Nhắn nhủ Tô Lâm

HÔM QUA CHÚNG HÀNH HUNG CÁC NHÀ HOẠT ĐỘNG, HÔM NAY CHÚNG HÀNH HUNG CÁC NHÀ BÁO, NGÀY MAI ....

rất có thể đến lượt các vị đấy, ông Tô Lâm ạ!

Nguyễn Quang A

Nguồn: FB A Nguyen Quang

Không có bất cứ sự thay đổi nào mà lại không gặp phải bất kỳ một sự ngăn cản nào từ phía những kẻ bảo thủ, ngu dốt và được hưởng lợi từ sự cố hữu ấy. Tuy nhiên, thay đổi không phải là lựa chọn, mà là tất yếu.

Và kẻ nào chỉ biết cai trị bằng nắm đấm và sự đàn áp, chắc chắn, kẻ đó sẽ nhận được nắm đấm và những sự phản kháng đáp trả tương xứng.

LS Lê Văn Luân

Nguồn: FB Luân Lê

Việc C.A đánh nhà báo khi tác nghiệp là trách nhiệm chính của các đồng chí tốt trong Ban Tuyên giáo Trung ương dưới chế độ "dân chủ thế này là cùng".

André Menras

Nguồn: FB Menras André

Ai về nhắn nhủ chú Tô Lâm

Ra lệnh hành dân, hỏi có hâm?

Biến lũ công an thành lũ thú,

Bắt người chính trực hóa người câm.

Dân oan, dân sự, đòn nhừ tử,

Nhà báo, Blogger, máu tím bầm.

Mượn đám súc sinh phò đảng lú

Một mai chúng phản, chú... lên mâm.

Bauxite Việt Nam

1. Nhà báo và blogger - đều là nạn nhân của chế độ công an trị

Nhiều người, trong đó có cả các nhà báo, đang kêu gọi cộng đồng lên tiếng về vụ công an huyện Đông Anh đánh phóng viên báo Tuổi Trẻ, với lời nhắn: Nếu hôm nay bạn không lên tiếng, ngày mai nạn nhân có thể là chính bạn.

clip_image002

Thật ra, chẳng phải đến hôm nay, càng chẳng phải đợi đến ngày mai mới có các nhà báo là nạn nhân của thói côn đồ của công an.

Năm nào ở Việt Nam cũng có hàng chục vụ nhà báo và phóng viên (tức người làm báo nhưng chưa có thẻ) bị công an và người của cơ quan công quyền nói chung, và/hoặc côn đồ, tấn công gây thương tích từ nhẹ đến nặng. Các vụ hành hung ấy, sau đó, có thể lên báo hoặc không lên báo nên rất khó có thống kê chính xác. Nhưng dù thế nào thì con số cũng là rất cao và chuyện công an và/hoặc côn đồ đánh đập người làm báo cũng đã xảy ra từ rất lâu rồi.

Chỉ xin nhắc lại một vài vụ từ xa lắc:

- Nhà báo Võ Minh Châu (báo Tiền Phong) bị em trai Chủ tịch xã đánh trọng thương (Hà Tĩnh, 6/1/2010);

- Nhà báo Duy Bùi (báo Thể Thao 24h) bị bảo vệ sân Thiên Trường hành hung, bẻ tay, giật máy ảnh và xóa hết ảnh (Nam Định, 15/4/2010);

- Nhà báo Trần Công Lũy (báo Công Lý) bị đánh, còng tay, giật camera, dẫn giải như tội phạm (An Giang, 29/5/2011);

- Hai nhà báo Hán Phi Long và Nguyễn Ngọc Năm (Đài Tiếng nói Việt Nam) bị công an hành hung (đánh ộc máu mũi, sưng mặt…) tại hiện trường vụ cưỡng chế đất đai ở Văn Giang (Hưng Yên, 24/4/2012);

- v.v.

Con số hàng chục đó là căn cứ trên những thông tin mà báo chí chính thống đã đăng tải, và xin các bạn lưu ý là báo chí chính thống chỉ đưa tin về những vụ hành hung nhà báo mà thôi.

Còn chuyện các blogger – những người làm báo không bao giờ có thẻ – bị công an đánh đập, bắt giữ tùy tiện, thậm chí bắt hẳn vào đồn để tra tấn, thì không được truyền thông chính thống đề cập đến và cũng chưa tính ở đây. Nếu tính cả, thì số vụ công an hành hung người làm báo ở Việt Nam phải lên tới hàng trăm trường hợp mỗi năm.

Chẳng nói đâu xa: Trong các cuộc biểu tình vì môi trường vào ngày chủ nhật 8/5/2016 vừa qua, có ít nhất hai blogger Vũ Huy Hoàng và Đỗ Đức Hợp đã bị công an đưa về đồn và hành hung tập thể. Anh Hoàng bị một nhóm công an đấm đá đến độ đi tiểu ra máu khi trở về tới nhà.

Tình hình tệ hại đến mức... Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) tại Bangkok, ngày 13/5, đã phải lên tiếng bày tỏ quan ngại với chính quyền Việt Nam về tình trạng bạo lực của công an nhằm vào người biểu tình ôn hòa vì môi trường. Trong khi đó, báo chí quốc doanh không nhắc một câu tới tình trạng này. (Nhưng đăng tải bài của phía Việt Nam phản bác thông cáo của OHCHR, thì lại có).

Câu chuyện này chỉ cho thấy rằng cả hai bên - nhà báo và blogger - đều là nạn nhân của chế độ công an trị.

Facebook: Phạm Đoan Trang

Tiêu đề bài viết đã được BTN sửa lại.

Nguồn: http://www.baothamnhung.com/2016/09/nha-bao-va-blogger-eu-la-nan-nhan-cua.html

2. Đánh nhà báo: Không phải 'xin lỗi là đủ'

clip_image003

Phóng viên Quang Thế trong clip bị đánh

“Không phải chỉ xin lỗi, cứ vi phạm pháp luật rồi xin lỗi là đủ”, một cựu đại biểu Quốc hội nói về các vụ đánh nhà báo trong tuần qua xảy ra tại Việt Nam.

Ông Lê Như Tiến từng là đại biểu Quốc hội khóa 12, 13, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa 13.

Nói với BBC, ông Lê Như Tiến nhận định: “Luật báo chí của Việt Nam trước đây cũng như sửa đổi bổ sung cũng cấm xúc phạm thân thể, danh dự, không được xúc phạm đến nhà báo, và cũng nghiêm cấm thu giữ phương tiện hành nghề của nhà báo”.

"Có một số cá nhân ngang nhiên vi phạm luật báo chí, xâm phạm đến nhà báo, có lời nói xúc phạm đến nhà báo, thu giữ, lăng mạ, có người còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng nhà báo".

"Tôi thấy đó là điều không bình thường". nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Việt Nam nhận định.

Trong tuần qua, tại Việt Nam xảy ra hai vụ phóng viên bị tấn công và có hình ảnh, video ghi lại vụ việc.

Một clip quay lại hiện trường cho thấy phóng viên Quang Thế của báo Tuổi trẻ bị người nghi là công an huyện Đông Anh đánh, đấm. Công an huyện đã xin lỗi tờ báo nhưng chỉ nói nhận đó là "hành vi không đúng mực", giải thích là do áp lực công việc.

Báo Tuổi trẻ nói: “Ông Thế cho biết mình bị đánh chảy máu mồm, bị đấm vào đầu gây choáng váng”.

Cũng trong tuần, trong một video quay tại hiện trường một vụ cưỡng chế đất ở Đaklak, phóng viên Đỗ Thanh Hải của VTC News bị bóp cổ, giật máy ảnh. Phó chủ tịch Ủy ban xã là người ra lệnh thu giữ phương tiện tác nghiệp của phóng viên này.

clip_image004

Ông Lê Như Tiến nói cần "làm rõ" các vụ việc đánh nhà báo

Ông Lê Như Tiến nói cần phải "làm rõ việc này và đưa ra xử lý thật nghiêm những người vi phạm pháp luật báo chí. Trong khi ở Việt Nam, Hiến pháp 2013 đã quy định bảo vệ quyền tự do ngôn luận với báo chí và công dân, và báo chí là một lực lượng để thông tin đại chúng vấn đề của cuộc sống”.

Khi BBC hỏi, khi các cơ quan xin lỗi nhà báo và các tờ báo, thì liệu điều đó đã đủ chưa, ông Lê Như Tiến nói:

“Không phải chỉ xin lỗi, cứ vi phạm pháp luật rồi xin lỗi là đủ. Mà cao hơn thế nữa là phải làm rõ trách nhiệm cá nhân với những cá nhân đã xúc phạm báo chí, với cá nhân đã vi phạm pháp luật về tự do ngôn luận, tự do báo chí, và quyền được hành nghề đúng pháp luật của nhà báo”.

Hiểu “thân phận”

Tuy nhiên, bình luận về vụ việc, phóng viên Trung Bảo từ Việt Nam nói: “Bênh vực đồng nghiệp dĩ nhiên cần thiết. Vừa bảo đảm an toàn về sau cho chính mỗi người làm báo, và lớn hơn là để bảo vệ quyền tự do thông tin".

"Nhưng, khi những nhà báo bị ăn đòn trào máu miệng thì họ có nhớ đến những vụ dân oan, người biểu tình bị đánh đập dã man?"

Họ có nhớ đến nhiệm vụ đưa tin của mình? Họ có nhớ mình đã ngoan ngoãn tự tránh xa những đám đông biểu tình, ngoan ngoãn vâng lời "cơ quan" để thậm chí một dòng trên facebook cá nhân cũng không dám viết?”

Ý kiến của nhà báo này nói: “Trận đòn hôm nay với các nhà báo nên xảy ra nhiều hơn nữa, và sẽ tất yếu như vậy thôi. Để các nhà báo hiểu rằng thân phận của họ thật ra không khác gì những người xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, chống Formosa...”

Bình luận về hai vụ việc, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang ở Hà Nội cho rằng những sự việc như thế “xảy ra từ rất lâu rồi”.

clip_image005

Vụ phóng viên Đỗ Thanh Hải bị bóp cổ và thu giữ phương tiện tác nghiệp

“Năm nào ở Việt Nam cũng có hàng chục vụ nhà báo hay người làm báo nhưng chưa có thẻ bị công an và người của cơ quan công quyền nói chung, và/hoặc côn đồ, tấn công gây thương tích từ nhẹ đến nặng".

"Các vụ hành hung ấy, sau đó, có thể lên báo hoặc không lên báo nên rất khó có thống kê chính xác. Nhưng dù thế nào thì con số cũng là rất cao và chuyện công an và/hoặc côn đồ đánh đập người làm báo cũng đã xảy ra từ rất lâu rồi”, bà Đoan Trang viết.

Khi trao đổi với BBC, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Thậm chí nếu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự với những người xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, danh dự nhân phẩm của nhà báo, thư giữ phương tiện hành nghề của nhà báo”.

Ông đặt câu hỏi: “Báo chí có thể đi đến các điểm có vấn đề để thông tin chính thức cho công luận, cho nhân dân. Vậy tại sao lại cấm báo chí? Tại sao lại có hành vi xúc phạm đến báo chí như thế?”

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/160925_reaction_reporter_attack

3. "Nhóm người hành hung tôi còn tiếp tục gây sự khi PV đến trình báo"

Hải Ngọc

PV Trần Quang Thế cho biết: “Nhóm người nghi là Công an huyện Đông Anh, Hà Nội không chỉ hành hung tôi mà còn đập máy hành hung các phóng viên, nhà báo khác đến hiện trường tác nghiệp vụ án nghi lái xe taxi nhảy cầu Nhật Tân tự tử”.

Liên quan đến việc PV báo Tuổi Trẻ bị hành hung khi tác nghiệp tại hiện trường vụ việc lái xe taxi tử vong dưới cầu Nhật Tân, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội, sau khi PV Quang Thế trình báo công an xã Vĩnh Ngọc, PV Infonet có cuộc trao đổi với anh Trần Quang Thế, để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

clip_image006

Trong đơn trình báo gửi Công an xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh, Hà Nội), anh Trần Quang Thế, công tác tại báo Tuổi trẻ TP HCM - Văn phòng Đại diện tại Hà Nội cho biết: “Vào khoảng 10h sáng ngày 23/9, sau khi nhận được thông tin về vụ tự tử trên cầu Nhật Tân, lãnh đạo văn phòng báo Tuổi trẻ tại Hà Nội có chỉ đạo tôi đến hiện trường để tác nghiệp. Ngay sau khi tôi đến hiện trường và chụp một bức ảnh thì có một số người đàn ông lao đến giật máy, đánh đập tôi. Vụ việc khiến tôi bị chảy máu mồm. Không dừng lại ở đó, những người đánh tôi còn dọa sẽ tiếp tục đánh nếu tôi không rời khỏi hiện trường".

Trong đơn anh Trần Quang Thế khẳng định: "Tôi tác nghiệp theo luật pháp Việt Nam. Thời điểm tôi chụp ảnh tại hiện trường không có dây an toàn của cơ quan chức năng. Bản thân tôi khi tác nghiệp cũng đứng xa hiện trường vụ việc khoảng 30 mét cùng với nhiều phóng viên báo đài khác”.

PV Trần Quang Thế cũng đặt nghi vấn "những người hành hung là Công an vì họ từ hiện trường chạy ra”.

PV Trần Quang Thế cho biết: “Nhóm người nghi là Công an huyện Đông Anh, Hà Nội không chỉ hành hung tôi mà còn đập máy ảnh của phóng viên, nhà báo khác đến hiện trường tác nghiệp vụ việc lái xe taxi tử vong dưới chân cầu Nhật Tân”.

“Ngay sau khi nhóm người này hành hung, đánh tôi chảy máu miệng, một số phóng viên, nhà báo khác đến hiện trường tác nghiệp như tôi cũng bị nhóm người này đập máy ảnh… Hình ảnh hành hung phóng viên được đăng tải trên rất nhiều trên các báo và các trang mạng xã hội”.

clip_image007

Người áo đỏ tự xưng "tôi là chỉ huy...." (ảnh cắt từ clip đăng tải trên Zing.vn).

Một số nhân chứng cho biết khi PV Trần Quang Thế cùng một số PV đến trình báo sự việc tại cơ quan Công an xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội, các PV gặp lại những người này, họ có thái độ gây sự ở ngay trụ sở công an. "Biết họ muốn gây sự, nhưng tôi đành phải tránh, vì mình nhận thức được và biết kiềm chế trước sự việc, mặc dù có bị áp lực đến đâu", PV Quang Thế nói.

PV Trần Quang Thế chia sẻ: “Công an trẻ hay không thì đã có rất nhiều người ở hiện trường chứng kiến và biết hết. Lúc này, tôi không muốn gửi cho các cơ quan báo chí clip mà một đồng nghiệp quay lại được cảnh nhóm người nghi là các công an huyện Đông Anh, Hà Nội hành hung tôi như kiểu truy sát, rất phản cảm. Dù bị đánh, bị hành hung… nhưng tôi vẫn giữ uy tín cho các chiến sĩ công an nói chung. Không vì con sâu làm rầu nồi canh...”.

clip_image008

Người áo đỏ chỉ tay vào mặt PV Trần Quang Thế.

Ở một diễn biến khác, trong buổi làm việc với báo Tuổi trẻ, Thượng tá Phạm Nam Thắng – Đội trưởng Đội CSHS Công an huyện Đông Anh, Hà Nội, đã thừa nhận cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã có “thái độ không đúng” và cho biết “đây là những cán bộ trẻ, có thể do bị áp lực vì lúc đang làm ở hiện trường rất đông người hiếu kỳ tụ tập xem nên hành xử không đúng”.

clip_image009

Một người mặc áo đen, đội MBH đấm vào mặt PV Trần Quang Thế.

Bên cạnh đó, thượng tá Phạm Nam Thắng cũng cho rằng, đây là sự việc rất đáng tiếc và ông thay mặt đơn vị xin lỗi báo Tuổi trẻ và xin lỗi cá nhân nhà báo Trần Quang Thế. Công an huyện đã yêu cầu những người liên quan làm tường trình và sẽ có hình thức kiểm điểm xử lý đối với những người tham gia hành hung nhà báo Quang Thế.

Sau khi Thượng tá Thắng xin lỗi báo Tuổi trẻ, nguồn tin của PV cho biết, có một số người tự xưng là công an và lãnh đạo công an huyện Đông Anh gọi điện để đề nghị gặp trực tiếp anh Thế nhưng anh không chấp nhận.

H.N.

Nguồn: http://infonet.vn/nhom-nguoi-hanh-hung-toi-con-tiep-tuc-gay-su-khi-pv-den-trinh-bao-post209848.info

4. "Người mặc thường phục“ ghì cổ, lăng mạ người vi phạm giao thông là... công an

Thu Hằng

THIẾU ÚY HOÀNG ĐƯỢC PHÂN CÔNG MẶC THƯỜNG PHỤC

đây là làm theo quy định nghiệp vụ nhé! Đâu chỉ có Hà Nội và HCM cả các nơi khác. Thế là chủ trương của Bộ hay sao?

Nguyễn Quang A

Không thỏa mãn với lỗi vi phạm, ông Diềm đã có tranh cãi với CSGT Kiến Thụy. Bất ngờ một thanh niên mậc thường phục, lao tới "gô cổ", bẻ tay ông về phía sau kèm theo những từ lăng mạ ông trước sự chứng kiến của CSGT. Thanh niên này chính là công an “ hóa trang” để ghi hình vi phạm...

Một Clip được phát tán chóng mặt trên mạng xã hội, nội dung liên quan đến sự việc xảy ra ở Hải Phòng. Theo đó, một người vi phạm giao thông bị một thanh niên mặc thường phục ghì cổ xuống, bẻ tay ra phía sau với thái độ hung hăng, ngay trước mặt lực lượng CSGT.

Qua xác minh, Clip trên là vụ việc có thực, phản ánh lại quá trình xử lý vi phạm giao thông của công an huyện Kiến Thụy, thành Phố Hải Phòng vào ngày 14/9 vừa qua.

Nội dung clip và lời kể của các nhân chứng có mặt cho biết: ông Trần Văn Diềm (SN 1957, thôn Việt Tiến 1, xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy), người được cho là vi phạm giao thông bị yêu cầu cho xe về trụ sở công an để xử lý. Ông Diềm không chấp thuận vì cho rằng CSGT báo lỗi vi phạm chưa hợp lý.

Khi 2 chiến sỹ CSGT và một số thanh niên mặc thường phục định đưa xe ông Diềm lên ôtô chuyên dụng thì ông Diềm phản ứng, giữ lại. Bất ngờ, người thanh niên mặc thường phục, áo xanh lao vào bẻ quặt tay ông Diềm lại đằng sau, tay phải ghì cổ ông Diềm và xưng hô thiếu lịch sự, có nhiều lời nói mang tính lăng mạ đến ông Diềm. Sự việc diễn ra trước mặt tổ công tác của công an Kiến Thụy nhưng không được can thiệp.

clip_image010

Thanh niên mặc áo màu xanh ghì cổ người vi phạm, xưng hô mày tao với dân (ảnh cắt từ clip)

Giải thích về nội dung này, công an Hải Phòng thông tin: Ngày 14/9, thực hiện kế hoạch TTKS của Công an huyện Kiến Thụy, tổ công tác Cảnh sát giao thông trật tự (CSGT.TT) - 113 do Trung úy Đặng Bá Vinh chỉ huy cùng 4 đồng chí khác, trong đó có Thiếu úy Nguyễn Minh Hoàng đi làm nhiệm vụ tại đường 403, thuộc xã Tú Sơn.

Đến 9h30’ cùng ngày, Tổ công tác phát hiện một người đàn ông khoảng trên 50 tuổi (là ông Trần Văn Diềm), mặc áo ba lỗ, điều khiển xe máy Jupiter, không đội mũ bảo hiểm (chỉ đội mũ lưỡi trai mềm) nên đồng chí Hoàng đã báo cho Tổ TTKS dừng xe của ông Diềm để kiểm tra. Khi phát hiện thấy Tổ TTKS, ông Diềm đã dừng xe rồi lấy mũ bảo hiểm treo ở võng xe đội lên đầu. Sau đó, ông Diềm không chấp hành yêu cầu của CSGT, buộc tổ công tác phải cưỡng chế...

clip_image011

Việc làm phản cảm sai quy định này diễn ra trước mặt CSGT Kiến Thụy. CSGT không ngăn cản mà còn giúp thanh niên áo xanh khống chế người vi phạm (ảnh cắt từ Clip)

Người thanh niên mặc áo xanh có hành vi khống chế, ghì cổ và bẻ tay người vi phạm chính là Thiếu úy Nguyễn Minh Hoàng, cán bộ công an huyện Kiến Thụy. Thiếu úy Hoàng được phân công mặc thường phục để ghi hình người vi phạm.

Nguồn tin riêng của Dân trí cho biết, Thiếu úy Hoàng đã bị đình chỉ công tác, viết giải trình sự việc. Và vụ việc đang được công an Hải Phòng tiếp tục điều tra làm rõ.

T.H.

Nguồn: http://dantri.com.vn/xa-hoi/nguoi-mac-thuong-phuc-ghi-co-lang-ma-nguoi-vi-pham-giao-thong-la-cong-an-20160923200801894.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn