Malaysia: yếu tố mới trong vấn đề Biển Đông

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

clip_image002

Tướng Zulkefli Mohd Zin Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Malaysia phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn

Diễn đàn Hương Sơn kết thúc với nhiều yếu tố mới xuất hiện, bên cạnh việc Bắc Kinh muốn làm giảm sự lo ngại của các nước trong khu vực với lời hứa sẽ không có việc dùng vũ lực thì sự lên tiếng mạnh mẽ của Malaysia về vấn đề Biển Đông đã khiến giới quan sát quốc tế cho rằng Trung Quốc đã thất bại trong việc xé lẻ các nước với ý đồ từng bước lấn chiếm vùng biển đang có tranh chấp. Mặc Lâm phỏng vấn TS Lê Hồng Hiệp, giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và hiện đang nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) Singapore.

Mặc Lâm: Thưa TS, Diễn đàn Hương Sơn đã bế mạc với dư âm làm cho nhiều người thật sự quan tâm. Trước nhất là việc Trung Quốc trấn an các nước ASEAN rằng họ sẽ không dùng biện pháp quân sự. Theo cái nhìn của TS thì sự hứa hẹn này phát xuất từ nguyên nhân nào?

TS Lê Hồng Hiệp: Theo tôi thì đây là chiến thuật của Trung Quốc tạm thời xoa dịu tình hình Biển Đông đặc biệt trong bối cảnh việc xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa đã gặp phải sự phản đối rất mạnh mẽ không chỉ của các nước có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông trực tiếp mà còn các quốc gia khác trong khu vực như Nhật Bản hay Mỹ chẳng hạn cho nên tôi nghĩ rằng đây chỉ là động thái nhất thời của Trung Quốc vừa xoa dịu tình hình vừa làm các chỉ trích của Mỹ cũng như khi họ tuyên bố gần đây là sẽ gửi tàu vào tuần tra trong phạm vi 12 hải lý chung quanh các đạo nhân tạo của Trung Quốc mới bồi đắp thì họ có ít cơ sở ít lý do hơn để mà thực hiện.

Cơ bản về lâu dài thì xu hướng của Trung Quốc thì ngày càng xác quyết và muốn kiểm soát vì vậy tình hình Biển Đông tôi nghĩ là sẽ không thay đổi.

Mặc Lâm: Cũng trong Diễn đàn này Tướng Zulkefli Mohd Zin Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Malaysia là người duy nhất mạnh mẽ chỉ trích hành vi xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông là khiêu khích. TS thấy gì trước sự “phản ứng” bất ngờ này?

“Gần đây ta thấy bản thân Trung Quốc cũng có các hoạt động xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia cụ thể chúng ta thấy có hai chuyến tuần tra, diễn tập của hải quân Trung Quốc ở bãi Tăng Mẫu nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia”.

TS Lê Hồng Hiệp

TS Lê Hồng Hiệp: Động thái của ông đại diện cho Malaysia là điều tương đối bất ngờ. Bất ngờ ỏ chỗ trong khi các đại diện khác từ những quốc gia như Việt Nam hay Philippines lâu nay có mâu thuẫn lớn với Trung Quốc ở Biển Đông nhưng đại diện hai nước này lại không lên tiếng chỉ trích Trung Quốc. Người ta có thể hiểu được là do hội nghị này tổ chức ngay trên sân nhà của Trung Quốc cho nên các quốc gia Việt Nam hay Phi không đưa ra các nhận xét chỉ trích mang tính gay gắt. Trong khi đó Malaysia cũng là một khách mời của Trung Quốc, bản thân lâu nay có chính sách tương đối mềm mỏng trong hồ sơ Biển Đông nhưng bây giờ họ lại lên tiếng tương đối mạnh mẽ thì tôi nghĩ rằng có một vài yếu tố dẫn tới sự thay đổi này ít nhất là trong tuyên bố của đại diện Malaysia.

Gần đây ta thấy bản thân Trung Quốc cũng có các hoạt động xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia cụ thể chúng ta thấy có hai chuyến tuần tra, diễn tập của hải quân Trung Quốc ở bãi Tăng Mẫu nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.

Thứ hai nữa các tàu của Trung Quốc cũng có động thái canh giữ và ngấp nghé muốn giữ cái cấu tạo “Luconia” (Luconia Shoals) lâu nay nằm chìm dưới nước nhưng thời gian gần đây do thay đổi địa chất nó đã bắt đầu nổi lên mặt nước và bản thân Trung Quốc cũng có ý định dòm ngó. Có điều là cái cấu tạo này cũng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.

Điều thứ ba tôi nghĩ có thể cũng có liên quan tới tình hình chính trị nội bộ của Malaysia khi gần đây có sự chia rẽ trong chính trường nước này với các cuộc biểu tình do chủ yếu là người gốc Hoa tham gia phản đối thủ tướng Nazib và chính quyền của ông này. Đây cũng là một phần do mâu thuẫn sắc tộc trong nước Malaysia nó dẫn tới việc chính phủ Malaysia họ có thái độ mềm dẻo hơn đối với người Mã gốc Hoa, đặc biệt sau cáo buộc ông Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia có động thái can thiệp chính trị vào nội bộ nước này. Những điều này góp phần dẫn tới thái độ cứng rắn của đại diện Malaysia tại hội nghị lần này ở Trung Quốc.

clip_image005

Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 6 diễn ra tại Bắc Kinh Trung Quốc

“Mặc dù Trung Quốc tuyên bố phục vụ các mục đích dân sự và hai ngọn hải đăng là tài sản chung cho cộng đồng quốc tế nhưng ta thấy ý định đằng sau của họ vẫn chủ yếu là xác lập chủ quyền của họ trên Biển Đông mà thôi”.

TS Lê Hồng Hiệp

Mặc Lâm: Bắc Kinh nói là việc xây dựng hai ngọn hải đăng vừa qua trên vùng biển Trường Sa là vì lợi ích chung và hai hải đăng này cũng là tài sản chung của cộng đồng. Đây có phải chiến thuật lấn biển bằng kỹ thuật hàng hải và đặt các nước vào sự đã rồi hay không?

TS Lê Hồng Hiệp: Những nhà quan sát về tình hình biển đông lâu nay đều nhận thấy ý định đàng sau hành động của Trung Quốc khi xây hai ngọn hải đăng này. Như chúng ta đã biết qua việc xây dựng để cho tàu thuyền quốc tế sử dụng hai ngọn hải đăng này thì nó sẽ tạo nên cơ sở để cho Trung Quốc về lâu dài có thể khẳng định quyền chiếm hữu trên thực tế cũng như chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông mà cụ thể đây là các đảo trong khu vực Trường Sa. Mặc dù Trung Quốc tuyên bố phục vụ các mục đích dân sự và hai ngọn hải đăng là tài sản chung cho cộng đồng quốc tế nhưng ta thấy ý định đằng sau của họ vẫn chủ yếu là xác lập chủ quyền của họ trên Biển Đông mà thôi.

Mặc Lâm: Quay trở lại việc Hoa Kỳ tuyên bố tuần tra trong khu vực 12 hải lý theo TS thì kịch bản nào Trung Quốc sẽ áp dụng nếu Hoa Kỳ thực sự hành động?

TS Lê Hồng Hiệp: Theo tôi sớm hay muộn thì Hoa Kỳ cũng thực hiện và bản thân Trung Quốc cũng không có nhiều lựa chọn để ứng phó. Điều khả dĩ nhất tôi nghĩ rằng phía Trung Quốc sẽ cho tàu của họ ra chặn đường tàu tuần tra của Mỹ, dùng phương tiện để cảnh báo cũng như yêu cầu tàu Mỹ rời ra khỏi phạm vi 12 hải lý đó. Đó là điều mà tôi nghĩ rằng Trung Quốc có thể làm.

Tuy nhiên gần đây tôi cũng thấy một số ý kiến cho rằng Mỹ tuần tra trong phạm vi 12 hải lý có thể phản tác dụng vì sẽ tạo cớ cho Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Trường Sa. Họ sẽ nói các tàu của Mỹ xâm phạm vào các vùng biển của họ và họ sử dụng nó làm cái cớ để tiến hành biện pháp quân sự hóa các điểm chiếm đóng ở các đảo nhân tạo này. Tôi cũng chưa rõ phía Mỹ có thực sự triển khai ý định này hay không nhưng về lâu dài thì chắc chắn họ sẽ thực hiện, bởi vì dẫu sao thì ý đồ của Trung Quốc đối với những đảo nhân tạo này sớm hay muộn cũng xảy ra cho dù hiện tại họ cam kết không tiến hành việc ấy ngay bây giờ.

Mặc Lâm:Xin cảm ơn TS Lê Hồng Hiệp.

M.L.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/malay-nw-fac-in-east-sea-10212015061534.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn