Vì sự phát triển một nền nông nghiệp Việt Nam an toàn và bền vững

Vũ Trọng Khải

Chuyên gia độc lập về kinh tế nông nghiệp và PTNT

Hiện nay, nhu cầu tối thiểu và rất cấp bách của con người nói chung và người Việt Nam nói riêng, đối với sản phẩm nông nghiệp, là an toàn và có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm khi cần thiết (xảy ra sự cố).

An toàn trước hết cho người tiêu dùng, cho người sản xuất nông nghiệp và an toàn cho môi trường sống. Nhu cầu cao hơn là nông phẩm không chỉ an toàn mà còn phải ngon hơn theo khẩu vị của mỗi sắc tộc, cộng đồng người, thậm chí từng cá thể người. Đó là nền nông nghiệp hữu cơ.

Lưu ý là nông nghiệp sạch mới chỉ có nghĩa bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng (food safety), chưa bao hàm nội dung tiêu chuẩn an toàn cho người sản xuất và cho môi trường sống.

Và đương nhiên, nền nông nghiệp an toàn hiểu theo nghĩa nói trên sẽ là cơ sở để có một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Mặt khác, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng với các hiệp ước thương mại tự do thế hệ mới (FTA), mà trước tiên là hiệp định thương mại tự do của cộng đồng kinh tế các nước ASEAN đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2016, nền nông nghiệp VN còn phải đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của thị trường khó tính, như EU, Nhật Bản, Bắc Mỹ. Theo đó, mỗi thị trường này có những tiêu chuẩn khác nhau, được coi là những hàng rào kỹ thuật khắt khe đối với nông sản nhập khẩu từ các nước như Việt Nam. Nếu không, nông sản Việt Nam sẽ không thể xuất khẩu mang lại giá trị gia tăng cao mà thậm chí còn có thể “thua ngay trên sân nhà”. Riêng đối với Việt Nam, do diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người vào loại thấp nhất thế giới (khoảng 0,8ha/hộ nông dân; 0,3 ha/ 1 hộ nông dân đồng bằng sông Hồng), nên chỉ tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội quan trọng nhất là doanh thu và thu nhập tính trên 1 ha đất nông nghiệp, chứ không phải tính trên 1 đồng vốn đầu tư hay trên 1 người lao động nông nghiệp như các nước có nhiều ruộng đất (Canada, Mỹ, Australia, New Zealand…). Do vậy, nhu cầu phát triển nền nông nghiệp an toàn phù hợp với các hiệp ước thương mại tự do thế hệ mới lại càng trở nên cấp bách hơn. Lưu ý là xây dựng một nền nông nghiệp an toàn, không phải chỉ là nền nông nghiệp sạch, càng không phải chỉ là xây dựng các khu nông nghiệp an toàn.

1. Phương hướng phát triển

Trên tầm quản lí vĩ mô, Việt Nam phải hoạch định chiến lược phát triển nông sản quốc gia cho mỗi vùng nông nghiệp sinh thái có định hướng phân khúc thị trường rõ rệt. Trên cơ sở đó, quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất và xác định các giải pháp kinh tế - kỹ thuật cho mỗi vùng nông nghiệp sinh thái.

Một vài gợi ý cụ thể như sau:

Ø Vùng núi và trung du phía Bắc (cả Đông Bắc và Tây Bắc) và Tây Nguyên do có khí hậu khắc nghiệt, nên đã sinh ra những sinh vật (trước hết là cây) có dược tính cao. Các sắc tộc ít người sinh sống lâu đời ở đây đã có những bài thuốc theo y học cổ truyền rất đáng quý. Vì vậy, chiến lược sản xuất ở vùng này là khôi phục và phát triển các cây và con làm thuốc và thực phẩm chức năng bằng nền nông nghiệp hữu cơ, đầu tư công nghệ chế biến dược phẩm hiện đại, theo các bài thuốc cổ truyền sẵn có. Chỉ có sản xuất theo kỹ thuật hữu cơ thì các sinh vật (cây và con) mới có dược tính cao. Thị trường trong và ngoài nước đối với dược phẩm và thực phẩm chức năng được chế biến từ nông sản hữu cơ là rộng lớn, mang lại giá trị gia tăng rất cao, có thể làm thay đổi căn bản đời sống kinh tế - xã hội của các sắc tộc thiểu số ở vùng này.

Ø Vùng đồng bằng sông Hồng có thể sản xuất rau, củ, quả muà đông theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm Nhật Bản để xuất cho các nước vùng Đông Bắc Á, nơi có mùa đông giá lạnh kéo dài. Công nghệ cao trong chế biến, bảo quản rau quả cần được áp dụng để nâng cao giá trị gia tăng và khả năng thâm nhập thị trường Nhật Bản và các nước khác ở Đông Bắc Á. Nhờ đó, tuy với mức bình quân ruộng đất quá thấp, nông dân vùng đồng bằng sông Hồng vẫn có thể làm giàu nhờ phát triển nông sản hướng ra xuất khẩu cho vùng Nhật Bản và các nước khác ở Đông Bắc Á.

Ø Ở tất cả các vùng nông nghiệp sinh thái, đều có các giống cây, con mang gene bản địa, như gà Đông Tảo, H’mông, khoai sọ Lệ Phố, nếp Tú Lệ, nếp Cái Hoa Vàng, gạo Di Hương, bưởi Da Xanh, Năm Roi… Nếu được phục tráng giống và sản xuất theo kỹ thuật hữu cơ, các loại nông sản này có thể phục vụ phân khúc thị trường của những người có thu nhập cao hiện nay.

Ø Sản xuất lúa gạo, thủy sản, trái cây là lợi thế của đồng bằng sông Cửu Long.

Nhưng nếu không xuất khẩu được thì sẽ dư thừa, buộc phải bán với giá quá rẻ như gạo đang xuất cho Philippines hiện nay. Điều này dẫn đến càng sản xuất và xuất khẩu, đời sống của nông dân càng khó khăn và môi trường sinh thái càng xuống cấp. Do vậy, phải định hướng thị trường trong và ngoài nước rõ ràng và sản xuất phải đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của các nước nhập khẩu nông sản, trước hết là các nước ASEAN. Nếu không, dân trung lưu VN sẽ ăn gạo Campuchia hay Thái Lan, còn dân Philippines ăn gạo Việt Nam với giá rẻ hơn giá gạo loại trung bình ở thị trường Việt Nam (điều này đã và đang diễn ra).

Ø Các loại nông sản khác như café, hồ tiêu, cao su, hạt điều ở các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ cũng vậy. Là sản phẩm xuất khẩu chiến lược quốc gia, nên chúng cần được sản xuất theo các tiêu chuẩn của thị trường các nước phát triển, từ khâu canh tác đển chế biến, bảo quản, phân phối đến nước nhập khẩu và người tiêu dùng.

Ø Các loại nông sản chủ yếu tiêu dùng nội địa ở phân khúc thị trường khách hàng bình dân cũng cần phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn như VietGap hay GlobalGap. Đó là yêu cầu tối thiểu.

Nếu nhà chức trách chỉ quan tâm và xác nhận một số vùng sản xuất nông nghiệp và cửa hàng bán nông sản an toàn thì có nghĩa là đồng thời thừa nhận phần lớn các vùng sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay là không an toàn và được tồn tại một cách hợp pháp. Tuy nhiên, không hy vọng xây dựng được nền nông nghiệp an toàn trong thời gian ngắn, và phải trải qua một lộ trình, từ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, tiến tới GlobalGap, để rồi đạt tiêu chuẩn an toàn của các nước phát triển. Nhưng đối với cây con làm thuốc và thực phẩm chức năng, phải áp dụng ngay kỹ thuật sản xuất hữu cơ, các nông sản xuất khẩu chủ lực sang các nước phát triển cũng phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn của các thị trường này.

2. Giải pháp

Để có một nền nông nghiệp an toàn và hiệu quả cao như nêu trên, cần phải xây dựng lại, tạo ra các yếu tố cấu thành mới của một hệ thống mới hoàn toàn, chứ không phải là tái cấu trúc. Bởi vì, tái cấu trúc chỉ là sự sắp xếp lại các yếu tố hiện hữu cấu thành hệ thống nông nghiệp một cách hợp lý hơn, để có thể nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi và chỉ khi các yếu tố cấu thành hiện hữu của nền nông nghiệp còn “dư địa” phát triển. Nhưng theo tôi, hiện nay, các yếu tố đang cấu thành nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt đến ngưỡng cực đại. Vì thế phải tạo ra các yếu tố cấu thành mới về chất để tạo ra nền nông nghiệp an toàn và đạt hiệu quả cao cả kinh tế, xã hội và môi trường, nhờ ứng dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp từ trang trại đến bàn đến bàn ăn đối với từng mặt hàng nông sản ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái.

2.1. Quản trị sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản

Có nhiều chủ thể tham gia chuỗi giá trị này, nhưng hai chủ thể quan trọng nhất là nhà nông (sản xuất nông phẩm trong các khâu mang tính sinh học), nhà doanh nghiệp thực hiện các khâu chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản trên thị trường trong và ngoài nước, trực tiếp hay gián tiếp (liên kết với bên thứ 3) cung ứng dịch vụ đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thú y, khuyến nông…) bảo đảm chất lượng, đủ số lượng, kịp thời cho nhà nông.

Nhà nông với tư cách là chủ thể trang trại gia đình thực hiện các khâu sản xuất mang tính sinh học luôn là lực lượng chủ yếu sản xuất nông sản hàng hóa cho xã hội, ngay cả ở những nước phát triển như Mỹ, Pháp, Canada, Nhật… Muốn đạt các tiêu chuẩn sản xuất an toàn, từ đơn giản như VietGap, rồi GlobalGap, đến các tiêu chuẩn sản xuất an toàn cao của các nước phát triển nhất, hay của nền nông nghiệp hữu cơ, phải tạo dựng được các trang trại gia đình qui mô lớn để có thể ứng dụng công nghệ cao, thông qua tiến trình tích tụ và tập trung ruộng đất theo cơ chế thị trường. Để quản lý các trang trại này lại cần có những nông dân chuyên nghiệp, một tầng lớp “thanh nông tri điền” được đào tạo căn bản, thay thế cho nông dân “cha truyền con nối”, “lão nông” rồi mới “tri điền”.

Nhà doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản trên thị trường trong và ngoài nước bằng công nghệ cao phải là người lãnh đạo, là “nhạc trưởng” của mỗi chuỗi giá trị ngành hàng nông sản ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái. Bởi vì có 3 vấn đề của kinh doanh nông sản mà chỉ có nhà doanh nghiệp mới giải quyết được là: (i) thị trường và thương hiệu, (ii) công nghệ sản xuất, (iii) vốn kinh doanh (từng nhà nông không bao giờ tự giải quyết được 3 vấn đề này). Bởi vì doanh nghiệp có trách nhiệm, khả năng nắm bắt được nhu cầu của từng thị trường cụ thể đối, với từng loại nông sản, trước hết là về tiêu chuẩn sản xuất an toàn. Trên cơ sở đó, nhà doanh nghiệp “đặt hàng” sản xuất nông sản nguyên liệu với nhà nông, đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, bảo quản, phân phối nông sản bằng công nghệ cao, cung cấp (trực tiếp, hay gián tiếp bằng cách liên kết với các đơn vị khác) các dịch vụ đầu vào cho nhà nông để bảo đảm sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn của thị trường tiêu thụ, như giống (chủng loại, số lượng, chất lượng), các loại vật tư nông nghiệp, khuyến nông hướng dẫn cho nông dân kỹ thuật sản xuất an toàn theo đặc điểm của mỗi loại giống và phù hợp với yêu cầu của công nghệ chế biến và thị trường tiêu thụ; tạm ứng vốn cho nhà nông dưới hình thức cung ứng dịch vụ đầu vào trả sau, khi thu hoạch nông sản, ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với các donah nghiệp bán buôn, bán lẻ trên thị trường trong và ngoài nước. Nhờ quản lý chuỗi giá trị nông sản chặt chẽ như vậy, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản mới dần tạo dựng được thương hiệu nông sản Việt Nam trên thương trường.

Nhà nông tuy có quyền tự chủ sản xuất trong các khâu mang tính sinh học, nhưng trong chuỗi giá trị, họ trở thành người sản xuất gia công, cung ứng nguyên liệu nông sản cho doanh nghiệp chế biến.

Mặt khác, nhà doanh nghiệp và nhà nông phải thỏa thuận cơ chế phân phối lợi ích theo nguyên tắc “2 bên cùng thắng”. Giá bán nông sản của nhà nông cho nhà doanh nghiệp chế biến phản ánh sự phân chia lợi ích và rủi ro giữa 2 bên. Nhà nông chịu rủi ro và hưởng lợi ích từ các khâu sản xuất mang tính sinh học. Còn nhà doanh nghiệp chế biến hưởng lợi ích và rủi ro trong khâu chế biến và tiêu thụ nông sản. Giá này không phải là giá giao sau trên thị trường kỳ hạn hay giá giao ngay (thời giá), càng không phải là giá cả hình thành theo cơ chế “nước lên, thuyền lên”. Giá này được ấn định bằng hợp đồng ở đầu vụ sản xuất hay trước vài vụ sản xuất, tùy từng trường hợp.

Hợp tác xã trong nông nghiệp cũng có vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi giá trị ngành hàng. Trong gian đoạn đầu, hợp tác xã là khâu trung gian kết nối giữa nhà doanh nghiệp và nhà nông, nhất là với nhà nông có qui mô sản xuất nhỏ lẻ, thực hiện các dịch vụ đầu vào – ra của sản xuất nông nghiệp. Khi lớn mạnh, nhất là khi các thành viên của hợp tác xã phần lớn là các chủ trang trại gia đình có qui mô lớn, hợp tác xã sẽ có đủ khả năng thực hiện khâu chế biến và tiêu thụ nông sản cho nhà nông. Lúc đó, hợp tác xã trở thành đối thủ cạnh tranh hay đối tác có khả năng mặc cả với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản. Nhờ đó, lợi ích của nhà nông sẽ gia tăng đáng kể.

Quản lý theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản phải là yếu tố mới về chất cấu trúc nên nền nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao và đạt hiệu quả cao cả về kinh tế, xã hội và môi trường.

2.2. Hình thành và phát triển thị trường đất nông nghiệp đích thực

Tiến trình tích tụ và tập trung ruộng đất nông nghiệp theo cơ chế thị trường để tạo dựng các trang trại sản xuất hàng hóa qui mô lớn chỉ có thể diễn ra lành mạnh khi có thị trường ruộng đất đích thực. Muốn thế phải tạo dựng 3 yếu tố: nguồn cung, nguồn cầu và khung pháp lý của hoạt động mua bán, cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Nguồn cung ruộng đất chỉ có thể hình thành khi phần lớn nông dân đã trở thành thị dân, an cư lạc nghiệp ở các khu đô thị văn minh. Khi đó, họ mới sẵn lòng bán hoặc cho thuê lâu dài đất nông nghiệp ở quê nhà. Trên thực tế, các khu công nghiệp được hình thành và phát triển trong hơn 30 năm qua mới chỉ tạo ra việc làm có mức thu nhập thấp. Các ngành công nghiệp lắp ráp, gia công mang lại giá trị gia tăng thấp, chỉ cần sử dụng sức lao động giản đơn, thời gian đào tạo ngắn. Do đó, người lao động có thu nhập thấp, không đủ sống, buộc phải làm thêm giờ, tăng ca. Sức lao động của họ bị vắt kiệt, ở độ tuổi từ 30 – 40 đã bị giới chủ sa thải, đành phải trở về quê chia lại phần việc và ruộng đất vốn đã quá ít ỏi. Mặt khác, bên cạnh khu công nghiệp, không có khu dân sinh, với các khu nhà ở xã hội, nhà trẻ, trường học, bệnh viện, chợ cũng như các tiện ích công cộng khác của một đô thị văn minh (điện, nước, đường giao thông, internet…), tức là không có những cơ sở vật chất tối thiểu của đô thị. Khi có con, họ phải gửi chúng về cho ông bà ở quê nuôi dạy và học “đúng tuyến”. Còn các gia đình công nhân trở thành công dân hạng 2, sống trong các khu nhà ổ chuột. Do đó, rời bỏ đồng ruộng, người nông dân không thực sự trở thành thị dân. Vì thế, nguồn cung đất nông nghiệp không thể hình thành và phát triển. Do vậy, cần thay đổi căn bản chiến lược phát triển công nghiệp và đô thị ở mỗi vùng kinh tế sinh thái để biến đại bộ phận nông dân thành thị dân văn minh. Chỉ có như vậy, nguồn cung cho thị trường đất nông nghiệp mới có thể hình thành và phát triển.

Nguồn cầu trên thị trường đất nông nghiệp chỉ hình thành và phát triển khi có một đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, biết kinh doanh nông nghiệp, đủ khả năng quản trị các trang trại gia đình có qui mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, biết liên kết với nhau để xây dựng và quản lý hợp tác xã của mình (liên kết ngang) và liên kết với các doanh nghiệp nghiệp (liên kết dọc) theo cấu trúc chuỗi giá trị ngang hàng như nêu trên. Muốn vậy, phải có chính sách đầu tư đào tạo miễn phí con em nông dân trở thành tầng lớp “thanh nông tri điền”, những nông dân chuyên nghiệp.

Khác với ngành công nghiệp và dịch vụ, đối tượng sản xuất trong nông nghiệp là sinh vật (cây, con). Vì thế trong nông nghiệp, sản xuất theo “nhất thì, nhì thục” phải được tôn trọng nghiêm ngặt, nhất là trong điều kiện ứng dụng công nghệ cao, tuân thủ triệt để các tiêu chuẩn sản xuất an toàn như đã nêu ở trên. Do vậy, chỉ có những trang trại gia đình mới có thể thực hiện được điều này. Do lợi ích của cả gia đình đều gắn bó trực tiếp với kết quả cuối cùng của quá trình sản xuất mang tính sinh học diễn ra trên từng thửa ruộng, vườn cây, chuồng nuôi gia súc, gia cầm, ao nuôi trồng thủy sản… nên họ có trách nhiệm cao trong việc thực hiện “nhất thì, nhì thục”, theo tiêu chuẩn của nền nông nghiệp an toàn hay nông nghiệp hữu cơ. Mặt khác, muốn có khả năng thực hiện “nhất thì, nhì thục”, qui mô của trang trại gia đình được giới hạn trong phạm vi tầm hạn quản trị của họ như một tất yếu kinh tế. Do đó qui mô tích tụ và tập trung ruộng đất, đầu gia súc, gia cầm chỉ gia tăng nhờ cơ giới hóa, tự động hóa và tin học hóa trong sản xuất và quản trị, chứ không thể nhờ yếu tố kéo dài chuỗi quản trị với nhiều cấp trung gian bằng cách thuê người lao động quản lý như trong công nghiệp, dịch vụ.

Trang trại là một đơn vị kinh doanh nông nghiệp tự chủ, chủ yếu thực hiện các khâu sản xuất mang tính sinh học, theo cơ chế kinh tế thị trường. Tích tụ ruộng đất là sự gia tăng qui mô canh tác của trang trại bằng cách trang trại dùng vốn tích lũy được hay đi vay để mua hay thuê quyền sử dụng đất (theo luật Việt Nam). Còn tập trung ruộng đất là sự gia tăng qui mô canh tác của trang trại bằng cách sáp nhập vài trang trại nhỏ thành một trang trại lớn, một cách tự nguyện theo cơ chế thị trường.

Doanh nghiệp chế biến nông sản cũng có thể mua hay thuê lâu dài ruộng đất để tổ chức sản xuất nhằm chủ động nguồn cung nông sản nguyên liệu cho nhà máy chế biến và thực hiện các tiêu chuẩn sản xuất an toàn. Tuy nhiên, để có hiệu quả, các khâu sản xuất nông nghiệp mang tính sinh học vẫn phải được doanh nghiệp giao khoán cho các hộ nông dân, tạo ra các trang trại gia đình dự phần (affiliated farm household). Còn doanh nghiệp chỉ đóng vai trò lãnh đạo chuỗi giá trị, cung ứng dịch vụ đầu vào – đầu ra cho các trang trại như nêu ở trên.

Để cung – cầu về ruộng đất gặp nhau theo cơ chế thị trường, “thuận mua, vừa bán”, phải xây dựng khung pháp lý cho việc mua bán, cho thuê đất nông nghiệp. Theo đó, quyền sử dụng đất nói chung và đất nông nghiệp nói riêng, phải là quyền tài sản, là hàng hóa được tự do mua bán, cho thuê theo luật định. Vì thế, để có thị trường đất đai đích thực, luật pháp phải hủy bỏ ngay quyền của các cơ quan nhà nước trong việc thu hồi quyền sử dụng đất, đền bù giá trị quyền sử dụng đất theo khung giá do cấp chính quyền quy định như hiện nay. Và vì thế, luật qui định về hạn điền đối với nông hộ trở nên không cần thiết.

Trên thực tế, người nông dân không bao giờ tích tụ ruộng đất quá khả năng quản lý của mình. Hơn nữa đối với tổ chức (doanh nghiệp), luật lại không qui định hạn điền, nên nhiều nông hộ đã thành lập công ty TNHH một thành viên để tích tụ và tập trung ruộng đất theo khả năng của mình. Còn trong công nghiệp, việc tích tụ, tập trung đất không có giới hạn và việc mua bán, cho thuê quyền sử dụng đất đương nhiên được thực hiện theo cơ chế thị trường.

Thị trường đất nông nghiệp đích thực được hình thành phát triển là một yếu tố mới cấu trúc nên nền nông nghiệp an toàn.

2.3. Chính sách vĩ mô

Để thúc đẩy nhanh sự phát triển của mô hình quản trị theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản và thị trường đất nông nghiệp như nêu trên, cần sự tác động mạnh của các chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài chính – tín dụng. Sau đây là một vài gợi ý.

· Không thu thuế thu nhập doanh nghiệp và tài trợ kinh phí khuyến nông cho các doanh nghiệp đóng vai trò “nhạc trưởng” trong chuỗi giá trị ngành hàng nông sản trong 3 năm đầu.

· Tài trợ kinh phí (trong 2 – 3 năm) cấp giấy chứng nhận cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại thực hiện sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn VietGap hay GlobalGap, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn của các thị trưởng khó tính (như Nhật, EU, Bắc Mỹ, Australia…),

· Tài trợ 50% lãi suất tín dụng bằng vốn của ngân hàng phát triển cho các dự án ứng dụng công nghệ cao, thực hiện nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn của các thị trường khó tính.

· Tài trợ kinh phí nghiên cứu và triển khai (RSD) cho các đề tài ứng dụng công nghệ cao theo các tiêu chuẩn nông nghiệp an toàn cho các cá nhân và tổ chức thực hiện (có thu hồi vốn và không tính lãi)

· Không đánh thuế chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trong quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, không đánh thuế chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất xây dựng cơ sở chế biến nông sản ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các cơ sở tiện ích công cộng đô thị (nhà ở xã hội, nhà trẻ, trường học, bệnh viện, đường giao thông…) phục vụ cho đời sống của công nhân ở các khu công nghiệp, thu hút, sử dụng lâu dài sức lao động nông nghiệp dôi dư.

· Chính sách tài trợ phải đi đôi với việc lập kế hoạch tài khóa hàng năm và 5 năm để bảo đảm tính khả thi về mặt tài chính.

· Đánh giá lại việc thực hiện các chính sách hiện có, trước hết là Nghị định 210CP ngày 19/12/2013 về ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, loại bỏ những điều bất hợp lý trong Nghị định số 109CP ngày 04/11/2010 về điều kiện xuất khẩu gạo; xây dựng lại hệ thống chính sách đồng bộ, phù hợp với bối ảnh hội nhập kinh tế quốc tế và với yêu cầu của việc xây dựng lại nền nông nghiệp theo tiêu chuẩn an toàn, phát triển bền vững, hiệu quả cao cả về kinh tế, xã hội và môi trường, theo cơ chế thị trường.

Nội dung của việc phát triển nền nông nghiệp an toàn, bền vững, hiệu quả cao, chính là nội dung quan trọng nhất của tiến trình xây dựng nông thôn mới (không phải là 2 khái niệm đồng đẳng như báo chí thường nói là kết hợp 2 nội dung trên). Phấn đấu vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp Việt Nam an toàn (không phải chỉ là nông nghiệp sạch như báo chí thường nêu) phải là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển đất nước hiện nay.

V.T.K.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn