Việt Nam bàn tiếp về đặc khu: liệu có được điều chỉnh?

Ánh Liên

Theo dự kiến chương trình phiên họp tháng 8.2018, UB Thường vụ Quốc hội có buổi thảo luận về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu).

Theo báo giới chính thống, đã có một tài liệu phục vụ việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp xoay quanh hỏi đáp về vấn đề đặc khu. Cụ thể, về lý do lựa chọn xây dựng ba đặc khu (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc) là nằm trong phạm vi một đơn vị hành chính cấp huyện và có diện tích không lớn (chiếm 0,55% diện tích đất liền của cả nước) nhưng có vị trí kết nối giao thông khu vực và quốc tế thuận lợi.

Ngay lý do đầu này đã xuất hiện những bất ổn nhất định. Bởi nếu đánh giá theo tiêu chí 'kết nối giao thông khu vực và quốc tế thuận lợi', thì Vân Đồn (Quảng Ninh) mới tạm thời đáp ứng tiêu chí này, vì gần Trung Quốc, có cao tốc nối thẳng cảng Hải Phòng, có cửa khẩu sang Trung Quốc, và được bảo bọc bởi Quảng Ninh – nơi đây đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Đối với Phú Quốc, khu vực này chỉ đáp ứng khi và chỉ khi kênh đào Kra thuộc dự án 'Một vành đai, một sáng kiến' trở thành hiện thực, bởi lúc này, con đường giao thương hàng hải thay vì qua Singapore, thì có thể đi ngang Phú Quốc. Tuy nhiên, hiện thời kênh đào Kra này vẫn còn nằm trên giấy, mà lý do vì yếu tố chính trị. Mặc dù Thái Lan và Trung Quốc đã ký biên bản ghi nhớ về kênh đào Kra, tuy nhiên ba tỉnh cực Nam Thái Lan (giáp với Malaysia) lại có xu hướng nổi loạn, và tại đây có phần lớn người theo đạo Hồi (gốc Mã Lai), luôn trong tình trạng bất ổn và đòi ly khai, do đó, sự xuất hiện kênh đào sẽ vô tình giúp chia cắt về mặt lãnh thổ và hỗ trợ lớn phong trào tự trị. Ngay cả việc đặt điều kiện thuận lợi là kênh Kra sẽ tiến hành, nhưng hiện thực của Phú Quốc cũng không thể trở thành một trung tâm phân phối hàng Châu Á do ngoài cảng nước sâu, thì cần phải có sân bay quốc tế và 1 hệ thống kho bãi logistics đi kèm. Trong khi đó, tại Phú Quốc hiện giờ, toàn bộ bề mặt giáp kênh Kra (tương lai) đã bị che chắn bởi resort, điều này sẽ khó triển khai cảng nước sâu (vì tính chất ô nhiễm của nó). Nếu Phú Quốc chỉ đơn thuần là triển khai hoạt động casino hay mại dâm thì đó chưa phải là đặc khu, mà thực chất chỉ để hợp pháp hóa những ngành nghề mà đất liền cấm đoán để gia tăng thu ngân sách. 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEhHJRgf_Hb0seG3hquMZaYlxnXiaawSCEJtxyCvpw_CAOf901unCtSL-ah1zNq2faD52B9gdIZx_1OTzsdC7-ZW5qJL_ZzPbWYjYkBMn24YGPsM0EHss_Ow2pHGXW1lMM7omqB7Pezz6l8/s640/Infographics-dac-khu-kinh-te-va-nhung-dieu-khac-biet-a-1527583711-616-width865height1000.jpg

Một số ưu đãi tại đặc khu kinh tế của Việt nam

Riêng về Bắc Vân Phong thì gần như không có một lợi thế nào để đề cập, mà sự xuất hiện nó chủ yếu là tư duy vùng miền theo hướng: Bắc-Trung-Nam.

Trong khi đó, một vị trí thuận lợi phải được định hình trong mắt nhà đầu tư nước ngoài (bởi đặc khu chủ yếu là hút khối FDI). Tuy nhiên, trong mắt các nhà đầu tư FDI - theo GS Võ Đại Lược (thành viên chính thức của Tổ tư vấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt) thì thứ tự chú ý của nhà đầu tư dạng như sau: (1) Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu; (2) Hà Nội - Bắc Ninh - Hải Dương - Hưng Yên - Hải Phòng - Quảng Ninh; (3) Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa; (4) Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng liên kết với Lào và Thái Lan. Một số thành phố có thể được lựa chọn là Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hồ Chí Minh…

Bắc Vân Phong và Phú Quốc, nằm đâu trong danh sách này? Rõ ràng, mục tiêu của đặc khu kinh tế là thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế theo hướng ra nước ngoài, do đó tiêu chí quan trọng nhất là sự quan tâm và lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng giờ đây, những địa điểm mà các nhà đầu tư nước ngoài không quan tâm lại được Chính phủ Việt nam tìm cách thúc đẩy sự hiện diện đặc khu (?).

Tiếp đó, lý do chọn ba đặc khu là nằm trong phạm vi một đơn vị hành chính cấp huyện và có diện tích không lớn. Đến nay, ba đặc khu vẫn còn bàn cãi về đặc tính hành chính và sự trực thuộc của nó. Vào 24.10.2017, tác giả Kỳ Lâm đã có một bài viết trên Việt nam Thời báo với nội dung vẫn còn nhiều giá trị đến ngày hôm nay, đó là: Đặc khu kinh tế: giằng co giữa trực thuộc tỉnh hay trung ương. Tính chất hành chính của đặc khu sẽ quyết định sự phát huy hiệu quả về mặt bản chất của đặc khu đến đâu. Do đó, ngay cả khi quyết trực thuộc T.Ư hay địa phương thì nếu bàn tay Chính phủ vẫn tìm cách can thiệp sâu quá mức thông qua nguyên tắc hành chính hiện tại (thay vì đặc biệt hóa hành chính theo nhu cầu đặc khu) thì vô tình làm giảm hiệu suất kinh tế của khu vực này.

Chính vì vậy, theo GS Võ Đại Lược, cấp quản lý đặc khu không phải là cấp hành chính nhưng lại theo cấp hành chính cấp tỉnh. Điều này có nghĩa là có thể có một số khác biệt trong cách quản lý kinh tế so với các tỉnh trực thuộc; nhưng về quản lý hành chính, có rất ít hoặc thậm chí không sự khác biệt. Sự mâu thuẫn giữa các quy định kinh tế đối với các khu kinh tế mở cấp tỉnh là một hạn chế lớn đối với hoạt động của các khu kinh tế. Bởi có yêu cầu bộ máy hành chính và các quy định phù hợp với điều kiện địa phương (thậm chí quốc gia - người viết thêm vào) nhưng lại không phù hợp với thông lệ quốc tế. Nói cách khác, bản thân bộ máy quản lý và cơ chế của các tỉnh / thành phố của Việt Nam hiện không đáp ứng yêu cầu quốc tế.

Việt Nam từng duy trì chính sách hành chính trên (với bàn tay can thiệp quá mức của Chính phủ trên cơ sở hành chính) trong các khu kinh tế mở, khu phi thuế quan,... Và kết quả, nó xa rời các quy định về khu kinh tế tự do trong khu vực, vừa không khớp lệnh so với các chính sách nội địa. Trong khi đó, theo GS Võ Đại lược, nếu nhìn sang Hồng Kong có thể nhận ra rõ ràng, chính sách của đặc khu này về hành chính lẫn kinh tế là 'không can thiệp' hoặc nếu can thiệp thì với sự tích cực, dựa trên cơ sở để thị trường tự điều chỉnh, phát triển.

Tuy nhiên, có vẻ khó có việc để cho thị trường tự điều chỉnh khi mà quan điểm về thiết lập các đặc khu Việt nam lại là để thí điểm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều này đồng nghĩa với sự ràng buộc yếu tố thị trường tại chính khu vực đặc khu này, thay vì để nó được 'khai phóng'. Bởi như chính GS Võ Đại Lược nhận định, thì ngay cả ưu đãi về thuế, giá thuê đất và quyền kinh doanh, đặc biệt là quyền sở hữu bất động sản thì nó cũng không thể nào so sánh được với quyền sở hữu tự do khác ở các đặc khu kinh tế trong khu vực (trong hệ kinh tế thị trường đầy đủ). 

Vậy liệu Luật đặc khu sắp tới có sự điều chỉnh để phù hợp với quan điểm của nhà đầu tư hay không? Có, nhưng rất ít. Và thực tế sẽ được tiến hành bằng 'quyết tâm chính trị' hơn là hiện thực cần có của tư duy kinh tế mở, đó là chưa kể, hạ tầng tại Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong đã sẵn sàng đi vào hoạt động, các đại gia bất động sản và cả đội ngũ quan chức đã thâu tóm đất vàng tại các địa điểm này và chờ ngày sinh lời.

Câu chuyện của Luật đặc khu và lựa chọn địa điểm đặc khu rồi sẽ được thông qua, bất chấp các giá trị thực tế về điều kiện kinh tế, hành chính còn nhiều bất cập. Và sự thông qua lần này cũng tiếp tục ghi dấu ấn như khi thông qua sự mở rộng Hà Nội hay sự di chuyển khu hành chính Thủ đô lên Ba Vì; rộng hơn là sự thành lập các cửa khẩu phi thuế quan, khu kinh tế mở,... tuy nhiên hiệu quả mang lại là rất ít, trong khi là cơ hội để buôn bán bất động sản lại là rất nhiều.

* Ghi chú: bài viết có tham khảo và sử dụng một số quan điểm trong báo cáo của GS Võ Đại Lược được đăng tải tại World Bank.

A.L.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn