Bao giờ mới có đánh giá chính thức về Phong trào Đông Kinh Nghĩa thục?

Nguyễn Hải Hoànhclip_image001clip_image001[1]

Trong bài “Đôi dòng tưởng niệm nhà cách mạng Nguyễn Hữu Cầu ...”, học giả lão thành Vũ Khiêu viết: «Năm nay (2007) trường Đông Kinh Nghĩa thục (ĐKNT) tròn 100 tuổi. Đi sâu vào nội dung cùng những tài liệu được lưu giữ và phổ biến cho đến ngày nay, tôi càng kính phục sự sáng suốt của các cụ ĐKNT cách đây 100 năm» [1].

Ý kiến trên phần nào đại diện cho quan điểm đánh giá khách quan phong trào ĐKNT của giới học giả nước ta hiện nay. Tiếc rằng không phải ai cũng có nhận thức như vậy. Dù 110 năm đã trôi qua nhưng sự nghiệp cách mạng vẻ vang của các chí sĩ ĐKNT vẫn chưa nhận được sự đánh giá chính thức và công khai của chính quyền nước ta.

Có thể thấy điều đó qua việc lễ kỷ niệm 100 năm ĐKNT lẽ ra phải được tổ chức ở cấp nhà nước nhưng lại chỉ làm ở cấp Hội Sử học và trường đại học; các đài báo lớn im lặng về đề tài này. Quan chức cấp cao nhất tới dự cuộc Hội thảo ngày 22/5/2007 tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn chỉ là một vị Phó Ban Tuyên giáo Trung ương.

Nhưng trước ta, nước Pháp đã long trọng tổ chức Hội thảo quốc tế về phong trào Duy Tân nhân kỷ niệm 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục tại thành phố Aix-en-Provence. Hội thảo diễn ra trong ba ngày (3-5/5/2007) với 30 bản tham luận của các học giả Pháp, Việt Nam, Hà Lan, Canada, Mỹ, Nhật. Mỗi tiểu ban có 70-80 người theo dõi đến từ nhiều nước. Nước Pháp đã tài trợ cho một số học giả Việt Nam sang dự Hội thảo này.

Năm 2012, lễ kỷ niệm 105 năm ĐKNT cũng chỉ được làm với quy mô nhỏ dưới hình thức Tọa đàm Đông Kinh Nghĩa Thục và Cải cách giáo dục hiện nay, do một đoàn thể “xã hội dân sự” là Trung tâm Minh triết Việt tổ chức tại hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội (20/9/2012). Các quan chức được mời đều vắng mặt không có thông báo.

Hiện nay, khi một số đường phố đô thị lớn được đặt tên các loài hoa (vì danh sách danh nhân đã cạn?) thì tên của các yếu nhân ĐKNT, những bậc danh nhân-tiền bối cách mạng đáng kính ấy lại bị chính quyền thành phố lờ đi, không rõ là cố ý hay vô tình.

Giờ đây dư luận đang tự hỏi: Năm nay nước ta sẽ kỷ niệm 110 năm phong trào ĐKNT như thế nào đây ? Đến bao giờ giới lãnh đạo và giới sử học chính thống nước ta mới có đánh giá công khai về ĐKNT cũng như về một số sự kiện và nhân vật lịch sử khác?

E rằng lần này câu hỏi ấy lại tiếp tục rơi vào “im lặng đáng sợ” – cái kết cục đã trở thành quen thuộc khi nhà nước này đã sang tuổi thất tuần. Phải chăng đây là hậu quả của tình trạng những nhận định sai lệch về ĐKNT đã chi phối công luận một thời gian quá dài mà chưa có ai dám lên tiếng phản biện? Tình trạng này có lợi hay hại cho các thế hệ hiện nay và mai sau khi họ học lịch sử dân tộc ta? Đây là một vấn đề rất đáng bàn thảo.

GS Hoàng Như Mai từng nói đại ý: Từ trước tới nay hầu như giới nghiên cứu ít chú ý, đặc biệt là những cơ quan có trách nhiệm về văn hóa giáo dục cũng không quan tâm tới phong trào ĐKNT, vì vậy đông đảo nhân dân, đáng suy nghĩ hơn là lớp trẻ, hoàn toàn không biết là có sự kiện lịch sử trọng đại ấy. Sở dĩ có tình trạng này là do ĐKNT đã bị nhìn nhận dưới ánh sáng của những quan niệm, luận điểm không thỏa đáng [2].

Nhà văn Phạm Toàn nói: «Những người có gan thay đổi tư liệu lịch sử cũng có gan dạy dỗ thế hệ tôi rằng đường lối của các chí sĩ ĐKNT là sai lầm, là cải lương, là thiếu tinh thần chiến đấu… coi ĐKNT như một dấu hiệu của sai lầm lịch sử, là chủ trương phát triển chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam!… Người nói sai tha hồ nói. Cái lầm lẫn của thế hệ tôi là đã cả tin vào những lời dạy dỗ đó trong một thời gian quá dài» [1].

Từ xưa tới nay, kẻ viết sử đều là kẻ thắng trong cuộc tranh giành quyền lực, và dĩ nhiên bao giờ họ cũng viết sử sao cho có lợi cho mình. Dưới các chế độ toàn trị, quan điểm lịch sử chính thống là quan điểm của chế độ đó. Tuy rằng cuối cùng lịch sử sẽ đi tới những phán xét khách quan, nhưng ngày ấy có thể đến rất muộn. Nhà đại cách mạng Phan Bội Châu nổi tiếng thế mà mãi sau mới được tôn vinh. Việc đánh giá nhà đại cách mạng Phan Châu Trinh còn lận đận hơn, chủ yếu được các tổ chức xã hội dân sự đề xuất tiến hành.

Khi nói về nguyên nhân thất bại của các phong trào giải phóng dân tộc tồn tại trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, người ta thường nói đó là do các phong trào ấy chưa tìm được con đường cứu nước phản ánh đúng nhu cầu phát triển của xã hội Việt Nam. ĐKNT dường như cũng bị đánh giá như vậy.

Để đánh giá đúng một sự kiện lịch sử, nhất thiết phải đặt nó vào bối cảnh thực tế ở thời điểm của nó.

Trong một thời kỳ dài trước khi nhà nước chủ nghĩa xã hội đầu tiên được thực hiện tại nước Nga, thế giới chỉ mới biết nhà nước cộng hòa dân chủ tư sản kiểu Mỹ là loại hình nhà nước tiến bộ nhất của xã hội loài người. Năm 1846, K.Marx từng nói «Ví dụ hoàn hảo nhất về nhà nước hiện đại là nước Mỹ. Những nước như Bắc Mỹ là những nước bắt đầu ngay bằng một thời đại lịch sử đã phát triển thì sự phát triển diễn ra rất nhanh…” [3].

Như vậy ĐKNT chủ trương bỏ xã hội phong kiến, tiến lên xã hội dân chủ tư sản là đi đúng trào lưu lịch sử đương thời. Thực ra đòi hỏi ĐKNT làm cách mạng XHCN mới là quan điểm sai lầm, vì hoàn toàn không hợp với điều kiện thực tế, bởi lẽ 10 năm sau ngày thành lập trường ĐKNT mới nổ ra cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917), từ đó thế giới mới biết tới cái gọi là CNXH. Mao Trạch Đông cũng nói: Tiếng súng Cách mạng Tháng Mười đưa CNXH đến Trung Quốc (TQ).

Cuối thế kỷ XIX, văn minh phương Tây ồ ạt tràn vào châu Á, nhưng chỉ có nước Nhật dám dứt khoát từ bỏ Khổng giáo, tiếp nhận các giá trị tiên tiến của văn minh phương Tây. Trong vẻn vẹn 15 năm đầu thời kỳ Duy tân Minh Trị (từ 1868) đất nước phong kiến cực kỳ bảo thủ này đã tiếp thu toàn diện nền văn minh phương Tây, đứng vào hàng ngũ các quốc gia tiên tiến. Nhờ đó Nhật nhanh chóng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trở thành cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, trong 10 năm lần lượt đánh bại hai nước lớn là TQ (1894) và Nga (1904).

Tấm gương ấy đã cổ vũ các dân tộc châu Á. Đến thập niên đầu thế kỷ XX, Việt Nam với phong trào cách mạng ĐKNT là nước châu Á thứ hai đưa ra chủ trương đi lên con đường cải cách toàn diện xã hội, tiếp thu văn minh phương Tây.

Xin ôn lại vài sự thật lịch sử. Tại TQ, sau khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, giới trí thức tiên tiến nước này cho rằng nước họ ngu dốt lạc hậu là do chữ Hán khó học và do bị lễ giáo phản dân chủ của đạo Khổng kìm kẹp. Năm 1908 học giả TQ Tiền Huyền Đồng nói: Muốn bỏ Khổng giáo, trước hết phải bỏ chữ Hán. Nhưng từ năm 1907, Phan Châu Trinh ở ta đã kêu gọi: Không bỏ chữ Hán thì không cứu được nước Nam. Ngót 30 năm sau, Lỗ Tấn trăng trối: Không diệt chữ Hán thì TQ ắt mất nước. Phong trào yêu nước Ngũ Tứ ở TQ phát sinh năm 1919, tức 12 năm sau phong trào yêu nước ĐKNT.

Mấy ví dụ trên cho thấy giới trí thức Việt Nam tiên tiến đã sớm nhận thức được con đường phát triển của nước mình nói riêng và châu Á nói chung. Lẽ ra những sự thật lịch sử ấy phải được đánh giá cao và phải làm chúng ta ngẩng cao đầu tự hào. Tiếc thay ở ta vẫn có người trong khi hết lời ca ngợi cuộc Duy tân Minh Trị ở Nhật lại chê bai phong trào ĐKNT là «cải lương», «không triệt để». Đây thật là một sai lầm đáng trách, hòng phủ định công lao to lớn và trí tuệ sáng suốt của chính cha ông mình, dân tộc mình.

Cách mạng giải phóng dân tộc là một sự nghiệp lâu dài, do nhiều thế hệ tiếp nối, kế thừa. Ông cha ta có giỏi thì con cháu mới giỏi và nhờ đó con thuyền cách mạng Việt Nam mới vượt qua gian nguy tiến tới bờ thắng lợi như ngày nay. Có chút công trạng mà đánh giá sai thậm chí phủ nhận chính cha ông mình thì thật là không hợp đạo nghĩa. Các thế hệ sau này sẽ nghĩ gì về một thế hệ từng đánh giá sai lịch sử?

Chẳng cần biện luận cũng có thể thấy rõ một sự thực: Trong điều kiện tương quan lực lượng Việt Nam - Pháp ở đầu thế kỷ XX mà chủ trương dùng khởi nghĩa vũ trang để đánh đuổi thực dân Pháp thì chắc chắn thất bại 100%, rốt cuộc chỉ làm dân chúng sống trong cảnh chiến tranh loạn lạc, đói khổ. Thực tế cho thấy, phong trào Cần Vương khởi xướng năm 1885 của các bầy tôi dũng cảm khởi nghĩa giúp triều đình vua Hàm Nghi sau hơn chục năm chiến đấu đã bị giặc Pháp dập tắt. Những cuộc khởi nghĩa chống Pháp lẻ tẻ sau đó cũng đều thất bại. Đường lối giải phóng dân tộc duy nhất đúng đắn ngày ấy chỉ có thể là tiến hành tuyên truyền giáo dục khêu gợi lòng yêu nước của đông đảo quần chúng, trên cơ sở dân chúng đã giác ngộ mà tổ chức họ thành một sức mạnh to lớn, khi có thời cơ sẽ đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập cho Tổ quốc và sau đó xây dựng nhà nước dân chủ tư sản, chế độ chính trị được coi là tiên tiến nhất thời đó.

Các nhà sáng lập ĐKNT đã làm như vậy, điều đó hoàn toàn phù hợp với đường lối đúng đắn «Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh» do Phan Châu Trinh nêu ra.  

Vả lại sự việc thực dân Pháp đàn áp tàn bạo phong trào ĐKNT tự nó đã bác bỏ quan điểm cho rằng phong trào này có tính cải lương, không triệt để chống Pháp.

Toàn quyền Đông Dương Klobukowsky «khẳng định ĐKNT là cái lò phiến loạn ở Bắc Kỳ». Rõ ràng, «cải lương» chưa thể nào là «phiến loạn». Tuy trường ĐKNT được chính quyền Pháp cho phép thành lập và chỉ tồn tại có 9 tháng nhưng thực dân Pháp nhanh chóng nhận ra các hoạt động của nhà trường có tính chất nổi loạn đe dọa lật đổ sự thống trị của chúng. Vì thế không chỉ cấm trường hoạt động mà chúng còn cố tìm ra mọi cớ để kết án hầu như toàn bộ các yếu nhân ĐKNT với mức từ 5 năm tù cho tới chung thân, tử hình, và còn đày tất cả ra Côn Đảo nhằm tách rời họ với nhân dân.

Trong thực tế, nhiều yếu nhân ĐKNT từng có liên hệ với các phong trào bạo động hồi đó. Ví dụ Nguyễn Hữu Cầu đã mấy lần tìm cách tiếp xúc với các thủ lĩnh tổ chức vụ đầu độc Hà Thành, và trực tiếp giúp một số thanh niên yêu nước sang TQ học làm cách mạng. Khi ra lệnh đóng cửa ĐKNT, thực dân Pháp còn dọa sẽ bỏ tù bất cứ ai tàng trữ tài liệu của trường này. Vì thế chỉ sau một đêm tất cả các tài liệu ĐKNT từng in ấn phân phát hàng chục nghìn bản trong cả nước đều bị đốt sạch. Dễ hiểu là các tài liệu ấy phải có nội dung gây hại cho thực dân Pháp như thế nào nên chúng mới sợ hãi như vậy.

Cách đây một thế kỷ, khi đất nước còn cực kỳ ngu tối mà các nhà sáng lập ĐKNT đã nêu ra nhiều chủ trương thể hiện nhãn quan chính trị rất sáng suốt, hợp thời đại. Quá khứ vô cùng vẻ vang đó thật đáng được nêu cao để học tập và noi theo, cớ chi lại phải lờ đi?

Nhà thơ Gamzatov từng nói: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”.

Chắc chắn dân tộc ta cuối cùng sẽ có đánh giá công bằng về ĐKNT cũng như về những sự kiện và nhân vật lịch sử khác còn bị đánh giá sai, hoặc bị lờ đi. Nhưng lẽ nào thế hệ này lại hèn tới mức chấp nhận để các thế hệ sau sẽ «xử» chúng ta bằng súng đại bác?

Ghi chú :

[1] Nguyễn Hữu Cầu, chí sĩ yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục. Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2007

[2] 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2008.

[3] Tuyển tập Mác-Ăng-ghen, tập I, tr. 364. Nxb Sự thật, Hà Nội.

N.H.H.

Tác gả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn