Khi người dân thức tỉnh thì luật bầu cử trở nên lạc lõng

Luật gia Nguyễn Kim Môn

(Ứng cử viên ĐB QH khóa 14)

Luật bầu cử của Việt Nam được thông qua năm 2015. Tuy nhiên, khi người dân thức tỉnh về quyền tự ứng cử của mình thì luật bầu cử lại trở nên lạc lõng và vô lý...

clip_image002

Nguyễn Kim Môn: Phải chăng Luật bầu cử đã quá lạc hậu?

Luật bầu cử của Việt Nam được thông qua năm 2015. Tuy nhiên, khi người dân thức tỉnh về quyền tự ứng cử của mình thì luật bầu cử lại trở nên lạc lõng và vô lý. Nó lại trở thành rào cản để hạn chế dân chủ và gây khó cho công tác bầu cử. Sự không minh bạch trong luật bầu cử chỉ tạo ra bất bình đẳng trong quá trình ứng cử và bầu cử. Trong Luật bầu cử chỉ quy định: công dân Việt Nam từ đủ 21 tuổi trở lên, không nằm trong diện hạn chế (tù, tâm thần, đang bị truy nã..) thì đều có quyền tự ứng cử. Đây là một quy định rất mở. Có thể khi đặt ra quy định này, Quốc hội Việt Nam chưa lường hết Việt Nam sẽ hình thành “phong trào tự ứng cử”. Nhưng thực tế đã chứng minh, kỳ bầu cử năm 2016 này đã manh nha hình thành phong trào tự ứng cử. Phong trào này chắc chắn sẽ nở rộ vào kỳ bầu cử tiếp theo vào năm 2021. Lúc đó sẽ không phải là hơn 100 người tự ứng cử nữa mà sẽ là hơn 1000, thậm chí sẽ là vài nghìn người ra ứng cử. Khi đó công tác bầu cử sẽ bị quá tải khi có số lượng nhiều người ra ứng cử.

Phần bất hợp lý thứ hai tôi muốn trình bầy là các giai đoạn của quá trình bầu cử.

Luật bầu cử của Việt Nam quy định như sau:

- Hiệp thương lần thứ nhất: theo như quy định thì đây là bước cơ cấu số người được bầu, số người ra ứng cử. Trước đây, khi không có phong trào tự ứng cử thì đảng cộng sản tự ý sắp xếp số lượng người ra ứng cử cho tất cả các đơn vị, tất cả các địa phương. Nhưng do luật bầu cử ở Việt Nam khá rộng (do sơ ý khi thông qua luật mà chưa lường hết được) nên số người tự ứng cử sẽ không thể kiểm soát được nên nó đã làm bước hiệp thương lần này trở nên vô nghĩa. Tức là hiệp thương để đưa ra số lượng người ứng cử. Nhưng thực tế theo luật bầu cử thì lại không thể biết được bao nhiêu người sẽ ra ứng cử.

- Hiệp thương lần thứ hai: đây là bước sơ bộ lên danh sách người ứng cử. Xét về thực tế thì đây là một bước thừa. Việc lên danh sách chỉ cần một tiểu ban tổng hợp từ các hồ sơ ứng cử là được. Hiệp thương tức là thương lượng mặc cả của các tổ chức về số người họ cử ra để ứng cử. Về hình thức thì tưởng là dân chủ những thực tế lại là không dân chủ. Việc cử bao nhiêu người ra ứng cử là ý chí chủ quan của tổ chức cử người ra ứng cử; là ý chí chủ quan của người tự ứng cử. Như vậy, mặt trận tổ quốc sẽ không thể gạt bất kỳ một ai ra khỏi danh sách ứng cử. Việc mặt trận tổ quốc Việt Nam nếu tự ý gạt bỏ người ứng cử ra khỏi danh sách là một hành động phi dân chủ không thể chấp nhận được. Do vậy tôi cũng thấy bước hiệp thương này là thừa và tốn tiền ngân sách.

- Hiệp thương lần thứ ba: sau hiệp thương lần thứ hai thì danh sách các ứng cử viên sẽ được chuyển về địa phương để lấy ý kiến cử tri tri tại nơi cư trú và nơi làm việc. Giai đoạn này bắt đầu xuất hiện các yếu tố phản dân chủ và độc tài gian lận trong bầu cử. Theo quy định thì đại biểu quốc hội không quá 500 người, trong khi dân số Việt Nam hiện giờ khoảng trên 90 triệu người. Như vậy, tính ra mỗi đại biểu quốc hội sẽ đại diện cho khoảng 200000 người. Vậy mà để được lọt vào danh sách ứng cử họ lại bị phụ thuộc vào ý chí của ngót 100 người trong tổ khu phố. Chưa kể trong số ngót 100 người này lại còn được sự sắp đặt của chính quyền, an ninh... Với những người đi làm thì họ còn phải qua hội nghị cử tri nơi làm việc. Số cử tri này nhiều nơi còn không đủ 50 người. Chính vì vậy nên đã có một kỷ lục là người ứng cử chỉ đạt 0% tín nhiệm (thầy giáo Đỗ Việt Khoa). Tiếp theo bước lấy ý kiến cử tri tại nơi làm việc và nơi cư trú lại là hiệp thương ở cấp thành phố. Tại đây thì người ứng cử có thể bị loại ra khỏi danh sách ứng cử mà họ không hề biết vì lý do gì bởi một nhóm người trong uỷ ban bầu cử. Nếu người ứng cử có khiếu nại thì để giải quyết được cho họ thì kỳ bầu cử coi như đã qua mà chẳng ai phải chịu trách nhiệm.

- Bầu cử và kiểm phiếu: trong bầu cử, việc gian lận bầu cử và gian lận phiếu bầu xảy ra ở rất nhiều nơi trên thế giới. Chính vì vậy giai đoạn bầu cử và kiểm phiếu rất cần sự minh bạch. Để minh bạch thì phải có nhiều cơ quan, công dân đặc biệt là phóng viên báo chí tham gia giám sát. Ở Việt Nam đã xuất hiện một người đi bầu cho cả nhà hoặc tổ trưởng đi bầu hộ người dân. Đây là hành vi vi phạm luật bầu cử cần phải được chấm dứt. Công tác kiểm phiếu cũng là một khâu cần giám sát đặc biệt để tránh xảy ra hiện tượng tráo phiếu bầu. Giờ đây, công nghệ thông tin đã giúp người dân làm tốt việc đó. Các phòng bầu cử, các phòng kiểm phiếu cần phải lắp camera giám sát 24/24 để ghi lại tất cả hoạt động trong ngày bầu cử. Chỉ như vậy mới mong bầu cử không có gian lận.

Tóm lại, khi người dân thức tỉnh thì luật bầu cử đã trở nên lỗi thời. Để làm tốt công tác bầu cử, ngay sau kỳ bầu cử này cần phải thay đổi luật bầu cử sao cho minh bạch, sao cho các tiêu chí tham gia ứng cử phải được xác định bằng các con số có thể cân, đo, đong, đếm được chứ không thể theo ý trí của một nhóm người được.

N.K.M.

Theo Facebook Nguyen Kim

Linh nguồn: https://www.facebook.com/nguyen.kim.56/posts/854535111339459

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn