Sau cơn địa chấn là sự trầm tư (Mênh mông thế sự 52)

Tương Lai

Sau sự choáng váng bởi cơn địa chấn Trump là sự trầm tư. Mà trầm tư để dám và biết tỉnh thức về thời cuộc. Đôi mắt phải mở to hơn để nhìn thấu vào chiều sâu của các hiện tượng đã và đang diễn ra. Cái đầu phải trầm lắng lại để lần lượt bóc tách những cảm tính quá bức xúc về những nghịch lý nhằm lần cho ra cái hạt nhân duy lý của sự kiện đã và đang phơi bày về cơn địa chấn, từ cơn địa chấn và những dư chấn của nó.

Ai đó đã gợi ra một ý tưởng đáng ngờ song cũng không phải là không đáng lưu tâm: không nên có những phản ứng xúc cảm đối với chính trị, vì xúc cảm là thứ quý giá, cho nên không nên đầu tư xúc cảm cho chính trị, cho những chính khách mà mình thích. Thắng lợi của Trump, trên hết, là thắng lợi của một nền dân chủ trưởng thành cho dù vẫn có ý kiến ngược lại rằng đó là một bi kịch của nền dân chủ Mỹ. Thắng lợi đó có phần đóng góp rất lớn của những người đã không bỏ phiếu cho Trump nhưng có người lại tìm thấy ở đó tính mong manh của những thể chế Mỹ và rằng lịch sử nước Mỹ cho thấy chính trị ôn hòa bao giờ cũng thua chính trị quá khích!

Vượt lên trên mọi tranh luận và sự đối nghịch của lý lẽ, có một sự thật là cơn địa chấn của cuộc bầu cử Tổng thồng Mỹ gây ra đang để lại những dư chấn (aftershock) ghê gớm khắp thế giới. Chẳng thế mà Trung tâm điện toán của Sở Di trú Canada đã bị tắc nghẽn ngay khi chỉ mới có tin sơ khởi về kết quả kiểm phiếu mà Trump đang dẫn trước Hilary, số lượng người Mỹ vào website tìm kiếm cách thức di dân qua Canada tăng lên đến độ chóng mặt, khiến cho máy chủ bị quá tải, ngưng chạy.

Cùng lúc, Sở Di trú của New Zealand cho biết số lượng người truy cập website của họ tăng lên 25 lần so với hàng ngày trước đây. Một số ngôi sao nghệ thuật của Mỹ như Cher, Barbara Streisand, Amy Schumer, Chelsea Handler, Bryan Cranston đã lên tiếng cho biết sẽ di dân đến Úc, Canada, New Zealand … Khi kết quả chính thức Trump đắc cử, nhiều cuộc xuống đường chống lại người sắp vào Nhà Trắng xảy ra nhiều nơi trên nước Mỹ từ các tiểu bang miền Đông qua miền Tây, New York, Chicago, Washington qua Seattle, Los Angeles với hàng ngàn người tham dự.

Ngay cả đảng viên Đảng Cộng hòa cũng kéo đến tòa Bạch Ốc biểu tình phản đối sự đắc cử của ông Trump. ACLU, tổ chức dân quyền lớn nhất và lâu đời nhất nước Mỹ, tuyên bố sẵn sàng ‘nghênh chiến’ với vị tân Tổng thống tại toà về sáu chính sách vi hiến của ông này. Thế rồi, trước khi chính thức trở thành ông chủ để bước vào Nhà Trắng, Donald Trump sẽ phải hầu tòa tại San Diego, California ngày 28/11/2016 tới, khi khai mở phiên tòa xử hai vụ kiện tập thể chống lại Trump University. Một vụ kiện tập thể khác sẽ do tòa án New York xử, nhưng chưa ấn định ngày. Rồi thị trường chứng khoán Mỹ và nhiều nơi khác chao đảo…

Kể sao cho xuể những dư chấn?

Đúng là không nên vung vãi cảm xúc cho chính trị và các chính khách. Nhưng chuyện này không dễ. Khi viết về “Sự bẩn thỉu của chính trị” trong “Mênh mông thế sự 47” thì chẳng phải đó là cách biểu tỏ một thái độ bằng cảm xúc đó sao, tôi nghĩ vậy. Và hôm rồi, 9.3.2016 (tức là ngày 8.11 ở Washington) nhận lời mời của Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn đến GEM CENTER theo dõi trực tuyến cuộc tường thuật trực tiếp diễn tiến cuộc bầu cử ở Mỹ, khi trên màn hình lớn xuất hiện số phiếu đại cử tri Trump giành được vượt hẳn Hillary, ngụm cà phê đắng ngắt trong cổ họng tôi, phải khó nhọc lắm mới tì vào gậy đứng dậy được để đặt chiếc ly đang uống dở vào khay người phục vụ đi qua. Phải chăng đó chính là vị đắng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đầy kịch tính với kết quả quá bất ngờ đã xóa nhòa hình tượng hấp dẫn và quyến rũ mà nền chính trị dân chủ Hoa Kỳ đã từng đại diện?

Charles Sellers, phụ trách chính trị của Tổng lãnh sự quán, chính xác là Political Section Chief, bước tới chìa tay chia sẻ với tôi. Anh hỏi và tôi trả lời: “Đương nhiên là tôi hy vọng Hillary, và vì thế tôi không đủ sức ngồi lại theo dõi tiếp được nữa, Trump thắng mất rồi”. Charles ái ngại nhìn tôi: “Mong chúng ta sớm gặp nhau, 19 tháng 11 được không?”, thấy tôi chưa trả lời, “Tôi sẽ gọi cho ông sau nhé” anh nói và nắm chặt tay tôi. Lặng lẽ tôi chia tay anh ra về. Vậy đấy, làm sao thoát khỏi chính trị, làm sao để không giành xúc cảm cho chính trị đây? Đương nhiên, có nhiều cách tiếp cận và đo đếm về những dư chấn của cơn địa chấn Trump, một sự kiện chính trị làm bàng hoàng nước Mỹ và cả thế giới từ những chỗ đứng khác nhau.

Thì đó, Paul Krugman, nhà kinh tế đoạt giải Nobel, người viết bài này đã có hân hạnh gặp và nghe ông thuyết trình tại Sài Gòn cách nay chừng năm năm, vừa viết trên New York Times: Mỹ có phải đã là quốc gia hoặc một xã hội thất bại không”, “Tôi đã từng nghĩ phần lớn người Mỹ sẽ trân trọng các chuẩn mực dân chủ và pháp quyền. Nhưng hóa ra chúng ta đã sai. Rất nhiều người, chủ yếu là người da trắng ở nông thôn, không hoàn toàn chia sẻ quan điểm của chúng ta về nước Mỹ. Đối với họ, đó chính là máu và đất, là truyền thống gia trưởng và các bậc thang chủng tộc”… Vậy là Paul Krugman nghĩ rằng, cũng như ông, người Mỹ sẽ bỏ phiếu lựa chọn cho những giá trị mà ông theo đuổi nhưng rồi họ đã lựa chọn khác. Mà khi đa số cử tri đã lựa chọn, thì dù có khác với những giá trị mà những đầu óc cỡ người được giải Nobel như Paul dù ngỡ ngàng cũng phải chấp nhận.

Cũng nên nhắc lại rằng, Paul là người xây dựng lý thuyết mới nhằm xác định những ảnh hưởng của tự do mậu dịch và toàn cầu hóa cũng như các lực lượng dẫn dắt nằm sau quá trình đô thị hóa đang diễn ra mãnh liệt trên khắp thế giới, người tích hợp được những lĩnh vực nghiên cứu vốn khác hẳn nhau về thương mại quốc tế và địa lý học kinh tế. Đây cũng là những vấn đề mà Donald Trump đang làm rối tung lên với những quyết sách kinh tế đã lớn tiếng tuyên bố trong phát biểu tranh cử!

Bởi vì khác với Paul, Trump “không chơi theo luật thông thường hiện hữu, Trump nói, vì Tôi không phải một chính trị gia đang thực hiện các cuộc điều tra dư luận để xem mình nên “tin” hay nói điều gì. Tôi đang nói về các vấn đề như thực tế đang xảy ra và chạm đến cốt lõi của thứ mà tôi nghĩ sẽ khiến nước Mỹ hùng mạnh trở lại”. Đây là những câu tôi nhặt ra từ cuốn sách “Nước Mỹ nhìn từ bên trong” của Trump. Và rôi, tôi cũng thật sự “sốc” khi tôi đọc những dòng sau đây của người đang chuẩn bị bước vào Nhà Trắng vào ngày 20.1.2017 tới đây: “Không ai trả tiền để tôi nói những điều này. Tôi đang tự trả phí tổn để đi con đường của mình và tôi không chịu ơn bất cứ nhóm đặc lợi hay giới vận động hành lang nào” và rằng “nước Mỹ không cần thêm những chính trị gia “chỉ nói suông” điều hành nó nữa. Nước Mỹ cần những doanh nhân thông minh hiểu cách quản lý. Chúng ta không cần thêm những màn hùng biện chính trị nữa, mà chúng ta cần thêm sự hợp lẽ. “Nếu nó không hỏng, thì đừng sửa nó”, song nếu nó đã hỏng, thì hãy ngừng nói để còn sửa chữa. Tôi biết cách sửa nó”.

Thế rồi tìm biết kỹ hơn một chút, người đang viết bài này hiểu ra được rằng gây sửng sốt cho những người đang theo đuổi những giá trị như chủ nhân của giải Nobel kinh tế năm 2006 còn có hiện tượng những chính khách cánh hữu theo đường lối dân túy từ Australia đến Pháp vui mừng với kết quả bầu cử Mỹ, cho rằng đó là một cú giáng mạnh vào thế lực uy quyền trên chính trường.

Beatrix von Storch – Phó Chủ tịch Đảng AfD của Đức thì giải thích rõ: “Chiến thắng của Donald Trump là dấu hiệu cho thấy các công dân của thế giới phương Tây muốn một sự thay đổi rõ ràng về chính sách”. Còn Florian Philippot – một nhân vật cấp cao trong Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp (FN), thuộc giới chính khách cực hữu Pháp, thì mừng rỡ thét lớn: Thế giới của họ đang tan vỡ. Thế giới của chúng ta đang được xây dựng”. Thậm chí, Jean-Marie Le Pen – người sáng lập Đảng FN còn khẳng định: “Hôm nay là nước Mỹ, ngày mai là Pháp!”. Cần nhắc lại rằng Le Pen đã từng làm cho chính trường nước Pháp hoảng hồn khi vào đến vòng cuối cùng cuộc bầu cử năm 2002 của nước Pháp khiến cho hơn một triệu người đã xuống đường phản đối và rồi hơn 80% cử tri của tất cả các đảng phái Pháp phải dồn phiếu cho Jacques Chirac để ông này giành được ghế Tổng thống chỉ để ngăn Le Pen giành chiến thắng.

Vậy thì cái gì đang tan vỡ với hiện tượng Donald Trump?

Phải chăng đó là các học thuyết chính trị truyền thống trên thế giới và ngay trong lòng nước Mỹ đã bộc lộ những bất cập, không giải quyết được các mâu thuẫn thời đại đặt ra trong thực tiễn. Các tờ báo lớn của Mỹ đều đồng loạt nhận sai lầm về cách đưa những dự báo về bầu cử Tổng thống Mỹ. Vì sao thế nhỉ? Janine R. Wedel, giáo sư tại Đại học George Mason (Virginia, Mỹ), chỉ ra rằng: “Lòng tin là huyết mạch của một xã hội thịnh vượng, nhưng nhiều nước phương Tây lại đang cần phải truyền máu khẩn cấp. Ấy thế mà các hệ thống chính trị này sẽ chỉ ở trạng thái được hồi sức cấp cứu một cách lay lắt cho tới khi tầng lớp tinh hoa lâu đời cảm thấy bị đe dọa đủ để có thể bắt đầu quan tâm tới nhu cầu của bộ phận dân chúng đang bị bỏ rơi”.

Báo Washington Post nhận định chiến thắng của Trump rằng “sự đứt gãy giữa hàng loạt thăm dò với kết quả thực tế gây sốc, chỉ có thể giải thích bằng khao khát mãnh liệt muốn thổi tung cả một hệ thống. Không chỉ là hệ thống chính trị mà cả những tầng lớp tinh hoa và các tổ chức luôn tự nhận rằng họ biết hết mọi thứ”. Còn tờ Guardian thì nói toẹt ra rằng “thông điệp của Trump đánh trúng vào trái tim một cách cảm tính, không phải vào những bộ óc lý trí”.

Để rồi, nghiêm túc một cách hài hước, đạo diễn Michael Moore nói với NBC rằng: “Tôi thấy rất nhiều người giận dữ, họ xem ông Trump như khẩu súng để mang đến các thùng phiếu trong ngày 8/11 và bắn thẳng ông ta vào nền chính trị. Họ nghĩ có thể thổi tung cả hệ thống”.

Cơn địa chấn do doanh nhân tỷ phú có dáng dấp Trump gây ra có thể không thể “thổi tung cả hệ thống” ngay lúc này khi Trump chỉ tự tin mà nói rằng “tôi biết cách sửa nó”. Chỉ riêng điều này cũng đủ để làm đảo lộn cách tư duy truyền thồng từng ngự trị trong đầu óc của các chính khách lão luyện trên chính trường. Với “một dư lực của tinh thần Viễn Tây mà dân Mỹ da trắng vẫn còn vương vấn” như một lời bình dí dỏm về tính cách của vị tân Tổng thống Mỹ, phải chăng là Donald Trump đang tạo ra những cơn dư chấn mới ngay trong lòng nước Mỹ và lan tỏa đến Châu Âu và thế giới?

Có lẽ sát với cơn dư chấn ở Việt Nam hơn nên Phó Giám Đốc Điều hành khu vực ASEAN của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, ông Vũ Tú Thành có một nhận định rất đáng suy nghĩ: “Nếu như bình tĩnh hơn một chút để nhìn vào kết quả bầu cử và nguyên nhân dẫn đến điều đó, ta sẽ thấy, những bang tranh chấp ngã hẳn về ông Trump đều bầu cho ông Obama trước đó.

Nếu theo logic đó thì những người này đều thuộc bộ phận đa số im lặng. Ý nguyện của họ đều muốn thay đổi. Và những ai đại diện cho sự thay đổi, chống lại cái nguyên trạng thì các cử tri đó đều bỏ phiếu. Năm 2008-1012, cử tri đã bầu cho một đại diện như vậy, đó là ông Obama. Năm nay, đó là ông Trump, bất kể người đó thuộc Đảng nào thì chúng ta có thể nhìn từ logic đó”.

Ông Thành nhấn mạnh: “Người ta đang cần thay đổi, ông chứng minh được là ông phi truyền thống, ông thay đổi thì thắng. Trong chừng mực nào đó, 8 năm trước, ông Obama đã làm chính điều như vậy và ông ấy chiến thắngÔng Trump cũng vậy, thậm chí đẩy lên một hình thái cao hơn, một cực đoan hơn.

Còn giáo sư Terry F. Buss, nguyên Hiệu trưởng Trường Chính sách công, Đại học Carnegie Mellon, thành viên của Hội đồng Quốc gia Mỹ thì chỉ rõ rằng: “Chúng ta cũng đã nhận định sai về sức hấp dẫn mang tính tiêu cực [negative genius] của Donald Trump. Ông ta đi ngược lại mọi lời khuyên, mọi hình mẫu chuẩn mực của một chính trị gia và chính điều đó mang lại sức hấp dẫn cho ông ta”. Người viết bài này cứ vơ vào mà cho rằng ông giáo sư người Mỹ này nói riêng cho thực trạng của Việt Nam ta hiện nay: “Các chính trị gia xây dựng lực lượng ủng hộ mình dựa trên nỗi sợ hãi của đám đông. Và khi nỗi sợ hãi được khuếch trương, người dân thường sẽ chọn ứng viên nào mà họ cảm thấy là người mạnh mẽ nhất, cứng rắn nhất có thể trấn an nỗi sợ của họ”.

Vậy là, vượt ra ngoài gần như tất cả các dự đoán của giới chuyên gia và giới chính trị chính thống, Donald Trump, một doanh nhân thô tục, lỗ mãng, ăn nói bạt mạng không thèm màu mè kiểu chính khách lại dấn bước nào lãnh địa của chính trị nhưng lại được đa số cử tri Mỹ bầu làm tổng thống.

Những ai bầu cho Trump vậy?

Nhìn vào số lượng người da trắng đi bầu ở những tiểu bang quyết định thắng bại như Florida, Ohio, Pennsylvania… lên đến 70% mà phần lớn lại đã bầu cho Trump. Vậy là những người thuộc tầng lớp lao động đang vất vả trong cuộc mưu sinh đã bị các chính khách bỏ quên lâu nay! Thế là với lá phiếu trên tay, họ dùng nó làm công cụ mà nền dân chủ Mỹ tạo ra, cho dù còn khiếm khuyết vẫn đủ cho họ đưa ra đòi hỏi nóng bỏng về một sự thay đổi toàn diện trong thể chế chính trị của Mỹ sao cho có thể đáp ứng ngay những đòi hỏi từ cuộc sống của chính họ.

Đừng quên rằng đã từng có một áp lực nặng ký đặt lên lá phiếu của cử tri da đen để hướng họ vào bà Ngoại trưởng Hillary Clinton, không ai khác, áp lực đó đến từ đương kim Tổng thống Hoa Kỳ Barak Obama. Trước khán giả phần đông là những người da đen trong bữa tiệc do tổ chức Các Nghị sĩ Da màu (Congressional Black Caucus – CBC) thực hiện, Obama nói rằng nếu họ không ủng hộ bà Hillary Clinton trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, đó sẽ là “một sự sỉ nhục lớn” đối với cá nhân ông. “Có thể tên của tôi không nằm trên lá phiếu bầu, song sự phát triển của Đảng Dân chủ thì phụ thuộc vào nó”. Vị Tổng thống hai nhiệm kỳ sắp mãn nhiệm còn đặc biệt nhấn mạnh: “Không chỉ có vậy, sự kiên nhẫn của người Mỹ, nền dân chủ Mỹ, công lý, trường học và những gì quan trọng nhất, tất cả đều phụ thuộc vào lá phiếu bầu”.

Chẳng những thế, đương kim Tổng thống Mỹ còn cảnh báo “Vận mệnh của của nền cộng hòa đặt trên vai quý vị”, ông khuyến cáo cử tri ở bang trọng điểm Bắc Carolina: “Vận mệnh của thế giới đang bấp bênh và quý vị, Bắc Carolina, phải chắc chắn rằng chúng ta đang thúc đẩy nó đi đúng hướng.” Và rồi kết quả như thế nào thì như tất cả những ai đã hướng mong mỏi của mình vào Hillary và cả nước Mỹ, cả thế giới đã biết! Cũng nên nhắc lại rằng những bang tranh chấp mà trước đây cử tri dồn phiếu cho Obama khi họ hân hoan tìm thấy khát vọng của họ trong khẩu hiệu tranh cử của vị luật sư da đen “Change, yes, we can” thì nay họ lại dồn phiếu cho doanh nhân Donald Trump, biểu tượng của sự thay đổi!

Vậy thì cái vị đắng của hình tượng nền dân chủ mà nước Mỹ từng đại diện bị xóa nhòa bởi cơn địa chấn Trump mà tôi miêu tả ở trên có còn giữ mãi trong cổ họng nữa không đây? Quả là, sau cơn địa chấn là sự trầm tư. Những xúc cảm chính trị qua đi, sự tỉnh thức của trí tuệ được gọi dậy, một hình tượng khác nổi lên: Đó là một trong những thời tốt đẹp nhất, đó là một trong những thời tồi tệ nhất, đó là thời của sự khôn ngoan, đó là thời của sự xuẩn ngốc, đó là kỷ nguyên của lòng tin, đó là kỷ nguyên của sự ngờ vực, đó là mùa Ánh sáng, đó là mùa Bóng tối….

Đây là câu mở đầu tác phẩm “Chuyện hai thành phố” (A Tale of Two Cities) của Charles Dickens, văn hào Anh. Đó là chuyện về hai thành phố London và Paris giữa thời Cách mạng Pháp năm 1789, khi cả thế giới, hay ít ra là Châu Âu, cũng đang bàng hoàng, mất phương hướng sau một sự kiện chính trị rung chuyển mang tính lịch sử: những người dân thường Pháp vùng lên lật đổ triều đình trong một cuộc cách mạng dân túy đẫm máu.

Trong thời điểm hiện nay, gần cuối năm thứ 16 của thế kỷ 21, đoạn văn này của Dickens trở nên âm vang hơn bao giờ hết”. Tôi trích câu này từ một bài viết của Nam Quỳnh đăng trên Tạp chí Luật Khoa. Tác giả kết luận bài viết: “…Đó là mùa Ánh sáng, đó là mùa Bóng tối, đó là mùa xuân hy vọng, đó là mùa đông tuyệt vọng, chúng ta có mọi thứ phía trước mình, chúng ta chả có gì phía trước mình cả…”.

Có thể có nhiều ẩn dụ gửi gắm trong bài viết về luật pháp kia, biết vậy, song tôi vẫn mượn hình tượng do văn hào Anh gợi lên để nói về “mùa xuân hy vọng” và “mùa đông tuyệt vọng” mà trầm tư về thế sự khi nối kết cơn địa chấn khởi phát từ nước Mỹ với những dư chấn của nó trên đất nước ta.

Liệu có phải chúng ta có mọi thứ phía trước mình hay là chúng ta chả có gì phía trước mình cả? Mùa xuân thì rồi sẽ đến, nhưng mùa đông tuyệt vọng thì đang hiện diện. Chưa bao giờ mà khát vọng thay đổi lại cháy bỏng trong thời điểm quá tồi tệ này. Thời điểm của sự lạc hậu về chính trị và bế tắc về lý luận thể hiện tập trung trong việc quy tội “phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc” cho những ai dám “phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”. Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai…”.

Đó là sản phẩm tồi tệ đáng xấu hổ của một nền “dân chủ đến thế là cùng” mà ông Nguyễn Phú Trọng đã từng hào hứng huênh hoang phơi ra trước các nhà báo quốc tế. Thì sao mà không hào hứng khi ông ta đang ngồi ngất nghễu trên cái ghế quyền lực cao nhất của đất nước mà chẳng cần phải bầu bán gì cho rách việc lại đầy kịch tính như nền “dân chủ tư sản” đang vất vả thực hiện tại nước Mỹ những ngày qua.

Ngay cả ông có rêu rao rằng ông hơi bất ngờ được Đại hội tín nhiệm giới thiệu, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Tổng bí thư gần như 100% tuyệt đối” thì cũng cần nhớ rằng đảng của ông chỉ chiếm có gần 5% dân số, trong khi 90 triệu người Việt Nam không một ai cầm lá phiếu để bầu ông làm nguyên thủ quốc gia, thế mà ông vẫn nghiễm nhiên nắm trọn quyền lực trong tay để toàn quyền quyết định vận mệnh của đất nước. Đấy là chưa nói sự mất dân chủ trắng trợn ngay từ chuyện bầu cử trong Đảng với những chiêu trò được truyền dạy bởi quan thầy để phù phép trong cơ cấu nhân sự các cấp và các đoàn đại biểu đến dự đại hội từ cơ sở đến trung ương, đến đại hội toàn quốc.

Mà “tuyệt vọng” còn là vì những lạc hậu và bế tắc đó đang ngự trị và khuynh loát chính trường, áp đặt nặng nề trong não trạng của không ít những “chính khách” đang ngày ngày chém gió trước bàn dân thiên hạ. Những gương mặt nhẵn lì quen thuộc với những giọng điệu chát chúa, những ngôn từ vô hồn ngán ngẩm cứ đều đều rót vào tai, chọc vào mắt công chúng những hình ảnh, những sự kiện, những con người đang là sản phẩm tệ hại của nền “dân chủ đến thế là cùng” đó. Các “chính khách” đang ngày ngày chém gió đó cũng là những “chính trị gia” vừa rồi nhiệt liệt vỗ tay đón chào Trương Đức Giang, đại diện của “thiên triều” đến dự khán cuộc họp của Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.

clip_image002

Cứ tưởng rằng sau nỗi nhục nhã của các ngài nghị sĩ, không thiếu một ai, từng chào đón Tập Cận Bình đến truyền chiếu chỉ tại Phòng Diên Hồng để rồi ngay sau đó hắn ta đã nhổ vào mặt những người cúi đầu đón chào hắn bằng lời tuyên bố thẳng thừng về chủ quyền các đảo của Việt Nam vừa cướp được ngay tại sân bay Singapore thì các chính khách còn chút lương tâm để biết xấu hổ mà tự dặn lòng đừng xúc phạm ông cha biến truyền thống Diên Hồng thành sự hèn hạ khuất phục kẻ thù một lần nữa. Nhưng không, nền dân chủ đến thế là cùng của Nguyễn Phú Trọng đã triệt tiêu mọi khả năng hoặc biểu hiện của sự tỉnh thức. Thật là trớ trêu, chuyện “dự khán” với nhiều thâm ý của chiêu võ Tàu hiểm độc này diễn ra chỉ một ngày sau cơn địa chấn Trump cũng tại Phòng Diên Hồng trong tòa nhà Quốc hội hào nhoáng kia!

Thế rồi, cũng chẳng hiểu tại sao đầu óc tôi bỗng choáng váng bởi câu nói thẳng thừng không chút kiêng dè úp mở của Donald Trump khi tự phê phán về thực trạng đất nước của ông “Chúng ta đã trở nên lố bịch trước chính bản thân lẫn lịch sử của mình. Khi đồng minh không tin tưởng bạn, còn kẻ thù không nể sợ bạn thì bạn không còn chút tín nhiệm nào đối với thế giới”. Đấy là Trump nói với đất nước của ông ấy, mắc mớ gì mà ta phải động lòng chứ? Động lòng vì khát khao một chính khách Việt Nam nói lên được nỗi nhục về sự lạc hậu của nước mình trước thế giới. Chẳng phải vì dám nói lên nỗi xấu hổ mà Trump gây nên cơn địa chấn trong nước Mỹ và trên toàn thế giới đó sao?

Một đất nước với một nền “dân chủ đã trưởng thành”, cho dù vẫn còn nhiều khiếm khuyết, vẫn đủ sức tạo ra động lực làm bật dậy sự tỉnh thức, gây nên một cơn địa chấn từ những lá phiếu bầu tượng trưng cho ý chí, nguyện vọng và sức mạnh của người dân, mà trước hết là của một đa số thầm lặng từng bị các chính khách bỏ quên vẫn cần sự phê phán quyết liệt cái hiện tồn trì trệ buộc phải thay đổi để tìm ra cái mới tốt đẹp hơn. Một mùa xuân hy vọng đang đến với cái đa số thầm lặng đó, mà như thế cũng là đến với đất nước của họ.

Vậy thì cần phải làm gì đây để xua tan đám mây mù đang phủ kín bầu trời của đất nước mình đang trong “mùa đông tuyệt vọng” với nền “dân chủ đến thế là cùng” của chế độ toàn trị phản dân chủ tội lỗi đè nặng lên thân phận của một đa số thầm lặng đang lầm than nhẫn nhục chịu đựng, đè nặng lên số phận trầm luân của đất nước trước nanh vuốt kẻ thù sát nách. Bao giờ, đến bao giờ thì cái đa số thầm lặng biết đứng lên để đòi quyền tự tay cầm lá phiếu bầu lên người biết cách đem lại quyền sống, quyền làm người, quyền dân chủ để tự do chọn lựa thể chế chính trị phù hợp với trình độ văn minh loài người đạt được mà nhiều cộng đồng người trên thế giới này đang thụ hưởng.

Liệu chúng ta có cần một cơn địa chấn không nhỉ? Và rồi cơn địa chấn ấy sẽ đến vào lúc nào, bật dậy ra sao đây?

Ngày 13.11.2016

T. L.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn