Biển Đông: Việt Nam và ASEAN không để cho Trung Quốc bịt miệng

Trọng Nghĩa phỏng vấn GS Ngô Vĩnh Long

Tại hội nghị đặc biệt ASEAN-Trung Quốc hôm 14/06/2016, do áp lực của Trung Quốc, một lần nữa các Ngoại trưởng Đông Nam Á đã không ra được một bản tuyên bố chung về Biển Đông. Một văn kiện được Malaysia gởi đến báo chí như là một thông cáo chung của các Ngoại trưởng ASEAN, đã bị thu hồi vài tiếng đồng hồ sau khi được phát ra, và về mặt chính thức, văn kiện này kể như không hề tồn tại.

Thế nhưng nhờ quyết tâm của ít ra là năm nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, nội dung của bản văn phê phán các hoạt động coi thường luật lệ của Trung Quốc tại Biển Đông đã được chính thức công bố và được báo chí quốc tế quảng bá rộng rãi.

Trả lời phỏng vấn của Ban Việt Ngữ RFI, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông tại Đại Học Maine (Hoa Kỳ) đã nêu bật thất bại lần này của Trung Quốc trong mưu toan bịt miệng ASEAN trên vấn đề Biển Đông.

Theo giới quan sát, sự cố liên quan đến ASEAN sau khi bế mạc hội nghị cấp Ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc tại Vân Nam là một kịch bản đã được lặp đi lặp lại nhiều lần trong thời gian gần đây: Khi họp lại với nhau, các Ngoại trưởng ASEAN luôn thảo luận về vấn đề Biển Đông và tìm cách đưa ra một lập trường chung về hồ sơ này. Trung Quốc lần nào cũng tìm cách gây sức ép, hoặc trực tiếp, hoặc thông qua các thành viên ASEAN úy kỵ Trung Quốc, để khối Đông Nam Á không ra được tuyên bố chung về Biển Đông.

Lần này Trung Quốc gần như là đã thành công: Các ngoại trưởng ASEAN đã nhất trí được với nhau trên một bản tuyên bố chung, bày tỏ thái độ hết sức quan ngại trước các diễn biến xấu tại Biển Đông mà Trung Quốc bị cho là tác giả. Thế nhưng chỉ vài giờ sau khi cho công bố, ASEAN lại chính thức thu hồi văn kiện này, và Trung Quốc đã có thể tuyên bố rằng bản thông cáo chung ASEAN mang nội dung phê phán hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông không hề tồn tại.

Sức ép của Trung Quốc để bịt miệng ASEAN

Câu hỏi từng được giới quan sát đặt ra là do đâu mà bản tuyên bố chung của các Ngoại trưởng ASEAN về Biển Đông lại bị rút lại sau khi được công bố.

Về câu hỏi này, hãng tin Mỹ AP đã trích lời một quan chức ngoại giao cao cấp của Philippines hôm 16/06 tiết lộ rằng ba nước Lào, Cam Bốt và Miến Điện đã rút lại hậu thuẫn của họ đối với bản tuyên bố để tránh đụng chạm Trung Quốc.

Trước đó, một quan chức cao cấp của ASEAN, có mặt tại hội nghị Vân Nam cũng khẳng định với hãng tin Pháp AFP rằng chính Trung Quốc đã thúc ép một số thành viên ASEAN để các nước này thôi ủng hộ văn bản về Biển Đông. Nhà ngoại giao này cho biết: «Tôi nghi là Cam Bốt và Lào là hai nước chống lại tuyên bố này».

Hãng tin Mỹ Bloomberg ngày 15/06 cũng tìm hiểu ở một «quan chức của một chính phủ Đông Nam Á» cho biết là bản tuyên bố về Biển Đông đã bị thu hồi «sau khi Trung Quốc vận động Lào, nước hiện là Chủ tịch luân phiên của ASEAN».

Đối với Giáo sư Ngô Vĩnh Long, kịch bản Vân Nam 2016 trong một chừng mực nào đó đã lặp lại những gì xẩy ra ở Phnom Penh khi Cam Bốt, Chủ tịch ASEAN lúc đó, đã chiều ý Trung Quốc để nhận chìm hồ sơ Biển Đông khiến cho hội nghị Ngoại trưởng Đông Nam Á lần đầu tiên trong lịch sử không ra được thông cáo chung. Trả lời RFI, Giáo sư Long phân tích:

Hiện nay vấn đề lụp chụp trong việc ra thông cáo của các nước ASEAN sau Hội nghị đặc biệt giữa Ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc ở Vân Nam, vào ngày 14/06 vừa qua, có nhận định là do phía Trung Quốc ép ASEAN rút lại tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông.

Trước tình thế này, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, người đã được các nước ASEAN cử làm đại diện trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc, phải bỏ ra về để mọi bên đỡ phải mất mặt. Sau đó, theo qui định đã đồng ý trước, thì mỗi nước thành viên ASEAN có thể tự ra thông cáo của mình (…)

Do đó, tôi nghĩ rằng nhận định vì sức ép của Trung Quốc mà không đưa ra được thông cáo chung có thể là đúng (…) Đây có thể là một kịch bản kiểu Phnom Penh năm 2012. Theo cơ quan truyền thông Bloomberg ngày 16 tháng 6 thì một nhà ngoại giao Đông Nam Á đã cho biết rằng “các Ngoại trưởng đã đồng ý với bản thông cáo chung nhưng sau đó phải rút lại vì Trung Quốc đã làm áp lực trên Lào”, hiện nay là Chủ tịch ASEAN.

Bắc Kinh can thiệp lộ liễu vì yếu thế về ngoại giao

Trung Quốc như vậy đã thành công trong việc ngăn chặn một bản tuyên bố chung của ASEAN về Biển Đông với một biện pháp can thiệp lộ liễu vào nội tình ASEAN. Đối với Giáo sư Ngô Vĩnh Long, thái độ thô bạo của Trung Quốc có thể được giải thích bằng tình trạng yếu thế về mặt ngoại giao của Bắc Kinh trước ngày Tòa án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về Biển Đông:

Tôi nghĩ rằng Trung Quốc cố tình dùng phương cách thô bạo và lộ liễu, như nhận định của Singapore, vì thấy phản ứng của các nước ASEAN càng ngày càng mạnh dạn hơn đối với vấn đề Trung Quốc đe dọa an ninh chung ở Biển Đông.

Trung Quốc thì cho rằng vấn đề Biển Đông là vấn đề tranh chấp chủ quyền cho nên chỉ có những nước có tranh chấp, thì mới được quyền đàm phán với nhau, và chỉ tay đôi thôi.

Phần lớn các nước ASEAN và nhiều nước trên thế giới cho rằng việc Trung Quốc đã chiếm các đảo và bãi đá ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa, rồi bồi đắp và xây dựng sân bay và các thực thể quân sự ở đó là đe doạ an ninh đối với mọi người. Đó là một trong lý do tại sao Malaysia đã đưa ra sáng kiến hội nghị với Trung Quốc vừa rồi, để chủ yếu bàn về vấn đề Biển Đông và quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc trong gần 25 năm qua.

Trước thái độ của các nước ASEAN, đặc biệt là trước thời điểm Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) sắp ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc, Trung Quốc muốn bịt miệng các nước ASEAN để che đậy thế yếu của mình và để vận động nhân dân của họ.

Nên nhớ rằng gần đây Chính phủ Trung Quốc bịa đặt là đã có hơn 40 nước trên thế giới ủng hộ lập trường của Trung Quốc và chống lại lập trường của Philippines về việc sử dụng Tòa Trọng Tài Thường trực về UNCLOS đối với vấn đề Biển Đông vì đây chỉ là tranh chấp chủ quyền chồng lấn của 4 nước đối với nhau.

Kế sách của ASEAN để phá vỡ mưu toan của Bắc Kinh

Thế nhưng lần này, ASEAN như đã áp dụng tốt một kế sách chống thủ đoạn bịt miệng do Trung Quốc tiến hành khi quyết định để cho từng thành viên quyền công bố văn kiện chung đã được toàn bộ các Ngoại trưởng thông qua.

Kết quả là nội dung của lập trường phê phán Trung Quốc đã được ít nhất là năm nước công bố: Việt Nam, Philippines, Malaysia - ba quốc gia ASEAN có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông - cùng với Indonesia và Singapore.

Trước các nghi vấn được nêu lên về tính xác thực của những gì được 5 nước trên công bố, Bộ Ngoại giao các nước nói trên đã lần lượt lên tiếng khẳng định trở lại rằng toàn bộ các Ngoại trưởng ASEAN họp lại ở Vân Nam đều đã nhất trí trên nội dung cũng như ngôn từ cứng rắn trong bản tuyên bố chung.

Theo hãng tin Singapore Channel News Asia, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 16/06 đã xác nhận qua email là các nước ASEAN đã «hoàn toàn nhất trí» tại Vân Nam về nội dung những điểm được công bố cho truyền thông, và bản tuyên bố bao gồm cả «lập trường chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông», lẫn những đánh giá tích cực về kết quả hội nghi.

Lời giải thích của Việt Nam cũng tương tự như những gì được Malaysia, Philippines và Singapore tiết lộ. Riêng Indonesia, một mặt công nhận lập trường chung của ASEAN trên vấn đề Biển Đông, nhưng một mặt khác cho rằng văn kiện mà Malaysia công bố đầu tiên không phải là tuyên bố chung mà chỉ là một bản hướng dẫn dùng cho việc truyền thông.

Lập trường cứng rắn chống Trung Quốc ở Biển Đông được quảng bá rộng rãi

Dẫu sao thì thông điệp phê phán các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đã được công bố rộng rãi, thông qua báo chí cũng như thông qua trang web của Bộ Ngoại giao của ít ra là 5 nước ASEAN.

Trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam chẳng hạn, trong bản tin về hội nghị Vân Nam ngày 14/06, tuyên bố của các Ngoại trưởng ASEAN đã được nhắc đến, nêu lên thái độ «quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây và đang diễn ra ở Biển Đông, nhất là việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các bãi đá, quân sự hóa các đảo nhân tạo và các hành động khẳng định chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế».

Bản tuyên bố dĩ nhiên là không nêu đích danh Trung Quốc là tác giả của các hành động đó, nhưng khi nói đến những hành vi như «bồi đắp, tôn tạo và xây dựng trên quy mô lớn các bãi đá, quân sự hóa các đảo nhân tạo»«khẳng định chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế», thì hiển nhiên là các ngoại trưởng ASEAN ám chỉ Trung Quốc.

Trung Quốc bị nêu đích danh ?

Hơn nữa, nếu xem xét kỹ ngôn từ của các tuyên bố lần này, Trung Quốc đã bị nêu đích danh khi các Ngoại trưởng ASEAN lồng những quan ngại và lời kêu gọi của mình vào trong khuôn khổ một cuộc họp chung với Trung Quốc.

Một câu như «các Bộ trưởng đề nghị ASEAN và Trung Quốc (…) tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, nhất là tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình (…), không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, nhất là không quân sự hóa» rõ ràng có đề cập đến Trung Quốc.

Hãng tin Mỹ Bloomberg, đã chú ý đến một câu trong bản tuyên bố được Malaysia công bố hôm 14/06 trước lúc bị thu hồi, trong đó các Ngoại trưởng ASEAN khẳng định: «Chúng ta không thể bỏ qua những diễn biến trên Biển Đông vì điều đó là một vấn đề quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc». Theo Bloomberg, câu này đáng chú ý vì cho đến nay, ASEAN vẫn thường tránh nêu đích danh Trung Quốc khi kêu gọi giảm căng thẳng trên Biển Đông

Theo chuyên gia Ian Storey tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, câu tuyên bố kể trên đích thực là một «lời phản bác trực tiếp quan điểm của Trung Quốc theo đó tranh chấp Biển Đông không phải là một vấn đề giữa khối ASEAN và Trung Quốc». Cho đến nay, Trung Quốc luôn cho rằng Biển Đông là vấn đề song phương giữa Bắc Kinh với từng nước ASEAN riêng lẻ.

Việt Nam có vai trò tích cực tại hội nghị Vân Nam

Cùng với 4 nước ASEAN, như vậy là Việt Nam đã hóa giải được chiêu thức lũng đoạn nội bộ ASEAN mà Trung Quốc áp dụng trên vấn đề Biển Đông. Theo Giáo sư Ngô Vĩnh Long, dù bị Trung Quốc thúc ép trên những phương diện khác, trong hồ sơ Biển Đông, Việt Nam đã thể hiện một vai trò năng động và mạnh dạn hơn:

Có thể là Việt Nam lần này đã thúc đẩy các nước ASEAN (có phản ứng) mạnh hơn. Nếu mà Việt Nam chưa làm như thế, thì tôi nghĩ là Việt Nam dần dần sẽ phải năng động hơn và mạnh dạn hơn. Hiện nay các nước trong khu vực và ngoài khu vực muốn Việt Nam năng động và mạnh dạn hơn để họ có thể có cớ mà trợ lực cho Việt Nam. Về sự kiện ở Côn Minh vừa rồi thì tôi thấy phản ứng của Việt Nam tuy kín đáo và chung chung, nhưng rõ ràng là đã hỗ trợ các công bố của Phippines, Singapore và Malaysia (…)

Lần này Việt Nam rõ ràng hơn những lần trước, và mạnh dạn hơn trong vấn đề đưa thông tin này ra cho công chúng biết.

Quý vị vừa nghe phân tích của Giáo sư Ngô Vĩnh Long tại Hoa Kỳ về một số diễn biến mới trong vấn đề Biển Đông liên quan đến Việt Nam, ASEAN và Trung Quốc.

***

Toàn văn bài phỏng vấn giáo sư Ngô Vĩnh Long :

GS. Ngo Vinh Long 20/06/2016 Nghe

RFI: Tại Hội nghị đặc biệt ASEAN-Trung Quốc ở Vân Nam ngày 14/06 vừa qua, lại xẩy ra một sự cố trong nội bộ ASEAN liên quan đến vấn đề Biển Đông: Ban Thư ký của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á thoạt đầu đã cho công bố một bản tuyên bố chung ASEAN về Biển Đông, nhưng sau đó vài tiếng đồng hồ đã ra quyết định thu hồi, và không thấy nói gì đến nữa. Giáo sư nhận định sao về thái độ có thể nói là "thập thò" này của ASEAN trên vấn đề Biển Đông?

Ngô Vĩnh Long : Hiện nay vấn đề lụp chụp trong việc ra thông cáo của các nước ASEAN sau hội nghị đặc biệt giữa ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc ở Vân Nam, vào ngày 14/06 vừa qua, có nhận định là do phía Trung Quốc ép ASEAN rút lại tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông.

Trước tình thế này, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, người đã được các nước ASEAN cử làm đại diện trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Quốc, phải bỏ ra về để mọi bên đỡ phải mất mặt. Sau đó, theo qui định đã đồng ý trước, thì mỗi nước thành viên ASEAN có thể tự ra thông cáo của mình.

Chiều ngày 14 Chính phủ Malaysia đưa ra một văn bản mà một số báo nước ngoài gọi là “bản thông cáo chung”. Nhưng đến tối hôm 14, Bộ Ngoại giao Singapore mới công bố cái gọi là bản chính thức cho báo chí và Malaysia rút bản thông cáo của mình, nói là cần phải sửa lại. Ngày hôm sau Indonesia nói là bản Malaysia công bố không phải là “bản thông cáo chính thức chung” của các nước ASEAN mà chỉ là “bản hướng dẫn” để công bố cho báo chí mà thôi.

Sau đó, vào ngày 15, thì Bộ Ngoại giao Việt Nam có đưa lên mạng của mình thông tin cũng gần giống như những thông tin được đưa ra trong thông cáo của Malaysia và Philippines.

Do đó, tôi nghĩ rằng nhận định vì sức ép của Trung Quốc mà không đưa ra được thông cáo chung có thể là đúng.

RFI: Đây có phải là một kịch bản kiểu Phnom Penh 2012 không?

Ngô Vĩnh Long: Vâng, tôi nghĩ là đúng như thế. Đây có thể là một kịch bản kiểu Phnom Penh năm 2012. Theo cơ quan truyền thông Bloomberg ngày 16 tháng 6 thì một nhà ngoại giao Đông Nam Á đã cho biết rằng “các Ngoại trưởng đã đồng ý với bản thông cáo chung nhưng sau đó phải rút lại vì Trung Quốc đã làm áp lực trên Lào”, hiện nay là chủ tịch ASEAN.

RFI: Phải chăng ASEAN một lần nữa lai cho thấy rõ tính chất sợ sệt Trung Quốc và chia rẽ trong nội bộ?

Ngô Vĩnh Long: Là một hiệp hội với phương thức phải nhất trí trên mọi quyết định chung, ASEAN dễ bị các nước bên ngoài chia rẽ. Có nước nhát gan vì bị ảnh hưởng của nước ngoài quá nhiều, nhưng có nước không, tùy vấn đề và tùy áp lực từ đâu.

Do đó, tôi xin nói thêm là do phương thức nhất trí đó, nếu các nước trong khu vực muốn có thể bảo vệ an ninh chung, một cách hữu hiệu, thì nên thành lập một tổ chức an ninh mới, mà ASEAN có thể đóng vai chủ lực trong đó nếu muốn.

RFI: Một tổ chức an ninh kiểu như thế nào?

Ngô Vĩnh Long: Một tổ chức an ninh gồm các nước ASEAN, và các nước khác ở trong khu vực như Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật, Úc, New Zealand..., có thể có cả Mỹ trong đó, nhưng ASEAN có thể đóng vai trò chủ lực, và (hoạt động) theo phương thức không phải là nhất trí, mà là đa số.

Trong tổ chức đó, có thể có Trung Quốc, bởi vì không muốn đẩy Trung Quốc ra ngoài, nhưng nếu đa số quyết định, thì Trung Quốc sẽ là thiểu số, họ không thể dùng sức mạnh tiền của hay là dùng vũ lực để đe dọa một vài nước trong ASEAN như hiện nay, để gây nên những sự kiện như năm 2012 ở Cam Bốt, hay vừa rồi ở Côn Minh.

RFI: Đối lập với quan điểm nêu trên, có chuyên gia phân tích khác lại thấy là chính Trung Quốc là nước bị thiệt trong vụ này vì đã bị hớ khi lộ rõ bản chất can thiệp để lũng đoạn ASEAN. Nhận định của Giáo sư như thế nào?

Ngô Vĩnh Long: Nói là Trung Quốc bị hớ cũng được, nhưng nói rõ ra thì tôi nghĩ rằng Trung Quốc cố tình dùng phương cách thô bạo và lộ liễu, như nhận định của Singapore, vì thấy phản ứng của các nước ASEAN càng ngày càng mạnh dạn hơn đối với vấn đề Trung Quốc đe doạ an ninh chung ở Biển Đông.

Trung Quốc thì cho rằng vấn đề Biển Đông là vấn đề tranh chấp chủ quyền cho nên chỉ có những nước có tranh chấp, thì mới được quyền đàm phán với nhau, và chỉ tay đôi thôi.

Phần lớn các nước ASEAN và nhiều nước trên thế giới cho rằng việc Trung Quốc đã chiếm các đảo và bãi đá ở khu vực Hoàng Sa và Trường Sa, rồi bồi đắp và xây dựng sân bay và các thực thể quân sự ở đó là đe doạ an ninh đối với mọi người.

Đó là một trong lý do tại sao Malaysia đã đưa ra sáng kiến hội nghị với Trung Quốc vừa rồi, để chủ yếu bàn về vấn đề Biển Đông và quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc trong gần 25 năm qua.

Trước thái độ của các nước ASEAN, đặc biệt là trước thời điểm Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) sắp ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc, Bắc Kinh muốn bịt miệng các nước ASEAN để che đậy thế yếu của mình và để vận động nhân dân của họ.

Nên nhớ rằng gần đây Chính phủ Trung Quốc bịa đặt là đã có hơn 40 nước trên thế giới đã ủng hộ lập trường của Trung Quốc và chống lại lập trường của Philippines về việc sử dụng Tòa Trọng Tài Thường Trực và UNCLOS đối với vấn đề Biển Đông vì đây chỉ là tranh chấp chủ quyền chồng lấn của 4 nước đối với nhau.

RFI: Lập trường của ASEAN vừa rồi ở Vân Nam có cứng rắn hơn, hay là vẫn bình thường?

Ngô Vĩnh Long : Theo tôi đọc và phân tích các văn bản của các bên, thì tôi thấy lập trường có cứng rắn hơn. Nhưng vì cuộc họp ở ngay trên lãnh thổ Trung Quốc, cho nên các nước ASEAN cũng phải khéo. Nhưng mà trước khi rút lại bản thông cáo chung, ta thấy là các nước đã bàn vấn đề Biển Đông và quan hệ với Trung Quốc một cách rất rõ ràng.

Thành ra, những nước gần Trung Quốc như Việt Nam, Lào và Cam Bốt, thì phải kín đáo hơn trong phản ứng của mình, trong khi Singapore và Philippines, cách Trung Quốc khá xa và không bị những ràng buộc, hay những mối đe doạ của Trung Quốc, cho nên họ có thể nói rõ hơn. Thêm vào đó hai nước này có hậu thuẫn khá mạnh của các nước ngoài khu vực như Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ.

RFI: Giáo sư nhận định như thế nào về Việt Nam lần này tại hội nghị ASEAN-Trung Quốc ở Vân Nam?

Ngô Vĩnh Long: Tôi không có mặt nên tôi không biết, nhưng tôi nghĩ rằng có thể là Việt Nam đã thúc đẩy các nước ASEAN (có phản ứng) mạnh hơn. Nếu mà Việt Nam chưa làm như thế, thì tôi thấy là Việt Nam dần dần sẽ phải năng động hơn và mạnh dạn hơn. Hiện nay các nước trong khu vực và ngoài khu vực muốn Việt Nam năng động và mạnh dạn hơn để họ có thể có cớ mà trợ lực cho Việt Nam.

Về sự kiện ở Côn Minh vừa rồi thì tôi thấy phản ứng của Việt Nam, tuy kín đáo và chung chung, nhưng rõ ràng là đã hỗ trợ các công bố của Phippines, Singapore và Malaysia. Tôi xin trích vài dòng thông tin trên mạng của Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đây để so sánh:

«Về vấn đề Biển Đông, các Ngoại trưởng ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, coi đây là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước, trước hết là ASEAN và Trung Quốc; bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây và đang diễn ra ở Biển Đông, nhất là việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các bãi đá, quân sự hóa các đảo nhân tạo và các hành động khẳng định chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế (…) »

Thì ta thấy thông tin này của bộ Ngoại Giao Việt Nam sau cuộc họp, đã rất rõ ràng, và đối với những người biết chuyện, thì đây là một lời chỉ trích thẳng đối với Trung Quốc.

Cho nên tôi nghĩ rằng Việt Nam bây giờ mạnh dạn hơn, năng động hơn, so với cách nay một năm chẳng hạn. Lần này, Việt Nam đã rõ ràng hơn những lần trước, và mạnh dạn hơn trong vấn đề đưa thông tin này ra cho công chúng biết.

T.N.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160620-bien-dong-viet-nam-va-asean-khong-de-cho-trung-quoc-bit-mieng

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn