Ai đã biến Hãng phim truyện Việt Nam thành ‘làng Vũ Đại ngày ấy’?

Hào Hoa - Quang Đức

Chính phủ hay Bộ Văn hóa mà cố tình "đọc" sai xung đột chính của câu chuyện cổ phần hóa hãng phim thì sẽ đưa ra một quyết định không giải quyết được vấn đề gì cả.

Đây không phải là vấn đề phim mà là đất.

5.500 mét vuông đất mặt tiền Hồ ấy, phải được làm rõ nó là đất của hãng phim hay là đất công giao cho hãng phim. Đất công giao cho hãng phim mà bây giờ hãng phim không dùng để làm phim thì nó phải được đưa vào danh mục quản lý như tài sản công. Cổ phần hóa hãng phim là bán những giá trị do hãng phim tạo ra chứ không phải bán đất [nếu các giá trị hãng phim tạo ra không còn dùng được nữa thì cho hãng phim phá sản; các nghệ sỹ, CBCNV hưởng hưu, trợ cấp theo chế độ nhà nước là ưu đãi hơn các hãng phim tư nhân như Galaxy, BHD... rất nhiều rồi].

Từ Kem Tràng Tiền, Cao Xà Lá..., "sở hữu toàn dân" đã trở thành một khái niệm không những không bảo vệ được "định hướng xã hội chủ nghĩa" mà còn mở ra cơ hội để các nhóm tư bản thân hữu có được đất công với giá mậu dịch. Không nhìn thẳng vào sự thật này thì không những không giải quyết được vấn đề hãng phim, chủ nghĩa xã hội cũng không có mà công sản sẽ bị chia chác hết.

Huy Đức

“Quá khứ đã để lại cái bóng quá lớn, để những thế hệ sau này không thể vượt qua. Dĩ vãng vàng son đã trở thành mảnh đất màu mỡ bị khai thác quá lâu, để đến khi, chỉ một sự cựa mình của thời thế cũng khiến hãng phim kiệt quệ.

“Trong khi quá khứ ru ngủ hãng, khán giả đã thay đổi, thị hiếu đã thay đổi và cuộc sống đã thay đổi. Nói như đạo diễn Charlie Nguyễn: ‘Tôi làm phim, điều đầu tiên tôi phải có trách nhiệm với đồng tiền nhà sản xuất đã bỏ ra’.

‘Nếu bây giờ tôi mang một kịch bản đến trước nhà sản xuất và nói, đây là tâm huyết của tôi, đây là một bộ phim giàu tính nghệ thuật của tôi thì sẽ chẳng ai quan tâm. Điều mà tôi phải đảm bảo với họ chỉ là, phim sẽ bán được vé’”.

Hào Hoa - Quang Đức

Trước hết, xin nói với Huy Đức, mấy chữ “cố tình ‘đọc’ sai” anh dùng trong bài viết ngắn ở trên có phần còn hơi gượng dẹ, nể nang đấy. Ai biến các tài sản công, nhất là nhà cửa đất đai, thuộc diện Nhà nước quản lý ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM… thành sở hữu tư nhân của bọn tư bản giàu sụ, còn nhân dân thì mất trắng, thì chúng ta còn lạ gì nữa. Chính là bọn “Mối chúa” - bố già - nằm một chỗ mà ăn thủng nồi trôi rế, loài vật bệnh hoạn, nguy hiểm cho đất nước, nhưng hễ đụng đến chúng thì coi chừng, mất hết công lao, sự nghiệp, cho đến tính mạng cũng tiêu như chơi. Vì chúng là lũ siêu quyền. Quyền lực tuyệt đối này dân không ai trao nhưng chúng đã cướp trắng và bắt 90 triệu con người phải ký cược bằng Hiến định thì mới được sống với phận người như họ vốn có. Vì thế, đương nhiên là chúng sẽ còn tiếp tục “ăn không chừa thứ gì”. Một dịp xóa sổ cái Hãng phim truyện mà đội ngũ nghệ sĩ vốn là những con người ưu tú đã bỏ cả cuộc đời dấn thân cho sự nghiệp của… bọn Mối ấy, nay việc vắt sức họ đã xong, chúng không cần đến họ nữa, thải họ đi để cướp lấy một cơ ngơi hái ra tiền, có miếng ăn béo bở, tội gì mà không làm. Chẳng tin anh Huy Đức cứ chờ đấy mà chứng kiến cái ngày chúng sẽ còn bán sạch sẽ tất cả những gì tổ tiên để lại – với một bản khế ước bất thành văn rất thiêng liêng lưu truyền cho con cháu để cùng nhau đem tính mạng giữ gìn. Chúng bán để ăn và để “hóa kiếp” cho lũ con cháu chúng thành… đại gia mang quốc tịch nước ngoài – dám thế lắm.

Sau nữa, xin trao đổi tiếp với hai bạn Hào Hoa và Quang Đức. Ừ thì ngủ quên trong quá khứ vàng son là vô cùng dại dột, có một nghệ sĩ nào mà không biết điều ấy. Nhưng giờ đây muốn sản xuất những phim truyện lôi kéo được người xem vào rạp thì làm thế nào? Hai bạn có nghe một tin nóng bỏng về việc vừa có lệnh đình chỉ và thu hồi cuốn tiểu thuyết “Mối chúa” của nhà văn Tạ Duy Anh không nhỉ? Ấy, nỗi khổ tâm chính là ở đấy đấy. Mọi sự sáng tạo nghệ thuật tại xứ sở chúng ta trước nay đều phải tuân thủ một nguyên tắc giống như chuyện cá vượt Vũ Môn: phải chui sao cho lọt qua “những chiếc cổng tò vò” do tổ chức đảng chỉ định thì mới mong tác phẩm được ra mắt, xưa đã vậy mà nay vẫn vậy. Mà chui lọt được qua nơi ấy thì ôi thôi, các thứ lông cánh với, sắc màu hấp dẫn đều đã bị vặt trụi hết rồi. Cái luật lệ vô hình đeo nặng trong bao nhiêu năm làm cho người nghệ sĩ lâu ngày đã thành một phản xạ có điều kiện, thôi thì tự gọt hết râu ria đầu tóc, bôi xóa cả quần áo bảnh bao đúng mốt của mình trước khi chui vào “cổng tò vò” cho đỡ rắc rối. Thế thì được vạ đấy nhưng má đã sưng, sản phẩm mình làm ra nhìn lại gần như chẳng còn gì là cái riêng, cái sản phẩm độc đáo gửi gắm theo cá tính sáng tạo của mình nữa. Nhưng ngày trước thì dù thế nào dân chúng vẫn cố chịu khó mà xem, bởi không xem cũng chẳng có gì khác để xem, hơn nữa đúng như hai bạn nói, thị hiếu thuở ấy có khác, nó là “phong trào”, ai cũng bị lôi vào đó. Chứ còn nay, nếu một tác phẩm đã được chăm sóc tận tình để “lột xác”, trở nên giàu tính đảng tính giai cấp hơn, tính tư tưởng hoàn thiện hơn… thì chỉ mới quảng cáo cái tên thôi e rằng rạp đã vắng tanh vắng ngắt. Không vào rạp, người dân sẵn sàng mở mạng internet, thiếu gì thức ngon vật là cho con mắt của họ, còn hơn là phải thưởng thức những gì khô như ngói, chẳng thấy con người thực và cuộc đời thực gửi vào trong ấy ở đâu. Thế thì thử hỏi, người làm nghệ thuật điện ảnh còn làm thế nào cho phim của mình sản xuất ra, ra được với công chúng chứ không phải nhập ngay vào cái kho chứa cũ kỹ ở số 4 Thuy Khuê cho được? Hết phép rồi.

Bauxite Việt Nam

“Lỗ suốt 20 năm, nợ tiền thuê đất 21 tỷ đồng, Hãng phim truyện Việt Nam với quá khứ hiển vinh đã trở thành tay trắng.

Trụ sở rộng 5.500 m2 nằm bên Hồ Tây của Hãng phim truyện Việt Nam hiện hữu trong tình trạng ẩm mốc, xập xệ. Những dãy nhà cũ kỹ, chỉ còn một vài phòng có thể sử dụng. Những thước phim và đạo cụ nằm lăn lóc trên nền nhà tróc lở.

Chiếc xe của đoàn làm phim nằm im trong thời gian dài, chưa rõ còn sử dụng được không. Hàng quán mọc lên trong ngoài khuôn viên hãng. Phòng truyền thống hay còn gọi là Nhà phủy phi cơ nằm sát Hồ Tây hiện cũng bị bỏ hoang tầng một và đóng kín ở tầng 2. Căn nhà bị xuống cấp nghiêm trọng và từng bị một số đối tượng đập phá vào năm 2016.

clip_image002

Hãng phim truyện Việt Nam đang xuống cấp trầm trọng

Hãng phim truyện Việt Nam đã tồn tại như vậy nhiều năm trước khi bị cổ phần hóa và thuộc về tay đại gia Nguyễn Thủy Nguyên. “Làng Vũ Đại ngày ấy” có thể xem như cách nói hình ảnh về một xã hội thu nhỏ, mà ở đó sự túng thiếu, bế tắc đã biến hành trình tồn tại trở nên “sống mòn”.

Sống mòn

Năm 2011, người viết có cuộc trò chuyện với đạo diễn - NSƯT Phạm Nhuệ Giang, khi đó đang tập trung cho dự án phim Tâm hồn mẹ. Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang chia sẻ về quá trình đằng đẵng 20 năm theo đuổi dự án, từ những ngày thai nghén kịch bản, trình duyệt kịch bản lên Cục Điện ảnh, đợi rót vốn sản xuất… với muôn vàn vất vả.

Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng nhà nước cũng cấp 70% vốn cho dự án Tâm hồn mẹ, khoảng gần 1 tỷ đồng. Với số tiền này, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang cho biết chỉ chi phí đi lại tìm bối cảnh, casting diễn viên đã hết phân nửa.

Để tiếp tục thực hiện được dự án phim của mình, nữ đạo diễn đã phải gửi kịch bản đến nhiều tổ chức quốc tế, chạy vạy nhiều nơi để “giật gấu vá vai”, kiếm tiền làm phim.

Khi dự án phim hoàn tất, Tâm hồn mẹ lại rơi vào một bi kịch khác, đó là không có đơn vị nào chịu đứng ra phát hành giúp. Ở thị trường phim Việt Nam, phát hành một bộ phim nghệ thuật (không thuộc dòng giải trí), kinh phí quá thấp, chất lượng chưa rõ ràng là một điều quá ư mạo hiểm.

Cũng giống như Tâm hồn mẹ, có rất nhiều dự án phim được rót 70% vốn của Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất trong điêu đứng.

clip_image003

Một cảnh trong phim Tâm hồn mẹ của đạo diễn - NSƯT Phạm Nhuệ Giang.

Dự án Mùi cỏ cháy (đạo diễn Hữu Mười) ban đầu có ý định mời Lưu Trọng Ninh làm đạo diễn. Nhưng với số tiền quá eo hẹp, dự án phim đã bị từ chối. Trung úy của đạo diễn Hà Sơn quay cuồng trong suốt nhiều năm ròng không thể hoàn tất vì cứ đang quay lại… hết tiền.

Hãng phim truyện Việt Nam đã tồn tại trong nhiều thập niên mà không có nguồn thu. Trải qua các đời Giám đốc từ thời ông Nguyễn Nam, ông Lê Đức Tiến, đến đạo diễn Vương Đức, hãng “vật vã” trong số tiền được rót ngày một ít đi, và xoay vần kiếm thêm từ các dự án phim truyền hình.

Trả lời Zing.vn, đạo diễn Vương Đức – Giám đốc cuối cùng của Hãng phim truyện Việt Nam – từng cho biết: “Khi tôi lên giữ chức Giám đốc hãng năm 2009, hãng đã gặp muôn vàn khó khăn. Cơ sở vật chất tồi tàn. Những thiết bị chúng tôi được nhà nước cấp vốn cho thay thế lần gần nhất cách đây đã 10 năm. Ở hãng gần như không có tài sản gì đáng kể”.

Mang theo mình một quá khứ hiển vinh với 400 bộ phim điện ảnh, với niềm kiêu hãnh vô tận về những giá trị kinh điển, nhưng như một “đứa trẻ bị bỏ rơi”, rời khỏi “bầu sữa” tiền nhà nước, Hãng phim truyện Việt Nam đã hoàn toàn tê liệt trước cơn lốc kinh tế thị trường.

Các nghệ sĩ lý luận rằng “chúng tôi làm phim nhà nước đặt hàng, không phải để kiếm lãi”, rằng “những phim bán vé ngoài kia là nhố nhăng, phim của chúng tôi mới là nghệ thuật”…

Nhưng điều đó chỉ càng chứng minh rằng họ đã bị thời đại của những bài toán kinh tế hóc búa bỏ rơi lại phía sau hoàn toàn.

clip_image005

Vĩ tuyến 17 ngày và đêm – một bộ phim kinh điển của đạo diễn – NSND Hải Ninh do Hãng phim truyện VN sản xuất.

“Khi định giá, giá trị doanh nghiệp của hãng là 20 tỷ đồng. Giá trị thương hiệu bằng 0. Cũng cần phải nói cho rõ, giá trị thương hiệu ở đây không tính bằng phim, mà tính theo luật doanh nghiệp, chỉ những doanh nghiệp có lãi mới được tính giá trị thương hiệu. Hãng phim truyện Việt Nam chưa bao giờ có lãi. Chúng tôi thua lỗ triền miên”, ông Vương Đức nói.

Sự trì trệ đã đẩy hãng phim đến bờ vực tuyệt vọng. Lỗ triền miên suốt 20 năm, nợ tiền thuê đất 21 tỷ đồng, chính những số nợ ấy đã đẩy hãng phim bước vào bi kịch cổ phần hóa.

Ngày 29/6/2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định số 2238/QĐ-BVHTTDL phê duyệt phương án chuyển đổi Hãng phim truyện Việt Nam thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phim truyện Việt Nam.

Năm 2016, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phim truyện Việt Nam tiến hành cổ phẩn hóa, chuyển giao sở hữu cho Tổng công ty vận tải thủy.

Công cuộc cổ phần khiến đông đảo nghệ sĩ của hãng bật khóc. Nhưng theo nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, “các nghệ sĩ khóc nhiều quá. Chỉ khóc mà không đưa ra được phương án giải quyết nào”.

Thực tế, lẽ ra các nghệ sĩ đã phải khóc sớm hơn, khóc từ những ngày hãng thua lỗ triền miên và rơi vào tiêu điều, đổ nát.

clip_image007

Bộ phim Bao giờ cho đến tháng 10 – một trong những bộ phim xuất sắc nhất của điện ảnh Việt Nam. Phim do đạo diễn - NSND Đặng Nhật Minh thực hiện, Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất.

Vàng son một thuở

Thành lập năm 1953, với hơn 60 năm tồn tại, nhắc đến Hãng phim truyện Việt Nam khán giả vẫn nhớ tới hàng loạt tác phẩm kinh điển: Con chim Vành Khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Đến hẹn lại lên, Làng Vũ Đại ngày ấy, Bao giờ cho đến tháng 10, Thương nhớ đồng quê

Rất nhiều năm về sau, những bộ phim ấy vẫn giữ nguyên giá trị. Quá khứ đã để lại cái bóng quá lớn, để những thế hệ sau này không thể vượt qua. Dĩ vãng vàng son đã trở thành mảnh đất màu mỡ bị khai thác quá lâu, để đến khi, chỉ một sự cựa mình của thời thế cũng khiến hãng phim kiệt quệ.

Trong khi quá khứ ru ngủ hãng, khán giả đã thay đổi, thị hiếu đã thay đổi và cuộc sống đã thay đổi. Nói như đạo diễn Charlie Nguyễn: “Tôi làm phim, điều đầu tiên tôi phải có trách nhiệm với đồng tiền nhà sản xuất đã bỏ ra".

"Nếu bây giờ tôi mang một kịch bản đến trước nhà sản xuất và nói, đây là tâm huyết của tôi, đây là một bộ phim giàu tính nghệ thuật của tôi thì sẽ chẳng ai quan tâm. Điều mà tôi phải đảm bảo với họ chỉ là, phim sẽ bán được vé”, ông nhấn mạnh.

Khi bị chất vấn về những bộ phim làm ra để xếp kho, ông Vương Đức từng nói:  “Chúng tôi ý thức được việc mình làm phim bằng tiền thuế của dân, nên mọi chi phí trong đoàn phim phải tính rất kỹ”.

Thế nhưng, không ít trong số những bộ phim được sản xuất bằng tiền thuế ấy, mỗi khi ra mắt vẫn bị chê về sự khô cứng, về sự thiếu sáng tạo, và cả lối tư duy làm phim đã cũ.

clip_image009

Đời cát - bộ phim được đánh giá xuất sắc nhất của đạo diễn - NSND Thanh Vân.

Trao đổi với Zing.vn, Tiến sĩ Kinh tế Bùi Quang Tín (Đại học Ngân hàng TP.HCM) nói: "Cổ phần hóa những đơn vị như Hãng phim truyện Việt Nam là tất yếu, đó là tín hiệu của kinh tế thị trường. Trong thị trường, chỉ có sự sòng phẳng của việc mua bán. Kinh tế không thể tồn tại bằng những giá trị hoài niệm quá khứ".

Theo Tiến sỹ Bùi Quang Tín, trong quá trình cổ phần hóa, bức xúc là khó tránh. Nhưng ở góc độ chuyên môn, doanh nghiệp có Luật Doanh nghiệp, Luật Lao động. Tất cả các bên đều phải làm đúng pháp luật. Và điều quan trọng nhất, cả hai bên phải có sự bình tĩnh, tôn trọng, thấu hiểu.

Những giá trị kinh điển là vô giá, sẽ không gì có thể bôi xóa, không ai có thể phủ nhận. Quá khứ hiển vinh sẽ mãi hiển vinh. Nhưng, vẫn phải nhớ rằng đó là sự hiển vinh của quá khứ.

Video: Quá trình thâu tóm Hãng phim truyện VN của đại gia Nguyễn Thủy Nguyên Chỉ phải chi số tiền khoảng 33 tỷ đồng, doanh nghiệp Vivaso của đại gia Nguyễn Thủy Nguyên đã nắm quyền chi phối hoạt động của VFS cùng với quản lý 4 khu đất vàng của công ty.

Video: NSND Trà Giang khóc khi nói về vụ cổ phần hóa hãng phim truyện Lần lượt NSND Trà Giang, NSND Đoàn Dũng, NSND Thế Anh và NSƯT Minh Đức chia sẻ quan điểm phản đối về những khuất tất trong vụ cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, số 4 Thụy Khuê.

H.H. - Q.Đ.

Nguồn: http://news.zing.vn/ai-da-bien-hang-phim-truyen-viet-nam-thanh-lang-vu-dai-ngay-ay-post781754.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn