Biến cố Gạc Ma qua Lưu trữ của Liên Hợp Quốc: Hồ sơ và Bình luận

Thiên Hương
Từ biến cố Gạc Ma nhìn về việc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc: Lời nói và sự thật
>> Tải toàn bộ hồ sơ tại Biến cố Gạc Ma qua lưu trữ của LHQ 1988
>> Đọc trực tuyến tại ISSUU 
Ngày 14/3/1988, Trung Quốc và Việt Nam đã có một cuộc đụng độ ngắn tại đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa với phần thắng thuộc về phía Trung Quốc. Trong hàng loạt bức thư gửi đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc trước và sau khi xảy ra biến cố Gạc Ma, Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định đây là một hành động tự vệ khi Việt Nam xâm chiếm trái phép lãnh thổ của họ đồng thời có nhiều hành động khiêu khích các tàu thuyền hoạt động vì mục đích phi quân sự. Đáp trả những lời tố cáo của Việt Nam rằng đây là một cuộc xâm chiếm do Trung Quốc bắt đầu, Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định Việt Nam đang theo đuổi chính sách hiếu chiến và là phía khởi đầu cho cách hành động quân sự trong biến cố Gạc Ma.
Trong bức thư của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi cho Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc ngay trong ngày xảy ra biến cố Gạc Ma, phía Trung Quốc cũng đã khẳng định Việt Nam là bên tấn công trước và Trung Quốc “bắt buộc phải phản công như là một hành động để tự vệ” [1]. Trong tuyên bố ngày 5 tháng 4 của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Trung Quốc một lần nữa khẳng định họ chỉ tiến hành một cuộc phản công tự vệ giới hạn” và tàu chiến Trung Quốc không hề có bất cứ hành động nã pháo hoặc bắn vào bất cứ người lính Việt Nam nào [2]. Trung Quốc cũng khẳng định sau cuộc đụng độ, họ đã có hành động rất nhân đạo khi cứu vớt những người lính Việt Nam bị thương rơi xuống biển. Tiếp đó, để trả lời những lập luận mà Việt Nam đưa ra xoay quanh hai phần: khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đồng thời khẳng định hành động của phía bên kia vi phạm luật quốc tế, Trung Quốc chỉ đưa ra các lập luận khẳng định chủ quyền “hiển nhiên” của mình với hai quần đảo này trong bức thư ngày 13 tháng 5 gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc [3]. Chỉ đưa ra những lập luận và tuyên bố bằng lời nói mà không hề có bất cứ hình ảnh hay bằng chứng cụ thể nào, Trung Quốc đã làm cho các tuyên bố của mình mang nặng tính thể hiện lập trường và trở nên thiếu thuyết phục. Thái độ thiếu quan tâm của cộng đồng quốc tế về tranh chấp này đã thể hiện sự thiếu hiệu quả của cuộc khẩu chiến về biến cố Gạc Ma giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đồng thời cũng đặt ra một câu hỏi bỏ ngõ về đâu là sự thật trong biến cố này.
Năm 2012, chính Trung Quốc lại công bố một thước phim ghi hình diễn tiến xảy ra ở Gạc Ma [4] cho thấy một sự thật khác với những tuyên bố 24 năm trước của họ. Trong thước phim này, điều dễ nhận thấy nhất là từ đầu đến cuối, chỉ có duy nhất một bên nổ súng. Trung Quốc với sự vượt trội thể hiện rõ qua quy mô tàu chiến, sự trang bị của hải quân cũng như sự quyết tâm của binh lính thể hiện trong phim đã đơn phương sử dụng vũ lực tấn công những người lính Việt Nam bằng hàng loạt đạn pháo liên tục với cường độ lớn. Phía Việt Nam thì lại ở thế bị động hứng chịu sự tấn công liên tục từ phía Trung Quốc. Ở đây cho thấy Trung Quốc đã dùng hai từ “tự vệ” cùng nhiều lập luận khác về thái độ và hành động của phía Việt Nam để lấp liếm hành động của mình. Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc quy định “Không một điều khoản nào trong Hiến chương này làm thiệt hại đến quyền tự vệ cá thể hay tập thể một cách chính đáng, trong trường hợp hội viên Liên Hợp Quốc bị xâm lược vũ trang, cho đến khi Hội đồng bảo an ấn định những biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế”[5]. Theo đó thì tiêu chí để xác định quyền tự vệ hợp pháp của quốc gia được thực hiện với điều kiện: quốc gia đó bị tấn công vũ trang trước; mức độ thực hiện tự vệ phải tương xứng với hành vi vi phạm, nếu vượt quá mức độ vi phạm thì hành vi tự vệ đó không được coi là tự vệ hợp pháp. Ở biến cố Gạc Ma, phía Trung Quốc rõ ràng là bên nổ súng trước nên đây không thể được xem là một hành động tự vệ hợp pháp. Nếu có thì chỉ có phía Việt Nam là bên được quyền có hành động tự vệ trước Trung Quốc mà thôi. Khó có thể tin được những tàu thuyền nhỏ và không hề được trang bị vũ khí của phía Việt Nam có thể khiêu khích và tấn công lực lượng hải quân Trung Quốc theo như họ tố các trong các bức thư 24 năm trước. Khái niệm “tự vệ” theo cách sử dụng của Trung Quốc ở đây không chỉ là một sự đánh tráo khái niệm giữa bên xâm lược và bên tự vệ mà còn là sự lấp liếm về mức độ của hành động “tự vệ” theo cách dùng của Trung Quốc. Phải chăng đạn pháo là hành động “tự vệ” của hải quân Trung Quốc trước sự khiêu khích không hề mang tiếng súng, thậm chí là chưa từng xuất hiện, của quân lính Việt Nam? Bản chất của cuộc xung đột giữa hai bên này khó có thể tìm được từ nào phù hợp hơn từ “tấn công đơn phương” hay là “xâm chiếm” theo cách dùng từ của phía Việt Nam.
Những hình ảnh trong thước phim do phía Trung Quốc công bố này còn là bằng chứng chứng minh các lập luận chối bỏ việc họ tấn công hay bắn vào các lực lượng cứu nạn của Việt Nam là giả dối. Sau khi tấn công một cách dã man lực lượng Việt Nam bằng đạn pháo công suất lớn, họ tiến hành bắt giữ những người lính bị rơi xuống biển chứ không phải giúp đỡ những người lính Việt Nam này. Những người lính Việt Nam xuất hiện trong đoạn phim như những tù binh sau cuộc đụng độ chứ không phải người bị nạn được giúp đỡ.
Biến cố Gạc Ma đã cho chúng ta thấy được một Trung Quốc vô cùng khác biệt trong lời nói và hành động trên thực địa. Từ biến cố này, chúng ta có thể nhìn về việc xây dựng đảo nhân tạo hiện nay trên biển Đông của Trung Quốc với nhiều điểm tương đồng trong các lời tuyên bố.
Mặc dù đã có những hình ảnh vệ tinh ghi nhận quá trình xây dựng các công trình nhân tạo tại 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa từ cuối năm 2014 nhưng đến tháng 3 năm 2015 thì mới có những lời cáo buộc chính thức từ phía Philippines trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc rằng việc Trung Quốc tiến hành hàng loạt hoạt động bồi đắp đất để xây dựng đảo nhân tạo là “một mối đe dọa trực tiếp đến Philippines và các quốc gia khác có tuyên bố chủ quyền (trong vùng), và cần được coi là một mối quan ngại lớn cho tất cả các nước vì đe dọa an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực” [6]. Đáp trả lại những lời tố cáo này, học giả Trung Quốc biện minh rằng đây chỉ là các hoạt động cải tạo đất (land reclamation) không trái với luật quốc tế. Ở đây, chúng ta có thể nhận thấy Trung Quốc đang cố gắng tái định nghĩa thuật ngữ “cải tạo đảo” theo lợi ích của Trung Quốc. Họ đã dùng chữ “cải tạo” để gọi tên hành động hút cát từ biển, cắt bỏ các rạn san hô để bồi đắp những khoảng đất rộng lớn từ những thực thể nửa chìm nửa nổi và các đá trên biển [7]. Trung Quốc không hề cải tạo từ những thứ sẵn có. Họ đang xây dựng những hòn đảo nhân tạo mới ngay giữa biển Đông. Rõ ràng Trung Quốc đã bỏ qua các quy định của UNCLOS, bỏ qua tuyên bố COC giữ nguyên trạng tranh chấp biển Đông, bỏ qua sự lên án của các nước khác cũng như đánh tráo khái niệm để tiến hành xây dựng đảo nhân tạo trên 7 thực thể khác nhau trên biển Đông theo một quá trình gọi là “cải tạo đảo” mà họ muốn.
Hơn thế nữa, họ nhấn mạnh yếu tố các quốc gia khác trong khu vực cũng đã và đang tiến hành xây dựng các công trình tương tự và Trung Quốc chỉ đang “cố bắt kịp” các quốc gia này [8]. Đẩy sự khởi xướng cho hành động xây dựng của mình trên biển Đông sang cho các nước khác cũng là một tuyên bố tương tự với việc Trung Quốc nhất mực khẳng định Việt Nam là bên khiêu khích và bắt đầu các hành động quân sự tại biến cố Gạc Ma năm xưa.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng dùng các hoạt động nhân đạo hoặc các công việc vì lợi ích chung của khu vực để che lấp đi hành động của mình. Người phát ngôn Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng các công trình mà vệ tinh chụp được là tàu cứu hộ, khảo sát hiện trường hàng hải, hỗ trợ ngư nghiệp “không chỉ cho Trung Quốc mà cho cả các nước láng giềng” [9]. Ông Ding Yihui của Học viện Kỹ thuật Trung Quốc cho rằng “Việc xây dựng cơ sở hạ tầng để quan sát và truyền thông là bước đi đầu tiên hướng tới việc tăng cường và nâng cao giám sát khí tượng biển, cảnh báo, dự báo và nghiên cứu khoa học” [10]. Tương tự trong biến cố Gạc Ma, Trung Quốc cũng dùng hành động cứu hộ những người lính Việt Nam để khoả lấp sự nghi ngờ về hành động tấn công của mình thì bây giờ, Trung Quốc cũng dùng những mục đích tốt đẹp vì lợi ích chung của việc xây dựng đảo nhân tạo để che dấu đi việc xây dựng đảo nhân tạo đã gây ra sự huỷ hoại môi trường biển nghiêm trọng cũng như đe doạ hoà bình và an ninh khu vực.
Một điểm giống nhau đáng chú ý giữa những tuyên bố của Trung Quốc trong cả 2 sự kiện này là Trung Quốc hoàn toàn không công bố bất cứ bằng chứng nào để làm nền tảng cho các lời tuyên bố trên. Trước những hình ảnh và bằng chứng được đưa ra bởi nhiều phía khác nhau về quá trình xây dựng đảo nhân tạo hiện nay cũng như cáo buộc hoạt động của Trung Quốc huỷ hoại môi trường, phía Trung Quốc chỉ khẳng định họ đã tiến hành khảo sát đánh giá mức độ tác động của các hoạt động “cải tạo đảo” của mình để đảm bảo hệ sinh thái tại biển Đông sẽ không bị tàn phá [11]. Tuy nhiên, những tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao hay các nhà khoa học của Trung Quốc xoay quanh vấn đề này cũng không kèm theo bất cứ hình ảnh hay số liệu cụ thể nào. Đây có phải là một sự che dấu sự thật như biến cố Gạc Ma 27 năm trước hay không? Trung Quốc không đưa ra bất cứ bằng chứng nào hay là họ không dám công bố các kết quả khảo sát trên khi biết rằng chúng không dùng để hỗ trợ cho các tuyên bố của mình?
Dựa trên những điểm giống nhau trong lời tuyên bố từ phía Trung Quốc trong biến cố Gạc Ma và quá trình xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ rằng có một sự thật rất khác với các lời tuyên bố của Trung Quốc trong cả hai sự kiện này. Đối mặt với một Trung Quốc quá khác biệt trong lời nói và hành động, các bằng chứng cụ thể là vô cùng quan trọng để có thể đảm bảo sự công bằng trong việc đánh giá các hành động của quốc gia này. Một giải pháp phù hợp với tình hình hiện nay là các quốc gia trực tiếp tham gia tranh chấp với sự hỗ trợ công nghệ từ một số quốc gia phát triển khác để có thể tự mình thu thập bằng chứng cụ thể về quá trình xây dựng đảo nhân tạo nói riêng và nhiều hoạt động thay đổi hiện trạng khác của Trung Quốc trên biển Đông nói chung. Những bằng chứng cụ thể và chân thực từ nhiều phía khác nhau có thể giúp ích cho việc đánh giá khách quan hành động hiện nay của Trung Quốc, trực tiếp phản hồi những lời tuyên bố mang tính lấp liếm của họ bằng hình ảnh và số liệu cụ thể, cũng như giúp dư luận thế giới cùng lên án hành vi sai trái này. Các bên tranh chấp trong biển Đông, những quốc gia trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi tranh chấp này càng cần phải chủ động hơn ai hết trong việc xây dựng và công bố bằng chứng.
T.H
Tác giả là một thạc sĩ ngành Quan hệ quốc tế và là một cây bút trẻ từ Dự án Đại sự ký Biển Đông.
——————
Chú thích
[1] Dự án Đại sự ký biển Đông, “Biến cố Gạc Ma qua lưu trữ của Liên Hiệp Quốc”, tại địa chỉ https://daisukybiendong.files.wordpress.com/2015/07/bie1babfn-ce1bb91-ge1baa1c-ma-qua-lc6b0u-tre1bbaf-ce1bba7a-lhq-1988.pdf truy cập ngày 7/7/2015
[2] Đã dẫn, truy cập ngày 7/7/2015
[3] Đã dẫn, truy cập ngày 7/7/2015
[4] “China vs Vietnam: Johnson South Reef Skirmish of 1988”, tại địa chỉ https://www.youtube.com/watch?v=uq30CY9nWE8 truy cập ngày 7/7/2015
[5] Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (bản tiếng Anh), tại địa chỉ http://www.un.org/en/documents/charter/ truy cập ngày 7/7/2015
[6] Statement by Philippines Secretary of Foreign Affairs: “The Challenges to Peace and Deve|opment”, tại địa chỉ http://www.un.org/en/ga/69/meetings/gadebate/pdf/PH_en.pdf truy cập ngày 7/7/2015
[7] Carl Thayer, “No, China Is Not Reclaiming Land in the South China Sea”, tại địa chỉ http://thediplomat.com/2015/06/no-china-is-not-reclaiming-land-in-the-south-china-sea/ truy cập ngày 7/7/2015
[8] Carl Thayer, “Background Briefing: South China Sea: Vietnam’s Land Reclamation 1.9%”, tại địa chỉ http://auschamvn.org/wp-content/uploads/2015/05/South-China-Sea_Vietnams-Land-Reclamation-by-Carl-Thayer-9-May-2015.pdf truy cập ngày 7/7/2015
[9] BBC tiếng Việt, “Trung Quốc bác bỏ lời của Obama” tại địa chỉ http://www.bbc.com/vietnamese/world/2015/04/150410_china_defends_reclamation truy cập ngày 7/7/2015
[10] China Meteorological News Press, “Ding Yihui: utmost urgency in improving meteorological observation capability in the South China Sea”, tại địa chỉ http://www.cma.gov.cn/en2014/news/News/201506/t20150619_285601.html truy cập ngày 7/7/2015
[11] Bonnie Glaser, “On the defensive? China explains purposes of land reclamation in the South China Sea”, tại địa chỉ http://amti.csis.org/on-the-defensive-china-explains-purposes-of-land-reclamation-in-the-south-china-sea/ truy cập ngày 9/7/2015
T.H

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn