Mất lòng tin là mất tất cả

Tô Văn Trường

Người ta thường nói mất tiền là mất ít, mất danh dự là mất nhiều và mất lòng tin là mất tất cả. Đất nước ta đang trong thời buổi chao đảo và khủng hoảng lòng tin của nhân dân đối với lãnh đạo, đối với giới khoa học và lòng tin giữa các thành phần trong xã hội. Riêng lòng tin của nhân dân đối với lãnh đạo và đối với hệ thống thông tin đại chúng chính thức, vốn đã lung lay thì trong thảm họa cá chết ở miền Trung đã có lúc suy giảm đến mức như không còn gì.

Lòng tin, xét cho cùng phụ thuộc vào người được tin chứ không phải người tin. Cây có ngay thì bóng mới tròn. Nhân dân khi nào và ở đâu cũng vậy, rất công bằng.

Ở các nước phát triển, mỗi khi xảy ra thảm họa do tự nhiên hay con người, dân chúng đều bình tĩnh và vững tin vào các biện pháp xử lý của chính quyền. Nhà cầm quyền hiểu rõ nguyên lý được lòng tin của dân chúng tức là sẽ giải quyết được sự cố nên họ phản ứng rất nhanh và có trách nhiệm với các giải pháp trước mắt và lâu dài. Và khi nào cũng vậy, họ minh bạch thông tin với dân chúng.

Ở Việt Nam thì khác. Thảm họa cá chết ở duyên hải miền Trung vừa qua là ví dụ điển hình. Trong bài viết này, tôi chỉ nhấn mạnh vài vấn đề được nhiều người quan tâm.

Giá trị các bài viết của giới khoa học

Trước phản ứng lúng túng, quá chậm, trống đánh xuôi kèn thổi ngược về thảm họa ở duyên hải miền Trung của các cơ quan chức năng trong nước, một số thông tin phân tích của các nhà khoa học có tác động rất lớn đến người dân trong nước, tiêu biểu như : “Vì sao cá chết hàng loạt dọc duyên hải miền Trung” của tác giả Nguyễn Minh Quang (Hoa Kỳ); “Thảm họa môi trường miền Trung và câu hỏi về một số quy chuẩn Việt Nam” tác giả Phạm Hồng Phong; Thông tin từ Email

thuytrangnguyen@gmail.com đã tìm ra các hóa chất nằm trong mẫu nước biển tại Vũng Áng được lấy ngày 24/4/2016 và đưa về Âu Châu thử nghiệm ngày 26/4/2016 bao gồm 5 hóa chất độc hại chính và Cyanide của Bác sĩ Tiến sĩ sinh vật/hóa học Nguyễn Thùy Trang v.v...

Tôi quen biết Nguyễn Minh Quang. Sau khi nhận được bình luận riêng của tôi về bài viết, anh Quang đã phản hồi nguyên văn như sau:

“Cảm ơn ý kiến của Trường về bài viết vừa qua. Đúng như Trường nói (và tôi cũng có nói), những dữ kiện mà tôi có được rất hạn chế, cho nên cái kết luận của tôi phải dựa vào “engineering judgment”, hoàn toàn dựa trên khả năng và kinh nghiệm chuyên môn của người phán đoán; do đó, kết luận của tôi có thể không còn thích hợp nếu có dữ kiện đầy đủ hơn.

Tôi nghĩ đây chỉ là những đóng góp rất nhỏ nhoi của một con dân Việt Nam ly hương để “trả một phần món nợ” của đồng bào và đất nước đã cưu mang tôi để có ngày hôm nay. Tôi rất mong những “ý kiến xây dựng của tôi” sẽ được cứu xét và áp dụng. Và đó chính là một danh dự và cũng là một phần thưởng cho một chuyên viên kỹ thuật, như tôi và Trường. Cảm ơn Trường vẫn còn nghĩ đến tôi”.

Để rộng đường công luận, tôi muốn giải thích rõ hơn. Hai bài báo của của anh Quang và anh Phong rất công phu, nhiều phân tích, đánh giá rất đáng suy ngẫm.

Dĩ nhiên cả hai bài báo nói trên phải dựa trên phán đoán vì làm gì có số liệu thực tế mà phân tích. Tuy nhiên, một số vấn đề cần được trao đổi lại/ hoặc kiểm tra lại.

Formosa chưa đi vào hoạt động, nên chưa có nước thải phải tuân thủ theo QCVN 52/2013, tức là chưa có Cr VI, xyanua, và có thể cũng chưa có nhiều amoni. Hiện nay, nước thải của Formosa mới chỉ là nước súc rửa, thử thủy lực đường ống. Sẽ có nhiều chất ô nhiễm liên quan phụ thuộc vào danh mục hóa chất sử dụng, phải tuân thủ theo QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp.

Giấy phép xả thải của Formosa hiện nay không thích hợp để kiểm soát những chất ô nhiễm độc hại của một nhà máy luyện thép. Theo những giấy phép xả thải, ngoài những đòi hỏi cơ bản dựa trên tiêu chuẩn chung về nước thải, chẳng hạn như QCVN 40, giấy phép xả thải còn có những đòi hỏi đặc biệt tùy thuộc vào đặc tính của nước thải của từng nhà máy và phương pháp sản xuất. Thí dụ, giấy phép xả thải của một nhà máy luyện thép bao gồm việc luyện than coke thì phải bao gồm những chất ô nhiễm như anh Quang đã phân tích.

Anh Phong đặt vấn đề xem xét lại Quy chuẩn môi trường của VN. Theo tôi hiểu, so sánh QCVN 52 và QCVN 40 thì các chỉ số Cr VI, xyanua, tổng nito trong QCVN 52 "dễ dàng" hơn khi thải vào nguồn loại B là nguồn không dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, cụ thể là Cr VI trong QCVN 52 quy định giá trị tối đa cho phép là 0,5 mg/l trong khi QCVN 40 quy định 0,1 mg/l; Tương tự với xyanua là 0,5 mg/l và 0,1 mg/l; tổng N là 60 mg/l và 40 mg/l. Việc ban hành tiêu chuẩn môi trường cho một số ngành trong đó một số thông số đặc thù "dễ dàng" hơn tiêu chuẩn môi trường chung là thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, các tiêu chuẩn môi trường đối với ngành đặc thù được ban hành nhằm để phục vụ mục tiêu quy hoạch các ngành đặc thù này vào một số vị trí mà môi trường xung quanh (môi trường tiếp nhận khí thải, nước thải) được coi là có khả năng tự làm sạch cao; hoặc là quy hoạch vào khu công nghiệp riêng để sau đó được xử lý tiếp trong hệ thống xử lý nước thải tập trung phù hợp với tính chất nước thải (với mục đích giảm chi phí cho doanh nghiệp nếu để từng doanh nghiệp phải xử lý nước thải đến tiêu chuẩn quy định).

Ở VN, việc thực hiện quy hoạch môi trường hầu như chưa được quan tâm, đấy chính là lý do vẫn còn có rất nhiều ý kiến băn khoăn về việc ban hành TCVN/QCVN cho từng ngành trong điều kiện việc lựa chọn vị trí đặt nhà máy và/hoặc vị trí xả thải chưa được cân nhắc đúng mức.

Xin lưu ý, tiêu chuẩn dành cho nguồn nước sinh hoạt của một vài chất ô nhiễm không thể áp dụng cho môi trường. Một thí dụ điển hình là chất clor (chlorine). Theo quy định của Cục Bảo vệ môi trường Mỹ (USEPA), nước thải sau khi qua nhà máy lọc (xử lý) nước thải phải được khử trùng bằng chlorine để giết vi trùng và vi sinh vật còn sót lại. Việc ấn định tiêu chuẩn môi trường cho Việt Nam “dễ dàng” hơn tiêu chuẩn môi trường trên thế giới có vẻ hợp lý ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam (vì lý do kinh tế). Tuy nhiên, đây là một thông lệ nên tránh, vì nếu tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam thấp hơn tiêu chuẩn quốc tế thì thiệt hại có thể nhiều hơn. Chẳng hạn, như thủy hải sản của Việt Nam thường bị các quốc gia nhập cảng “từ chối” vì tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam dễ hơn tiêu chuẩn quốc tế.

Thực tế, không thể yêu cầu xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn quy định đối với môi trường tiếp nhận, vì (yêu cầu đạt quy định càng nghiêm ngặt thì chi phí xử lý tăng lên gấp nhiều lần). Kinh nghiệm thế giới cũng lợi dụng khả năng tự làm sạch tự nhiên của nguồn tiếp nhận để giảm chi phí xử lý, cho nên bao giờ quy định giá trị tối đa cho phép trong nguồn thải cũng cao hơn giá trị giới hạn của chất lượng môi trường tiếp nhận. Đến đây lại quay về "bài ca muôn thuở" là quy hoạch môi trường.

Việc ngư dân "bất ngờ" hay "tình cờ" phát hiện đường ống xả thải chứng tỏ rằng quy định tham vấn cộng đồng và công khai tóm tắt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cùng Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM đã không được làm đúng quy định trong Luật Bảo vệ môi trường. Dĩ nhiên, thời điểm năm 2008 khi phê duyệt ĐTM cho Formosa thì vẫn tuân thủ theo Luật BVMT 2005, trong đó các quy định tham vấn cộng đồng về ĐTM không cụ thể và chặt chẽ như quy định trong Luật BVMT 2014. Đây là một thiếu sót rất lớn trong quy trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt ĐTM ở nước ta trước đây và nếu không có giám sát nghiêm túc thì thậm chí dù Luật BVMT 2014 đã sửa đổi vẫn khó hy vọng công tác tham vấn cộng đồng được tuân thủ đạt hiệu quả.

Điều quan trọng là cơ quan có trách nhiệm trong việc kiểm tra dự án có khả năng và kinh nghiệm chuyên môn hơn công ty xây dựng dự án hay không? Vì nếu không đủ khả năng và kinh nghiệm chuyên môn thì không thể biết điều gì sai và điều gì đúng; và người làm dự án sẽ “tự do” làm theo ý của mình.

Riêng thông tin từ Email thuytrangnguyen@gmail.com đã tìm ra các hóa chất nằm trong mẫu nước biển tại Vũng Áng được lấy ngày 24/4/2016 và đưa về Âu Châu thử nghiệm ngày 26/4/2016 bao gồm 5 hóa chất độc hại chính và Cyanide của Bác sĩ Nguyễn Thùy Trang, Tiến sĩ Sinh Vật/Hóa học gây sốc trong công luận.

Tôi nghi ngờ về thông tin này bởi vì tác giả không cho biết phương pháp phân tích, và nồng độ các chất độc, v.v. Các chất độc theo thời gian dễ bị phân tán và hòa loãng trong nước biển. Tuy nhiên, các kim loại nặng và các chất hữu cơ khó phân hủy (PCB, PAHs) đều tồn tại lâu và lắng đọng trong trầm tích. Cần có phân tích mẫu trầm tích để minh chứng. Mặt khác, tác giả còn đề cập đến có 90 người chết bị ngộ độc mà không đưa ra được nguồn tin kiểm chứng?

Cảnh giác với thông tin ngụy tạo

Trên mạng xã hội đưa ra hình ảnh “Tô giới Vũng Áng” với Quốc huy, hàng chữ Trung Hoa nhân dân cộng hòa quốc – Tô giới Vũng Áng- Nghiêm cấm người Việt lai vãng. Thoạt nhìn hình ảnh này, ai cũng căm phẫn sự ngạo mạn, trắng trợn của Tàu và oán trách nhà cầm quyền. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh xem xét sẽ thấy những điều vô lý.

Thông thường, những bảng chỉ báo luôn được đặt ở bên lề đường thì cái bảng này lại bị đặt chình ình lấn vào lộ giới. Những chữ đề trên bảng bao giờ cũng được khắc cân đối thì ở đây (3 hàng cuối cùng) do cẩu thả nên để ở “align left” – lộ tẩy (!) (Xem hình ở dưới đây).

Nhưng, dù điều này không có thật thì "tô giới" này cũng đã và đang hiện hữu trong lòng rất nhiều người dân Việt Nam! Minh chứng là ông Phạm Khánh Ly, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản Bộ NN & PTNT đã phát biểu công khai ngày 21/4/2016 "Đoàn công tác không vào kiểm tra tại khu công nghiệp Vũng Áng vì đây là khu công nghiệp có yếu tố nước ngoài, đoàn không có thẩm quyền"!?

Nhìn kỹ đây là hình ảnh ghép sản phẩm của photoshop.

Nhận thức là cả quá trình

Dòng chảy tại khu vực Vũng Áng (và Biển Đông) chủ yếu được hình thành từ 3 nguyên nhân: Thuỷ triều, gió mùa và dòng hải lưu Kuroshio. Thủy triều truyền vào từ eo Đài Loan và eo Luzon và có tính thuận nghịch. Khi triều lên, dòng chảy từ cửa vịnh Bắc Bộ hướng vào trong, chảy ngang qua Vũng Áng và khi triều xuống thì ngược lại. Vận tốc dòng triều có thể lên tới vài chục cm/s.

Dòng do gió mùa thì phức tạp hơn do vịnh Bắc Bộ là vùng biển bán hở. Tác dụng của dòng Kuroshio sâu vào vịnh Bắc Bộ không đáng kể nên có thể bỏ qua. Như vậy, dòng chảy ở Vũng Áng có xu thế chủ đạo là hướng về phía Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thủy triều, lúc thủy triều lên dòng chảy vẫn hướng ngược lên phía Bắc nhưng yếu hơn so với lúc chảy về Nam.

Trong thời gian đầu cá chết phía Bắc, sát ngay Vũng Áng là do dòng triều mang chất độc lên rồi sau đó vùng cá chết từ từ dịch chuyển về phía Nam là do xu hướng dòng chảy chủ đạo, hoàn toàn phù hợp với nghi ngờ của nhiều người là có khả năng Formosa thải chất độc ra biển. Trong bài viết trước đây, tôi đã nói rõ cách thức kiểm nghiệm Formosa có phải là thủ phạm hay không liên quan đến việc sử dụng 296 tấn hóa chất độc.

Chất độc khi thải ra biển, lợi dụng khả năng tự làm sạch theo thiên nhiên là đúng với các chất hữu cơ dễ được vi sinh vật trong thiên nhiên phân hủy. Chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP - persistent organic pollutants) như PCBs, PAHs thực chất coi như không phân hủy trong môi trường tự nhiên (cũng như các kim loại nặng) và do đó nếu xả nước thải có chứa các chất này ra môi trường thì phải đảm bảo đạt tiêu chuẩn quy định sao cho khi thải không làm nồng độ các chất này trong môi trường tiếp nhận bị vượt quá ngưỡng an toàn quy định, tức là ngưỡng giá trị giới hạn cho phép trong tiêu chuẩn tương ứng.

Còn đối với các chất vô cơ, nhất là kim loại nặng thì lượng xả ra bao nhiêu sẽ còn bấy nhiêu, chỉ phát tán trong dây chuyền thực phẩm chứ không được “làm sạch”. Kim loại nặng được tích tụ trong cơ thể sinh vật và nồng độ ngày càng tăng. Và đây là nguồn thực phẩm gây nhiễm độc mãn tính ở người khi sử dụng những thực phẩm có ô nhiễm này.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà mới đây phát biểu lại: "Đến nay, Bộ TNMT đã đặt các công cụ quan trắc tại Vũng Áng và hoàn toàn có thể kiểm soát mức độ ô nhiễm của vùng biển này" . Người đọc, có thể hiểu Bộ trưởng không còn yêu cầu Formosa lôi cả 1,5 km đường ống xả đáy lên mặt biển.

Thông tin chính thức về chất lượng nước biển

Thông báo mới nhất của Bộ TNMT về kết quả phân tích cho thấy tất cả các mẫu nước biển ven bờ đều hầu như đạt quy định về chất lượng nước biển ven bờ, chỉ trừ mẫu nước ở Quảng Trị có 2 thông số Cd và Fe vượt giá trị giới hạn cho phép.

Khó hiểu là mẫu nước biển ven bờ ở Huế, không hiểu vì lý do gì, chỉ phân tích 9 thông số, trong khi Hà Tĩnh và Quảng Bình 16 thông số, Quảng Trị 15 thông số (không phân tích coliform), và lại thiếu đúng chỉ tiêu đang gây "bão" là Cr tổng. Trước đó, trên truyền thông đưa thông tin mẫu nước biển ven bờ ở Lăng Cô có chỉ tiêu Cr vượt quy định cho phép đến 6 lần, không rõ là chỉ tiêu Cr ở Lăng Cô là Cr VI hay Cr tổng.

Đồng nghiệp ở Tổng cục Biển cho tôi hay do không lấy mẫu kịp thời và đúng qui cách nên cá đã bị phân rã, kết quả phân tích không thuyết phục. Mặt khác, qui trình lẫy mẫu không đáp ứng yêu cầu chặt chẽ của khoa học, nên kết quả phân tích mẫu cá ở Lăng cô đã không được thừa nhận. Có vài mẫu cá đã được gửi đi phòng thí nghiệm của Nhật Bản để xét nghiệm và đang chờ kết quả.

Báo động về môi trường khi Formosa đi vào sản xuất

Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn nghiên cứu rất kỹ báo cáo đầu tư của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã trình từ 2008 trao đổi lại với tôi: Nội dung được lập hoàn toàn đối phó, không theo các quy định hiện hành của Luật đầu tư. Trong đó, đặc biệt là phần liên quan đến bảo vệ môi trường rất sơ sài nhưng trong một thời gian ngắn kỷ lục, chủ đầu tư đã được cấp đất và triển khai dự án.

Formosa là một dự án thuộc lĩnh vực luyện kim (có gắn với cảng biển và sản xuất nhiệt điện tự dùng). Công nghệ của nhà máy thuộc loại lạc hậu (phải sử dụng coke để luyện gang). Quy trình sản xuất gang thuộc loại liên hoàn và liên tục. Khối lượng chất thải các loại (rắn, lỏng, khí) rất lớn, có chứa nhiều chất độc hại, và được thải ra liên tục. Chỉ riêng chất thải lỏng được phê duyệt thải ra môi trường tới hàng chục nghìn m3/ngày.

Thế nhưng, việc quan trắc, giám sát từ phía các cơ quan của nhà nước lại chỉ thực hiện theo chu kỳ. Đặc biệt, việc xử lý các chất cực độc phát sinh từ công nghệ luyện coke-gang-thép đã không được kiểm soát khách quan và liên tục. Đây là một kẽ hở lớn mà chủ đầu tư có thể lợi dụng để chỉ cần trong vòng vài phút có thể thải hết ra biển hàng tấn chất cực độc như Chlorine, Phosphorous, Arsenic.

Dự án Formosa có nhà máy luyện gang thép với công nghệ lạc hậu, nên phải dùng than mỡ để luyện coke cho lò cao. Nhu cầu than mỡ hàng năm phải nhập khẩu là 3,623 triệu tấn để luyện ra 2,52 triệu tấn coke. Ngoài ra, hàng năm Formosa phải sử dụng khoảng 0,642 triệu tấn dolomit; 1,442 triệu tấn đá vôi, và 1,296 triệu tấn than cám.

Quy trình luyện coke thải ra rất nhiều độc tố vì than mỡ dùng để luyện coke thường có chứa các chất rất độc hại và nguy hiểm, như: sulphure (≈ 0,3%) chlorine (≈0,03%), phosphorous (≈0,001%); và arsenic (≈0,004%).

Như vậy, chỉ riêng 3 loại chất cực độc (là chlorine, phosphorous, và arsenic) chứa trong than mỡ đã khoảng 0,035%. Với lượng tiêu dùng 3,623 triệu tấn/năm, chỉ riêng khâu luyện coke sẽ thải ra môi trường dưới mọi hình thức ít nhất 1.268 tấn/năm chất cực độc nói trên.

Đáng lưu ý, những loại than dùng để luyện coke được Formosa nhập về VN đều là những loại than rẻ tiền. Thay vì nhập khẩu than mỡ, Formosa đã nhập khẩu than bitum vào VN để luyện coke. Cụ thể, năm 2014, Formosa đã nhập khẩu 960.466 tấn than bitum từ Indonesia với giá bình quân gần 84 U$/tấn và năm 2015, Formosa đã nhập khẩu 87.923 tấn than bitum từ Canada để luyện coke với giá bình quân 82 U$/tấn. Các thành phần độc tố nói trên trong các loại than bitum rẻ tiền này chắc chắn còn cao hơn nhiều so với trong than mỡ đắt tiền (khoảng 200 U$/tấn).

Nhà máy luyện coke của Formosa theo thiết kế có công suất 2,86 triệu tấn/năm. Như vậy, cũng theo thiết kế, lượng khí lò coke (COG) hàng năm lên tới 1,4 tỷ Nm3 (trong điều kiện bình thường) và thải ra khoảng 1,1 triệu tấn xỉ/năm. Ngoài than luyện coke, nhà máy này còn phải sử dụng 1.906 tấn dầu rửa/năm.

Điều đáng lo ngại là trong Báo cáo đầu tư, Formosa đã cố tình không đưa ra các đặc tính kỹ thuật cũng như các thành phần hóa học của các loại nguyên liệu đầu vào được đưa vào sử dụng trong dự án (trong đó có các thành phần độc tố trong than luyện coke và dầu rửa).

Lòng tin đâu có cần cho ai?

Đất nước ta đang trong thời buổi chao đảo và khủng hoảng lòng tin của nhân dân đối với lãnh đạo, đối với giới khoa học và lòng tin giữa các thành phần trong xã hội. Riêng lòng tin của nhân dân đối với lãnh đạo và đối với hệ thống thông tin đại chúng chính thức, vốn đã lung lay thì trong thảm họa cá chết ở miền Trung đã có lúc suy giảm đến mức như không còn gì. Nguyên nhân là do cách hành xử không chuyên nghiệp và yếu kém của những người có trách nhiệm, kể từ lãnh đạo cấp cao nhất (đi kiểm tra tiến độ của Formosa nhưng không thăm hỏi người dân đang điêu đứng về cá chết ở Hà Tĩnh).

Tuy nhiên, về sau, dù đã muộn, họ cũng đã nhận biết được một số điều và sửa chữa. Người dân nên chia sẻ và ủng hộ.

Tôi hoan nghênh những ý kiến nặng lòng với đất nước trong vụ việc này. Nhưng chỉ có thiện chí thôi thì vẫn không có ý nghĩa gì. Vấn đề là chứng cứ khoa học. Thậm chí trong những tranh chấp, dù mình tin chắc mười mươi, nhưng chứng cứ đưa ra bị bác thì vẫn thất bại như thường. Bởi vậy, ngay từ đầu bài viết này, tôi đã phân tích về sự tin cậy về một số công bố của ba nhà khoa học. Nhìn rộng hơn, tôi cũng ngạc nhiên, cái “thí nghiệm” về hai con cá chết trong 5 phút mà cũng có thể được khá nhiều người thừa nhận thì thật là đáng báo động về sự nông cạn và thiếu chuyên nghiệp trong tìm hiểu và xử lý vấn đề.

Nhưng trong một xã hội tâm lý bầy đàn còn khá nặng nề, kiến thức khoa học và năng lực nghiên cứu khoa học còn hạn chế, trong khi tâm lý không ưa Tàu đang dồn nén, thì mọi thứ có thể bị bung ra và người ta có thể “ném đá” tất cả những ai đòi hỏi một sự tỉnh táo.

Chỉ với những cái đầu lạnh, tỉnh táo mới vạch mặt được sự dối trá, bọn "đục nước béo cò", mới mong thắng được những đối thủ cỡ như Formosa nếu nó sai. Và chúng ta đang thiếu những cái đầu như thế.

Mất bò, có thể không tìm được. Nhưng làm chuồng để ngăn mất bò tiếp, đó là việc hoàn toàn có thể làm được. Nếu không làm được thì đừng nói đến lòng tin nào. Lòng tin đó đâu có cần cho ai?

Thay cho lời kết

Người ta thường nói mất tiền là mất ít, mất danh dự là mất nhiều và mất lòng tin là mất tất cả. Lòng tin, xét cho cùng phụ thuộc vào người được tin chứ không phải người tin. Cây có ngay thì bóng mới tròn. Nhân dân khi nào và ở đâu cũng vậy, rất công bằng.

Việc tìm cho ra thủ phạm gây chết cá vừa qua vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ, nhưng không thể để chìm xuồng. Sau cả tháng trời bị nước biển pha loãng nên kết quả phân tích chất lượng nước không thể phản ánh thực chất của vấn đề. Đối với Formosa, phải kiểm chứng việc sử dụng 296 tấn hóa chất độc hại. Phân tích nước và bùn thải ở bể lắng. Phân tích trầm tích các chất hàm lượng axit vô cơ và hữu cơ, lượng sắt hòa tan trong nước thải, ammoniac, nitrit, chất ức chế ăn mòn, v.v. mới đủ cơ sở đánh giá. Việc lấy mẫu, số loại mẫu và phương pháp phân tích phải thực sự bài bản, khoa học và công bố công khai, minh bạch mới có tính thuyết phục.

Mà sao người ta không lắng nghe lời khuyên của những người tâm huyết và có những hành động cần thiết, có lý, có tình?

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn