Cảnh báo nước mặn xâm thực vựa lúa ĐBSCL

RFA Việt ngữ

clip_image004

Ảnh minh họa chụp tại ĐBSCL. RFA

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất Việt Nam, an ninh lương thực của Việt Nam có ổn định hay không đều tùy thuộc vào vựa lúa này. Trong thời gian gần đây, sông Cửu Long bị cạn dòng và nước mặn xâm thực vào các đồng ruộng khiến cho hàng ngàn hecta lúa bị nhiễm mặn. Nguy cơ mất mùa và đồng bằng sông Cửu Long bị biến thành ruộng muối là khải năng rất có thể trong tương lai.

Yếu tố Trung Quốc

Có nhiều câu hỏi và mối nghi vấn được đặt ra bởi tình trạng đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn trên diện rộng là tình trạng quá hiếm hoi, chưa từng có trong lịch sử nông nghiệp Việt Nam. Trong khi đó, tình hình căng thẳng trên biển Đông đang hồi cao trào liền kéo theo biến động biên giới Việt Nam – Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn.

Mới nhìn bên ngoài, ít ai đoán được vấn đề nhưng theo tư duy của một số nông dân nơi đây, giữa biển Đông, biên giới Việt Nam – Campuchia và nhiễm mặn có mối quan hệ mật thiết với nhau.

“Ruộng lúa thì bị nhiễm mặn hết rồi, người ta đến lấy mẫu về để khắc phục nhưng khó lắm. Độ mặn nó lên tới mấy ngàn luôn mà. Lúa vàng lá, thối gốc và chịu không nổi nữa thì mất mùa thôi! Nói chung là nguồn nước bị nhiễm mặn gấp hai, gấp ba lần nên ngay cả nước sinh hoạt cũng đã rất khó chứ đừng nói đến cây lúa phát triển…”.
Ông Trung

Một nông dân ở tên Trung ở An Giang, chia sẻ: “Nước người ta xài toàn bị xâm nhập mặn, trước đây xài nước dưới sông, lên người ta lóng lại rồi xài nhưng bây giờ không lóng được nữa. Ruộng lúa thì bị nhiễm mặn hết rồi, người ta đến lấy mẫu về để khắc phục nhưng khó lắm. Độ mặn nó lên tới mấy ngàn luôn mà. Lúa vàng lá, thối gốc và chịu không nổi nữa thì mất mùa thôi! Nói chung là nguồn nước bị nhiễm mặn gấp hai, gấp ba lần nên ngay cả nước sinh hoạt cũng đã rất khó chứ đừng nói đến cây lúa phát triển…”

Theo ông Trung, vấn đề nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long là một câu chuyện hết sức nhạy cảm và chắc chắn có bàn tay can thiệp của Trung Quốc. Bởi lẽ, hiện tại, trong lúc xảy ra vụ căng thẳng trên biển Đông, người Campuchia đã tiến sang đất Việt Nam quậy phá và đòi trả lại lãnh thổ biên giới cho họ và lý lẽ để đòi lãnh thổ của họ lại phụ thuộc vào các tấm bản đồ bị cạo sửa, không có cơ sở pháp lý.

Và chuyện này vô hình trung lặp lại hiện tượng chiến tranh 1979, khi mà biên giới phía Nam bị căng thẳng do Campuchia tấn công mà đằng sau họ là nhà nước Trung Quốc chống lưng. Cuộc chiến biên giới phía Nam nổ ra đúng với thời điểm Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc. Tình hình Việt Nam lúc đó bị Nam chinh Bắc chiến. Có thể nói đây là đòn phối hợp khá nhịp nhàng giữa Trung Quốc và Campuchia để tấn công Việt Nam.

Trở lại câu chuyện biên giới phía Nam trong thời gian gần đây, bổn cũ lặp lại có biến hóa, thêm bớt đôi chút. Trung Quốc đang hoành hành trên biển Đông và Việt Nam cử đại diện sang Mỹ để thương thuyết, cụ thể là ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, liền sau đó, tình hình biên giới phía Nam có biến động và vũ khí của Trung Quốc cũng áp sát biên giới phía Bắc Việt Nam.

clip_image005

Nguồn nước từ các con sông bị nhiễm mặn nặng. RFA PHOTO.

Và khi mọi chuyện vẫn chưa rõ nguồn cơn sẽ đi đến đâu thì đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn trên diện rộng. Nguyên nhân của sự nhiễm mặn này chắc chắn tùy thuộc vào lưu lượng nước trên sông Mê Kông. Trong khi đó, hàng chục con đập lớn, nhỏ của Trung Quốc đã hoạt động trên thượng nguồn con sông này, sau đó, họ đầu tư cho Campuchia xây dựng nhiều đập thủy điện trên dòng sông đi qua Campuchia.

Trong tình trạng này, nếu cả Trung Quốc và Campuchia thi nhau ngăn dòng thì khu vực hạ lưu sẽ bị giảm lưu lượng nước đáng kể vào mùa khô. Và một khi lưu lượng nước bị giảm, nước biển sẽ theo thủy triều lấn sông. Nước mặn tiến dần vào đồng bằng, vựa lúa ở đây bị đe dọa nghiêm trọng, nông dân sẽ mất mùa dài dài bởi không dễ gì xử lý được đất nhiễm mặn để tiếp tục canh tác.

Cũng theo ông Trung, vấn đề không còn đơn giản chỉ là chuyện thiên tai nữa mà là một mối đe dọa có tính chính trị đang ập lên đầu người nông dân. Giả sử như mùa hè năm sau, đồng bằng sông Cửu Long lại tiếp tục nhiễm mặn, ngập mặn trên diện rộng thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho người nông dân Nam Bộ. Bởi hiện tại, đời sống của người nông dân nơi đây không còn phồn thịnh như trước, nếu tiếp tục thất thu, sẽ khó mà lường được tương lai của họ.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn là nước có nền kinh tế nông nghiệp, hạt gạo vẫn là sản phẩm chủ đạo trong xuất khẩu cũng như đảm bảo an ninh lương thực. Nếu như đồng bằng sông Cửu Long thất thu, điều này cũng đồng nghĩa với vựa lúa lớn nhất Việt Nam cạn bồ và khó có thể lường được đời sống của người dân sẽ ra sao.

Nông dân thất thu nặng nề

“Cây lúa nó bị vàng, nó bị cháy, nó bị nhiễm mặn. Mà nhiễm mặn thì phải mất mùa rồi. Do các đợt thủy triều nó lên. Gần vùng biển quá thì nó ảnh hưởng hơi muối mà cháy…”.
Ông Thoa

Một nông dân khác tên Thoa, sống ở thành phố Long Xuyên, An Giang và thuê đất ngoài khu vực đồng Tháp Mười để canh tác, chia sẻ thêm: “Cây lúa nó bị vàng, nó bị cháy, nó bị nhiễm mặn. Mà nhiễm mặn thì phải mất mùa rồi. Do các đợt thủy triều nó lên. Gần vùng biển quá thì nó ảnh hưởng hơi muối mà cháy…”.

Theo ông Thoa, với tình hình này, rất có thể nền kinh tế nông nghiệp trên cả nước sẽ đối mặt với sự khủng hoảng. Bởi một khi đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn trên diện rộng, trong lúc lượng phù sa bù đắp trên các cánh đồng hằng năm đã giảm đáng kể bởi phía Campuchia và Trung Quốc đã ngăn đập. Với đà này, chỉ cần liên tục hai năm nhiễm mặn, đồng bằng sông Cửu Long sẽ trơ trọi vì thiếu màu xanh của lúa.

Đây không phải là chuyện nói đùa hay đoán mò mà là một sự thật hết sức khắc nghiệt bởi khi đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm mặn và lượng phù sa bồi đắp mỗi năm càng ít ỏi dần sẽ dẫn đến những cánh đồng chết. Trong khi đó, phía Campuchiqa chỉ cần bắt tay với Trung Quốc, hai nước này liên tục khai thác năng lượng chảy bằng cách ngăn các con đập trên sông Mê Kông thì Việt Nam chỉ còn nước há miệng chờ nước về.

Người nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ thiếu đói trong thời gian sắp tới. Mà một khi người nông dân Tây Nam Bộ bị đói thì chắc chắn rằng người Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi nguồn xuất khẩu chính bị cạn và an ninh lượng thực trên cả nước bị đe dọa.

Ông Thoa nói rằng hiện tại, gia đình ông đã mất trắng gần ba chục mẫu ruộng. Mùa thu hoạch năm nay sẽ hết sức khó khăn. Trong khi đó, vựa lúa Tuy Hòa, Phú Yên và Quảng Điền, Thừa Thiên Huế cũng đang báo động mất mùa. Không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho người nông dân trước mùa mưa bão?!

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Nguồn:

http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/mekong-delta-rice-fields-saltinized-07312015122141.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn