'Bảy lập luận sai về việc dùng tiền TQ ở biên giới'

TS Đinh Trường Hinh

BBC Tiếng Việt nhận được nhiều ý kiến khác nhau về quyết định dùng tiền Trung Quốc (nhân dân tệ - NDT) trong giao dịch bình thường ở bảy tỉnh biên giới của Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong một văn bản gửi tới BBC Tiếng Việt hôm 03/09/2018 nói rằng Thông tư 19 nhằm "khắc phục những bất cập trong thực tiễn thanh toán đã thực hiện từ nhiều năm nay" trong khi "tạo thuận lợi cho thương nhân và cư dân biên giới".

"Thông tư này đảm bảo trên lãnh thổ Việt Nam chỉ cho phép thanh toán bằng tiền mặt VND, không cho phép sử dụng nhân dân tệ tiền mặt để mua bán hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam theo đúng tinh thần của pháp lệnh ngoại hối; đồng thời tăng cường kiểm soát tiền tệ qua hệ thống ngân hàng, hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại phù hợp với chủ trương, định hướng chỉ đạo của Chính phủ", văn bản do ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối NHNN viết.

"Việc sử dụng đồng bản tệ trong thanh toán thương mại đang là xu hướng được nhiều nước trên thế giới và khu vực sử dụng".

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của Tiến sỹ Đinh Trường Hinh từ Virginia, Hoa Kỳ, phản biện lại các lập luận ủng hộ cho việc sử dụng đồng nhân dân tệ theo quy định tại Thông tư 19.

– Lập luận 1: "Trên thế giới đã có rất nhiều nước dùng tiền nước ngoài để làm đồng tiền chính thức trong nước".

Trả lời: Điều này hoàn toàn sai. Trên thế giới hiện nay chỉ có Panama, một nước rất nhỏ ở Nam Mỹ dùng đồng đô la làm tiền tệ chính thức của mình từ năm 1904 do nhiều lý do lịch sử.

Một số các hòn đảo nhỏ (như Marshall Islands, Micronesia, Palau, Turks and Caicos, British Virgin Islands), hoặc một vài nước vì kinh tế hoặc vì chiến tranh như Ecuador, East Timor, El Salvador, Zimbabwe dùng đô la làm tiền trong nước.

Còn ngoài ra trên 200 các nước còn lại đều dùng tiền riêng của họ. Lý đó là tiền nội địa phải làm ba chức năng sau: i) phương tiện trao đổi; ii) đơn vị kế toán; và iii) dự trữ giá trị.

Tất cả các tiền tệ trên thế giới hiện này là fiat, có nghĩa là tiền quy ước mà giá trị vượt xa chi phí sản xuất, và điều kiện tiên quyết cho loại tiền này tồn tại là sự công nhận hợp pháp của luật pháp trong nước.

Tiền quy ước này được bổ sung thêm bằng tiền ghi nợ mà luật pháp công nhận cho một nước. Chính vì giá trị đồng tiền vượt xa chi phí sản xuất mà khi in tiền, chính phủ của một nước được một nguồn thu nhập quan trọng gọi là seignorage.

Nước Panama và các nước kể trên là những nước duy nhất trên thế giới không có nguồn thu nhập này. Một khi đồng nhân dân tệ được dùng tại bảy tỉnh biên giới, Việt Nam sẽ mất seignorage trên số tiền Việt Nam trước kia dùng ở đó.

– Lập luận 2: "Thông tư 19 chỉ nhằm để giúp các doanh nhân và cơ sở thương mại phát triển ở trong bảy tỉnh biên giới, không có ảnh hưởng gì đến các tỉnh khác cũng như sẽ không có ảnh hưởng gì đến tiền tệ hay chính sách tiền tệ".

Trả lời: Điều này hoàn toàn sai. Thông tư 19 đã chính thức đem nhân dân tệ vào đất nước Việt Nam và trong bảy tỉnh biên giới sẽ có hai thứ tiền tệ: VND và NDT.

Thông tư 19 đã ghi rõ là các doanh nhân cũng như là cư dân ở những vùng gần biên giới có thể mua bán dùng tiền mặt hay qua hệ thống ngân hàng bằng cả hai thứ tiền. Như vậy là mặc nhiên cho NDT làm đồng tiền chính thức ở những vùng đó, và hàng hóa hay dịch vụ một khi đã được mua hay bán bằng NDT ở những vùng biên giới thì sẽ được phân phối đi trong cả nước Việt Nam, do đó không thể nào ngăn chặn được.

Một mặt khác NHNN cũng sẽ mất độc lập trong chính sách tiền tệ do hai lý do:

- Thứ nhất, những dự trữ của các ngân hàng VN ở bảy tỉnh này sẽ không nằm trong sự kiểm soát của NHNN, do đó NHNN không thể kiểm soát lượng cung ứng tiền tệ.

- Thứ hai, vận tốc nhu cầu tiền (velocity of money demand) sẽ thay đổi trong những tỉnh này và sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu cần tiền (money demand) của tiền VN mà NHNN không thể dự đoán được để kiểm soát tiền tệ.

clip_image002

Việc cho phép sử dụng NDT ở bảy tỉnh biên giới của Việt Nam sẽ giúp phát triển buôn bán giữa hai nước? Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES

– Lập luận 3 : "Việc cho NDT được chính thức dùng ở bảy tỉnh biên giới sẽ không có ảnh hưởng gì đến hối đoái và chính sách hối đoái của NHNN Việt Nam".

Trả lời: Điều này hoàn toàn sai. Các công ty TQ sẽ dùng tiền VN để đổi ra các ngoại tệ mà chính phủ TQ hoặc là không cho phép hoặc là cho phép rất hạn chế.

Điều này tuỳ thuộc vào thành phần xuất cảng và nhập cảng của TQ đối với các nước đang dùng ngoại tệ đó và có thể không liên quan gì đến xuất cảng và nhập cảng của VN.

Nhưng vì các công ty TQ và các ngân hàng TQ dùng tiền VN để đổi mà hối suất của VN đối với các ngoại tệ đó cũng sẽ thay đổi.

Quan trọng hơn nữa là điều này sẽ có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, vì chính sách hối đoái này đưa một tín hiệu sai lầm đến các nhà sản xuất VN, làm họ mất đi khả năng cạnh tranh theo hệ thống tín hiệu thị trường và chỉ có thể sản xuất theo lợi thế so sánh của TQ thay vì của VN.

Đây là một điều hết sức nguy hiểm về lâu về dài cho công kỹ nghệ VN.

– Lập luận 4: "Hiện tại NDT đang được dùng để giao dịch cho các nước. Chính IMF đã bỏ đồng NDT vào giỏ tiền tệ của SDR".

Trả lời: Thật không có gì sai hơn.

Đồng SDR (gồm có đô la, euro, tiền Nhật Bản, v.v.) là một loại tiền tệ giả tạo chỉ được dùng như một phương tiện để thanh toán mậu dịch giữa các nước với nhau chứ SDR chưa bao giờ được sử dụng như một loại tiền tệ trong nước (có bao giờ bạn đi mua cái áo sơ mi mà trả bằng SDR chưa?).

Do đó, đồng NDT cũng chưa bao giờ được chính thức dùng như là tiền tệ cho các nước khác, và vì vậy không có nước nào trên thế giới chính thức cho đồng NDT lưu hành song song với tiền nước họ, ngoại trừ Zimbabwe bị khủng hoảng kinh tế phải dùng tám thứ tiền khác nhau, trong đó có NDT.

Ngay cả những nước nghèo đói ở châu Phi như Democratic Republic of Congo nơi mà TQ đã dùng tiền bạc mua chuộc lợi ích kinh tế, đồng NDT vẫn được coi là một ngoại tệ chứ không phải tiền trong nước như ở bảy tỉnh của Việt Nam.

– Lập luận 5: "Thông tư 19 chỉ hợp thức hóa những gì đang xảy ra và tiếp tục quyết định của NHNN VN năm 2004 (689/2004/QĐ-NHNN)".

Trả lời: Điều này sai do hai lý do:

clip_image004

Thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/10/2018. Bản quyền hình ảnh OTHER

Thứ nhất, Thông tư 19 chính thức cho tất cả mọi người kể cả dân chúng và doanh nghiệp dùng NDT trong khi Quyết định 2004 có giới hạn vì không đề cập đến doanh nghiệp.

Thứ hai, dù là NHNN đã quyết định năm 2004 như vậy đi nữa, nếu là một quyết định sai thì không có lý do gì ta phải giữ hoài chuyện đó. Nếu mọi chuyện đã và đang xảy ra là sai thì phải sửa đổi chứ không thể để mọi chuyện tiếp tục như vậy.

– Lập luận 6: "Thanh toán bằng đồng NDT sẽ giúp giảm tác động tiêu cực lên nhập siêu và Thông tư 19 sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp cho cán cân thương mại Việt - Trung".

Trả lời: Điều này hoàn toàn sai.

Cán cân thương mại giữa hai nước sẽ không có ảnh hưởng gì nếu thanh toán bằng đồng NDT hay đồng đô la, vì trong trường hợp này đồng tiền chỉ là một đơn vị kế toán và những động cơ để đưa đến sự chênh lệch giữa xuất khẩu và nhập khẩu sẽ không có thay đổi.

Cũng chính vì vậy mà tất cả các nước trên thế giới (kể cả TQ) đều trình bày thống kê về cán cân ngoại thương (balance of payments) của họ bằng đô la mặc dù đồng tiền họ dùng là các tiền tệ khác.

Nếu hiện tại cán cân thương mại Việt-Trung đang bị thất thiệt nặng nề thì VN phải dùng các chính sách kinh tế thích hợp để tăng năng lực cạnh tranh trong nước, kể cả dùng chính sách đổi giá hối đoái giữa hai nước. Nếu dùng tiền NDT để đạt mục đích này vì hiện tại TQ đang phá giá thì nay mai khi NDT trở nên đắt so với đô la (như những năm gần đây) thì VN sẽ bán hàng hoá cho ai?

– Lập luận 7: "Có thể giữ 2 loại tiền (tiền VN và tiền TQ) cùng giao lưu cho 7 tỉnh biên giới".

Trả lời: Theo luật Gresham, không thể nào có hai loại tiền lưu hành cùng lúc trong cùng một nước vì đồng tiền xấu sẽ làm cho đồng tiền tốt biến đi.

Cho đến nay, đồng tiền NDT đã phá giá khoảng 8% so với đô la Mỹ trong khi VND chỉ mất khoảng 2-3%.

Ta hãy lấy một ví dụ thực tế. Một doanh nhân VN muốn mua hàng hoá với một doanh nhân TQ có trị giá 100 NDT. Ông ta có thể dùng NDT hay VND để làm cuộc buôn bán. Ví dụ tài sản ông ta có một nửa là NDT và một nửa VND (100 NDT= 340,728 VND). Trong trường hợp này ông ta nên mua bằng tiền NDT hay là bằng tiền VN? Ông ta sẽ mua bằng NDT vì đồng tiền NDT đang mất giá so với VND và để lâu NDT sẽ mất giá thêm. Do đó, mọi người sẽ dùng NDT và đồng VND sẽ biến mất dần.

Lẽ dĩ nhiên bạn cũng có thể ví dụ ngược lại, đồng VN là đồng tiền xấu và như vậy NDT sẽ dần dần mất đi, nhưng như vậy thì đem NDT vào làm gì nữa?

Đ.T.H.

--------

Tiến sĩ Đinh Trường Hinh hiện là Chủ Tịch Công Ty EGAT tại Hoa Kỳ. Ông nguyên là chuyên gia kinh tế chính, Văn phòng Phó chủ tịch và Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới ở Washington, D.C. (1978-2014). Bài thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả.

BBC Tiếng Việt hoan nghênh các ý kiến tranh luận, thảo luận về chủ đề Thông tư 19 và các vấn đề liên quan. Hãy gửi bài về cho chúng tôi theo địa chỉ vietnamese@bbc.co.uk.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-45465059?SThisFB

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn