APEC 2017 định hình tương lai Châu Á thế nào?

LS Nguyn Văn Thân

Việt Nam mới tổ chức Hội nghị APEC khá suôn sẻ và thành công tại Đà Nẵng từ ngày 6 đến 13 tháng 11 vừa qua. Lãnh tụ của các siêu cường quốc gồm có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều có mặt tham dự. Mặc dù Tuyên Bố Đà Nẵng sau Hội nghị không có gì gọi là đột phá nhưng cũng không có tranh chấp hoặc tranh cãi gắt gao nào trong tiến trình Hội nghị. Nhìn chung, Hà Nội có thể hài lòng với kết quả của việc tổ chức APEC năm nay.

Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai tổ chức APEC. Lần đầu là vào năm 2006, một năm trước khi Việt Nam gia nhập WTO. Diễn đàn APEC chính thức được thành lập tại Canberra vào tháng 11 năm 1989 qua một phiên họp cấp bộ trưởng đại diện cho 12 quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương. Thành viên APEC hôm nay lên tới 21 nền kinh tế (gồm có Đài Loan và Hồng Kông). APEC hiện chiếm 40% dân số và 60% GDP toàn cầu.

Cả Tập Cận Bình và Shinzo Abe đều mới tái đắc cử với quyền lực tăng cao. Ông Tập cũng chính thức thăm Việt Nam tại Hà Nội sau Hội nghị APEC tại Đà Nẵng. Khác với các vị Tổng thống tiền nhiệm như Bill Clinton, George Bush và Barack Obama đều đến thăm Việt Nam ở gần cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Trump đến Việt Nam trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ và như ông Tập cũng sẽ tiến hành chuyến công du chính thức và sẽ hội đàm với lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội.

Chủ đề APEC 2017 là "To động lc mi, cùng vun đắp tương lai chung" tập trung vào 4 lãnh vực chính là phát triển bền vững, hội nhập kinh tế trong khu vực, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nhiệp nhỏ và vừa trong kỷ niên số và tăng cường an ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các đề tài này phần nào phản ánh đúng tình trạng của Việt Nam hiện nay. Về mặt đối nội, Việt Nam đang đối diện với các nguồn tài nguyên cạn kiệt cùng với vấn nạn biến đổi khí hậu đe dọa tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ở mức 6% - 7% trong thập niên qua. Do đó, Hà Nội phải tìm thị trường xuất cảng và đầu tư để duy trì mức phát triển kinh tế. Nhưng Việt Nam phải đối mặt với thách thức trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và xuất hiện của Tổng thống Trump với khẩu hiệu "nước Mỹ trên hết" có xu hướng rút hẳn vai trò lãnh đạo của Mỹ khỏi các hiệp ước hoặc thỏa thuận thương mại tự do, trong lúc Trung Quốc ngày càng hung hãn về cả hai mặt kinh tế và chiến lược qua sáng kiến Đới Lộ và các công trình quân sự tại Biển Đông.

Diễn văn của Tổng thống Trump tại Đà Nẵng xác nhận chính sách thu hẹp vai trò của Hoa Kỳ trên trường quốc tế nói chung và tại Châu Á Thái Bình Dương nói riêng. Trump nói rõ là Hoa Kỳ đã bị quá nhiều thiệt thòi bởi hệ thống thương mại toàn cầu và các quy định quốc tế hiện nay thể hiện qua cán cân mậu dịch quá chênh lệch đối với một vài quốc gia như Trung Quốc, Mexico, Nhật và Đức. Vào năm 2016, Mỹ nhập hàng hóa trị giá khoảng 2.700 tỷ Mỹ kim và xuất 2.200 tỷ. Tức tỷ lệ nhập siêu lên khoảng 500 tỷ. Trong số này, Trung Quốc chiếm gần 350 tỷ tức 70% tỷ lệ nhập siêu. 150 tỷ kia là từ Mexico, Nhật và Đức.

Sản phẩm từ Trung Quốc chủ yếu là hàng điện tử tiêu dùng và quần áo. Nhưng một phần đáng kể là do các công ty của Mỹ đưa vật liệu qua Trung Quốc để lắp ráp rồi nhập ngược về Mỹ với lý do dễ hiểu là giá lao động thấp. Phần khác là do các công ty quốc doanh của Trung Quốc được nhà nước yểm trợ với vốn vay có lãi suất thấp. Nhưng không thể nói vấn nạn nhập siêu với Trung Quốc là do hệ thống thương mại quốc tế. Đáng lẽ ra, Trung Quốc không phải là một nền kinh tế thị trường và Mỹ phải xem xét hệ thống cạnh tranh không công bằng bởi các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc mà có các biện pháp trừng phạt hoặc đối trọng thỏa đáng. Doanh nghiệp Mỹ không có cơ hội thâm nhập thị trường Trung Quốc không chỉ vì thuế quan mà vì nhiều rào cản phi thuế quan gồm có chính sách và luật lệ nhằm tạo khó khăn cho các công ty nước ngoài của Trung Quốc.

Thật ra, TPP là một công cụ đối trọng hiệu quả. Nếu Trump thực thi TPP, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc không có tính minh bạch sẽ bị loại ra khỏi vòng chơi. Vì Trung Quốc không phải là thành viên TPP, hàng nhập từ Trung Quốc sẽ bị đóng thuế cao so với hàng từ các quốc gia thành viên TPP. TPP là một hình thức điều chỉnh cán cân mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc một cách hợp lý và hợp pháp.

Đáng tiếc là Tổng thống Trump chuẩn bệnh đúng nhưng lại không biết sử dụng thuốc. Thay vì sử dụng để đối trọng với Trung Quốc thì Trump lại rút Mỹ ra khỏi TPP. Đặc điểm chính sách giao thương mới của Mỹ là "song phương". Mỹ dưới thời Trump sẽ không tham gia vào bất cứ cơ chế thương mại đa phương hoặc toàn khu vực nào mà sẽ thương lượng với từng quốc gia một.

Trong khi đó, diễn văn của Tập Cận Bình nhấn mạnh là trong vài thập niên qua, giao thương toàn cầu đã góp phần mang đến sự phát triển kinh tế và thịnh vượng cho tất mọi người. Đây là một xu hướng lịch sử không thể đảo ngược và Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa và hợp tác với mọi quốc gia và sáng kiến Đới Lộ thể hiện qua các chính sách tự do thương mại và đầu tư có tiêu chuẩn cao.

Có thể nói, Trump là món quà lớn nhất cho Tập thực hiện Giấc mơ Trung Hoa. Các Tổng thống tiền nhiệm gồm có Bush và Obama "đẻ ra" TPP nhưng lại bị Trump giết chết. Trong khi đó, Tập sẽ thúc đẩy tiến RCEP (không có Mỹ) song song với sáng kiến Đới, Lộ. Vì Trump quyết định bỏ trống sân chơi nên các nước trong khu vục không có sự lựa chọn nào khác hơn là ngã vào quỹ đạo của Trung Quốc, ít nhất là về mặt kinh tế.

Nhận thức được điều này nên Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tìm đủ mọi cách vực dậy TPP 11. Trước APEC một tuần, đại diện TPP 11 đã nhóm họp tại Tokyo. Sau 3 ngày đàm phán vất vả, họ đã đạt đồng thuận là tạm đình chỉ 20 điều khoản đa số là các điều khoản do Mỹ đặt ra liên quan tới thời hạn bản quyền và bằng sáng chế dược phẩm. Mục đích là để ngỏ cửa chờ Mỹ quay lại hậu thời kỳ Trump. Tất cả mọi chuyện đã chuẩn bị sẵn sàng để 11 lãnh tụ công bố TPP 11 chính thức ra đời. Nhưng vào giờ chót Canada ''lạnh chân'' khi Thủ tướng Trudeau tránh không tới họp. Các bộ trưởng vớt vát rồi công bố là đã đạt đồng thuận đổi tên TPP thành CPTPP (Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương). CPTPP có tới đích hay không vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Việc Hà Nội chủ động đăng cai và tổ chức APEC 2017 là một điểm tích cực. Guồng máy và nhân viên nhà nước buộc phải học hỏi và thi hành các chuẩn mực quốc tế trong việc tổ chức APEC. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thí triển khả năng ngoại giao của một quốc gia tầm trung đang phát triển. Điều quan trọng là mọi người gồm có các nhà đấu tranh dân chủ và nhân quyền duy trì quan điểm khách quan và trung thực. Cái nào Hà Nội làm được thì nói được. Cái nào thấy không được thì nói không được. Chẳng hạn như khung cảnh phồn vinh giả tạo tại Đà Nẵng. Trước ngày khai mạc, bão Damrey giết hơn 100 người và làm hàng chục người khác bị mất tích. Thế mà cả dàn lãnh đạo Đảng lại lo bận bịu tưởng niệm Cách Mạng Tháng 10 và dâng hoa trước tượng Lenin. Chủ nghĩa cộng sản đã giết gần 100 triệu mạng người gồm có khoảng 60 triệu tại Nga và hơn 30 triệu tại Trung Quốc trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Tại Việt Nam thì cũng có ít nhất hơn 172.000 sanh linh bỏ mạng sau trong cuộc Cải cách Ruộng đất. Ngay tại nơi sinh ra nó thì người ta đã vứt lý thuyết cộng sản vào thùng rác. Không có lý do gì Đảng lại mang ra tôn thờ trừ khi Đảng muốn Việt Nam cứ mãi chìm đắm trong lạc hậu.

Tuyên Bố Đà Nẵng ban hành sau Hội nghị nhấn mạnh đến mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm, nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Như vậy thì Việt Nam phải đầu tư vào con người mà việc đầu tiên là xây dựng cơ chế phát triển quyền con người. Trong khi đó thì chế độ lại tiến hành đàn áp nhân quyền qua việc bắt bớ và tuyên án tù dài hạn với những blogger. Do đó, những lời lẽ từ ngữ mỹ miều cũng chỉ phát biểu cho vui chớ không có thực chất. Với những chính sách chà đạp quyền con người mà Đảng đang thi hành thì Việt Nam không có cơ hội trở thành một đất nước phát triển, văn minh và tiến bộ. Các khẩu hiệu, mục tiêu biến Việt Nam thành một nước công nghiệp trước năm 2020 của Đảng chỉ là những màn diễn hài rẻ tiền khi Việt Nam vẫn chưa làm được con ốc vít hay cái sạc pin cho Samsung hoặc con ốc xe máy cho Honda. Nhưng cái mà Việt nam sản xuất được rất nhiều là khẩu hiệu cùng với những lời phát biểu không biết xấu hổ của giới lãnh đạo hiện nay.

N.V.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn