Vấn nạn xử lý chất thải nhà máy nhiệt điện than

Tô Văn Trường

Việc phát triển nhiệt điện than là nhu cầu tất yếu trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay nhưng vấn đề đảm bảo môi trường, trong đó có xử lý tro xỉ, lại đang là vấn nạn, thách thức các nhà quản lý ở trung ương và địa phương. Vừa qua, Trung Quốc quyết định ngưng hàng loạt nhà máy nhiệt điện than (kể cả đóng cửa nhiều nhà máy ở ở Bắc Kinh). Trong khi đó, ở Việt Nam các dự án nhà máy nhiệt điện than nở rộ, đa phần do Trung Quốc đầu tư và hỗ trợ thiết bị, khiến dư luận nghi ngại rằng Việt Nam sẽ trở thành “bãi rác” công nghệ lạc hậu của Trung Quốc dưới vỏ bọc đầu tư.

Cuối tháng vừa qua (29.8.2017), tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội tổ chức hội thảo “Phát triển nhiệt điện than và các giải pháp bảo vệ môi trường”. Nhìn chung, hiện nay giá điện phát ra bởi nhiệt điện than là rẻ nhất, đáp ứng công suất nhanh nhất, trong khi nguồn thủy điện đã cạn kiệt. Các loại năng lượng khác ngoài than như khí thì đắt quá và chúng ta cũng đã hết nguồn.

Tuy nhiên, bất cập của các nhà máy nhiệt điện là gây ra ô nhiễm môi trường kể cả vấn nạn xử lý chất thải. Đã có nhà máy nhiệt điện đưa ra khả năng phải đóng cửa vì lượng tro xỉ quá lớn, không có chỗ chứa và đề nghị tính tiền xử lý tro xỉ, xử lý môi trường vào giá điện. Điều này, nếu được chấp thuận sẽ tăng áp lực lên giá điện, tác động lớn đến cuộc sống của người dân...

Cởi trói cho tro xỉ kiểu gì?

Thông tin trên báo Tuổi Trẻ về hội thảo nói trên kết luận rõ ràng: (1) Không thể xóa bỏ nhiệt điện trong thời gian tới; (2) Cần phải loại bỏ công nghệ cũ gây ô nhiễm môi trường; (3) Tro xỉ phải được xử lý, tái chế thành vật liệu xây dựng, bãi đổ thải tro xỉ chỉ được thiết kế với diện tích đủ lưu giữ không quá 2 năm.

Cả 3 nội dung này đều phù hợp với quy định vế quản lý chất thải hiện hành, đặc biệt đổi với tro xỉ nhà máy nhiệt điện thì có 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là Quyết định 1696/2014/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và Quyết định 452/2017/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hoá chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng.

clip_image001

Tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than (Ảnh trên mạng)

Tuy nhiên, có bài báo trên VOV lại đứng về phía doanh nghiệp nhiệt điện, đòi "cởi trói cho tro xỉ". Người đọc không rõ muốn cởi trói kiểu gì vì tro đáy thì được coi là chất thải công nghiệp thông thường rồi (và như vậy thì phải được sử dụng làm vật liệu xây dựng như quy định trong 2 Quyết định nêu trên). Vấn đề còn lại là tro bay, loại tro này có tiểm năng chứa nhiều kim loại nặng nguy hại (Hg, nguyên tố hiếm/phóng xạ...), vì vậy phải quản lý như quy định của Thông tư 36/2015/TT-BTNMT là thuộc loại chất thải "1 sao", tức là phải phân tích thành phần và so sánh với QCVN 07:2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại, nếu không vượt ngưỡng thì mới được coi là chất thải thông thường (quản lý và tái sử dụng như tro đáy). Các quy định như vậy là chặt chẽ và đúng thông lệ quốc tế.

Trong 2 Quyết định của Thủ tướng nêu ở trên cũng quy định rõ ràng về lộ trình áp dụng đối với nhà máy đang hoạt động, vì vậy không có cơ sở để các nhà máy than phiền "các quy định của pháp luật liên tục thay đổi làm họ không thích nghi kịp và yêu cầu được áp dụng các quy định cũ hơn".

Những “nhà” phát triển điện than muốn “cởi trói” bằng cách sửa Nghị định 38 về quản lý chất thải và phế liệu để cho tro xỉ cũng như hàng loạt các quy định khác. Điều này, có vẻ như họ đang muốn “gọt chân” cho vừa giầy vì khi phát triển dự án nhiệt điện các nhà đầu tư mới chỉ hoàn thành 1 mục tiêu là sản xuất ra điện, đến khi chất thải trong quá trình sản xuất quá lớn, vướng luật, họ lại muốn kiến nghị điều chỉnh luật, nghị định. Lẽ ra, về nguyên tắc chủ đầu tư phải có phương án xử lý chất thải trước khi đi vào hoạt động (trong quá trình lập dự án) không thể cứ đi vào hoạt động rồi lại đem chuyện thiệt hại kinh tế như vậy ra mặc cả với Nhà nước và "được đằng chân lấn đằng đầu"! Chả lẽ, lại muốn tro xỉ (cả tro đáy và tro bay) đều có thể coi như bùn nạo vét, để rồi lại “dumping” đánh chìm ngoài biển?

Luật pháp quốc tế cũng như của Việt Nam, tro xỉ khi sử dụng làm vật liệu san lấp cho các công trình xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu về môi trường liên quan đến chất lượng không khí, nước ngầm, nước mặt, nước biển, trong tất cả các quá trình từ công tác vận chuyển, tồn chứa, xử lý vật liệu xây dựng và trong quá trình sử dụng.

Nhân đây, cũng xin nhắc lại các thuật ngữ khoa học:

- Tro bay (flash ash) là tro than thoát ra từ buồng đốt, cuốn theo dòng khí thải và được thu lại tại các thiết bị kiểm soát ô nhiễm không khí như lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi kiểu túi và thiết bị lọc ướt.

- Tro đáy (bottom ash) là các hạt tro kết khối được hình thành trong lò hơi đốt than phun, do kích thước quá lớn nên không thể cuốn theo dòng khí thải, sẽ rơi xuống lọt qua các ghi lò tới hộp thu tro ở đáy lò hơi.

- Tro xỉ (coal combustion product) là hỗn hợp từ tro bay và tro đáy sau quá trình cháy của nhà máy nhiệt điện than.

Công nghệ nhiệt điện đốt than

Có 2 công nghệ lò hơi sử dụng ở VN bao gồm:

- Lò hơi đốt phun đốt than nghiền. Đây là loại lò có khả năng chế tạo công suất lớn lên đến hàng nghìn MW sử dụng than bột nghiền mịn tới cỡ hạt khoảng nhỏ hơn 90 micromet phun vào lò qua các vòi phun để đốt. Loại lò hơi này cần dùng than chất lượng cao và ổn định với dải dao động về chất lượng than hẹp. Loại lò này tro bay thải ra chiếm 90% có thể dùng làm phụ gia xi măng, gạch không nung với điều kiện hàm lượng carbon trong tro nhỏ hơn 6%. Tuy nhiên, các nhà máy nhiệt điện ở VN đang vượt mức quy chuẩn này, nên khó sử dụng. Việc chuyên chở cũng là vấn đề vì tro bay rất nhẹ, làm sao chở được đến nhà máy xi măng ở xa! Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có ít nhà máy xi măng nên việc xử lý tro bay cũng là vấn đề cần tính đến.

- Lò hơi đốt kiểu tầng sôi thì cỡ hạt than to hơn (khoảng 1 milimet) nên ít tốn điện cho việc nghiền, có thể đốt được than chất lượng xấu, nhiều lưu huỳnh, nhiều tro và dải chất lượng than có thể biến động trong khoảng rộng. Loại này phù hợp với Việt Nam do chất lượng than thấp, khó cháy, lâu cháy kiệt, chất lượng than không ổn định. Tuy nhiên, nhược điểm của loại lò hơi này là công suất không cao. Công suất cao nhất hiện tại là 300 MW. Có duy nhất 1 lò ở Ba Lan có công suất đạt được là 450 MW. Nhược điểm của lò này là tro xỉ bị lẫn thạch cao, đốt ở nhiệt độ thấp nên không dùng được làm phụ gia xi măng.

Bài học đắt giá

Chất thải rắn (tro xỉ, tro bay) của nhiệt điện than lâu nay đã trở thành vấn đề cấp thiết cần giải quyết. Cụ thể có thông tin từ doanh nghiệp nhà máy nhiệt điện Mông Dương 1 có nguy cơ phải đóng cửa sẽ làm lãng phí gần 37.000 tỷ VNĐ đầu tư của nhà nước. Mặt khác, nhà máy điện Mông Dương 1, đầu tư 11 hạng mục dùng chung giữa Mông Dương 1 và Mông Dương 2 và chịu trách nhiệm quản lý vận hành các hạng mục này. Nếu Mông Dương 1 phải đóng cửa dẫn đến Mông Dương 2 cũng phải đóng cửa theo và như vậy mỗi một ngày Mông Dương 2 đóng cửa, Chính phủ phải trả tiền cho nhà đầu tư BOT là AES-Mỹ khoảng 600.000 USD/ ngày.

Khi làm dự án thì dự án nào cũng đưa ra việc sử dụng tro xỉ để làm xi măng, vật liệu xây không nung… nhưng rồi thực tế đâu có giống lý thuyết. Vấn đề là rút cục nhà nước phải chịu, hay nói cách khác “trăm dâu lại đổ lên đầu tằm”, người dân phải gánh chịu!

Việc chỉ cho phép bãi thải xỉ chứa được lượng tro xỉ 2 năm thì tất cả các nhà máy nhiệt điện đều biết là không thể được nhưng tất cả các nhà máy đều biết nhà nước kiểu gì cũng phải tháo gỡ nên nhà máy nào cũng có tâm lý ỷ lại nhà nước giải quyết sau.

Về vấn đề tro xỉ thải, trước đây khi số lượng nhà máy ít thì vấn đề không nặng nề lắm. Nhưng hiện nay thì số lượng các nhà máy đầu tư mới tăng lên với tốc độ quá cao. Sau này, còn vào khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhiều nhà máy nữa nên rất cần phải có kế hoạch, có lộ trình, có báo cáo và phương án đầu tư cho phù hợp. Các nhà máy cũ có nhiều bất cập thì phải rút ra các bài học đắt giá, không thể đi vào “vết xe đổ cũ” trong quá trình đầu tư xây dựng.

Giải pháp

Cách thức sử dụng tro xỉ nhiệt điện tập trung ở một số nhóm giải pháp như: làm phụ gia xi măng, phụ gia bê tông đầm lăn, vật liệu xây không nung, san nền, nâng cốt trong xây dựng…

Chi phí vận chuyển khó khăn đối với từng vùng. Đặc biệt khó ở khu vực miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long vì không có nhà máy xi măng ở gần. Hàm lượng carbon trong tro cao, đang bị coi là chất thải nguy hại nên cơ chế để vận chuyển không được tháo gỡ.

Bộ Xây dựng chưa đưa ra được các tiêu chuẩn cho việc sử dụng tro xỉ để làm phụ gia, qua đó có thể chuyển sang coi nó là một dạng tài nguyên.

Nhà máy Mông Dương sử dụng loại lò hơi đốt kiểu tầng sôi tro xỉ bị lẫn thạch cao, đốt ở nhiệt độ thấp nên không dùng được làm phụ gia xi măng nên họ gặp vấn đề không có cách xử lý tro xỉ hợp lý và họ phải kêu là điều dễ hiểu. Hy vọng khoa học kỹ thuật phát triển hơn thì người ta sử dụng được trong tương lai.

Để tránh giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiệt điện than phải tăng giá điện một cách hợp lý để việc sử dụng điện tiết kiệm hợp lý hơn. Chiều hướng phát triển công nghiệp sẽ chú trọng tiết kiệm năng lượng hơn, nhất là các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng như xi măng, thép, boxit…

Cần có chính sách hỗ trợ giá cho năng lượng tái tạo (điện gió, pin mặt trời) để phát triển bền vững. Hiện nay, có ý kiến đề xuất tăng giá mua điện gió so với mức giá hiện hành, ở mức 7,8 UScent/kWh (khoảng 1.770 đồng/kWh). Hiện có một số dự án đã đi vào hoạt động và đang được mua theo mức giá 7,8 UScent/kWh là dự án điện gió Phú Lạc và dự án phong điện 1 Bình Thuận, đều tại Huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Riêng Nhà máy điện gió Bạc Liêu, được đầu tư trên biển, mức giá mua điện hiện nay tương đương 9,8 UScent/kWh. Bộ Công Thương cho hay tổng công suất điện gió năm 2017 là 206 MW. Con số này sẽ tăng lên 456 MW vào năm 2018 và lên 800 MW vào năm 2020.

Cố gắng tối ưu hóa các nhà máy điện hiện có, đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường của các nhà máy nhiệt điện này.

Có một hiện tượng cũng đáng buồn là các nhà máy nhiệt điện có nhu cầu khá cao về kỹ sư có trình độ, và tuyển dụng nhiều. Tuy nhiên, có vị giảng viên ngành điện được các sinh viên ra trường kể lại với thầy, dù được đào tạo bài bản nhưng muốn được xin vào làm việc tại nhà máy thì quá trình tuyển dụng, hầu hết phải qua khâu “chạy chọt”!

Lời kết

Thái Bình quê tôi đất chật người đông, sắp đến có 2 nhà máy nhiệt điện hoạt động ở huyện Thái Thụy nhưng quỹ đất để chứa chất tro xỉ rất hạn chế, nhiều người đang lo lắng chưa biết loay hoay ra sao?

Để thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ 1696/2014/QĐ-TTg và Quyết định 452/2017/QĐ-TTg nói ở phần trên, Bộ Xây dựng cần khẩn trương nghiên cứu đề xuất ban hành tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp và chỉ dẫn kỹ thuật tro xỉ nhiệt điện cho kết cấu san lấp nhằm đẩy mạnh xử lý tiêu thụ tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện, đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế quốc dân.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn