650 triệu, Bắc Việt Nam 17 triệu, Campuchia 7 triệu, tất cả có một tỷ lệ khoảng 10, trên 10%.

Với một sách lược rõ ràng như thế, không thể nói đến dân chủ, tự do ở những nước do người Cộng sản cai trị, kể cả khi họ đã thay đổi từ kinh tế hoạch định Cộng sản sang kinh tế thị trường Tư bản (vì bên bờ sụp đổ), họ chỉ thay đổi kinh tế thôi, quyền lực và sách lược đàn áp họ vẫn nắm chặt.

Nhưng dù tàn bạo đến đâu cũng không tiêu diệt hết được những người chống đối. Bạo chúa Tần Thủy Hoàng giết được Kinh Kha, Cao Tiệm Ly nhưng nhà Tần không tiêu diệt được Hạng Vũ, Lưu Bang và hàng trăm hàng ngàn người nổi lên chống đối nên triều đại kinh hoàng này chỉ kéo dài được 15 năm ( 221-207 TCN). Lịch sử chứng minh không chế độ tàn bạo nào có thể tồn tại lâu dài, càng tàn bạo thì càng chóng sụp đổ vì ở đâu có đàn áp, bất công thì ở đó có chống đối.

Nông dân các tỉnh, thành từ Bắc tới Nam kéo về trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản ở Hà Nội hay Thành ủy Sài Gòn biểu tình đòi trả lại ruộng đất, bà con Văn Giang Hưng Yên quyết sống chết ngăn giải tỏa, nổi bật nhất là gia đình kỹ sư Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng cương quyết đấu tranh và đến nước cùng đã dùng vũ khí chống lại khi bị cướp ao, hồ đang nuôi cá ở Haỉ Phòng.

Công nhân càng ngày càng vùng dậy chống lại sự cấu kết bóc lột của nhà nước và giới chủ nhân ngoại quốc ở Bắc Ninh, Hà Nội, Sài Gòn, Vĩnh Bình, Bình Dương... với hàng trăm vụ biểu tình có hàng ngàn, hàng vạn người tham gia. Khi chúng tôi đang viết dòng này, ngày 30/3/2015 thì bà con Hà Nội đang liên tục biểu tình chống chặt 6.700 cây xanh trên đường phố và 90.000 anh chị em công nhân hãng giày Pou Yen (Đài Loan) ở Sài Gòn, Long An đang liên tục biểu tình sang ngày thứ 5 chống luật mới về Bảo hiểm Xã hội làm hại tới quyền lợi của giới lao động mà Quốc hội biểu quyết tháng 11/2014.

Sự bất mãn của dân chúng Việt Nam đã lên tới cao độ. Chính quyền càng đàn áp thì càng biểu lộ sự tàn bạo, càng làm cho người dân uất ức, căm giận và do đó càng ngày làn sóng chống đối càng lan rộng.

Nếu không chuẩn bị kỹ càng trước, chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc thiết lập nền dân chủ cho đất nước, kinh nghiệm đã có nhiều ở các nước khác như Trung Hoa sau cách mạng Tân Hợi 1911, Tunisia, Ai Cập, Lybia... gần đây.

Muốn thiết lập một nền dân chủ thật sự và ổn định tất cả phải có những đìều kiện sau đây trong sinh hoạt chính trị:

1. Đặt quyền lợi chung của cộng đồng, của quốc gia lên trên quyền lợi cá nhân, đảng, phái, phe, nhóm.

2. Tôn trọng ý kiến người khác.

3. Chấp nhận thảo luận, tranh luận trong tinh thần khách quan.

4. Dung hòa để chọn ra giải pháp hay kết luận đúng nhất, tốt nhất.

5. Tôn trọng nguyên tắc đa số.

Điều kiện 1 không có sẽ gây tranh chấp quyền lợi riêng giữa các cá nhân, đoàn thể, đảng, phái. Hậu quả là quốc gia bị phân hóa, xâu xé. Ai cũng nói yêu nước, thương đồng bào – chúng tôi không nói những kẻ lừa gạt, dối trá – nhưng trong tiềm thức cái đầu óc hưong đảng, phe nhóm của chúng ta chưa gột bỏ được nên thực tế khi đụng chạm đến quyền lợi nó lại hiện ra. Trước đây tôi đã tìm hiểu bằng cách gặp trực tiếp hoặc gián tiếp qua tài liệu, thân nhân, bạn bè của một số vị lãnh đạo đảng phái, tôn giáo, đoàn thể... thấy hầu hết cương quyết cố thủ những ý kiến, quyền lợi của tổ chức, tôn giáo họ. Điều đó cũng được chứng minh trong sinh hoạt chính trị ở cả miến Bắc lẫn miền Nam và cả nước mấy chục năm qua.

Điều kiện thứ 2 không có sẽ đưa đến tình trạng – khi có quyền – trấn áp ý kiến đối lập, tước đoạt tự do ngôn luận.

Điều kiện 3 và 4 không có sẽ đưa đến độc đoán, một chiều.

Điều kiện 5 không có sẽ đi đến tình trạng ly khai, phân hóa của nhóm thiểu số.

Nếu quả thật chúng ta không có truyền thống dân chủ thì trước hết những vị lãnh đạo, những người tranh đấu cho dân chủ, những cơ quan ngôn luận đấu tranh cho dân chủ (*) tự thể hiện ngay tinh thần dân chủ trong hoạt động, trong cuộc sống và tìm mọi phương tiện phổ biến trong dân chúng.

Chúng ta hãy hy sinh bớt những quyền lợi, những cá biệt của cá nhân, đảng phái, tổ chức để sớm đi đến thống nhất mục tiêu, lập trường, đường lối mới có thể tạo ra sức mạnh trong cuộc đấu tranh và xây dựng nền dân chủ cho đất nước.

Để kết luận, chúng tôi xin mượn đoạn văn dưới đây của một nhà hoạt đông dân chủ nồng nhiệt trong nước – chị Huỳnh Thục Vi – chị rất trẻ nhưng có tầm nhìn rất xa và thực tế: “Giải thể một chế độ độc tài để bắt đầu con đường Dân Chủ hoá tuy khó khăn nhưng còn dễ hơn rất nhiều so với công cuộc xây dựng dân chủ hậu độc tài. Và trí thức, khi đó sẽ đóng vai trò rất quan trọng; nhưng nếu chúng ta không bắt đầu ngay bây giờ thì ngày mai chẳng có gì xảy ra cả”.(**)

P. Đ. N.

Ghi chú :

(*) Hồi năm 1955 tôi đang học lớp đệ Ngũ (lớp 8 bây giờ) cũng võ vẽ tập làm thơ gửi tới mục Đàn Ngang Cung báo Tự Do do thi sĩ Hà Thượng Nhân phụ trách. Mấy hôm sau tôi đọc mục Thư Bạn Đọc thi sĩ Hà Thượng Nhân cho biết rất tiếc bài thơ tôi gửi chưa tiện đăng, có nghĩa là không đăng được. Nhưng điều ngạc nhiên hết sức là hai hôm sau tôi nhận được qua bưu điện một bài thơ đánh máy bỏ vào phong bì rất trang trọng của thi sĩ gửi cho tôi với lời khuyến khích và cám ơn. Hiện nay sự giao tiếp tốt đẹp ấy không còn. Mục Thư Bạn Đọc hầu như không có trên các cơ quan ngôn luận và Ban Biên Tập thường tự ý sửa chữa bài viết không cần hỏi ý tác giả. Một việc làm không thích hợp với tinh thần Dân Chủ. Lối sống của chúng ta bị suy thoái quá nhiều từ mấy chục năm nay mà chúng ta không nhận thấy.

(**)Huỳnh Thục Vi, “Bàn về dân trí”, Việt Nam Mới, Houston, 15-11-2014.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn