Loạt bài trên RFA về ngày mất Hoàng Sa

43 năm ngày mất Hoàng Sa

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

clip_image002

Buổi tưởng niệm đánh dấu 43 năm ngày mất Hoàng Sa và tưởng nhớ các tử sĩ trước tượng đài vua Lý Thái Tổ, Hà Nội hôm 19/1/2017. AFP photo

Ngày 19 tháng Một hàng năm, người dân Việt không thể quên cuộc chiến đấu dũng cảm của quân đội VNCH chống lại quân xâm lược Trung Quốc để bảo vệ phần đất Hoàng Sa của Tổ quốc.

43 năm đã trôi qua, một tổ chức mang tên Nhịp Cầu Hoàng Sa ra đời vừa nhắc nhở vừa âm thầm san sẻ những khó khăn, mất mát mà người thân của 75 anh hùng khi xưa gặp phải như một cách hòa giải giữa những con người cùng Tổ quốc và mang chung một niềm đau mang tên một vùng đất đã mất vào tay Trung Quốc.

Trận đánh không cân sức

“Diễn biến được coi là khởi đầu trận hải chiến diễn ra vào ngày 11 tháng Giêng năm 1974, khi Trung Quốc tuyên bố quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và quần đảo Nam Sa (Hoàng Sa) thuộc lãnh thổ Trung Quốc.

Với lực lượng hải quân áp đảo, Trung Quốc đã tấn công và chiếm các đảo có quân đội của Việt Nam Cộng hòa trấn giữ.

Đúng 10h25 ngày 19 tháng Giêng năm 1974, đại tá Hà Văn Ngạc ra lệnh tấn công các chiến hạm Hải quân Trung Quốc nhằm tái chiếm Hoàng Sa.

Vào lúc 11h10, ba chiến hạm của Hải quân Việt Nam Cộng hòa buộc phải rút lui khi lực lượng tăng viện Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc nhập vùng (tàu hộ tống 281, 282 đến nơi sớm nhất, khoảng 30 phút sau khi Hải quân Việt Nam Cộng hòa rút). 15 nhân viên cơ hữu thuộc HQ16 bị kẹt lại đảo Vĩnh Lạc, 15 nhân viên cơ hữu thuộc HQ4 bị kẹt lại Cam Tuyền, các đảo của Việt Nam chỉ còn lực lượng quân đội trú phòng vệ, không còn hải pháo yểm trợ. Toàn bộ quần đảo Hoàng Sa kể từ thời điểm này rơi vào tay Trung Quốc”.

Những dòng chữ ngắn ngủi miêu tả lại trận đánh không cân sức trong tài liệu Hải chiến Hoàng Sa của Vũ Hữu San và Trần Đỗ Cẩm vẫn ám ảnh nhận dân Việt Nam. Chúng có hiệu lực giữ lại trong lòng người Việt một hình ảnh khó phai, ấy là ngày mà lá cờ đỏ 5 sao của Trung Quốc được kéo lên tại đây khiến niềm uất hận khôn nguôi của Việt Nam càng thêm sâu đậm.

43 năm, một khoảnh khắc của lịch sử nhưng lại cả một giai đoạn của những gian lao và mất mát. Trong không khí u ám trầm buồn của ngày 19 tháng Giêng cuộc chiến ấy chừng như vẫn vỗ mãi tiếng sóng âm ỉ và kiên trì vào bờ trí nhớ của người trong cuộc.

Nói với chúng tôi vào ngày kỷ niệm lần thứ 43 này bà quả phụ của Thiếu tá Ngụy Văn Thà một trong những anh hùng của trận đánh chia sẻ:

Tới ngày giỗ của ảnh thì mình cũng thấy tuy rằng buồn nhưng suy nghĩ lại tuy rằng ảnh mất nay cũng được 43 năm rồi mình rất tôn trọng sự hy sinh của ảnh và mình cũng thấy buồn nhưng không biết sao giờ vì ảnh đã hy sinh để bảo vệ cho biển đảo Tổ quốc Việt Nam thì mình cũng nên hãnh diện vì điều đó.

Ông Lữ Công Bảy, Thượng sĩ giám lộ Tàu HQ4 Trần Khánh Dư một trong những chiến hạm tham gia trận đánh cho biết cảm giác của ông về ngày kỷ niệm này:

Sau 43 năm tôi thấy những kỷ niệm mà chúng tôi đã đứng ra để bảo vệ Tổ quốc thì mặc dù là mình không hoàn thành nhiệm vụ, không giữ được mảnh đất tổ tiên thế nhưng lúc nào anh em tụi tôi cũng nghĩ rằng mình đứng ra để chống lại bọn xâm lược để giữ đảo nhưng mà không được do điều kiện khách quan thôi.

Nhịp cầu Hoàng Sa

clip_image004

Buổi tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa ở Hà Nội hôm 19/1/2017. AFP photo

Lịch sử oái oăm đã phân cách hai bờ chiến tuyến nhưng hướng về Tổ quốc chung thì chỉ có một, điều này thể hiện rất rõ trong thái độ của hầu hết người Việt Nam yêu nước trong đó có Thiếu tướng Lê Kế Lâm, Chuẩn Đề đốc, nguyên Giám đốc học viện Hải quân Nhân dân Việt Nam cho biết suy nghĩ của ông:

Những người Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ từng tấc đất, từng sải biển, từng thước đảo của Việt Nam thì tôi tôn trọng, tôn vinh những người đó. Tôi nghiêng mình kính cẩn trước những người đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước Việt Nam.

Chúng tôi được biết từ năm 2014 một chượng trình mang tên Nhịp Cầu Hoàng Sa đã được hình thành nhằm gây quỹ hỗ trợ cho gia đình thân nhân của những người đã trực tiếp chiến đấu trong trận đánh này. Nhà báo Đinh Quang Anh Thái người đại diện cho Nhịp Cầu Hoàng Sa tại hải ngoại cho biết:

Chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa mà chúng tôi thay mặt ở hải ngoại này để hoạt động phải nói là thoạt đầu có một vài trờ ngại tâm lý bởi vì đồng bào chúng ta ở hải ngoại là một cộng đồng được hình thành trong sự trốn chạy chế độ cộng sản cho nên mọi người đóng góp đều muốn dành khoản tiền đó để đóng cho những chiến sĩ VNCH đã tử trận trong trận Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974.

Sau đó với thời gian thì mọi người hiểu rằng những người binh sĩ bộ đội chết trong trận Gạc Ma năm 1988 cũng là những người đã nằm xuống để bảo vệ sự độc lập của Tổ quốc Việt Nam cho nên số người đóng góp cho Gạc Ma ngày càng nhiều hơn thành ra phải nói rằng đây là điều rất mừng bởi vì cũng như những người chủ trương trong Nhịp Cầu Hoàng Sa trong nước nói trân Hoàng Sa và trận Gạc Ma những người đó ngồi lại với nhau lần đầu tiên trogn hơn 50 năm vừa qua. Những người Việt Nam không bắn nhau vì cùng phục vụ lý tưởng bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ của Việt Nam cho đến giờ.

Cách đây một tuần lễ, Nhịp Cầu Hoàng Sa đã tổ chức cuộc gặp mặt thật cảm động của những thân nhân các binh sĩ chiến đấu trong hai trận đánh Hoàng Sa năm 1974 và Gạc Ma năm 1988 tại Dinh Độc Lập. Ông Lữ Công Bảy cũng có mặt tại cuộc hội ngộ này kể lại:

Trong dịp này thì bà con rất vui vì từ hồi đó giờ anh em Hoàng Sa với Gạc Ma chưa hề gặp nhau hôm nay nhờ có Nhịp Cầu Hoàng Sa cho nên bà con thân nhân của anh em gặp nhau vui lắm trong tình cảm hào hợp hòa giải dân tộc anh à.

Sau khi Nhịp Cầu Hoàng Sa được thành lập thì bà góa phụ Ngụy Văn Thà rồi bà góa phụ Trí, ba bốn bà góa phụ nữa đều được Nhịp Cầu Hoàng Sa ưu ái góp sức làm nhà cho họ ổn định cuộc sống. Phiên anh em tụi tôi thì chưa bởi vì phải la cho mấy bà cô nhi quả phụ trước rồi sau này mới tới an hem. Bây giờ người ta ở rải rác mà không có điều kiện để liên hệ với mình. Tôi gặp hay nghe thì tìm tới nhưng anh em người ta quên không còn nhớ gì nhiều thành ra tôi cũng không dám đứng ra mà xác nhận điều gì cho anh em.

Vết thương trong lòng người dù sao cũng dễ hàn gắn nhưng đất đai bị mất vào tay giặc thì thật khó thu hồi. Lòng tham lam của phương Bắc đối với Hoàng Sa và Trường Sa trước phong phú tài nguyên, vị trí chiến lược cũng như thói quen bành trướng của nước lớn vẫn hằn sâu trong các trang sử của người Việt.

M.L.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/43-years-the-day-of-lost-of-paracel-ml-01192017100904.html

Giới trẻ biết về ngày mất Hoàng Sa như thế nào?

Cát Linh, phóng viên RFA

clip_image006

Người dân tưởng niệm 75 chiến sĩ hải quân bỏ mình trong cuộc hải chiến Hoàng Sa với Trung Quốc hôm 19/1/1974. Ảnh chụp hôm 19/1/2014 tại Hà Nội. AFP photo

Họ đã biết bằng cách nào?

Biến cố ngày 19/1/1974 cùng với 75 chiến sỹ hải quân QLVNCH tử trận trong trận hải chiến gìn giữ đảo Hoàng Sa do Trung Cộng xâm lược đã trở thành một ngày lịch sử đối với rất nhiều người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, điều này chưa từng được giảng dạy trong những chương trình giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ sau này. Nhưng, những người trẻ ấy vẫn tìm đến lịch sử để biết về sự thật của lịch sử.

“Theo em được biết ngày 19 tháng 1 là ngày của trận chiến Hoàng Sa, Việt Cộng hòa và Trung Quốc 1974. Cũng là ngày tưởng nhớ các tử sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến 1974”.

Có những bạn qua truyền thông mạng, Facebook, họ đã biết về ngày này, như trường hợp của Thái Minh Hải từ Hà Nội, anh biết về biến cố từ những người bạn trên Facebook, khi họ đi tưởng niệm ở tượng đài Lý Thái Tổ và bị chính quyền ngăn cản.

“Ngoài ra em biết đến ngày này sau khi em nghe bài Vọng Nam Quan thì em có lên mạng tìm hiểu thì em biết ngày này là ngày kỷ niệm sự hy sinh của các chiến sĩ VNCH để bảo vệ biển đảo Hoàng Sa”.

Trường hợp của An Khang, đang làm việc ở Bình Dương, Sài Gòn cho biết anh chỉ biết và tìm hiểu về ngày này từ năm 2011, sau 1 sự kiện.

“Từ khi tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp vào năm 2011 thì em mới bắt đầu tìm hiểu thêm về lịch sử, ngày này năm 1974 đã xảy ra một trận chiến”.

Nhiều lý do để chối bỏ

Sau khi tự tìm đến các tài liệu để biết vì sao lại có buổi lễ tưởng niệm cuộc hải chiến Hoàng Sa mỗi năm, những bạn trẻ này cũng hiểu cả vấn đề vì sao họ không được biết về một sự kiện lịch sử trong những buổi học ở trường? Và vì sao hoàn toàn không có các công bố về những gì đã xảy ra ở Hoàng Sa, Trường Sa ngày 19/1/1974? Vì sao ngày này không được nhà nước VN ghi nhớ?...

“Sau khi tìm hiểu thì em thấy do chính quyền Việt Nam, cụ thể là Đảng Cộng sản Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc trong cuộc chiến tương tàn giữa 2 miền. Sau đó thì chính quyền Trung Quốc đã cướp biển đảo Trường Sa và Hoàng Sa thì chính quyền Việt Nam không dám lên tiếng bảo vệ. Vì sự phụ thuộc quá lớn nên họ không dám công bố về cuộc chiến này hay sự mất mát của biển đảo”.

Một lý do khác, “mâu thuẫn với những gì họ truyền dạy trước đó”, đó là theo ý nghĩa An Khang, anh cho biết:

“Khi mà những hành động có yếu tố bảo vệ chủ quyền thì sẽ mâu thuẫn với những gì họ truyền dạy trước đó, nếu công bố ra thì sẽ ngoài ý muốn mà ban đầu họ đã tuyên truyền”.

Cũng với lý do không muốn ghi nhận những gì được cho là có ảnh hưởng của VNCH, đó là ý kiến của Peter Trần Sáng, từ Nghệ An.

“Đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ luôn luôn xem Việt Nam Cộng hòa là kẻ thù, mà trong trận chiến đó thì VNCH đứng ra bảo vệ biển đảo nên chắc chắc ĐCS Việt Nam không lấy công lao đó để đưa vào lịch sử của đội ngũ cộng sản”.

Hàng năm, người dân Việt Nam, các tổ chức XHDS đều tổ chức lễ tưởng niệm, dâng hoa tưởng nhớ các tử sĩ của trận hải chiến Hoàng Sa năm đó, thế nhưng tất cả đều bị quấy phá bằng những hành động như ngăn cản, giật vòng hoa, canh giữ không cho đến nơi làm lễ…

Nguyễn An Khang cho rằng những hành động đó bắt nguồn từ sự sợ hãi và họ tìm mọi cách làm cho sự lan toả của sự ghi nhớ ngày càng ít đi.

“Khi nhiều người tìm hiểu thì nhận ra rằng người lính (nguỵ) họ xả thân để giữ lấy biển đảo. Khi tìm hiểu rồi họ sẽ quay lại với những gì chính quyền truyền tải ngay từ đầu. thứ hai nữa Việt Nam và Trung Quốc đang có chiều hướng xích lại gần nhau hơn thì những vấn đề đó sẽ gây cho những người dân nghĩ khác, không phải những gì mà chính quyền mong muốn”.

“Em đồng ý với bạn Khang đó là chính quyền sợ người dân hiểu biết được vấn đề và sợ người dân biết được đâu là chính nghĩa, đâu là phi nghĩa, sợ họ biết được quá nhiều thông tin thì họ sẽ biết chính quyền cộng sản không phải là chính nghĩa như họ đã tuyên truyền”.

“Tối qua, tình cờ em xem lại tiểu sử của bà Nguyễn Thị Năm, em thấy là mọi quyết định của Đảng Cộng sản Việt Nam gần như từ trước đến nay đều dựa vào chính quyền Trung Quốc. Cho nên bất kể những gì liên quan đến vi phạm lãnh thổ Việt Nam đều không được công bố rộng rãi”.

Luôn ghi nhớ

clip_image008

Những bó hoa hồng trắng tại tượng đài vua Lý Công Uẩn, tưởng niệm các chiến sĩ hải quân Việt Nam tử vong trong trận hải chiến Hoàng Sa hôm 19/1/1974. Ảnh chụp hôm 19/1/2014. AFP photo

Những bạn trẻ này là những người được sinh ra và lớn lên trong thời điểm gọi là “thời bình”. Những kiến thức về lịch sử, về xã hội mà họ được truyền dạy dưới mái trường không cảm phục được nhận thức của họ với tình hình thực tế. Do đó, chỉ từ một bài hát, một sự kiện tàu Bình Minh, hay từ những người bạn trên mạng xã hội lại có sức lan toả mạnh mẽ, khiến họ dấn thân vào cuộc chiến đi tìm sự thật.

“Em là người công giáo, luôn luôn được dạy những điều hay, sự thật. Từ năm 2005, nơi quê hương em sống xảy ra một sự kiện là chính quyền đàn áp đập phá đất đai của công giáo. Từ đó trong người em lúc nào cũng nôn nao về việc làm của chế độ. Từ năm 2014, ngày 18 tháng 5, em xuống đường biểu tình lần đầu tiên đòi lại biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Từ đó em chú tâm tìm về lịch sử Việt Nam Cộng hòa nhiều hơn”.

Khi đã tự thân tìm hiểu và biết về sự thật, họ càng muốn dấn thân, muốn tham gia nhiều hơn vào những sự kiện tưởng nhớ. Đối với họ, đó là lịch sử, không che dấu được.

“Mình phải biết ơn những người đã gây dựng nên đất nước, những người cho ta 1 tương lai, 1đất nước để sinh sống. Khi nhìn thấy hình ảnh trên mạng phản ảnh những cảnh công an, an ninh cản người dân đi tưởng niệm người đã hy sinh xương máu của mình, điều đó rất đáng buồn. em rất mong muốn ngày này đươc lan truyền rộng rãi hơn để thế hệ sau biết”.

“Theo em, đó là lịch sử. Những ngày này, yếu tố lịch sử cần phải có những buổi lễ tưởng niệm, tri ân. Dù là lý tưởng đối lập nhau trong thời điểm đó, nhưng dù sao điều mà họ muốn là chiến đấu để bảo vệ mảnh đất này chứ không phải là chiến đấu vì lý tưởng đối lập với chính quyền hiện tại. Không nên vì 1 lợi ích của phe phái, 1 chiều hướng mà che đậy đi quá khứ, che đậy đi phần lịch sử đó. Trong tình hình hiện nay, người trẻ cần phải hiểu về đất nước”.

Mỗi một bạn trẻ ấy sẽ có cách thể hiện sự ghi nhớ của họ đối với những ngày lịch sử như thế. Có những người hoà mình vào buổi lễ tưởng niệm. nếu bị ngăn chặn không đến được thì họ viết những dòng cảm xúc như một cách tưởng nhớ. Với Peter Trần Sáng thì anh nhờ biển gửi đến những người tử sĩ chưa một lần biết mặt những đoá hoa tri ân.

“Trong ba năm trước đây thì hầu như năm nào, đến ngày này em cũng đi xuống biển để thả hoa, tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến ấy. Thật sự như bình thường bây giờ mình chưa có cảm xúc, nhưng khi xuống biển, thả hoa, nhìn xuống biển, mình tưởng tượng ngày xưa từng có một trận chiến như thế, cảm xúc nó dâng trào. Em thấy 1 sự việc như thế mà chính quyền cộng sản Việt Nam không dám ghi vào lịch sử thì đó là 1 sự tồi tệ nhất của các đảng phái đảng cộng sản. Tồi tệ hơn nữa là khi người dân đi tưởng niệm thì họ vùi dập và đánh đập”.

Ngày này 43 năm trước, những người bạn trẻ hôm nay vẫn còn là những hạt bụi trong vũ trụ. 43 năm sau, họ xé rào ngăn cản để tìm về lịch sử và tri ân những người mà đối với họ, là những người đã gây dựng và bảo vệ đất nước.

C.L.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/YouthForum/how-have-they-known-ab-day-19-1-cl-01182017123035.html

Tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa

Thông tín viên RFA tại Việt Nam

clip_image010

Người dân tưởng niệm những chiến sĩ hải quân bỏ mình trong trận hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974 với hải quân Trung Quốc. Ảnh chụp hôm 19/1/2014 tại Hà Nội. AFP photo

Cách đây đúng 43 năm, ngày 19/1/1974, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị rơi vào tay Trung Quốc sau khi lực lượng Hải quân Việt Nam Cộng hòa thất thủ trước đợt tấn công từ phía hải quân Trung Quốc.

Suốt một thời gian dài, trận hải chiến lịch sử đó không được nhà cầm quyền Hà Nội đề cập đến một cách chính thống. Trong mấy năm gần đây, một số nhân sĩ, trí thức và giới hoạt động trong nước công khai tưởng niệm tri ân 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa phải bỏ mình trong cuộc chiến giữ biển đảo của tổ quốc đó. Tuy nhiên hoạt động vinh danh những người lính anh dũng hy sinh vì lãnh thổ quốc gia như thế không những không được ủng hộ mà còn bị cản phá mạnh mẽ.

Ngày 14 tháng 1, nghệ sỹ Kim Chi công khai trên mạng xã hội Facebook thư ngỏ kêu gọi cả nước tham gia những hoạt động nhằm tưởng nhớ đến những anh hùng tử sĩ đã hi sinh mạng sống để bảo vệ đất nước qua ít nhất ba cuộc chiến gần nhất là hải chiến Hoàng Sa, cuộc chiến biên giới phía bắc và trận Gạc Ma.

Tại khu vực miền Nam, sau đó không lâu cũng có thông báo thắp hương cho các tử sĩ hy sinh tại Hoàng Sa năm 1974.

Nghệ sĩ Kim Chi trình bày lý do công khai thư ngỏ:

“Chúng ta không biết ơn những người ngã xuống thì còn biết ơn ai? và khi chúng ta tôn vinh những người đó có nghĩa là nhắc nhớ con cháu, những người nối tiếp phải tiếp tục sự nghiệp đó, nên tôi nghĩ đã là người Việt Nam uống nước phải nhớ nguồn do đó xuất phát từ tinh thần chúng tôi làm thư ngỏ kêu gọi tinh thần đó”.

Cựu chiến binh Phan Trọng Khang cũng có ý kiến về việc cần phải có cuộc tưởng niệm như thế.

“Dù ai chăng nữa, đảng phái nào chăng nữa đã là người Việt Nam thì phải biết trân trọng những tính mạng xương máu của đồng bào mình đã hy sinh vì sự trọn vẹn của tổ quốc chúng ta”.

Tuy nhiên, các hoạt động nhằm tưởng nhớ công ơn của những người lính đã hi sinh để bảo vệ Hoàng Sa cũng như nằm xuống trong những trận chiến bảo vệ tổ quốc khác thường bị phía nhà cầm quyền cản trở.

Nữ nghệ sĩ Kim Chi kể lại thực tế xảy ra đối với buổi lễ tưởng niệm, vào năm ngoái ở Hà Nội.

“Tôi, chính tôi từng đi những cuộc như thế ở Hà Nội và từng bị các dư luận viên đánh phá xấc xược nhảy vào nói láo nói bậy, rồi giằng những khẩu hiệu băng rôn của chúng tôi”.

Chính quyền lo sợ gì?

Nhận định về lý do vì sao cơ quan chức năng lúc đầu cử những nhóm được mệnh danh là ‘dư luận viên’ đến phá; và gần đây chính công an sắc phục ra mặt ngăn chặn các nhóm tổ chức lễ tưởng niệm chiến sĩ hy sinh vì tổ quốc trong ba cuộc chiến Hoàng Sa, biên giới phía bắc và Gạc Ma; anh Nguyễn Chí Tuyến nói:

“Sau khi Hội nghị Thành Đô 1990 thì phía nhà cầm quyền không muốn nhắc đến những cuộc chiến tranh chống lại sự xâm lược cũng như bành trướng của nhà cầm quyền TQ, nên nhà cầm quyền VN hiện tại đều có những động thái là không muốn cho người dân làm những việc như vậy, mặc dù những việc đó theo quan điểm cá nhân tôi cũng như nhiều người dân là việc chính đáng”.

Nhà hoạt động Lã Việt Dũng cũng có nhận định:

“Tôi cho rằng họ rất sợ các nhà hoạt động dân sự mà họ không kiểm soát được nên họ ngăn chặn họ tìm cách dẹp ngay từ đầu bởi vì những hoạt động xã hội dân sự đó một sẽ xảy ra biểu tình, hai gắn kết mọi người và những người khi lên tiếng phản đối họ nhiều quá thì họ khó cai trị đất nước”.

Tương tự là ý kiến của cựu chiến binh Phan Trọng Khang:

“Họ muốn ngăn chặn này là tạo ra ranh giới giữa những người Việt Nam ở chính quyền khi xưa và những người Việt Nam hiện nay đang ở trong nước, hay nói khác đi là không trân trọng sự hy sinh của đồng bào chiến sĩ của Việt Nam mình dù bất kể ở chiến tuyến nào mà người ta lo cho đất nước Việt Nam thì đây là điều không chính đáng”.

Trước biện pháp ngăn chặn của chính quyền Hà Nội và cơ quan chức năng đối với những nhân sĩ, trí thức và giới hoạt động xã hội trong những hoạt động vinh danh anh hùng- liệt sĩ bỏ mình để bảo vệ tổ quốc, nữ nghệ sĩ Kim Chi đưa ra cảnh báo về nguy cơ đang hiện rõ:

“Trong suy nghĩ của tôi, một chế độ mà sử dụng những con người không có tấm lòng không có trình độ thì tôi rất mừng vì sự tồn tại đó không được lâu nữa đâu, khi sử dụng những con người như thế để bảo vệ một chế độ”.

Vào ngày 17 tháng 1, chỉ hai hôm trước ngày kỷ niệm trận hải chiến Hoàng Sa; một số nhà hoạt động tại Sài Gòn đến Nghĩa Trang Bình An ở Bình Dương làm lễ tưởng niệm những anh hùng bỏ mình cho đất nước, họ bị lực lượng công an đến gây khó như thường gặp bấy lâu nay.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/falling-hoang-sa-paracels-memorial-ttvvn-01182017130730.html

Link video: https://youtu.be/6NwZQ1SVqAw

Công an ngăn cản, trấn áp các cuộc tưởng niệm tử sĩ Hoàng Sa

RFA

clip_image012

Người dân thắp nhang tưởng niệm các tử sĩ Hoàng Sa tại tượng vua Lý Thái Tổ, Hà Nội hôm 19/1/2017. AFP photo

Hôm nay 19/01/2017, hàng trăm người dân Việt Nam tại nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, Sài Gòn, Nghệ An cùng nhau xuống đường tham gia nghi lễ tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 1974. Hãng thông tấn AFP loan tin như trên.

Người dân mang vòng hoa, khẩu hiệu, băng rôn với những dòng chữ như “Anh hùng tử - khí hùng bất tử”, “Trường Sa - Hoàng Sa - Việt Nam”, “Quyết tử đòi Trung Quốc trả lại Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam”,…

Các nghi lễ tri ân diễn ra sôi nổi, bất chấp sự phản đối, đàn áp của chính quyền, công an. Từ 2 ngày trước, tư gia của các nhà tranh đấu nhân quyền trên khắp cả nước đã bị công an canh gác, ngăn chặn. Từ Hà Nội anh Nguyễn Hữu Vinh cho biết:

Sáng nay một số người chúng tôi tập trung tại tượng đài Lý Thái Tổ để tưởng niệm ngày mất Hoàng Sa ngày 19 tháng Giêng năm 1974. Mọi việc diễn ra bình thường cho tới khi chúng tôi ra về thì bị một đám người mà sau này công an ở đấy xác nhận là công an mặc thường phục xông vào bắt bớ, cướp giật điện thoại, bắt một số người đưa lên xe buýt đánh đập một số người và đưa họ về công an Long Biên. Họ bỏ đói chúng tôi đến khoảng 2 giờ chiều thì họ cho công an phường lên chở chúng tôi về nhà. Tôi đã yêu cầu họ lập biên bản về việc bắt giữ chúng tôi cũng như những hành động, lời nói lỗ mãng, chửi bới hay hành hạ chúng tôi nhưng họ lơ chuyện ấy đi và vẫn làm công việc của họ.

Đánh đập thô bạo

Anh Trương Dũng người có mặt trong sự kiện hôm nay cho biết về việc anh Phạm Quang Thuận bị bắt và bị an ninh đánh đập thô bạo trên Bờ Hồ trong khi mọi người diễu hành:

VIETNAM-CHINA-DIPLOMACY-MARITIME-ANNIVERSARY

Người dân với băng rôn Trường Sa và Hoàng Sa thuộc về Việt Nam trong một cuộc tưởng niệm lần thứ 42 trận hải chiến năm 1974 giữa Trung Quốc và Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Ảnh chụp hôm 19/1/2017 tại Hà Nội. AFP photo

Khi ra được giữa đường an ninh họ xô vào họ nhảy vào đánh anh Phạm Quang Thuận rất là đau sau đó họ đạp cây thánh giá và tôi không biết có ai ghi lại được hình ảnh này hay không. Sau đó an ninh vào bắt chúng tôi và một số anh em khác nữa lên ô tô. Khi lên ô tô buýt rồi họ nhảy vào chửi bới chúng tôi rất là thô tục.

Tại Nghệ An, một thanh niên trẻ tường thuật lại việc anh em tổ chức thả vòng hoa xuống biển tưởng niệm 75 chiến sĩ hy sinh trong trận Hoàng Sa năm 1974 như sau:

Sáng nay vào khoảng 9 giờ 30 khoảng 20 bạn trẻ trong tỉnh Nghệ An đã có mặt để đưa vòng hoa xuống biển ghi nhớ ngày các chiến sĩ quân lực VNCH đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa. Chính quyền đã ra tay ngăn cản và sau đó nhờ người dân đổ vào khiến họ rút lui và chúng tôi đã thả được vòng hoa tưởng niệm xuống biển Nghệ An ghi nhớ ngày hy sinh của anh hùng chiến sỹ VNCH.

Trong khi đó tại Sài Gòn nhà báo Sương Quỳnh ghi nhận lại buổi lễ kỷ niệm sáng hôm nay:

Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng khi đưa ra thông báo để người dân Sài Gòn đến tưởng niệm 75 tử sĩ Hoàng sa thì ngay tối hôm qua rất nhiều người đã bị chặn không cho ra khỏi nhà như các anh Kha Lương Ngãi, Phan Đắc Lữ, Phạm Đình Trọng, bị canh gác gay gắt nhất. Sáng nay thì nhà báo Lê Phú Khải, anh Lê Công Giàu trong ban chủ nhiệm, nhà thơ Hoàng Hưng, anh Hoàng Dũng, anh Trần Minh Phước, chị Kim Chi, chị Ánh Hồng đã có mặt được cùng với hơn một trăm người dân đến được và buổi lễ đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Chính quyền không tổ chức, đưa tin bất cứ buổi lễ tưởng niệm nào tại Việt Nam trong ngày 19 tháng Giêng năm nay. Cách đây 43 năm hải quân Trung Quốc đã tấn công chiếm các đảo tại Hoàng Sa do quân lực VNCH trấn giữ.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-police-prevent-pp-fr-commemorating-75-soldiers-in-paracel-islands-clash-01192017082228.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn