Nhìn lại nhân vật Nguyễn Tấn Dũng: Bài học nào từ vụ Bauxite?

Thảo Vy

“Ngày 22/9, báo VietNamNet đăng tin “Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm giảng viên lớp bồi dưỡng cán bộ TP.HCM”. Đây là thông tin không chính xác”. [http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/329467/dinh-chinh.html]

Tuy nhiên theo tài liệu mà phóng viên trang Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam có được, thì trong lịch học có tên của ông Nguyễn Tấn Dũng trên cương vị “nguyên thủ tướng”.

400 học viên là các quan chức cấp cao nhất trong bộ máy quản lý của TP.HCM sẽ phải theo học một khóa gọi là “nghiên cứu, học tập” tại Học viện Cán bộ TP.HCM. Ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ đứng lớp trong bốn buổi sáng từ ngày thứ ba 11-10 đến thứ sáu 14-10. Ông sẽ truyền dạy môn có tên là “Kinh nghiệm trong quản lý nhà nước”.

Trong thời gian từ ngày 27-9 đến 30-11-2016, dự kiến có 400 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan chính quyền, cơ quan Đảng trú đóng ở TP.HCM, được chia làm 4 lớp, sẽ cùng nhau nghiên cứu, học tập 15 chuyên đề tập trung vào các nội dung: Những quan điểm, chủ trương, chính sách mới về công tác dân vận của Đảng và Nhà nước CSVN; vận dụng và phát triển sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới đất nước; kinh nghiệm trong quản lý nhà nước; thông tin kinh tế vĩ mô; quản trị chính quyền địa phương trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu…

Dự án bauxite: cặp đôi hoàn hảo Dũng – Hoàng

Ngày 29-4-2009, trên cương vị Thủ tướng, ông Dũng ký ban hành công văn 650/TTg-KTN, gửi các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông; Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước, Bình Thuận, Cao Bằng, Lạng Sơn; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Theo đó, ông Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng được giao các đầu việc cụ thể như sau (trích):

(1) Rà soát lại quy hoạch bauxite trên cơ sở cập nhật tình hình và dự báo mới nhất về tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu và đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bauxite giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 và lập Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (ĐCM), trình duyệt theo quy định hiện hành.

(2) Chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan thẩm định thiết kế kỹ thuật hồ bùn đỏ của dự án Tân Rai và Nhân Cơ trên cơ sở trình của TKV, bảo đảm an toàn lâu dài đối với môi trường.

(3) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, tính toán, đánh giá lại hiệu quả dự án alumine Nhân Cơ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

(4) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tập đoàn TKV lập phương án vận tải sản phẩm đối với các dự án Tân Rai và Nhân Cơ tối ưu nhất để triển khai thực hiện khi dự án đi vào hoạt động. (5) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ giám sát và đánh giá hiệu quả việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ đối với các dự án nêu trên.

(6) Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương của Đảng và Chính phủ về phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản bauxite.

(7) Chuẩn bị báo cáo về tình hình thực hiện các dự án khai thác và chế biến bauxite ra Hội nghị Trung ương tới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại công văn này cũng yêu cầu “Chủ đầu tư (Tập đoàn TKV) triển khai các dự án Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả kinh tế-tài chính”.

Gần một tháng sau đó, ngày 22-5-2009, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã ký Báo cáo số 91/BC-CP của Chính phủ gửi Quốc hội về việc triển khai các dự án bauxite gửi tới các đại biểu Quốc hội. Một số tình tiết nêu trong báo cáo cho thấy dự án bauxite đã quyết định thực hiện, việc báo cáo ra Quốc hội chỉ là một hình thức mang tính thủ tục; các tình tiết đó như sau (trích):

(1) Chủ trương lập dự án bô-xít - alumin Nhân Cơ đã được thông qua tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bô-xít. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương nâng công suất nhà máy alumin Nhân Cơ lên 600.000 tấn/năm (công văn số 2728/VPCP-HTQT ngày 02 tháng 5 năm 2008).

(2) Tại thông báo 245 của Bộ Chính trị đã kết luận: “Chủ trương thăm dò, khai thác, chế biến bô-xít là chủ trương nhất quán từ Đại hội IX và Đại hội X của Đảng đến nay. Triển khai các Nghị quyết Đại hội, trong 2 nhiệm kỳ, Bộ Chính trị đã nhiều lần bàn và ra các Nghị quyết, kết luận để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ngành công nghiệp bô-xít, alumin, nhôm, phục vụ phát triển kinh tế đất nước nói chung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên nói riêng”.

(3) Về việc Quy hoạch bô-xít không phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đã được làm rõ tại Hội thảo khoa học ngày 09 tháng 4 năm 2009 như sau: Theo quy định tại Nghị quyết số 66/QH 11 ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Quốc hội khóa 11 (Nghị quyết 66), chỉ có các dự án, công trình quan trọng quốc gia thì Chính phủ phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Quy hoạch bô-xít cũng như nhiều quy hoạch khác (quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội các vùng, địa phương, quy hoạch các ngành kinh tế - kỹ thuật như ngành điện, dầu khí, khoáng sản, thép v.v...) không phải là dự án đầu tư, vì vậy không chịu sự điều chỉnh của Nghị quyết 66. Theo luật pháp hiện hành, thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, quy hoạch phát triển ngành là Thủ tướng Chính phủ.

(4) Trung Quốc có kinh nghiệm, có công nghệ sản xuất alumin (kể cả đối với quặng gipxit là loại quặng khó xử lý hơn) và là một trong các nhà sản xuất alumin-nhôm hàng đầu thế giới hiện nay. Sản phẩm alumin và nhôm sản xuất theo công nghệ thực tế đang áp dụng có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Như vậy, công nghệ Trung Quốc đã được kiểm chứng qua thực tế và có thể áp dụng cho các dự án ở Việt Nam.

(5) Thông báo số 245-TB/TW ngày 24 tháng 4 năm 2009 của Bộ Chính trị xác định: “Tây Nguyên là khu vực nhạy cảm, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề an ninh, quốc phòng cho cả trước mắt và lâu dài.”... Đến nay, chưa có một quy định hoặc quyết định cụ thể nào của Quốc hội và Chính phủ về “đưa Tây Nguyên vào địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc phòng, an ninh” và điều chỉnh bởi Nghị quyết 66. Bởi vì nếu như vậy, thì được hiểu là tất cả các dự án ở Tây Nguyên, không trừ một dự án nào, không phụ thuộc vào quy mô, tính chất cũng sẽ phải trình ra Quốc hội để thông qua chủ trương đầu tư.

Ông Dũng và ông Hoàng đã bỏ ngoài tai mọi phản biện

Tính đến thời điểm này, dự án bauxite đã lộ rất rõ những thua lỗ và liên tiếp xảy ra các sự cố.

Sáng 23-7-2016, sự cố đường ống Nhà máy Alumin Nhân Cơ (do nhà thầu Chalieco, Trung Quốc phụ trách) khiến hóa chất kiềm tràn ra bên ngoài, một phần kiềm thẩm thấu xuống lòng đất trong phạm vi 600m2, phần còn lại chảy theo đường ống đổ về suối Đắk Dao. Khi thấy cá trên suối Đắk Dao chết, nhiều người dân, trong đó có cả trẻ em đã lội xuống dòng suối này vớt cá về ăn. Ông Phan Diệu Anh, một trong những người phát hiện sự việc đầu tiên cho biết: “Khi đó, dòng nước có nhiều biểu hiện lạ so với bình thường, nước đục, có màu sẫm đen, trên bề mặt nổi váng loang lổ…; Tiếp xúc thấy có chất nhờn như nước bọt xà bông. Sau khoảng 10 phút tiếp xúc với nước, chân tôi bị ngứa, da khô cứng, căng ra; Những vùng da non bị đau rát, có chỗ rộp lên như bỏng nước sôi”.

Trao đổi với báo chí, PGS. TS. Nguyễn Văn Phổ, Viện Công nghệ địa chất và Khoáng sản, (Hội Địa chất Việt Nam) cho biết, nếu không cẩn trọng trong khai thác bauxite ở Nhân Cơ sẽ có nguy cơ thảm họa môi trường giống Formosa ở Tây Nguyên. PGS. TS. Nguyễn Văn Phổ bày tỏ lo lắng khi mới đây Nhà máy Alumin Nhân Cơ vỡ ống xút và tràn ra ngoài: “Quả thực đây là điều báo động cực kỳ nguy hiểm đối với quá trình sản xuất alumin ở khu vực Nhân Cơ. Về nguy hại lâu dài sẽ vô cùng khủng khiếp”.

Theo PGS. Phổ, ngay Trung Quốc cũng đã cấm hơn 100 nhà máy sản xuất nhôm theo hình thức chiết quặng bauxite. “Tây Nguyên là khu vực nằm ở vị trí đầu nguồn các con sông, suối chảy về Nam Trung bộ, Nam bộ. Nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường liên quan đến bauxite thì hậu họa sẽ khôn lường. Công nghệ xử lý bùn đỏ trên thế giới chưa nước nào chế ngự được xút. Nếu mà vỡ ra thì nguy hại toàn vùng, ảnh hưởng đến dòng chảy, môi trường sống của sinh vật ở các dòng sông, con suối trong khu vực… Tôi nghĩ ở góc độ tác hại môi trường chẳng khác gì Formosa”, PGS. Phổ lo ngại.

Đầu tháng 3-2013, trước tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về trữ lượng bauxite của Việt Nam là 10-11 tỉ tấn, thì lập tức đã vấp sự phản ứng mạnh từ giới chuyên môn.

PGS.TS. Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Địa chất và Khoáng sản, nói rằng trữ lượng bauxite mà Bộ trưởng nói đến chỉ là tài nguyên, còn muốn mở ra ngành công nghiệp bauxite - nhôm thì phải khoan thăm dò chi tiết, tính toán nhiều yếu tố chứ không thể căn cứ vào dự báo tài nguyên để làm luận chứng kinh tế cho dự án bauxite Tây Nguyên.

“Hơn nữa, cho đến nay, trên các tài liệu đã công bố, Việt Nam chỉ có 6,9 tỉ tấn tài nguyên bauxite, còn Mỹ nhận định trữ lượng bauxite của Việt Nam chỉ có 2,1 tỉ tấn. Tuy nhiên, khi thăm dò chi tiết, trữ lượng có thể thấp hơn nữa. Trong khi trữ lượng bauxite của cả thế giới chỉ có 38 tỉ tấn. Lâu nay, Việt Nam hay dùng khái niệm trữ lượng là không chính xác, thậm chí còn nói “vống” trữ lượng lên để gây phấn khởi”. PGS.TS. Vinh nói.

PGS.TS. Nguyễn Khắc Vinh đã “tạt gáo nước lạnh”: Về bauxite, nếu nhìn ở góc độ kinh tế và khoa học thì lỗ nặng vì thị trường thế giới không lớn. Đây lại là lĩnh vực mới, phải đầu tư số tiền khổng lồ, trong khi giá bauxite rất rẻ (khoảng 35 USD/tấn) nên không phải là sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Mỗi năm, thế giới chỉ sử dụng 200 triệu tấn và với trữ lượng 38 tỉ tấn thì 100 năm nữa, thế giới mới sử dụng hết, điều này cho thấy nhu cầu về bauxite của toàn cầu là không nhiều. Vì vậy, nếu Việt Nam khai thác nhiều cũng chẳng bán được cho ai. Hiện nay, Trung Quốc gần như là khách hàng mua bauxite duy nhất của Việt Nam vì nhu cầu họ lớn nhưng trữ lượng có hạn.

Công bằng mà nói, nếu như không có sự gật đầu của ông Tổng Bí thư thì chắc chắn ‘có ăn gan trời’, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng không dám mạnh miệng quyết định về một dự án mà ai cũng thấy thua lỗ rõ ràng.

Tuy nhiên mọi góp ý về dự án bauxite này đều được xem là “ngoài luồng”, vì sau 3 năm “yên vị” ghế thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã không chấp nhận các lời chê trách, các phản biện về những chính sách của ông, bằng Quyết định 97/2009/QĐ-TTg được ông ký ngày 24 tháng 7 năm 2009; trong đó ở điều 2 mục 2 đã nhấn mạnh: nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ.

T.V.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/09/vntb-nhin-lai-nhan-vat-nguyen-tan-dung.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn