Nỗi nhớ Phạm Tăng - Vũ trụ Phạm Tăng(*)

Vũ Thư Hiên

clip_image002

Họa sĩ Phạm Tăng, sinh năm 1924, quê quán ở Ninh Bình, xuất thân Trường Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương và có bằng tốt nghiệp của hầu hết các khoa ở Viện hàn lâm Mỹ thuật La Mã (Académie des Beaux-Arts de Rome), là người nổi tiếng trong các lĩnh vực hội họa, trang trí, điêu khắc, thiết kế sân khấu, từng được giải nhất hội họa của tổ chức UNESCO với bức tranh "Vũ trụ" năm 1967, cùng nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng khác, vừa qua đời tại Paris vào lúc 9 giờ 20 phút sáng ngày thứ Hai, 9 tháng Giêng năm 2017, hưởng thọ 93 tuổi.

Bauxite Việt Nam xin mượn bài hồi ức của nhà văn Vũ Thư Hiên dưới đây để bày tỏ lòng kính trọng, tiếc thương đối với nhà họa sĩ tài danh, người mang lại một vinh dự lớn cho văn hóa Việt Nam.

Bauxite Việt Nam

Hoạ sĩ và nhà thơ Phạm Tăng, người bạn vong niên, người anh tinh thần của tôi, đã rời bỏ cõi tạm mà anh hằng gắn bó. Với tôi, anh còn, mãi mãi. Chỉ khác là không còn có những buổi tâm sự mà thôi.

Người ở trong mây

Một hôm, nhân có chuyện làm việc với nhà nghiên cứu văn học Thụy Khuê, tôi thấy trong phòng khách có mấy bức tranh sơn dầu. Ánh điện không đủ sáng, tôi phải lại gần mới xem được thì thấy một bức ký tên Phạm Tăng. Tôi hỏi chị:

- Tác giả bức tranh này còn sống hay mất rồi hở chị?

- Sao anh lại hỏi thế?

- Đã quá lâu tôi không nghe ai nói tới Phạm Tăng. Ở tuổi tôi khi người nào bặt tin thì mình dễ nghĩ vậy lắm.

- Anh quen anh ấy sao?

Thụy Khuê mở to mắt nhìn tôi. Chị ngạc nhiên là phải - tôi là người đến từ miền Bắc, Phạm Tăng là một hoạ sĩ miền Nam.

- Vâng - tôi nói. Chị cũng biết Phạm Tăng?

- Chúng tôi là bạn mà. Anh Tăng còn sống, anh ạ.

- Hiện anh Tăng ở đâu?

- Ở đây, ngay Paris.

Một niềm vui vỡ òa trong tôi. Tôi nắm tay Thụy Khuê, tôi vật nài:

- Chuyện chúng mình định bàn hôm nay để lại bữa khác đi, chị Thụy Khuê nhé? Mình còn nhiều thời gian mà. Hãy dẫn tôi tới gặp anh ấy. Ngay bây giờ.

Thụy Khuê chiều tôi, chị nhanh chóng mặc đồ đưa tôi đi.

Phạm Tăng nhận ra tôi ngay, mới lạ. Con mắt và trí nhớ hình của hoạ sĩ quả có khác người.

Chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Anh mừng ra mặt, lại còn gọi đúng tên tôi nữa.

Tôi nhận ra anh không khó - diện mạo người đã trưởng thành ít thay đổi. Khi chúng tôi quen nhau, tôi là đứa trẻ, anh là thanh niên. Giờ đây anh thanh mảnh hơn, nói khác đi là gầy hơn. Nhưng vẫn gương mặt ấy, vẫn những đường nét ấy, vầng trán nay dường như cao thêm vì không còn mái tóc xanh và dày xõa xuống mắt. Giọng nói cũng khác - cao hơn, nhẹ hơn.

Những hình ảnh một thời rất xa vụt hiện về: những con đường làng Yên Mô trù phú với tiếng bật bông vẳng ra qua những hàng rào, cầu Bút, núi Voi, núi Bảng, Quảng Công…

Đó là năm 1948. Tôi là học sinh một trường Nam Định tản cư về Ninh Bình, ngày ngày vác bàn tự tạo đến một ngôi đình thay cho phòng học. Nhà Phạm Tăng ở gần nhà tôi. Chúng tôi ít khi gặp nhau vì phần lớn thời gian anh ở Nam Định, nơi có hai tờ báo in li tô bằng tiếng Việt và tiếng Pháp là tờ Công dân và tờ l’Étincelle. Trong công việc làm báo này anh có một người bạn gắn bó với anh suốt đời là anh Hữu Ngọc.

Khi nào Phạm Tăng về nhà là y như rằng tôi có mặt, bao giờ cũng cặp kè với Hà Chính Hành, bạn lớn ở lớp trên. Hà Chính Hành là người thuộc nhiều thơ, thuộc đến nỗi có thể đọc ngược Truyện Kiều. Vào thời gian ấy chúng tôi rất yêu thơ, từ những áng văn bất hủ của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm đến Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính. Đến với Phạm Tăng, chúng tôi ngồi đực, ngắm không biết chán những bức tranh của anh treo la liệt trên tường. Phạm Tăng là hoạ sĩ đầu tiên và duy nhất mà tôi được biết. Nghe tôi nhắc đến những cái tên những bức “Người du kích”, “Mùa gặt”, “Quê hương”… Phạm Tăng nhìn tôi chăm chú rồi lắc đầu:

- Tài thật, chịu cậu đấy, làm sao mà cậu có thể nhớ được chứ?

- Chúng là những bức tranh đầu tiên tôi thấy, tranh thật - tôi tìm câu trả lời, với một chút ngắc ngứ - Trước đó tôi chỉ biết có tranh minh hoạ trên báo.

- Mình quên hết rồi - Phạm Tăng thờ ơ nói - Chúng là tranh của một thời ấu trĩ, những bản sao thực tại, tự nhiên chủ nghĩa…

Chị Thụy Khuê ngồi, tay chống cằm, lặng nghe những mẩu chuyện không đầu không đuôi, nhảy từ đề tài này qua đề tài khác về một quá khứ xa xôi, cả về thời gian, cả về địa lý. Rồi sực nhớ thiên chức phụ nữ, chị vội vã vào bếp đun nước pha trà. Chúng tôi vừa nói chuyện vừa trân trân nhìn nhau, như không tin vào lần gặp gỡ bất ngờ. Từ trong bếp vẳng ra tiếng nước reo trong ấm.

Từ năm 1948 tới năm 1996 là gần nửa thế kỷ - một quãng dài trong đời người.

Phạm Tăng vào thành, tôi đi bộ đội. Tin anh vào thành, tôi có nghe. Đất nước chia hai, như hai thế giới. Tôi không nhớ tới anh nữa trong sự bưng bít thông tin về miền đất bên kia sông Bến Hải, trừ tin chính trị. Nhắc lại thời gian ở Yên Mô, mắt Phạm Tăng mờ đi. Tôi cũng vậy. Với tôi, nó là một đoạn đời không thể quên, khi lần đầu tiên cậu học trò mới lớn biết xúc động trước vẻ đẹp của những người con gái. Chế Lan Viên nói thật hay: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, Khi ta đi đất đã hoá tâm hồn…”

Từ đó, chúng tôi không xa nhau nữa.

Phạm Tăng thường gọi điện thoại cho tôi, nhất là khi lâu không gặp. Những cuộc gọi dài và rất dài, bất kể vào giờ nào, có khi giữa đêm khuya. Trong thành phố này tôi là người duy nhất biết anh từ những năm xa xưa, và qua anh biết bạn bè anh. Anh gọi cho tôi khi những bóng mờ trong ký ức chợt về. Nỗi nhớ quê hương không chịu ngủ yên trong anh. Kèm theo nỗi nhớ này là một sự giằng xé trong sâu thẳm tâm hồn. Anh nhớ lắm một thời trai trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Với anh, nó là thời gian tuyệt đẹp.

- Anh em mình hồi ấy sao mà trong sáng, phải không? Mình không thể nào quên một kỷ niệm với Lưu Quyên. Cậu nhớ anh ấy chứ?

- Lưu Quyên làm kinh tài.

- Còn nhớ ông Giang chủ tịch Liên khu 3 không?

- Nhớ chứ. Chúng tôi bị tù cùng nhau trong một vụ án vớ vẩn. Tôi nhìn thấy ông cầm cái bát sắt tráng men sứt sẹo có cái đuôi cá khô nhô lên trên phần cơm tù ở Hỏa Lò. Tôi ngồi bên ông lúc ông hấp hối trong gian nhà dột nát ở chùa Liên Phái vào một đêm mưa…

- Mình có nghe chuyện xảy ra với ông Giang. Một con người chân thật, mộc mạc, tốt bụng. Có quá nhiều cái mình không ngờ có thể xảy ra đã xảy ra…

Tôi nghe tiếng thở dài ở đầu dây bên kia.

- Anh kể chuyện anh Lưu Quyên đi.

- Một đêm vợ chồng Lưu Quyên bị chủ thuyền đuổi khỏi con đò dọc, khi chị ấy đột ngột trở dạ - anh kể, bồi hồi - Dân sông nước mê tín lắm, cậu thừa biết. Chị ấy chỉ được nằm lại nếu trả cho người lái đò một khoản tiền bằng giá con đò. Lưu Quyên mang theo mình cả một cặp đầy ắp tiền, nhưng lại không chịu bỏ ra. Đã tính bảo cho thuyền cập bến, đưa vợ lên bờ…

- Rồi sao?

- Mình đi cùng vợ chồng Lưu Quyên, không nhớ đi việc gì. Mình lại đang sẵn tiền - chả là ông Đặng Kim Giang vừa gửi cho một món, coi như tiền thưởng làm báo, vẽ tranh địch vận. Mình bảo: “Để tớ trả”. Lưu Quyên không chịu, nói mãi mới bằng lòng. Thế đấy, vợ sắp đẻ, cứ lấy của công ra trả cái đã, có sao đâu. Nhưng không, một đồng của công Lưu Quyên nhất định không nhả ra. Có thể gọi những con người như thế là gì? Những con người lý tưởng, chỉ có trong một thời lý tưởng.

Tôi bắt gặp ở nhiều người nỗi nhớ khôn nguôi về thời gian đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, không chỉ ở Phạm Tăng. Nhà thơ Hà Thượng Nhân, từng làm Giám đốc Đài phát thanh Quốc gia của Việt Nam Cộng hoà, bị đi tù cộng sản từ năm 1975 tới năm 1983 cũng có một tâm trạng y như vậy. Anh là một người chống cộng kiên định, bè bạn gọi anh là Hà Chưởng Môn, người đứng đầu cả về thơ lẫn lập trường trong cộng đồng Việt ở San Jose. Thế mà trong tâm sự với tôi, anh vẫn bùi ngùi nhắc đến những kỷ niệm với bè bạn trong kháng chiến. Với tướng Nguyễn Sơn, anh đặc biệt kính trọng và yêu mến, ví ông như Từ Hải trong Truyện Kiều.

Mới thấy chính quyền cộng sản đã phí phạm những người con ưu tú của đất nước đến thế nào.

Tôi không hỏi vì sao Phạm Tăng bỏ kháng chiến vào thành. Anh cũng tránh, không nói. Nó là nỗi đau đã thành sẹo. Dù anh vẫn nhận được tin tức trong nước, vẫn biết những chuyện không hay xảy ra với người này người kia trong số bạn bè ở lại, những kỷ niệm về một thời với anh là đẹp mãi mãi đóng cứng trong trí nhớ. Anh không chịu, không muốn nghĩ, lại càng không muốn chứng minh rằng sự bỏ đi của mình là một lựa chọn đúng.

Tôi thường đến ngồi với anh cả buổi, có khi gần hết ngày, trong căn hộ nhỏ ở Quảng trường Các Quyền Tự do (Place des Libertés) thuộc tỉnh lỵ Bonneuil-sur-Marne. Cái quảng trường nhỏ bé này luôn có hoa - hoa trong bồn cỏ, hoa trên các cột điện. Gọi là tỉnh lỵ, chứ Bonneuil-sur-Marne chỉ là một bidonvile của Paris, tỉnh ngoại ô, từ trung tâm đến đấy có thể dùng Metro và bus của thành phố.

- Ở đây mình thừa tự do - anh cười chua chát - Lại càng thương những người không có nó.

Câu chuyện nào rồi cũng dẫn tới quê hương xa xôi.

- Tại sao anh bỏ Sài Gòn để sang châu Âu? Cái gì khiến anh bỏ nó để tới nơi anh chưa từng đến, nơi anh không hề biết, ném mình vào mung lung? Con đường phiêu lãng vô định ấy rồi dẫn anh tới đâu? Nó cho anh những gì?

Nhà thơ Du Tử Lê dồn dập hỏi. Gặp Phạm Tăng là một tình cờ hi hữu, anh hỏi suốt, hết câu này đến câu khác. Mặc dầu có thời cùng sống ở Sài Gòn, Du Tử Lê chưa từng giáp mặt người mà anh gọi là “Con phượng hoàng Việt Nam trên bầu trời nghệ thuật Tây phương”. Trong chuyến đi Paris cuối năm 2015, anh nằng nặc bắt tôi phải đưa đi gặp Phạm Tăng ngay lập tức.

- Tại sao ư? Lý do thì nhiều - Phạm Tăng không trả lời thẳng vào câu hỏi - Chúng ta lớn lên với tranh Tết Đông Hồ, với Đám Cưới Chuột, với Hái Dừa, Đánh Ghen, với Cá, với Gà, với Lợn... Người Pháp đưa đến cho chúng ta kỷ hà học, sơn dầu, thuốc nước. Tôi rất muốn đến tận nơi đã sản sinh ra những bậc thầy của hội hoạ Tây phương, ngoài hội hoạ Pháp mà mình đã biết, để xem từ xa xưa những bậc thầy hội hoạ ở đấy đã đưa lên khung vải cái nhìn thấy bằng đường nét, bằng màu sắc theo những cách nào… Lại đúng vào lúc có một học bổng đại học hội hoạ do Ý cấp. Thế là đi.

- Anh từng ở trong tâm bão gây nên bởi bức vẽ không ký tên trên bìa nhật báo Tự do số Xuân 1959 với bầy chuột đục khoét trái dưa hấu. Nó đã trở thành một scandal chính trị như một ám chỉ về nạn tham nhũng dính dáng tới gia đình cố tổng thống Ngô Đình Diệm… Sự thật là thế nào?

- Tôi đã có lần lên tiếng rồi - Phạm Tăng vắn tắt, anh không thích câu hỏi - Người khác là tác giả, không phải tôi.

Du Tử Lê có một bài báo đăng nhiều kỳ trên nhật báo Người Việt ghi lại cuộc trò chuyện rất dài và rất lan man với Phạm Tăng trong một ngày mưa. Những dòng nước theo nhau, đuổi nhau chảy trên kính cửa, một bối cảnh thích hợp cho sự gợi nhớ quá khứ.

Du Tử Lê nhích lại gần Phạm Tăng hơn nữa, chằm chằm nhìn anh, nuốt từng lời. Trong cuộc gặp gỡ không định trước, anh hối hả đưa ra cả một đống câu hỏi, không khác gì một phóng viên đang hành nghề. Đến nỗi anh không thấy nhiều lúc Phạm Tăng vờ không nghe anh hỏi gì.

Phạm Tăng rõ ràng không muốn nhắc tới quá khứ nghề nghiệp. Anh đã rũ bỏ nó như một tấm áo rách. Thôi thì mặc, những người nghiên cứu hội hoạ Việt Nam sau này muốn viết gì về Phạm Tăng thì viết - những cuộc triển lãm gây nhiều tiếng vang, những lời ca ngợi, những bằng khen được tặng. Anh không tự hào về những cái với người khác là những huân chương xếp hàng trên ngực. Anh không thích nói về những cái mà người ta gọi là thành tựu. Chọn cuộc đời ẩn sĩ, anh tránh mọi quấy rầy.

clip_image004

Họa sĩ Phạm Tăng và nhà văn Vũ Thư Hiên ngồi dưới bức tranh “Vũ trụ”. Ảnh: Vũ Thư Hiên.

Câu chuyện với Du Tử Lê diễn ra bên dưới bức tranh khổ lớn choán cả bức tường. Đó là bức “Vũ trụ”, được UNESCO tặng huy chương vàng hội hoạ năm 1967.

Để sống, Phạm Tăng đã bán dần tất cả những gì anh vẽ, chỉ giữ lại một bức này. Anh bảo nó chứa đựng mọi suy ngẫm của anh về nhân sinh, là triết lý về cuộc đời, về cái “ngã” và “vô ngã” trong một vũ trụ vô cùng, bất tận, vô sinh, vô tử, được biểu hiện trong vô vàn tế bào nguyên sinh, những khoanh tròn đồng tâm với những màu đổi nhau, khi ẩn khi hiện, biến hoá khôn cùng trong một toàn cục bao la - một ngân hà này trùm lên một ngân hà khác, cứ thế trườn đi mãi, vượt ra ngoài khung vải.

Phạm Tăng kể:

- Mình không tiếc đã bỏ Sài Gòn để đi tới vùng đất mới. Ở Sài Gòn mình sống sung túc, có thể gọi là thừa mứa. Đến Roma mình phải ở nhờ một tu viện nghèo của một dòng tu khổ hạnh. Tiền học bổng chỉ đủ để ăn mì với cà chua hoặc pizza chay. Không, không phải mình đến với hội hoạ phương Tây để học cách vẽ của họ đâu. Mình đến để tìm hiểu cái nhìn của họ bằng con mắt hội hoạ trong chiều dài nhiều thế kỷ, tại sao họ vẽ, vẽ cái gì, vẽ thế nào? Cứ thế sống dặt dẹo mấy năm cho đến khi hiểu ra rằng con đường tìm kiếm còn dài, mình còn cần đến một thứ vô duyên là tiền. Đành phải bán vài bức tranh vẽ theo phong cách Á đông bán cho khách chuộng lạ. Những bức tranh ấy sẽ chẳng ai biết đó là của Phạm Tăng - dưới mỗi bức mình ký một cái tên, toàn là tên bịa đặt.

Người ta kể về anh:

- Số ông này sướng. Ở Sài Gòn lấy một cô con nhà giàu, ăn chơi bán giời không văn tự, bà vợ chết cũng vì tay phá gia chi tử này đấy. Sau, sang Ý, tốt nghiệp Học viện mỹ thuật Roma, vớ được một tiểu thư đài các con một quý tộc kiêm điền chủ đảo Sisilia, nông dân ở đấy mỗi khi gặp cậu chủ còn phải khuỵu chân xin được hôn tay, khiếp chưa? Được mỗi cô con gái duy nhất thì hoàn toàn Ý, chẳng có tí Việt nào.

Thiên hạ thường nhìn người ở bề ngoài. Họ nói điều họ không biết, lại nghĩ rằng mình biết. Họ không biết Phạm Tăng đã từ bỏ cuộc sống xa hoa anh có, kiếm được nhiều ngàn dollars mỗi tháng, thời ấy là số tiền rất lớn.

Tôi không hỏi Phạm Tăng về những người đàn bà trong đời anh. Tự anh kể cho tôi nghe về mối tình với người vợ đầu đã mất khi anh chưa ra nước ngoài. Anh nâng niu cuốn album nhỏ xíu, xộc xệch, rách nát, trong đó có những tấm ảnh bạc màu chụp người con gái trẻ có đôi mắt ướt tình tứ. Cuốn album lưu lạc nhiều năm, được một người yêu hội hoạ tìm thấy, gửi sang cho anh. Có thể viết một truyện ngắn về cuốn album ấy, nếu nó rơi vào tay một Maupassant. Nhìn anh lần giở những hình ảnh của một thời đã mất, tôi hiểu đó là mối tình duy nhất của anh. Với những người đàn bà khác trong đời, anh không nhắc tới. Chúng thuộc về ký ức, không phải cái để kể.

Phạm Tăng đi vào hội hoạ như đi vào một cuộc chơi. Ở Sài Gòn, cũng vào một năm rất xa, anh viết trong tạp chí Bách khoa:

Múa bút vườn hoang, vẽ láo chơi

Xôn xao sỏi đá nói lên lời!

Đỏ xanh xáo trộn hồn cây cỏ

Nhẹ gót vào tranh, chiếc lá rơi!

Nhưng rồi anh hiểu ra: nghệ thuật không phải cái để đùa nghịch. Nó là nơi con người gửi gắm tâm hồn, bộc bạch tâm tư. Nó là cái cầu nối liền nghệ sĩ với cuộc đời, là sự giao hoà với nhân quần mà mỗi con người là một hạt cát trong sa mạc nhân loại.

Vì lẽ đó, anh quẳng lại vinh hoa đã có để đi tìm cội nguồn hội hoạ, để hiểu những suy tư của những kiếp người đã trao thân gửi phận cho nghệ thuật.

- Anh không phải Phạm Tăng, mà là bản sao của Đường Tăng. Đường Tăng lặn lội đi Tây Trúc thỉnh kinh - tôi nói đùa - Còn anh thì lang thang trời Tây tìm cái gì? Và rốt cuộc, anh đã tìm được gì?

- Vừa nhiều, vừa ít - Phạm Tăng nói, mắt xa xăm - Cậu thấy tranh tượng của David Michelangelo, Leonardo da Vinci thế nào? Tuyệt vời, phải không? Cơ thể người được thể hiện chính xác đến nỗi thoạt nhìn cứ như là ảnh chụp, rõ từng chi tiết. Nhìn kỹ đi, sẽ thấy khác - máy ảnh tốt đến mấy cũng không thể đạt tới Cái Đẹp mà những bậc thầy ấy tạo ra. Đó là sự tôn vinh Cái Đẹp của cơ thể con người. Nghĩ thêm nữa đi, rồi sẽ thấy đó còn là sự tôn vinh Thượng đế. Chỉ có Thượng đế mới tạo ra một hình hài toàn mỹ đến thế. Nghệ thuật là sự hoà trộn của tất cả những gì ta có thể nói ra, và những gì không thể nói ra, không đủ lời để nói, mà chỉ có thể cảm nhận…

Những câu chuyện của chúng tôi diễn ra dưới bức tranh “Vũ trụ” của anh. Tôi đã ngắm nó không biết bao nhiêu lần. Tôi không hiểu những vần vụ sắc màu, những đường nét hư ảo trên đó là sự biểu hiện suy tư về vũ trụ khôn cùng, là triết lý cuộc đời anh gửi gắm vào. Nhưng tôi không nói ra rằng tôi không hiểu, tôi sợ anh buồn. Ý tưởng thể hiện triết học dưới dạng hình họa tôi chỉ biết có một: đó là biểu tượng âm dương chứa hai khối đen trắng uốn lượn giao nhau trong chuyển động không ngừng, với hai hình tròn nhỏ ngược màu nằm trong hai khối ấy biểu hiện sự bất toàn, trong dương có âm có dương, trong dương có âm.

Phạm Tăng hiểu vì sao tôi im lặng.

- Cái bi kịch trong mình là sự bất lực - một hôm, Phạm Tăng buồn rầu thổ lộ - Mình bất lực trong sự diễn tả cái mình muốn diễn tả.

- Bi kịch ấy không phải chỉ anh có - tôi an ủi - Nó hiện hữu ở bất cứ nơi nào có mưu toan đưa cái ý, cái tâm vô hình ra ngoài bằng phương tiện hữu hình.

Nhà thơ Du Tử Lê có cảm nhận khác tôi. Anh đến gần rồi lùi xa, cầm kính lúp soi vào từng khối màu xoắn xuýt nhau, đan xen nhau, hoà trộn vào nhau, bay lượn bên nhau, rồi ngẩn người ngồi xuống một ghế xa, ngắm tiếp. Nhà thơ có thể có cảm nhận cái vô hình qua cái hữu hình khác tôi. Nó là sự đồng cảm khó giải thích giữa nhà thơ và hoạ sĩ, giữa hai miền suy tưởng. Chúng có thể có mối tương giao mà tôi không biết.

Gần Phạm Tăng nhiều, nhưng tôi không dám chắc mình đã hiểu anh. Mỗi khi nghĩ tới anh tôi lại mường tượng ra con người câm lặng đắm chìm trong những suy nghĩ không bao giờ dứt, kể cả khi anh cầm lại cây cọ để đưa chúng lên khung vải. Những lúc ấy anh sẽ quên bất cứ người đối thoại nào - anh độc thoại. Những lúc ấy nếu có đến với anh tôi cũng là người thừa.

Điều tôi biết chắc: Phạm Tăng là người đi tìm cái anh muốn hiểu. Anh khác những người tưởng mọi sự đời đều là cái đã biết, như thể họ sống lần thứ hai trên trái đất. Tôi yêu những người đi tìm.

Có vẻ như anh đã tìm thấy cho mình ý nghĩa của cả nghệ thuật, cả đời sống để thể hiện trong bức tranh mà anh giữ lại sau khi đã cho đi, đã bán đi tất cả.

Nhưng cái anh tìm thấy mới chỉ cho riêng anh thôi, chưa phải cho tôi, cho mọi người.

Giờ đây, tôi không còn cơ hội nào trò chuyện với anh nữa, để hiểu anh thêm nữa. Anh đã đi, xa chúng ta mãi mãi. Như anh muốn, anh đã là người ở trong mây, trong vũ trụ vô chung vô thủy.

V.T.H.

Nguồn: FB Vũ Thư Hiên

(*) Đầu đề do BVN thêm. Chân dung Họa sĩ lấy từ Internet.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn