Chiến lược xây dựng đảo cấp tốc của Trung Quốc tiến hành đến đâu? Tác giả: Simon Denyer



Người dịch: Trần Văn Minh
01-07-2015

Đá Chữ Thập, 2.740.000 mét vuông. (Chương trình Minh bạch Hàng hải Á Châu của CSIS / Digital Globe)

Hình ảnh mới chụp tuần này cho thấy Trung Quốc đang xây dựng cái gì đó trông giống như các căn cứ quân sự trên đảo bồi đắp ở Biển Đông, một tiến triển có khả năng làm tăng thêm sự quan tâm của Hoa Kỳ và các nước láng giềng Á Châu.
Trung Quốc cho biết vào hôm thứ Ba rằng công việc bồi đắp tới nay đã hoàn tất trên “một số đảo” ở Biển Đông. Nhưng trọng tâm hiện nay có vẻ là chuyển hướng các công trình xây dựng mà Trung Quốc đang thực hiện, điều mà nhiều người lo sợ sẽ dẫn đến quân sự hóa Biển Đông hơn nữa.
Các hình ảnh chụp gần đây, nhất là ngày 28 tháng 6 cho thấy Trung Quốc đã gần như hoàn thành việc xây dựng một phi đạo tại đá Chữ Thập. Các hình ảnh được Digital Globe chụp và do Chương trình Minh bạch Hàng hải Á Châu (AMTI) tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cung cấp cho Washington Post.
Công cuộc bồi đắp đảo đã hoàn tất tại đá Chữ Thập. AMTI nói công cuộc xây dựng các căn cứ không quân đang tiếp tục “với việc trải nhựa và kẻ mực phi đạo đang xảy ra, một phi đạo phụ được thêm vào, xây dựng một dãy cảm biến và phát triển các cơ sở hỗ trợ khác”.
Đá Chữ Thập (Chương trình Minh bạch Hàng hải của CSIS/ Digital Globe)
Hình ảnh này cũng cho thấy một tàu hải quân cặp vào đảo.
Đá Chữ Thập (Chương trình Minh bạch Hàng hải Á Châu của CSIS/Digital Globe)


Hình ảnh tại đá Gạc Ma cho thấy những gì trông giống như một trạm giám sát quân sự đáng kể.
Đá Gạc Ma, 109.000 mét vuông (Chương trình Minh bạch Hàng hải Á Châu của CSIS/Digital Globe)
Theo AMTI, các thực thể biển ở đây gồm có: một cảng nhỏ với chiều dài bến cặp hạn chế và hai trạm dỡ hàng, hai bãi đáp trực thăng, ba trạm ăng ten viễn thông vệ tinh, một tòa nhà lớn với nhiều tầng, hai tháp ra-đa đang xây, sáu tháp giám sát và an ninh cho hệ thống vũ khí và, hoặc là hệ thống cảm biến, bốn bệ súng lớn, một hải đăng, một trang trại năng lượng mặt trời với 44 tấm cảm quang và hai tuộc-bin gió.
Xem toàn bộ hình ảnh phô bày các hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo tại đây: https://www.washingtonpost.com/graphics/world/south-china-sea/

Bà Mira Rapp-Hooper, Giám đốc AMTI, nói rằng các cơ sở có “tất cả các điều kiện” về khả năng và ứng dụng quân sự và sẽ gia tăng khả năng cho Trung Quốc để giám sát hoạt động của các nước khác trong quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.
Bà nói, các công trình xây dựng “sẽ là thách thức ngoại giao mới, không chỉ đối với Hoa Kỳ, mà còn cho tất cả các nước trong khu vực, là những nước từng rất quan tâm trong việc ngăn chặn Trung Quốc quân sự hóa các hòn đảo”.
Ngày 16 tháng 6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng công việc bồi đắp trên một số đảo ở Biển Đông sẽ được hoàn tất trong tương lai gần và hiện nay họ sẽ bắt đầu xây dựng thêm cơ sở hạ tầng trên các đảo này. Hôm thứ Ba, họ xác nhận việc bồi đắp “trên một số đảo” đã hoàn tất. Họ nói rằng cơ sở hạ tầng chủ yếu sẽ dành cho mục đích dân sự nhưng thừa nhận cũng sẽ được sử dụng để “phòng thủ quân sự”.
Các chuyên gia nói, điều đó không phản ảnh sự thay đổi trong chính sách mà chỉ đơn giản là xác nhận một thực tế rằng dự án giành chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông một cách mạnh bạo hơn đã chuyển sang một giai đoạn mới.
Mặc dù AMTI nói việc bồi đắp đảo có vẻ như đã được hoàn tất trên năm trong số bảy hòn đảo, các hình ảnh khác chụp giữa ngày 05 và 10 tháng 6 – và hiện ở trên trang Web AMTI – chỉ ra công việc bồi đắp vẫn tiếp tục trên hai hòn đảo, đá Vành Khăn và đá Subi  
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông nhưng phải đối mặt với các tuyên bố của các đối thủ như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Bắc Kinh nói rằng họ chỉ đơn thuần chạy theo các bên tranh chấp khác đã thành lập các căn cứ trên các đảo và rạn san hô khác trong quá khứ, nhưng Hoa Kỳ sợ rằng Trung Quốc sẽ sử dụng các cơ sở mới của họ để bắt nạt các nước nhỏ hơn.
Tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken nói hành động của Trung Quốc ở Biển Đông gây ra một “mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định” và so sánh họ với Nga ở Ukraine. Ông nói, cả hai là “những nỗ lực để thay đổi hiện trạng một cách đơn phương và cưỡng chế – những vi phạm mà Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta đồng lòng chống lại”.
Nga đã chiếm được bán đảo Crimea từ Ukraine và gửi quân để hỗ trợ một cuộc nội chiến ở miền đông Ukraine đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng.
Hôm thứ Bảy vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết việc thay đổi lập trường về các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ làm xấu hổ tổ tiên, trong khi (nếu) không đối mặt với các hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc sẽ bị xấu hổ trước con cháu.
“Một ngàn năm trước đây Trung Quốc là một quốc gia đi biển lớn. Vì vậy, tất nhiên Trung Quốc là quốc gia đầu tiên phát hiện, sử dụng và quản lý quần đảo Nam Sa”, ông Vương, sử dụng thuật ngữ Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa.
“Yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa không mở rộng và cũng sẽ không thu nhỏ lại. Nếu không chúng tôi sẽ không thể đối mặt với tiền nhân và tổ tiên của chúng tôi,” ông nói, theo Reuters.
Ông Vương cho biết Trung Quốc không thể đối mặt với con cháu nếu “sự xâm lấn từ từ và từng bước lãnh thổ chủ quyền và xâm phạm lợi ích của Trung Quốc” được phép tiếp tục.
S.D.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn