ĐỂ NGÀY 30 THÁNG 4 KHÔNG LẶP LẠI TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC VIỆT NAM

Nguyễn Văn Thân

Lại một ngày 30 tháng 4 nữa sắp tới.

Năm nay đặc biệt đánh dấu đúng 40 năm chẵn biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975. 40 năm không phải là một đoạn thời gian dài chiếu theo lịch sử của một dân tộc. Nhưng 40 năm cũng đủ cho người ta trong thời đại tin học toàn cầu hiện nay thẩm định nguyên nhân dẫn đến một sự kiện lịch sử, rút tỉa một số bài học cần thiết để làm hành trang trên con đường xây dựng một tương lai huy hoàng và sáng lạn hơn.

Để đánh dấu 40 năm kỷ niệm ngày 30 tháng 4, hầu hết tất cả các cơ quan truyền thông Việt ngữ có tầm vóc tại hải ngoại như BBC, RFA và nhật báo Người Việt đều kêu gọi người Việt khắp nơi viết và gửi bài bày tỏ cảm nghĩ về biến cố trọng đại này. Lượt qua một số bài viết thì dễ dàng nhận ra mỗi người Việt có riêng một ngày 30 tháng 4. Nhưng họ đều có một điểm chung là không còn ai coi ngày 30 tháng 4 là một ngày đáng ăn mừng nữa, vì lương tâm của những người cầm bút không cho phép họ phủ nhận những sự thật không thể nào chối cãi được.

Sau 40 năm, Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức to lớn có nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của dân tộc.

Về mặt kinh tế, sau những ngày tháng đầu với chính sách bao cấp ngăn sông cấm chợ dẫn đến Đổi Mới với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tạo ra một tầng lớp đại gia tư bản đỏ và đã làm thất thoát hàng tỷ đồng tiền của quốc gia qua các vụ Vinashin, Vinalines, Bauxite... Trong khi đó, lợi tức trung bình của mỗi người dân Việt Nam tính tới năm 2014 theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế chỉ xấp xỉ 2.000 Mỹ kim ($) một năm, so với Phi Luật Tân là $2.865, Thái Lan $5.444, Mã Lai $10.803, Đài Loan $22.597, Nam Hàn $28.100, Nhật Bản $36.331 và Singapore $56.319.

Về mặt văn hóa và giáo dục thì chính sách tuyên truyền nhồi sọ đã đào tạo một thế hệ trí thức nô bộc chỉ làm công cụ cho nhà cầm quyền độc tài chuyên chế. Hậu quả là Việt Nam không sáng tạo được một sáng kiến khoa học hoặc tác phẩm văn hóa nào ra hồn để đóng góp cho nền văn minh của nhân loại mà hầu như chỉ biết ăn cắp sáng kiến hoặc tác phẩm của người khác.

Về mặt chính trị thì người dân bị tước đoạt những quyền căn bản nhất nhất của con người. Lúc nào Đảng Cộng Sản VN cũng huênh hoang là họ dân chủ hơn ‘tụi tư bản’ gấp vạn lần. Gần đây hơn, theo lời phát biểu của ông Nguyễn Bắc Son Bộ Trưởng Bộ Thông Tin thì Việt Nam có tự do báo chí nhiều hơn các quốc gia khác. Thế mà trong hơn 800 tờ báo giấy và báo điện tử trong nước lại không có được một tờ báo do tư nhân làm chủ. Cũng như khi ông Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Vũ Quang Hiển nói với BBC là không có ngược đãi với quân nhân VNCH bởi vì chính sách lúc ấy là hòa hợp dân tộc.

Cái hay của chế độ cộng sản là sản xuất ra được những con người mà khi họ mở miệng phát ngôn những điều rõ ràng trái với sự thật lại không hề biết ngượng.

Về mặt xã hội thì nạn tham nhũng tràn lan coi như hết thuốc chữa. Văn hóa phong bì ngự trị và người đạo đức và hiền lành thì không có chỗ dung thân.

Về mặt chủ quyền thì trong khi con cáo Trung Cộng vốn dĩ nham hiểm nay ngày càng giàu có đã lộ rõ dã tâm xâm chiếm trọn Biển Đông mà giới lãnh đạo Việt Nam vẫn còn tha thiết với tình hữu nghị ‘4 tốt với 16 chữ vàng’. Chủ nghĩa cộng sản mà Đảng Cộng Sản Việt Nam còn đang mơ tưởng đã sụp đổ toàn diện ngay tại cái nôi của nó ở Liên Xô và Đông Âu. Thế mà Đảng vẫn muốn được nắm tay đàn anh theo đuổi đại cuộc cùng với Trung Quốc đưa Việt Nam lên thiên đường xã hội chủ nghĩa.

Người dân trong nước đón tiếp ngày 30 tháng 4 dưới nhiều hình thức khác nhau. Có một số đã bị tẩy não vẫn mù quáng huênh hoang nhắc nhở thành tích, phung phí tiền thuế của dân tổ chức tiệc tùng say sưa vời hào quang ảo của quá khứ. Thật ra thành phần này đáng thương hơn là đáng ghét, vì họ là nạn nhân của sự tuyên truyền dối trá đặc thù cộng sản. Các nhóm lợi ích thì lợi dụng ngày 30 tháng 4 để biện minh cho đặc quyền sử dụng thể chế toàn trị tha hồ vơ vét trên xương máu của người dân oan. Chủ nghĩa cộng sản chỉ là phương tiện để họ nắm lấy nguồn lực kinh tế trong tay để làm giàu riêng.

Cũng có một thành phần không nhỏ trước đây theo cộng sản nhưng bây giờ đã biết mình bị lừa, ví dụ như nghệ sĩ Kim Chi. Bà đã nhận ra một sự giả dối của một cú lừa thế kỷ mà bà và cũng như biết bao đồng đội đã “ngây thơ đi theo lý tưởng” để rồi giờ đây niềm tin hoàn toàn sụp đổ như bà bày tỏ: “Bây giờ mỗi lần 30/4, tâm trạng tôi rất đau đớn, vì niềm tin vào đảng CSVN và chế độ XHCN hoàn toàn đổ vỡ. Nỗi đau buồn không diễn tả được bằng lời”. Với những người này, ngày 30 tháng 4 bây giờ là một ngày đại phản tỉnh. Có những cái lầm dễ dàng tha thứ. Nhưng cũng có cái lầm chết người vì cái lầm đó đã góp phần đưa cả một dân tộc rơi vào giai đoạn đen tối như hiện nay. Nghệ sĩ Kim Chi đã sám hối. Theo đúng truyền thống văn hóa của người Việt, buông đao đồ tể xuống là có thể thành Phật. Huống hồ chi bà không chỉ buông đao mà còn chọn theo xu thế văn minh tiến bộ của loài người để rồi mơ có một ngày “đất nước thực sự có tự do, dân chủ, nhân quyền”. Khi đó, bà “lại sẽ vui biết bao khi được đoàn tụ cùng tất cả bà con, anh chị em ở hải ngoại trở về trong niềm vui hòa hợp dân tộc, cùng xây dựng một nước Việt Nam văn minh và giàu mạnh”.  

Tại hải ngoại, ngày 30 tháng 4 đối với thế hệ thứ nhất gợi lại một vết thương vẫn còn rỉ máu. Làm sao diễn tả được tâm trạng của những người lính phải tức tưởi buông súng đầu hàng trước xác chết của đồng đội và đồng bào? Tiếp theo những ngày tháng sau đó, quân dân cán chính VNCH đã phải chịu đựng những đòn trả thù của 'bên thắng cuộc'. Đúng là không có một cuộc tắm máu, diệt chủng như Polpot đã thi hành ở Cam Bốt. Nhưng những chính sách lừa gạt 'mang theo đủ thức ăn cho 10 ngày cải tạo', cướp trắng nhà cửa đẩy gia đình thuộc dạng 'chế độ cũ' đi vùng kinh tế mới, chính sách đổi tiền hai ba lần với mục đích cướp sạch tài sản của nhân dân miền Nam... đã biến cả nước trở thành nhà tù khổng lồ mà Đảng Cộng sản tha hồ thí nghiệm mọi phương thức khủng bố tinh vi, thâm độc. Không chỉ những người lính, sĩ quan VNCH bị bỏ tù không có bản án cố định, mà gia đình của họ phải chịu bị kỳ thị, trở thành công dân hạng hai vì có liên can tới 'thành phần có tội ác với cách mạng'. Hậu quả là hàng triệu người phải liều mình vượt biển, vượt biên tìm tự do. Hàng trăm ngàn người vùi thây trong rừng sâu hoặc dưới lòng biển lạnh. Hàng ngàn phụ nữ, thiếu nữ Việt Nam bị hải tặc hãm hiếp rồi quăng xuống biển làm mồi cho cá mập. Có lẽ vị sử gia Phó Giáo sư Tiến Sĩ Vũ Quang Hiển nên chịu khó làm một luận án về thảm trạng của thuyền nhân Việt Nam để có một sự thức tỉnh và sám hối như nghệ sĩ Kim Chi.

Ngày 30 tháng 4 năm nay cũng đánh dấu cho sự trưởng thành của một thế hệ hậu chiến sinh ra sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tam thập nhi lập. Nếu ở tuổi 30 là người ta bắt đầu biết đúng sai, biết tự lập gầy dựng sự nghiệp cho mình thì thế hệ này đang bước vào giai đoạn tứ thập nhi bất hoặc. Bước vào tuổi 40 là thấu hiểu được mọi lý sự, phân biệt được tốt xấu, chính tà. Hơn nữa với phương tiện internet hiện nay thì một bàn tay dối trá của Đảng Cộng sản Việt Nam không che dấu nổi sự thật dưới ánh mặt trời. Có điều là sau 4 thập niên toàn trị thì không biết là Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công tới mức độ nào trong việc tiêu diệt mọi ý thức, lương tri của những người công dân biết yêu nước, thương nòi, như Bản Lên Tiếng của các tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt nam nhân kỷ niệm 40 năm biến cố 30-04-1975 đã đề cập tới. Hình như phần đông giới trẻ Việt Nam vẫn còn thờ ơ với thời cuộc. Giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại thì cũng chẳng khác gì. Đại đa số hàng ngày phải bon chen với cuộc sống. Đời sống càng văn minh thì nhu cầu, đòi hỏi càng cao. Đâu có thời gian để lo nghĩ tới chuyện nước non, non nước.

Tóm lại, ngày 30 tháng 4 năm 1975 có thể là ngày thống nhất đất nước về mặt địa lý, nhưng Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đào sâu chia rẽ, hận thù giữa người Việt với người Việt. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 là ngày chiến thắng của Đảng Cộng Sản VN nhưng là ngày thảm bại cho cả một dân tộc mà trong đó tất cả mọi thành phần đều phải gánh một phần trách nhiệm. Nhân kỷ niệm 40 năm chẵn biến cố đổi đời này, tất cả chúng ta nên tự vấn là mình đã học được bài học nào của quá khứ trong 40 năm qua và phải làm gì với hiện tại để mãi mãi sẽ không có một ngày 30 tháng 4 khác lặp lại trong lịch sử tương lai của dân tộc Việt Nam.

N.V.T.

Sydney 28/4/2015

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn