Giải Nobel Hòa bình cho ai?

Việt Nguyên/Người Việt

Cách nay chừng một năm, tôi có dịch một bài của một giáo sư đại học Mỹ và gởi đăng trên BVN cho thấy có khả năng Tập Cận Bình giúp giải quyết  cuộc khủng hoảng vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên để đổi lấy việc độc chiếm Biển Đông. Và như chúng ta đã thấy, Tập đang leo thang quân sự hoá Biển Đông trong khi thiên hạ tập trung sự chú ý vào tình hình Triều Tiên và Trung Đông.

Tự bản chất, Trump có xu hướng độc tài và thích gần gũi những tay độc tài khác, như Putin, Tập, Duarte, và thậm chí cả Kim. Trump coi các định chế dân chủ Mỹ (như Báo chí, Bộ Tư pháp) không ra gì, và ngay cả nhân viên cấp cao của các bộ ngoại giao và tư pháp và cố vấn an ninh quốc gia cũng bị y thay đổi xoành xoạch. Các hiệp ước quốc tế nhanh chóng bị y cho vào sọt rác.

Trần Ngọc Cư

Ngày 12 tháng Sáu tới đây, thế giới trông chờ buổi gặp gỡ lịch sử giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un (Kim Chánh Ân). Hai nhà lãnh đạo trong năm 2017 đã cãi nhau như hai cậu học trò trong sân trường, đáng đoạt giải diễn xuất Oscar, khi dọa dùng vũ khí nguyên tử.

Cậu “người hỏa tiễn nhỏ” liên tiếp thử bom nguyên tử và hỏa tiễn tầm xa có thể bắn đến Hoa Kỳ, “ông già lẩn thẩn” hăm sẽ biến Bắc Hàn thành biển lửa với “nút bấm bom nguyên tử” của Hoa Kỳ lớn hơn của Bắc Hàn.

Tình hình nóng bỏng tại bán đảo Triều Tiên bỗng trở nên êm dịu vào đầu năm 2018 khi cậu út Kim, nhận lời mời của Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in, gởi phái đoàn Bắc Hàn là cô em gái xinh đẹp Kim Yo Jong (Kim Nhữ Trinh) (không quyến rũ được Phó Tổng thống Mike Pence ngồi gần) dẫn đầu tham dự Thế vận hội Mùa đông.

Khác với ông nội năm 1988 đã bắn nổ chiếc máy bay hàng không dân sự của Korean Airline vào ngày Thế vận hội Mùa hè, ông Kim đồng ý với chính sách “Ánh sáng Mặt trời” của Nam Hàn trong 15 năm qua nhằm hợp tác giữa hai miền Nam Bắc.

Hòa đàm sắp xảy ra như ông Trump, ông Moon và ông Kim đã hứa hẹn nhưng mục tiêu của các quốc gia liên hệ vẫn còn nhiều bí mật.

Trong nhiều thập niên qua, dòng họ Kim cầm quyền ở Bắc Hàn muốn một hội nghị thượng đỉnh với Hoa Kỳ nhưng Hoa Kỳ không công nhận Bắc Hàn nên hội nghị đã không xảy ra. Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa cho rằng Bắc Hàn đã sợ chính sách của ông Trump với vũ khí nguyên tử mạnh hơn và chính sách phong tỏa kinh tế của Hoa Kỳ hữu hiệu nên họ Kim chịu đến bàn hội nghị và ông Trump xứng đáng được giải Nobel.

Nhưng sự thật có hai mặt. Ông Kim đề nghị gặp ông Trump qua viên chức Nam Hàn. Tổng thống Trump đã chụp cơ hội nhận lời ngay mặc dù không có lá thư mời chính thức từ ông Kim, trái với thủ tục ngoại giao.

Khi nhận lời gặp Chủ tịch Bắc Hàn, ông Trump chưa được ông Kim cam kết sẽ hủy bỏ vũ khí nguyên tử, đây là điều kiện tiên quyết đòi Bắc Hàn của các Tổng thống Hoa Kỳ tiền nhiệm. Điều kiện tiên quyết Bắc Hàn bỏ vũ khí nguyên tử nay lại trở thành mục đích của chính quyền Hoa Kỳ.

Tổng thống Trump đã có quyết định trước khi bàn thảo với các cố vấn quân sự và ngoại giao đúng như bản tính của ông. Trả lời phỏng vấn của đài Fox, ông nói “Tôi tin vào bản năng tự nhiên của tôi,” chính sách ngoại giao đột xuất một phần vì “Tôi là người quan trọng quyết định duy nhất” một phần vì Bộ Ngoại giao hiện nay thiếu người làm việc, đại sứ Nam Hàn vẫn chưa được bổ nhiệm.

Khi ông Trump dùng tweet và không đọc các tài liệu ngoại giao như các Tổng thống khác trong lịch sử. Ông đã bãi nhiệm Ngoại trưởng Rex Tillerson, trong khi ông này muốn thương thuyết với Bắc Hàn trong thời gian làm Ngoại trưởng.

Ông nói với ông Tillerson: “Ông cố giữ sinh lực đi chúng tôi sẽ làm những gì chúng tôi cần làm”. Giám Đốc CIA Mike Pompeo sau đó qua Bắc Hàn mật đàm với Kim Jong Un. Khác với chính sách của các chính quyền trước, tân Ngoại trưởng Pompeo không đồng ý với chính sách thay đổi lật đổ chính quyền Bắc Hàn, nhưng nói: “Dân Bắc Hàn đẹp, dễ thương, muốn nhìn thấy Kim Jong Un ra đi”.

Hồi tháng Tám, 2017, trong cuộc phỏng vấn với George Stephanopoulos trên ti vi, cố vấn an ninh quốc gia, Tướng Mc Master đã bất đồng quan điểm quân sự với Tổng thống Trump: “Giải pháp quân sự không áp dụng ở bán đảo Triều Tiên được vì lúc này quân đội Hoa Kỳ đã có mặt khắp nơi”. Đây là một trong những lý do khiến Tổng thống giải nhiệm Tướng Mc Master.

Cựu đại sứ Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc thời Tổng thống George W. Bush, ông John Bolton, tân Cố vấn An ninh Quốc gia hồi tháng Hai, 2018, đã đòi Hoa Kỳ dội bom Bắc Hàn. Ông có cùng chiến thuật giống như Tổng thống George W. Bush “Tiên hạ thủ vi cường” trong thời chiến tranh Iraq. Cũng giống như ông Trump, ông Bolton chủ trương không phê chuẩn hiệp định nguyên tử với Iran. Bắc Hàn vào hội nghị đã thấy Hoa Kỳ xem thường bản hòa ước sau khi đặt bút ký.

Tổng thống Trump tự hào với sức mạnh quân sự nguyên tử của Hoa Kỳ và chính sách cấm vận Bắc Hàn qua sự ủng hộ của Trung Quốc. Nhưng hai chính sách vẫn có chỗ hở. Hoa Kỳ vẫn chưa biết hết tất cả địa điểm của vũ khí phá hoại hàng loạt (WMD), Bắc Hàn là nước không có tự do di chuyển, dân Bắc Hàn không biết rõ bí mật quân sự quốc gia.

Trong quá khứ chính sách cấm vận thất bại, năm 1990 nạn đói xảy ra, dân Bắc Hàn chết đói nhưng triều đại Kim cha truyền con nối đứng vững (giống như thập niên 1980, chính sách cấm vận Cộng sản Việt Nam chỉ làm dân khổ còn chính quyền Cộng sản tồn tại đến nay).

Ông Victor Cha là người có lập trường cứng rắn về Bắc Hàn, được Tổng thống Trump đề cử làm đại sứ, nay đã rút tên, không đồng ý về chính sách cấm vận vì chính sách này không hiệu quả khi Trung Cộng và Nga ủng hộ Bắc Hàn sau lưng Liên Hiệp Quốc.

Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un tươi cười bước qua biên giới Triều Tiên bắt tay với Tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in vẫn là con người bí mật không ai biết rõ mục tiêu dài hạn của họ Kim ngoài việc giữ vững chế độ, cai trị với bàn tay sắt, giết đối lập bằng mọi cách trong khi bắt đầu có chính sách tự do kinh tế thị trường giới hạn.

Con người trẻ tuổi Kim Jong Un vẫn tuyên truyền với dân Bắc Hàn xem “bọn Mỹ là bọn giết người không gớm tay”. Trong sáu năm cầm quyền, cậu út Kim chưa bao giờ ra khỏi Bắc Hàn, chưa bao giờ tiếp xúc với các nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới. Nay, trong ba tuần vào tháng Ba, 2018, họ Kim mở vòng tay với ba nước, lập đường dây liên lạc trực tiếp với Nam Hàn lần đầu trong 11 năm và tháng Tư gặp Tổng thống Nam Hàn, mời Tổng thống Trump hội đàm tháng Năm và bí mật qua Trung Quốc trên chuyến xe hỏa.

Đảng Cộng Hòa và người ủng hộ Tổng thống Trump cho rằng Chủ tịch Kim đã sợ sức mạnh Hoa Kỳ nên muốn hòa đàm, nhưng báo chí Hoa Kỳ đưa một quan điểm khác. Họ Kim đã ung dung xuất hiện, tười cười tự tin vì Bắc Hàn đã tiến một bước nhanh chóng về vũ khí và hỏa tiễn nguyên tử.

Năm 2018, Bắc Hàn cho thế giới thấy hỏa tiễn lưu động và hỏa tiễn dùng nhiên liệu đặc (hỏa tiễn nhanh hơn hỏa tiễn dùng nhiên liệu lỏng cho nên khó tìm và hủy diệt). Ngày 3 tháng Chín, 2017, sau vụ thử bom nguyên tử của Bắc Hàn, Hoa Kỳ đã xác nhận đó là quả bom khinh khí (Hydrogen bomb). Ngày 28 tháng Mười Một, 2017, Bắc Hàn phóng hỏa tiễn liên lục địa với tầm bắn 8,100 dặm có khả năng bay đến bất cứ nơi nào trên đất Mỹ.

Ngoài vũ khí nguyên tử Bắc Hàn còn chế các vũ khí sinh hóa. Các kháng thể chống bệnh than (Anthrax) và bệnh đậu mùa (Small pox) đã được tìm thấy trong cơ thể của những người đào thoát chế độ, Hoa Kỳ kết luận Bắc Hàn có thể đã chế được hai loại bom vi trùng này ngoài các bom có vi trùng dịch hạch và dịch tả cũng đã được xác nhận.

Tiến bộ nguyên tử của Bắc Hàn cũng được xác nhận qua hình ảnh vệ tinh vào hồi tháng Giêng và tháng Hai, 2018, cho thấy Bắc Hàn có nhà máy nguyên tử chất Plutonium.

Hội nghị sắp tới giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn có nhiều điểm hơi giống Hội nghị Paris 1973 chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Tổng thống Nixon muốn chấm dứt chiến tranh Việt Nam sớm trong khi bị áp lực của quốc hội về “đàn hạch” (impeachment) nên Hiệp định Paris 1973 đã đưa thắng lợi cho Bắc Việt khi hơn 300,000 quân Bắc Việt được để lại ở miền Nam.

Năm nay, ông Trump vẫn chưa rõ ràng về vấn đề “phi nguyên tử” (denuclearization). Đối với Hoa Kỳ từ trước đến nay phi nguyên tử đồng nghĩa với hủy bỏ vũ khí nguyên tử, mặc dù cựu Bộ trưởng Quốc phòng thời Tổng thống George W. Bush, William Perry, vẫn giữ quan điểm “không thể nào kiểm soát được vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn”.

Đối với cha con họ Kim trong quá khứ “phi nguyên tử” xảy ra với ba điều kiện:

-Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Nam Hàn hay ra khỏi Á Châu.

-Chiếc dù nguyên tử che chở cho Nam Hàn trong trường hợp Bắc Hàn tấn công nguyên tử cũng phải bị Hoa Kỳ lấy đi.

-Bắc Hàn là một trong chín quốc gia có vũ khí nguyên tử cho nên nếu tám quốc gia khác đồng ý bãi bỏ vũ khí nguyên tử thì Bắc Hàn cũng sẽ bỏ vũ khí nguyên tử. Bài học “phi nguyên tử” của Lybia với Qaddafi đã dạy cha con họ Kim không tin vào Hoa Kỳ.

Cũng giống như Hiệp định Paris 1973, Việt Nam Cộng hòa không công nhận chính quyền Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng Miền Nam nhưng đã phải ngồi chung bàn, hội nghị sắp đến là chiến thắng của Kim Jong Un đến bàn hội nghị với sức mạnh được chính quyền Hoa Kỳ công nhận, Kim được ngồi ngang hàng với Trump.

Ngồi chung với Tổng thống Trump cũng đồng nghĩa là Hoa Kỳ chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên với hiệp định với Hoa Kỳ-Bắc Hàn. Nhật và Nam Hàn đã học bài học Hiệp định Paris 1973, Thủ Tướng Abe đã vội vàng qua gặp Tổng thống Trump ở Mar-a-Lago. Với tất cả sức mạnh nguyên tử Bắc Hàn nếu ông Trump áp dụng chính sách “Mỹ trên hết” rút quân đội Hoa Kỳ ra khỏi bán đảo Triều Tiên cả Nhật và Đại Hàn sẽ lãnh đủ hậu quả hỏa tiễn nguyên tử ICBM của Bắc Hàn. Cả Nhật lẫn Nam Hàn đều lưu tâm tới hội nghị vì khác tất cả các hội nghị hoà bình từ trước đến nay bắt đầu từ nền tảng ngoại giao cấp dưới còn hội nghị kỳ này sắp xảy ra bắt đầu từ cấp lãnh tụ. Chính sách “Mỹ trên hết” vì vậy càng có thể xảy ra.

Tổng thống Trump đã loan báo Hội nghị sẽ được tổ chức tại Singaport ngày 12 tháng Sáu, 2018, sau khi ba tù nhân Mỹ được Ngoại trưởng Pompeo đưa về nước.

Đảng Cộng hòa và những người ủng hộ Tổng thống Trump đã hô hào đề nghị giải Nobel Hòa bình cho ông vì lần đầu tiên có cuộc hội đàm giữa Tổng thống Hoa Kỳ và Chủ tịch Bắc Hàn nhờ sự nhận lời mời “đột xuất” của Tổng thống Trump.

Tổng thống Nam Hàn cũng đề nghị giải Nobel cho ông Trump. Cả Tổng thống Moon và Chủ tịch Kim cũng nên được đề nghị giải Nobel Hòa bình vì họ đã đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, anh em không còn phải chịu cảnh nội chiến.

Có một người đóng vai quan trọng bên trong sân khấu chính trị là Tập Cận Bình không thể được đề nghị giải thưởng Hòa bình Nobel. Họ Kim đã đi trên chuyến xe hỏa bí mật đến Trung Quốc và sau đó gặp họ Tập lần thứ hai vào ngày 8 tháng Năm, 2018, vì bị “triều thỉnh” đến chầu Thiên quốc.

Họ Tập muốn dằn mặt Kim Jong Un, muốn biết chắc Trung Cộng không bị loại ra ngoài khi có hội nghị Hoa Kỳ-Bắc Hàn. Tập Cận Bình qua Liên Hiệp Quốc ủng hộ chính sách cấm vận nhưng không muốn chế độ họ Kim sụp đổ. Khi Bắc Hàn sụp đổ hàng triệu người tị nạn sẽ tràn qua Trung Quốc và chế độ Triều Tiên thống nhất sẽ thiên về Nam Hàn, tương tự như Đông và Tây Đức sau khi Cộng sản Đông Đức sụp đổ.

Hội nghị giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn cũng là một dịp để Tập Cận Bình “Dương Đông kích Tây,” chú ý đến bán đảo Triều Tiên Hoa Kỳ sẽ không để ý đến Biển Đông điển hình là đầu tháng Năm, Trung Cộng đã thầm đặt dàn hỏa tiễn phòng không trên quần đảo Trường Sa.

Một nhân vật thầm lặng đáng được đề nghị giải Nobel Hòa bình, cầu thủ bóng rổ Dennis Rodman, người đã có công trong “ngoại giao bóng rổ” với Bắc Hàn giống như thời Nixon, Hoa Kỳ đã có “ngoại giao bóng bàn” với Trung Quốc.

V.N.

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/nhin-tu-hoa-ky/giai-nobel-hoa-binh-cho-ai/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn