Lý do Malaysia đột ngột dừng dự án đường sắt 20 tỷ USD với Trung Quốc

Phải thừa nhận với nhau rằng người Việt Nam đâu có kém cỏi các dân tộc khác về “dân tộc tính”, “quốc gia tính”. Trái lại là khác. Nhưng vì sao quan chức Việt Nam lại liệt nhược cả hai cái “tính” nói trên, đến mức cứ hở ra là bập ngay vào những món vay của Tàu, như bauxite, đường sắt trên cao, nhà máy điện than… vố nào như vố ấy đều bị họ lừa sát ván, khiến đất nước lâm vòng thất điên bát đảo, thế mà quan ta vẫn cứ say sưa bập, và càng muốn bập thêm chứ không chịu nhả một miếng nào? Xin thưa, hình như có một cái “tính” khác không phải là “thiên tính” mà được “trui rèn” về sau (chữ “trui rèn” là nói rất đúng sách) đã trung hòa mất hai “tính” quan trọng đã nói – vốn cũng từng có sẵn trong huyết quản các quan – trong khi hầu hết mọi người Việt bình thường thì vẫn giữ được nguyên vẹn. Không những thế, cái “tính” được sinh ra do “trui rèn” này lại còn đóng vai trò như một chất xúc tác vô cùng tai hại, nên thường dễ kích động máu tham trong người đám ăn trên ngồi trốc kia, làm cho họ trở nên ngứa ngáy mỗi khi nghe đến những khoản vay lãi suất thấp của “ông anh” phương Bắc. Đó chính là tính… đảng, có phải vậy không nhỉ?

Bauxite Việt Nam

Dân trí Việc Chính phủ Malaysia quyết định dừng dự án đường sắt do nhà thầu Trung Quốc thi công trị giá 20 tỷ USD đã làm dấy lên nhiều lo ngại về tương lai của Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Bắc Kinh theo đuổi từ nhiều năm nay.

Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak xem phối cảnh dự án đường sắt ECRL trong ngày khởi công dự án vào tháng 9/2017 (Ảnh: AP)

Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak xem phối cảnh dự án đường sắt ECRL trong ngày khởi công dự án vào tháng 9/2017 (Ảnh: AP)

Năm 2017, công ty xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC), một doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, đã trúng thầu thi công dự án Đường sắt Bờ biển phía Đông (ECRL) dài 620 km. 85% chi phí xây dựng tuyến đường sắt này được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cho vay. Đây là dự án kết nối khu vực bờ biển phía đông kém phát triển của Malaysia với thủ đô Kuala Lumpur và Thái Lan.

Ngày 4/7, Công ty Đường sắt Malaysia, đơn vị quản lý dự án trên, xác nhận đã yêu cầu công ty Trung Quốc dừng thi công công trình này. Lý do dẫn tới quyết định bất ngờ trên của Malaysia được cho là có liên quan tới tình trạng đội vốn của dự án.

Thông báo hủy dự án với nhà thầu Trung Quốc được đưa ra một ngày sau khi Bộ trưởng Tài chính Malaysia Lim Guan Eng đưa ra nhận định về con số 20 tỷ USD kinh phí thực tế để thực hiện dự án. Ông Lim cho rằng con số này cao hơn nhiều so với ước tính ban đầu của Chính phủ tiền nhiệm.

“Chúng tôi mong muốn dự án ECRL sẽ khả thi hơn về mặt tài chính và kinh tế nếu CCCC cắt giảm đáng kể chi phí thực hiện dự án”, Bộ trưởng Lim nói.

Trước đó, theo thỏa thuận được ký giữa Chính phủ của cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak và nhà thầu Trung Quốc, dự án ECRL chỉ có kinh phí 16,5 tỷ USD. Tuy nhiên Chính phủ Malaysia hiện nay ước tính chi phí thực tế đã đội lên 20 tỷ USD sau khi tính thêm các khoản lãi suất, tiền thu hồi đất và một số chi phí khác.

Dự án đường sắt trên là một trong số các dự án cơ sở hạ tầng lớn của Trung Quốc tại Malaysia mà Chính phủ mới của Thủ tướng Mahathir Mohamad muốn xem xét và đàm phán lại trong bối cảnh có nhiều quan ngại về chính sách phát triển thiếu bền vững cũng như các vấn đề liên quan tới quản lý nhà nước của chính quyền tiền nhiệm. Kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 5, Chính phủ Thủ tướng Mahathir đã cam kết cắt giảm nợ công, loại trừ tham nhũng và xem xét lại các dự án lớn.

Kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc?

Thủ tướng Mahathir Mohamad dự hội nghị quốc tế về tương lai của châu Á tại Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Mahathir Mohamad dự hội nghị quốc tế về tương lai của châu Á tại Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: Reuters)

Việc Malaysia quyết định dừng thi công dự án đường sắt với nhà thầu Trung Quốc được xem là tín hiệu cho thấy Thủ tướng Mahathir đã thực hiện đúng cam kết do ông đưa ra trước đó về việc kiềm chế tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc gia Đông Nam Á này. Trang tin tài chính The Edge, cơ quan truyền thông đầu tiên đưa tin về việc dừng dự án đường sắt hợp tác giữa Malaysia và Trung Quốc, đã đề cập tới một bức thư do Malaysia gửi cho CCCC, trong đó viện dẫn lý do “lợi ích quốc gia” để giải thích cho quyết định dừng dự án.

Cựu Thủ tướng Najib Razak, người mới bị bắt vì nghi ngờ có liên quan tới vụ bê bối tham nhũng tại một quỹ đầu tư của nhà nước Malaysia, là người rất ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Thông qua sáng kiến này, Bắc Kinh lên kế hoạch đầu tư hàng trăm tỷ USD vào các dự án cảng biển, đường sắt và các dự án cơ sở hạ tầng khác ở châu Á, châu Phi và một số khu vực ở châu Âu.

Dưới thời ông Najib, Malaysia đã ký các thỏa thuận về cơ sở hạ tầng với tổng trị giá lên tới 34 tỷ USD theo Sáng kiến Vành đai và Con đường. Tuy vậy, đương kim Thủ tướng Mahathir muốn đàm phán về điều khoản của các thỏa thuận mà người tiền nhiệm từng đặt bút ký với Bắc Kinh.

“Chúng tôi hy vọng sẽ giảm được nhiều chi phí, vì đang có nhiều điều sai sót được thực hiện”, ông Mahathir phát biểu trong cuộc họp báo hồi tháng 6, đề cập tới dự án ECRL và số tiền hàng tỷ USD mà Malaysia mượn của Trung Quốc để hoàn tất dự án này.

Một số chuyên gia lo ngại rằng các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể đẩy các nước nhỏ vào “bẫy nợ” của Trung Quốc, tạo điều kiện để Bắc Kinh gây ảnh hưởng tới các quyết định chiến lược, thậm chí nắm quyền kiểm soát cơ sở hạ tầng trọng yếu của đất nước. Năm ngoái, Chính phủ Sri Lanka đã ký thỏa thuận trị giá 1,12 tỷ USD cho phép một tập đoàn nhà nước Trung Quốc khai thác cảng nước sâu Hambantota trong vòng 99 năm. Số tiền này sẽ được dùng để trang trải khoản nợ 6 tỷ USD Sri Lanka vay Bắc Kinh trước đó.

Theo nhà nghiên cứu Johan Saravanamuttu tại Đại học Quốc gia Singapore, việc dừng dự án đường sắt với Trung Quốc có thể giúp Malaysia tránh được “số phận” như của Sri Lanka.

“Những điều khoản và điều kiện vay cần được đàm phán lại để tránh hiệu ứng cảng Hambantota đối với các khoản vay”, ông Johan nói.

Báo Financial Times cũng dẫn lời một quan chức Bộ Tài chính Malaysia cho biết nước này cũng đình chỉ hai dự án đường ống dẫn dầu do Trung Quốc hậu thuẫn. Tương tự dự án đường sắt ECRL, hai dự án đường ống dẫn dầu đều được phê duyệt từ năm 2016 với số tiền đầu tư được vay từ ngân hàng Trung Quốc.

Trong khoảng 10 năm tính tới năm 2016, Trung Quốc đã cho các quốc gia khu vực Thái Bình Dương vay 2,2 tỷ USD. Dù các khoản tiền này được chuyển tới dưới danh nghĩa quà tặng, song tổ chức Lowy Institute (Australia) cho biết đây là những khoản vay ưu đãi hoặc vay với lãi suất thấp. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ buộc các quốc gia nhận tiền vay xây các công trình cơ sở hạ tầng và chọn thuê các nhà thầu của Bắc Kinh.

Thành Đạt

Tổng hợp

Nguồn: http://dantri.com.vn/su-kien/ly-do-malaysia-dot-ngot-dung-du-an-duong-sat-20-ty-usd-voi-trung-quoc-20180708142841054.htm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn