Vì sao Quốc hội CSVN phải hoãn Luật về Hội và Luật Biểu tình?

Lê Dung

clip_image002

Ảnh: AFP

Không ngoài dự đoán của phần lớn giới quan sát độc lập, kỳ họp cuối năm 2016 của Quốc hội CSVN đã “nhất trí cao” với đảng cầm quyền về việc chỉ thông qua Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo, trong khi hoãn 3 luật là Luật về Hội, Luật Biểu tình và Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung.

Với Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung, không ngạc nhiên lắm khi từ tháng 8/2016 đã bị phát hiện có đến hàng trăm sai sót, trong đó có những sai sót lớn và trở thành một bộ luật bị sai sót có tính lịch sử trong suốt chiều dài “làm luật” của Quốc hội. Sau vụ vụ scandal này, nhiều đại biểu và báo chí đã yêu cầu chính Quốc hội phải tự tay soạn luật chứ không thể đẩy hết cho bên hành pháp như trước đây.

Trong khi đó, việc Luật Biểu tình bị hoãn thông qua được dư luận chung xem là điều tất nhiên. Tình hình hiện thời ở Việt Nam được đa số cơ quan quản lý nhận xét là “chưa phù hợp” hoặc “không thuận lợi” để ban hành Luật Biểu tình.

Từ đầu năm 2015 đến nay, đã có ít nhất 3 lần Luật Biểu tình bị các cơ quan chức năng của Chính phủ đề nghị hoãn trình và hoãn thông qua, trong đó 2 lần thuộc về Bộ Công an - cơ quan có chức năng “đàn áp biểu tình” nhưng từ năm 2011 lại được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì soạn dự luật thiết thân quyền dân này.

Sau cuộc biểu tình bảo vệ môi trường của dân chúng Sài Gòn và Hà Nội vào tháng 5/2016, đáng chú ý là đã xuất hiện vài tín hiệu trong nội bộ Đảng và Quốc hội về khả năng “cần sớm ban hành Luật Biểu tình”, với lý do đơn giản là “phải có luật để quản nó” (ý nói quản người biểu tình). Tuy nhiên sau đó luồng ý kiến này vẫn không được “tập thể lãnh đạo” chấp nhận. Đơn giản là chẳng có một lãnh đạo nào dám đứng mũi chịu sào về việc trình và chỉ đạo thông qua Luật Biểu tình. Có dư luận cho biết những lãnh đạo này sợ rằng nếu có Luật Biểu tình chính thức, người dân sẽ xem đó là cơ sở pháp lý để khuếch trương hoạt động biểu tình, càng khó cho công tác quản lý, và càng khiến lung lay chân đứng chế độ.

Cũng bởi thế, sau những cuộc biểu tình liên tục của giáo dân - ngư dân miền Trung phản đối Formosa trong nửa cuối năm 2016 mà bất cần đến việc có hay không Luật Biểu tình, Dự luật Biểu tình đã chính thức bị xếp xó thêm một lần nữa.

Với Luật về Hội, dự luật này đã suýt được thông qua ngay đầu kỳ họp Quốc hội vào cuối tháng 10/2016. Tuy nhiên nội dung khi đó của Luật về Hội lại mang tính “siết” về nhiều vấn đề, khác hẳn với bản dự thảo tháng 10/2016, đến mức một luật sư nhân quyền là ông Trần Vũ Hải phải cảnh cáo Dự luật về Hội này là “luật phản động”. Chỉ ngay sau cuộc gặp Đinh Thế Huynh - John Kerry tại Washington vào buổi sáng ngày 25/10/2016, đến cuối giờ chiều ngày hôm đó (giờ Việt Nam) Dự luật về Hội mới bất ngờ được ông Lê Vĩnh Tân - Bộ trưởng của Bộ Nội vụ, cơ quan về danh nghĩa là “chủ trì soạn thảo dự luật về Hội - nêu trước Quốc hội: “Thừa nhận việc chuẩn bị dự án luật chưa được chu đáo, và vì còn nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo Luật nên cần có thời gian chuẩn bị tiếp để trình Quốc hội tại kỳ họp sau, tạo sự đồng thuận cao mới thông qua Luật”.

Dù sao, việc Quốc hội quyết định không thông qua Luật về Hội tại kỳ họp cuối năm 2016 cũng là một dấu hiệu cho thấy chủ trương “Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm quyền con người” chưa đến nỗi quá tệ: nếu thông qua với nội dung siết bức, Quốc hội sẽ phải tiếp nhận vô số phản ứng từ cộng đồng dân chủ và có thiện cảm với dân chủ trong nước, đồng thời gây bất lợi không nhỏ về kinh tế, ngoại giao và cả chính trị cho chế độ một đảng Việt Nam trong quan hệ với các nước phương Tây.

L.D.

Nguồn: http://www.ijavn.org/2016/11/vntb-vi-sao-quoc-hoi-csvn-phai-hoan.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn