Gene lãnh đạo hay gene đảng?

Nguyễn Văn Tuấn

Đề cập đến hiện tượng "thái tử đảng" gần đây ở Việt Nam, một đại biểu Quốc hội phát biểu rằng năng khiếu lãnh đạo có tố chất di truyền, rồi bà lấy trường hợp của Gs Tôn Thất Tùng và Tôn Thất Bách làm ví dụ minh hoạ (1). Câu này nghe qua thì có vẻ như là một biện minh, nhưng trong thực tế thì quả thật có nghiên cứu cho thấy năng khiếu lãnh đạo là một đặc tính di truyền, và người ta thậm chí còn tìm ra "gen lãnh đạo"! Nhưng đó là kết quả nghiên cứu ở nước ngoài, còn ở Việt Nam trong thời XHCN với chế độ "cơ cấu" và thái tử đảng thì tôi nghĩ nghiên cứu của Tây khó có thể áp dụng vào việc diễn giải và biện minh như bà đại biểu QH. Tôi nghĩ gen lãnh đạo ở Việt Nam, nếu có, khó có thể có ảnh hưởng bằng “gen đảng”. Dưới đây, tôi sẽ giải thích tại sao.

Vâng, năng khiếu lãnh đạo có yếu tố di truyền!

Lí thuyết rằng năng khiếu lãnh đạo chịu sự tác động của di truyền không phải là mới. Trong quá khứ, giới khoa học xã hội đã có nhiều nghiên cứu về di truyền học và lãnh đạo. Một số người trong nhóm này từng là thầy, là bạn tôi trong thời gian tôi còn ở Mĩ. Phải xác định rằng hai chữ "lãnh đạo" (hay leadership) ở đây hơi phức tạp, vì nó là một đặc tính bán định lượng. Để đo lường năng khiếu lãnh đạo, người ta dùng bộ câu hỏi đa yếu tố có tên là MLQ (Multifactor Leadership Questionnaire). Bộ câu hỏi này [dĩ nhiên] có nhiều câu hỏi liên quan đến khả năng truyền cảm hứng, khả năng gây ảnh hưởng. hành vi gây ảnh hưởng, khuyến khích tri thức, khả năng quản lí qua việc làm thực tế, cố gắng làm hơn những gì được giao, hiệu quả trong công việc, v.v. Nói chung là nhiều yếu tố, rồi sau đó dùng thuật phân tích thống kê tổng kết thành một biến định lượng cho phân tích di truyền – tạm gọi biến này là leadership trait.

Phân tích di truyền đơn giản nhất là so sánh hệ số tương quan giữa hai người sinh đôi. Nhưng sinh đôi có hai nhóm: nhóm MZ thì hai người có 100% genes giống nhau; nhóm DZ như anh/chị em có 50% genes giống nhau. Do đó, nếu biến định lượng lãnh đạo có độ tương quan cao hơn trong nhóm MZ so với DZ thì đó là một chứng cứ cho thấy leadership trait chịu sự ảnh hưởng của di truyền. Quả thật, khi người ta làm nghiên cứu trên người sinh đôi thì yếu tố di truyền giải thích khoảng 28-50% những khác biệt về biến định lượng lãnh đạo leadership trait (3). Ngay cả từ thời còn đi học, người ta cũng phát hiện rằng năng khiếu lãnh đạo mang tính di truyền nhưng mức độ ảnh hưởng thấp, chỉ 24% (4).

Đi xa hơn nữa và "thừa thắng xông lên", câu hỏi kế tiếp là nếu năng khiếu lãnh đạo là do di truyền, thì gen cụ thể nào có ảnh hưởng đến năng khiếu đó. Năm 2013, thế giới di truyền học xôn xao vì một nhóm nghiên cứu bên Anh tuyên bố rằng họ khám phá ra một gen lãnh đạo (nói nôm na như thế). Cái genetic variant này nằm trong gen CHRNB3 (5). Người mang genetic variant đó có xu hướng làm lãnh đạo và làm lãnh đạo tốt.

Do đó, nếu nhìn qua chứng cứ khoa học thì bà đại biểu QH nói cũng có lí, chứ không phải vô lí. Tuy nhiên, khi phát biểu ra câu đó thì bà có lẽ chẳng biết đến các thông tin khoa học mà tôi đề cập, mà chỉ qua quan sát thực tế thôi (và như thế cũng là... chứng cứ). Chỉ có điều quan sát của bà không khách quan mấy.

"Gene đảng"

Thật ra, nếu quan sát như cách bà đại biểu QH làm, tôi cũng có thể nói rằng vào đảng cộng sản cũng là một đặc tính di truyền, bởi vì những gia đình mà cha hay mẹ theo đảng thì con cháu cũng có xu hướng theo đảng; ngược lại người ngoài đảng thì con cái họ cũng muốn tồn tại ngoài đảng. Do đó, có thể nói rằng xu hướng theo đảng cộng sản là mang tính di truyền. Nhưng dĩ nhiên, kết luận đó sẽ bị thách thức, vì bỏ quên yếu tố truyền thống. Người trong đảng cũng như trong bộ lạc, và bộ lạc nào cũng có truyền thống, do đó người trong bộ lạc sẽ cố gắng khuyến khích con cái mình tham gia cái bộ lạc đó. Cũng như người có con em ra nước ngoài cũng khuyến khích những người con khác ra nước ngoài. Hình như hiện tượng này giới xã hội học gọi là "cultural transmission", hay "di truyền văn hoá." Nó chẳng dính dáng gì đến di truyền huyết thống mà bà đại biểu QH nói đến.

Táo và cam

Nếu bà nói lãnh đạo có tố chất di truyền thì phải lấy ví dụ các thái tử đảng ra làm ví dụ, chứ sao lại lấy ví dụ ngành y ra làm ví dụ. Như thế là bà tránh, không dám đề cập đến hiện tượng thực tế thái tử đảng. Cái ví dụ về Gs Tôn Thất Tùng và con ông là Gs Tôn Thất Bách rất... lạc đề. Lạc đề là vì hai người đó thuộc ngành y, một ngành học đòi hỏi trí thông minh cao và ứng phó tình thế tốt. Người bác sĩ phải có IQ và EQ cao, còn người làm chính trị ở Việt Nam thì không đòi hỏi hai cái đó cao chót vót như ngành y.

Một người có thể dùng búa hay súng để giết người và trở thành lãnh đạo chính trị, nhưng không thể là bác sĩ được. Một người không đến đại học ngày nào có thể thành lãnh đạo chính trị cao cấp, nhưng không bao giờ làm bác sĩ được. Ông Tôn Thất Bách tuy có quan hệ huyết thống với Gs Tôn Thất Tùng, nhưng ông Bách vẫn phải chứng tỏ trí thông minh của mình (qua thi cử) và tay nghề một cách minh bạch, còn trong chính trị thì tính minh bạch là một xa xỉ. Do đó, không nên lấy trường hợp y khoa để minh hoạ cho hiện tượng thái tử đảng.

Làm chính trị cũng cần thông minh, nhưng chỉ là một yếu tố trong năng khiếu lãnh đạo như tôi nêu trên trong bộ câu hỏi. Thông minh là một đặc tính chịu sự ảnh của di truyền khá cao, lên đến 60%. Nhưng tôi phải thêm rằng con số này (60%) cũng bị tranh cãi nhiều, vì cách tính và cách đánh giá cái gọi là "thông minh." Do đó, so sánh giữa thông minh trong ngành y và năng khiếu lãnh đạo chính trị là nguỵ biện (vì giống như so sánh giữa trái táo và trái cam).

Diễn giải trong bối cảnh Việt Nam

Quay lại câu chuyện di truyền và lãnh đạo, tôi thấy rất khó diễn giải dữ liệu đó cho Việt Nam. Có nhiều lí do, nhưng tôi nghĩ đến lí do môi trường. Cần phải nói thêm và nhấn mạnh rằng hệ số ảnh hưởng của di truyền lên năng khiếu lãnh đạo quá thấp (chỉ 24% hay cao nhất là chỉ 50%). Điều có có nghĩa là yếu tố ngoài di truyền vẫn có ảnh hưởng cao, có thể lên đến 75%. Những yếu tố gọi chung là "môi trường" đó có thể bao gồm cơ cấu tổ chức của hệ thống xã hội, cơ hội, môi trường làm việc, bằng cấp, v.v. Ở Việt Nam, ai cũng biết "con vua thì lại làm vua" và con sãi thì vẫn phải quét lá đa, không phải do di truyền, mà do cha mẹ bố trí cho con mình vào vị trí lãnh đạo. Sự bố trí có thể là gián tiếp, nhưng cũng có thể là trực tiếp mà công chúng không biết. Ai cũng biết hiện tượng "gửi con em" ở Việt Nam. Không phải là đảng viên thì không thể trở thành lãnh đạo ở Việt Nam được, mà đảng là truyền thống (như tôi nói trên). Do đó, cái yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng lãnh đạo ở Việt Nam chẳng dính dáng gì đến di truyền cả, mà có thể xem là một “cultural transmission” – di truyền văn hoá.

Một sai lầm và cũng là nguỵ biện mà mấy người nghiêng về lí thuyết di truyền hay nói là tính xác định, gọi là determinism. Nói cách khác, khi có chứng cứ về ảnh hưởng của yếu tố di truyền, họ liền xem đó là mối quan hệ nhân quả đường thẳng, hiểu theo nghĩa cha làm lãnh đạo thì con đương nhiên làm lãnh đạo. Cái quan điểm này chẳng những sai, mà còn ngây thơ. Ngây thơ là vì họ quên rằng yếu tố môi trường có độ ảnh hưởng đến khiếu lãnh đạo lớn hơn di truyền. Sai là vì chưa xem xét đến sự tương tác giữa di truyền và môi trường. Nhiều người Việt có tài (tố chất) nhưng ở môi trường Việt Nam thì không làm lãnh đạo được (thậm chí không được đi học) nhưng khi ra nước ngoài thì trở thành những "sao" sáng. Do đó, cũng là tố chất di truyền đó, nhưng ở môi trường không tốt thì sẽ lu mờ, nhưng ở môi trường tốt thì sẽ toả sáng. Nhìn như thế để thấy rằng nếu chỉ nói đến di truyền mà không nói đến môi trường thì là một sai sót nghiêm trọng. Ở Việt Nam, cái môi trường quan trọng số 1 và mang tính quyết định là đảng tính, chứ không phải gene.

Môi trường làm việc cũng quan trọng. Nếu là người có tài thật sự mà trong môi trường kì thị thì cũng khó làm lãnh đạo. Cách đây không lâu, NIH có đưa ra một thông tin làm nhiều người sững sờ. Trong số giáo sư ở Mĩ người Á châu chiếm 6.2%, nhưng ở vị trí lãnh đạo đại học thì người Á châu chỉ chiếm 2.4%. Rất rất hiếm người Á châu nào làm hiệu trưởng đại học ở Mĩ (hình như chỉ có 1 người nhưng tôi quên tên). Trong hệ thống có thể xem là kì thị đó (chữ của NIH) thì rõ ràng nó ảnh hưởng nhiều hơn là yếu tố di truyền.

Chuyện nghiêm chỉnh hơn, nghiêm trọng hơn, và thực tế hơn: Có thể xem xã hội và hệ thống chính trị ở Việt Nam là một hệ thống kì thị. Kì thị tôn giáo, kì thị tuổi tác, kì thị giới tính, kì thị người trong và ngoài nước, kì thị đảng phái. Phải nói một cách khách quan là xã hội Việt Nam kì thị hơn xã hội Mĩ. Do đó, trong cái môi trường kì thị quá nặng nề như thế thì yếu tố hay tố chất di truyền chẳng có ý nghĩa gì cả. Và, như thế viện dẫn di truyền để hợp thức hoá cho hiện tượng thái tử đảng, theo tôi, là một giải thích thiếu thuyết phục.

Ghi thêm: Một cách thuyết phục hơn là so sánh cái biến định lượng về lãnh đạo dùng công cụ MLQ trong gia đình xem có tính di truyền không. Muốn thế thì mỗi lãnh đạo phải được kiểm định bằng bộ câu hỏi MLQ, rồi lấy máu gửi qua Viện chúng tôi để phân tích gen CHRNB3, xác định xem những người lãnh đạo có phải thật sự có điểm MLQ cao và có gen CHRNB3. Nói thế cho vui thôi, nhưng nếu Đảng Cộng sản Việt Nam làm thì tôi xin tình nguyện làm giùm. Có thể đề tài này là cấp Nhà nước và Trung ương Đảng nên làm chủ trì đề tài, và tôi làm cố vấn khoa học clip_image001.

====

(1) http://vietnamnet.vn/…/con-lanh-dao-lam-lanh-dao-la-hanh-ph…

(2) MLQ http://www.mindgarden.com/documen…/MLQGermanPsychometric.pdf

(3) http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/10100814

(4) http://www.sciencedirect.com/…/article/pii/S1048984312000811

(5) http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3583370/

Nguồn: FB Nguyễn Tuấn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn