Gieo niềm hy vọng, thay vì sự sợ hãi – một cách truyền thông mới về nhân quyền

Thomas Coombes

Trâm Huyền dịch

Ảnh: iStock/dane_mark.

Dịch từ bài “Hope, not fear: A new model for communicating human rights” của Thomas Coombes. Tác giả là Giám đốc Quan hệ Công chúng của tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế, một trong những tổ chức nhân quyền lớn nhất thế giới.

“Việc truyền thông của các tổ chức nhân quyền hiện nay thường là mang cho người ta nhiều lý do để giận dữ và bi quan, hơn là làm cho người ta thêm hy vọng.

Nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học và tâm lý học tại Mỹ cho thấy rằng chúng ta phải kích thích được các cảm xúc tích cực thì mới có thể thuyết phục được nhóm công chúng ‘ở giữa’ – những người còn đang chưa quyết định họ sẽ theo phe nào trong một cuộc tranh luận. Những người ‘ở giữa’ này vẫn cảm thấy do dự trước các luận điểm khác nhau mà họ đã được nghe”.

Năm 2017, phương cách tiếp cận của tôi với các phương tiện truyền thông thay đổi hoàn toàn. Sau khi đã giành nhiều tháng tìm hiểu sâu các nghiên cứu mới nhất từ các chuyên gia truyền thông trong giới hoạt động xã hội tại Mỹ, và tìm hiểu cả các nghiên cứu về đối tượng thụ hưởng thông tin trong lĩnh vực nhân quyền trên thế giới, tôi nhận ra rằng việc truyền thông về nhân quyền cần phải tập trung vào hy vọng và cơ hội, thay vì nỗi sợ hãi và các mối đe dọa.

Bốn mươi năm trước, vào ngày 10 tháng 12 năm 1977, tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) được trao tặng giải Nobel Hòa Bình ở Oslo.

Trong lễ trao giải, Hội đồng Xét duyệt giải Nobel đã nói về công việc của Ân xá Quốc tế liên quan đến các hoạt động chống tra tấn, chống án tử hình, và hơn tất cả, vai trò độc nhất của tổ chức này trong việc ủng hộ các tù nhân lương tâm:

“Ân xá Quốc tế đã soi một ánh đuốc của niềm hy vọng vào chốn lao tù, có lẽ chính xác vào lúc mà những con người bị giam cầm trong chốn lao tù đó đang chìm sâu vào tuyệt vọng và đánh mất phẩm giá của họ.”

Ngày nay, phong trào vận động nhân quyền cần phải soi ánh đuốc của niềm hy vọng đó cho toàn thế giới.

Tuy nhiên, việc truyền thông của các tổ chức nhân quyền hiện nay thường là mang cho người ta nhiều lý do để giận dữ và bi quan, hơn là làm cho người ta thêm hy vọng.

Như chúng ta có thể đọc trên các bích chương cổ vũ của Ân xá Quốc tế, khi họ trích dẫn lại một câu ngạn ngữ Trung Quốc: “Thà thắp lên một ngọn nến, còn hơn ngồi nguyền rủa bóng đêm”.

Khi bạn tổng hợp các nghiên cứu mới về truyền thông, bạn có thể thấy rằng có vẻ là mỗi khi chúng ta nguyền rủa bóng tối và kích thích nỗi sợ hãi, chúng ta đang đánh mất công chúng của mình.

Chúng ta cần thêm những ngọn nến.

Tại sao nhân quyền không thể phát triển mạnh khi không có hy vọng?

Phong trào nhân quyền bấy lâu nay đang chú trọng vào việc vạch trần các vi phạm luật nhân quyền quốc tế, vào việc bêu tên các chính quyền và doanh nghiệp đang vi phạm luật lệ.

Chúng ta có thể tiếp tục dựa vào các chiến lược “bêu tên” trong một thời đại mà các chính trị gia không còn biết xấu hổ không?

Nếu những năm vừa qua có thể dạy cho chúng ta điều gì, thì điều đó chính là: chỉ chú trọng vào luật pháp và thực thi luật pháp thôi là không đủ.

Như George Orwell đã viết trong bài tiểu luận “Tự do trong công viên” vào năm 1945 của ông:

“Thứ tự do tương đối mà chúng ta đang tận hưởng phụ thuộc vào công luận. Luật pháp không thể bảo vệ nó. Nhà nước làm ra luật, nhưng luật có được thực thi hay không, và cảnh sát hành xử thế nào, phụ thuộc vào tâm thế của cả nước.

Nếu có nhiều người quan tâm đến tự do ngôn luận, thì sẽ có tự do ngôn luận, ngay cả khi luật pháp cấm đoán tự do ngôn luận; nếu như công luận rề rà chậm chạp, các nhóm thiểu số đầy phiền phức sẽ bị ngược đãi, ngay cả khi có luật lệ bảo vệ họ”.

Một điều khác chúng ta được dạy chính là chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của tin vịt, của thứ sự thật truyền miệng, của sự lường gạt chính trị. Và trong một kỷ nguyên như thế, dữ kiện thực tế (facts) là không đủ.

Đặc biệt, phải biết rằng việc chúng ta nói với người khác là họ đang sai có thể thực ra càng làm họ củng cố thêm ý kiến của họ nếu như ý kiến trái chiều từ chúng ta mâu thuẫn với các giá trị và đức tin của họ.

Hiện tượng này được gọi là “thiên kiến xác nhận” (confirmation bias) và những người bàn luận về hiện tượng này đang cảnh báo chúng ta rằng chúng ta cần phải sử dụng cả cảm xúc và dữ kiện thực tế để chiếm lấy con tim và khối óc của công chúng.

Những câu chuyện kể tự chúng là không đủ nếu chúng ta không cẩn thận về cách chúng ta kể chuyện. Các nghiên cứu về hiện tượng “tê liệt trước thống kê lớn” cho thấy rằng rất khó để công chúng có thể cảm thông với nhiều người cùng lúc.

Do đó, để thuyết phục được công chúng, chúng ta cần phải làm cho nhân quyền trở nên phổ biến. Để làm điều đó, chúng ta cần nhiều hơn luật pháp, dữ kiện thực tế và các câu chuyện kể.

Thay vì tạo ra nỗi xấu hổ, chúng ta cần tạo ra hy vọng Nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học và tâm lý học tại Mỹ cho thấy rằng chúng ta phải kích thích được các cảm xúc tích cực thì mới có thể thuyết phục được nhóm công chúng “ở giữa” – những người còn đang chưa quyết định họ sẽ theo phe nào trong một cuộc tranh luận. Những người “ở giữa” này vẫn cảm thấy do dự trước các luận điểm khác nhau mà họ đã được nghe. Làm cách nào mà một phong trào – vốn có nhiệm vụ vạch trần các vi phạm nhân quyền khủng khiếp đang diễn ra mỗi ngày – có thể thích ứng để vượt qua thử thách đó? Kích thích các cảm xúc tích cực của công chúng? Câu chuyện của người tị nạn sau đây đã thay đổi cách tôi nghĩ về nhân quyền hiện nay Câu chuyện đó là về một người tị nạn tên Sara. Một ngày nọ, cảnh sát chìm đến gõ cửa nhà Sara và gia đình cô. Sara và chồng cô bỏ chạy. Họ thuê một kẻ buôn lậu giúp đưa họ băng qua núi để ra biên giới. Sau một chuyến đi dài và vất vả, kẻ buôn lậu đưa họ ra được đến biên giới, nhưng biên giới đó lại đang được ngăn cách bằng một hàng rào kẽm gai cao. Chính phủ nước đó đã đóng cửa biên giới và tìm cách đang tống những người như Sara đi đến những nơi khác. Sara đang mang thai, và chồng cô thì đang dần nản chí. Anh ta chuẩn bị quay về. Mầm sống trong bụng Sara tiếp thêm cho cô năng lượng để trèo lên hàng rào kẽm gai. Tay và chân cô đều chảy máu, nhưng Sara kiên trì bám trụ, và chồng cô đành đi theo cô. Sau khi đã sang được nước bên kia, đám lính biên phòng nước này thấy rằng họ không thể trục xuất một người phụ nữ đang có mang. Thế nên họ đưa Sara tới một đồn cảnh sát để cô điền giấy xin tỵ nạn cùng người chồng. Chồng cô đã điền lý do xin tỵ nạn như sau: “Bởi vì tôi là người Do Thái”. Đó là năm 1942. Sara Dawidowicz vừa trốn khỏi nước Pháp và lực lượng cảnh sát chìm phát-xít Gestapo. Cô đã băng qua dãy núi Alps để vào Thụy Sĩ. Cô trải qua những năm tháng chiến tranh sau đó trong một trại tỵ nạn ở phía Đông thành phố Geneva trong khi chồng cô thì làm việc trong một trại lao động. Cô sinh hạ đứa con trong thời gian đó.

Nếu Sara không sống sót, tôi không ở đây hôm nay. Sara là bà tôi.

Một câu chuyện đau thương? Hay một câu chuyện của hy vọng?

Giống như nhiều người làm việc trong lãnh vực vận động nhân quyền, việc nói ra những điều này không dễ dàng gì. Bởi vì lịch sử gia đình, tôi có một cách nhìn về thế giới căn bản là tiêu cực. Sự tiêu cực đó làm ảnh hưởng đến cách tôi truyền đạt thông tin.

Cho đến gần đây, tôi vẫn nhìn vào câu chuyện của bà tôi và xem đó là một lý do để nhìn thế giới một cách tiêu cực, bởi vì gần như toàn bộ gia đình bà tôi đã bị sát hại trong các trại tập trung.

Nhưng, như các nhà bảo vệ nhân quyền ngày nay đang tuyệt vọng nhìn vào tình hình các nước như Ai Cập hay Thổ Nhĩ Kỳ, khi chúng tôi được học, được biết nhiều hơn về sức mạnh của truyền thông tích cực, tôi nhận ra rằng tôi có thể nhìn câu chuyện của bà tôi theo một cách khác.

Tôi vẫn thấy nó là một câu chuyện đau thương. Nhưng bây giờ tôi còn thấy nó là một câu chuyện của sự sống còn, sau tất cả. Nó là một câu chuyện của sự không nản chí. Một câu chuyện của hy vọng.

Ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất, niềm hy vọng vẫn ở đó. Con người vẫn sống còn. Vậy nên bây giờ cũng phải có hy vọng. Bởi vì tôi còn có mặt ngày hôm nay chính là nhờ bà Sara đã từ chối đánh mất hy vọng.

Thực tế là câu chuyện của Sara nghe giống như là một câu chuyện năm 2017 cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần biết về tình trạng thế giới ngày nay.

Và đó, bây giờ bạn đã có thể hiểu được tại sao báo cáo thường niên năm 2017 của Ân xá Quốc tế lại nói về “một thế giới đang bị chia rẽ và nguy hiểm hơn”.

Thông điệp đó (của Ân xá Quốc tế) có phải là thông điệp có thể làm cho nhân quyền trở nên phổ biến hơn không?

Nghiên cứu của nhà ngôn ngữ học nhận thức và chuyên gia truyền thông Anat Shenker-Osorio cho thấy rằng cách truyền thông như thế có thể không phải là một phương cách đúng đắn về lâu dài. Shenker-Osorio phân tích rằng nói về nỗi sợ hãi và hiểm nguy làm cho con người ta bảo thủ và phòng thủ hơn.

Bạn chỉ có thể làm cho con người ta cởi mở tiếp nhận các phản ứng duy lý và thấu cảm bằng cách làm cho con người ta cảm thấy an toàn. Thay vì kích thích các cảm xúc tiêu cực như giận dữ và sợ hãi, chúng ta cần kích thích lòng quyết tâm, lòng cảm thông, và niềm hy vọng.

Dưới đây là bốn bước truyền đạt một cách tích cực về nhân quyền, nhằm giành được sự ủng hộ của công chúng.

Bước 1. Hy vọng, thay vì sợ hãi Để hiểu rõ rằng cách mà chúng ta truyền đạt ảnh hưởng đến người tiếp nhận thế nào, phải bắt đầu bằng khoa học cơ bản về não bộ.

Nỗi sợ hãi và các mối đe dọa kích thích các bản năng phòng thủ cơ bản và nguyên thủy trong não bộ, dẫn đến bộc phát các phản ứng phòng thủ chính trị.

Sự an toàn và trầm tĩnh, trái lại, kích thích các phần trên của não bộ, tạo ra suy nghĩ cảm thông và các bản năng chính trị mang tính cởi mở.

Vậy nên khi những nhà vận động nhân quyền nói về “một thế giới nguy hiểm hơn”, chúng ta đang kích thích một phản ứng sợ hãi. Mỗi khi chúng ta kích thích phản ứng sợ hãi là chúng ta đang thua. Và tôi đã làm điều đó suốt cả sự nghiệp của mình!

Các chuyên gia truyền thông Robert PerezAmy Simon đã viết chi tiết về việc áp dụng khoa học thần kinh vào các phong trào vận động như thế nào.

Họ nói về cách tránh kích thích phần “não tầng dưới” – phần kiểm soát các bản năng “đánh hay chạy” nguyên thủy của con người – và kích thích nhiều hơn phần “não tầng trên” nơi mà con người có thể có các cảm xúc thấu cảm cho người khác.

Michelle Obama đã đúng khi phát biểu rằng:

“Khi họ chơi xấu, chúng ta phải chơi đẹp” (When they go low, we go high.)

Một khảo sát ở Pháp cho thấy cử tri nào đang cảm thấy sợ hãi và giận dữ thì bầu cho các ứng cử viên chống người nhập cư như Francois Fillon và Marine Le Pen, trong khi những ứng cử viên nào cảm thấy hăng hái thì lại bầu cho ứng cử viên cấp tiến Emmanuel Macron.

Khó, nhưng chúng ta phải tìm ra cách kích thích cảm xúc tích cực: lòng cảm thông, niềm vui, lòng quyết tâm, tinh thần đoàn kết; thay vì sợ hãi, đe dọa và giận dữ.

Hãy nhìn vào thái độ của người dân với những người tị nạn. Nếu bạn hỏi người dân là họ có lo lắng về những người tị nạn vào nước họ không, họ sẽ nói có. Nhưng nếu họ đến gặp mặt một người tị nạn thì họ lại muốn giúp đỡ người tị nạn đó – đó chính là bản năng con người.

Và khi khảo sát toàn cầu Globescan hỏi người ta rằng họ có tin rằng những người đang chạy trốn chiến tranh và chạy trốn tình trạng bị ngược đãi có được quyền tị nạn hay không, người ta không chỉ trả lời có, họ còn nói rằng chính phủ của họ nên làm nhiều hơn để giúp đỡ người tị nạn.

Nhiều người sẵn sàng đón người tị nạn vào ở nhà họ. Bản năng con người luôn ở đúng chỗ, chính các cảm xúc con người mới là thứ cản đường. Nếu chúng ta nói chuyện về một cuộc khủng hoảng và người ta cảm thấy sợ hãi, họ sẽ tìm đến cảm giác an toàn thông qua việc ủng hộ một chính sách phòng thủ không hoan nghênh tị nạn.

Tại Ân xá Quốc tế, chúng tôi cũng có các nhóm đối tượng nghiên cứu của riêng mình. Trong các nhóm đó, người ta chia sẻ rằng họ không hiểu được động cơ của những người tị nạn và họ cảm thấy choáng ngợp vì cảm giác khủng hoảng và quy mô của vấn đề tị nạn. Họ không biết bằng cách nào mà vấn đề này có thể được giải quyết, vì thế họ ngừng ủng hộ người tị nạn.

Cách mà con người đưa ra quyết định là bằng các yếu tố duy lý và các yếu tố cảm xúc. Chính chúng ta là những người phải phá bỏ các rào cản để công chúng lắng nghe chúng ta rõ hơn – các rào cản đó là: sự kém hiểu biết của công chúng về vấn đề đang được nói đến, sự kém tin tưởng những người đang nói chuyện với công chúng, cảm giác gấp gáp của công chúng, và câu hỏi là câu chuyện kia có liên quan gì đến công chúng không. Trên hết, là câu hỏi chúng ta có thể làm gì với vấn đề đang được nêu.

Chúng ta phải làm cho công chúng có thể liên kết bản thân họ dễ dàng với người khác. Cho công chúng một đám đông, họ sẽ thấy sợ. Cho họ một cá nhân con người có thể là bất kỳ ai trong số công chúng đó, họ sẽ thấy cảm thông.

Vậy nên, thay vì tập trung vào một người tù nhân đang ngồi nhà lao, hãy cho thấy một người cựu tù nhân đang xây dựng lại cuộc đời.

Thay vì tập trung vào một người tị nạn đang sống những ngày tệ hại nhất trong trại tị nạn, hãy cho thấy một người tị nạn đang xây dựng một doanh nghiệp và đang chăm lo cho gia đình của người đó.

Cho công chúng thấy những khổ đau, nhưng mà cũng phải cho họ thấy rằng cuộc sống có thể khác biệt nến chúng ta chịu làm một điều gì đấy.

Trong trường hợp của tôi, câu chuyện của bà tôi không chỉ là câu chuyện về việc sống sót, nó còn là câu chuyện về cuộc đời mới mà bà xây dựng tại Pháp sau Thế Chiến.

Và đó là câu chuyện mà tôi vẫn đang viết tiếp tới bây giờ.

Bước 2. Thay đổi cách tranh luận và thuyết phục

Một hậu quả của cách nhìn thế giới tiêu cực của tôi chính là thỉnh thoảng tôi truyền đạt thông tin theo một cách “đốp chát”, tìm cách công kích các quan điểm không có lợi cho nhân quyền.

Nếu các chính phủ nói rằng nhân quyền là thứ làm cho xã hội bất ổn, bản năng của tôi là phải tìm cách cho thấy rằng việc thiếu nhân quyền sẽ làm cho xã hội kém an toàn như thế nào.

Nhưng khi làm điều đó, tôi đang mặc định là cả cuộc tranh luận sẽ bị đóng khung vào vấn đề an toàn xã hội. Vấn đề này lại kích thích phản ứng sợ hãi trong công chúng, bất kể là các luận điểm duy lý trong tranh luận có mang tính thuyết phục đến đâu đi chăng nữa.

Bây giờ thì chúng ta đã biết rằng các cảm xúc tiêu cực sẽ khiến công chúng không ủng hộ các quan điểm của chúng ta. Vậy nên việc tối quan trọng phải làm là kiểm soát được cuộc tranh luận, và thay đổi cách kể chuyện để cho chúng ta có thể nói về xã hội mà chúng ta đang sống, thay vì chỉ nói về những mối đe dọa xã hội đó.

Hãy tự hỏi bản thân: Nhân vật nào trong bộ phim trên là hiện thân rõ rệt nhất của phong trào nhân quyền ngày nay? Và nhân vật nào sẽ được công chúng lắng nghe nhất?

Chúng ta không thể phụ thuộc vào mẫu tường thuật “chính phủ x làm các điều xấu và vi phạm nhân quyền”.

Người ta tin rằng ai ai cũng nên có nhân quyền, nhưng họ thường hiểu các vấn đề nhân quyền theo một cách hời hợt. Nhân quyền không phải là một lăng kính mà qua đó người ta quan sát thế giới và diễn giải các sự kiện của thế giới.

Ngay cả khi người ta tin rằng nhân quyền là quan trọng, nhân quyền cũng chỉ là một phần nhỏ trong hệ giá trị của con người.

Chúng ta cần xây dựng các câu chuyện của mình để làm cho công chúng thấy rằng những giá trị cơ bản nhất, căn cơ nhất, những giá trị quan trọng nhất đối với họ có liên quan đến nhân quyền.

Đó là lý do tại sao phong trào cấp tiến thành công nhất của thế kỷ 21 lại là phong trào ủng hộ bình đẳng cho hôn nhân đồng giới. Phong trào này đã thay đổi cách tranh luận, chuyển từ việc tập trung vào khía cạnh phân biệt đối xử và mất quyền con người, sang tập trung vào tình yêu, sự bình đẳng, và gia đình.

Cái khung ít mang tính chính trị mà nặng tính riêng tư và rất con người này đã giúp cho các ngôi sao giải trí, ngôi sao thể thao và công chúng cảm thấy dễ ủng hộ phong trào hơn. Cái khung đó còn giúp cho cả những người vốn tin rằng hôn nhân đồng giới đi ngược lại tôn giáo của họ phải cảm thông với một cặp đồng giới vốn yêu nhau và chỉ muốn được sống cùng nhau.

Nếu như phong trào ủng hộ đa dạng thiên hướng tình dục và bản dạng giới (LGBTQI) có thể đạt được những thành tựu chưa từng có như thế bằng cách thay thế thông điệp “quyền kết hôn”, thì điều đó có ý nghĩa thế nào cho các phần còn lại cả phong trào nhân quyền?

Có lẽ là chúng ta cần tập trung vào phần “nhân” nhiều hơn phần “quyền”. (ở đây tôi cũng đang vay mượn nhiều từ các nghiên cứu nhận thức ngôn ngữ rất hay của Anat Schenker-Osorio – hãy mua sách của cô ấy!)

Chúng ta có thể chưa tìm ra những từ ngữ thích hợp cho các cái “khung” mới này. Nhưng hãy bắt đầu bằng việc nói về cách mà chúng ta có thể được làm chính mình, được nói những điều chúng ta tin tưởng, được yêu những người chúng ta muốn yêu, và được sống một đời tự do.

Bước 3. Cho công chúng thấy bức tranh tương lai

Nếu muốn định hướng cuộc tranh luận theo cách chúng ta muốn, cần làm rõ hơn chúng ta đang đấu tranh vì cái gì.

Chúng ta cần cho công chúng thấy được một thế giới mà ai ai cũng có nhân quyền sẽ như thế nào.

Thoạt nghe thì có vẻ ngây thơ đó. Nhưng công chúng làm sao mà tham gia cùng chúng ta được nếu chúng ta không nói cho họ biết chúng ta đang tranh đấu vì cái gì đó, chứ không phải chỉ là tranh đấu chống cái gì đó.

Chúng ta cần cho công chúng thấy chúng ta đang tranh đấu cho một thế giới tích cực hơn.

Đừng nên sử dụng những hình ảnh song sắt nhà tù và dây thòng lọng xiết cổ nữa. Những hình ảnh dây thòng lọng xiết cổ chỉ làm người ta nhớ đến việc họ sẽ phải chết một ngày nào đó. Điều này chỉ làm cho người ta nghe theo các chính trị gia hứa hẹn đấu tranh gay gắt với tội phạm mà thôi.

Khi nói về công lý, chúng ta cần một hình ảnh của công lý. Một hình ảnh đôi bàn tay xiết chặt song sắt nhà tù là hình ảnh của sự bất công.

Cuốn sách hay nhất viết về truyền thông là cuốn sách đầu tiên được viết về ngành này. Năm 1922, trong cuốn Quan hệ Công chúng  (Public Relations), Walter Lippmann viết về “Thế giới bên ngoài và các hình ảnh trong đầu chúng ta”:

“Để cho cái tình thế xa xa ngoài kia không chỉ trở thành một ánh đèn lập lòe bên rìa ý thức con người, tình thế đó phải có khả năng được truyền tải thành những hình ảnh có thể được nhận diện… Hình ảnh đã luôn là cách chắc chắn nhất để truyền tải ý tưởng, đứng thứ hai sau hình ảnh chính là các từ ngữ có thể gợi lên các hình ảnh trong trí nhớ con người”.

Các tay dân túy có thể dễ dàng gợi cho các cử tri nhớ lại quá khứ bởi vì chúng ta đều có khả năng tìm lại một hình ảnh quá khứ trong đầu mình. Việc vẽ ra một hình ảnh tương lai khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng chúng ta phải cố gắng.

Năm 1988, khi nước Chile tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc có nên cho nhà độc tài Pinochet tiếp tục tại vị hay không, phe đối lập với Pinochet đã dũng cảm quyết định tổ chức phong trào của họ dựa trên một tầm nhìn tích cực về tương lai, thay vì dựa trên những điều rùng rợn mà chính thể của Pinochet đã gây ra.

Học tập từ Chile, các chiến dịch cổ xuý nhân quyền phải cho thấy rằng chúng ta đang ủng hộ không chỉ là từ vấn đề nhân quyền này sang vấn đề nhân quyền khác, mà phải cho thấy rằng chúng ta đang ủng hộ một thế giới nơi ai ai sinh ra cũng tự do và bình đẳng.

Các tổ chức nhân quyền cần phải coi việc truyền đạt được những cảm xúc tích cực thành một trọng tâm chiến lược: chúng ta cần tìm và chia sẻ những câu chuyện khiến cho công chúng cảm thấy an toàn, cảm thấy dễ cảm thông và trên hết, cảm thấy vui vẻ.

Nếu lắng nghe những chuyên gia về truyền thông cho các phong trào vận động xã hội như Anat Schenker-Osorio, Robert Perez và Amy Simon, chúng ta sẽ biết rằng những giây phút vui vẻ cũng quan trọng ngang những giây phút buồn bã và giận dữ.

Nghiên cứu nội bộ của Ân xá Quốc tế cho thấy rằng nhân quyền thường được xem là một thứ nặng nề và mang tính chính trị. Vậy nên người dân thường khó mà có thể cởi mở với nhân quyền, tiếp nhận nhân quyền và tham gia bảo vệ nhân quyền.

Người dân cần phải thấy được là chúng ta đang đấu tranh vì cái gì, vì những phút giây vui vẻ trong sáng như cái giây phút các nhà hoạt động Fred và Yves của nước Congo được trả tự do sau một chiến dịch vận động lâu dài.

Cách tiếp cận này có nhiều hàm ý quan trọng cho cách vận hành của các tổ chức nhân quyền. Chúng ta cần nghiên cứu nhiều hơn các cộng đồng nào đang phát triển mạnh vì họ biết tôn trọng nhân quyền. Chúng ta cần những câu chuyện về những thay đổi tích cực, về những cộng đồng sung túc và ổn định, về những lực lượng cảnh sát biết bảo vệ người dân, về sự đa dạng và khoan dung.

Chúng ta cần phải kể một câu chuyện về cách nhân quyền thay đổi cuộc sống, sao cho câu chuyện đó phải làm công chúng cảm thấy nó có liên quan đến họ, nó đáng tin tưởng và nó có khả năng thành công, sau tất cả.

Bước 4. Nuôi dưỡng và khích lệ phần thánh thiện trong mỗi con người

Khả năng dùng việc ác quỷ hóa (demonization) để phá hoại nhân quyền là rất đáng sợ.

Trí tuệ nhân tạo có thể đưa những mẩu quảng cáo đến người dùng mạng xã hội dựa vào cá tính của họ. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo như thế, nếu rơi vào bàn tay những kẻ bất lương, có thể bị lợi dụng để khiến công chúng sợ hãi và không còn tin tưởng những nhóm dân thiểu số nữa.

Chúng ta không nên chấp nhận rằng con người cần phải được phân chia dựa theo sắc tộc, chủng tộc và quốc tịch.

Con người thấy rằng bản thân họ là con người trước nhất, theo một thăm dò giới trẻ sinh sau năm 2000 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi đầu năm 2017. Như báo cáo thăm dò này nói: “Những người trẻ cảm thấy rằng họ đoàn kết đơn giản nhờ vào thực tế là họ đang tồn tại cùng nhau trong một thế giới. Cả ở tầm cá nhân và tầm tập thể, họ đều chia sẻ những lo lắng và ước vọng giống nhau. Đối với họ, sắc tộc của họ là sắc tộc loài người.”

Vậy nên những kết quả nghiên cứu từ ngành khoa học thần kinh và từ nhóm HeartWired là lời nhắc nhở kịp thời rằng công tác nhân quyền cần phải nhắm tới việc xây dựng một cảm giác về nhân loại chung.

Trong một bài phát biểu ngắn vận động các chính quyền Châu Âu tiếp nhận người tị nạn, thuyền nhân Việt Nam vào năm 1981, Michel Foucalt đã định nghĩa nhân quyền là quyền và trách nhiệm của công dân ở khắp mọi nơi. Đó là quyền và trách nhiệm phải đối mặt với chính phủ khắp mọi nơi về những khổ đau mà các chính phủ đó đang gây ra:

“Ân xá Quốc tế, tổ chức Terre des Hommes, và Hiệp hội Bác sĩ Thế giới là những sáng kiến góp phần tạo ra quyền mới này: quyền của mỗi cá nhân được phép can thiệp một cách tích cực và quan trọng vào trật tự của chính trị quốc tế cùng chiến lược của nó.”

Nhưng, quyền này chỉ hữu dụng nếu như người ta sẵn sàng sử dụng nó.

Làm sao có thể nuôi dưỡng những bản năng thánh thiện nhất trong mỗi chúng ta?

Sẽ không có ích gì nếu chỉ bảo với người ta rằng quan điểm của họ là sai lầm, là phân biệt chủng tộc.

Thế thì chúng ta nên làm gì? Chúng ta đưa họ đi cùng trên một hành trình. Chúng ta cho họ thấy những người giống họ đã vượt qua được các định kiến vô thức của họ như thế nào, đã vượt qua những nỗi sợ hãi lo ngại như thế nào, và đã thay đổi suy nghĩ như thế nào.

Một bài học ở đây chính là những người đang kể chuyện cho nhóm “ở giữa” không nên lúc nào cũng phải là những chuyên gia, những nhà hoạt động và những nạn nhân bị xâm phạm nhân quyền, và chắc chắn không nên lúc nào cũng là những người nổi tiếng.

Những người kể chuyện cho nhóm công chúng “ở giữa” còn phải là những con người bình thường, cũng giống như nhóm công chúng đó, nhưng họ đã đi qua một hành trình mà nhóm công chúng đó cũng có thể đi qua.

Đó là lý do tại sao video mạnh mẽ nhất và thành công nhất của Ân xá Quốc tế trong nhiều năm qua là một video đơn giản cho thấy những người tị nạn và người dân địa phương cùng chăm chăm nhìn vào mắt nhau trong bốn phút.

Video: Nhìn Xuyên Biên Giới, một thử nghiệm video gây xúc động cho thấy các rào cản được gỡ bỏ giữa những người tị nạn mới đến (từ Syria và Somalia) và những dân địa phương ở Bỉ, Ý, Đức, và Anh. Được Ân xá Quốc tế chi nhánh Ba Lan và công ty dịch vụ quảng cáo DDB&Tribal thuộc Ba Lan sản xuất.

Việc đang được nói đến ở đây không phải chỉ là việc mua quảng cáo và giáo dục người khác thế nào. Việc đang được nói ở đây chính là phải lắng nghe con người theo một cách tốt hơn.

Tin vịt và thứ chính trị muốn tìm cách ác quỷ hóa con người đang có tác động nguy hiểm bởi vì chúng sử dụng thông tin cá nhân của người dùng mạng xã hội để tuyển chọn và truyền đến họ những thông điệp lợi dụng cảm xúc và tính cách cá nhân họ.

Chúng ta phải hiểu tâm thế cảm xúc con người, họ đang cảm thấy thế nào, họ đang lo lắng gì, để chúng ta có thể đưa họ đến một trạng thái nơi họ có thể thấu cảm với người khác và dần dần cởi mở với những người cùng giống loài với họ.

Chúng ta phải tổ chức bàn luận và tranh luận để hiểu thêm về các niềm hy vọng và những nỗi sợ hãi của con người. Chúng ta cần sử dụng các nhóm đối tượng nghiên cứu (focus group) – cho dù họ có thể chỉ là một nhóm bạn thân của ta – để nhìn ra là cách kể chuyện của chúng ta có dễ hiểu không, và những câu chữ của chúng ta có kích thích được các cảm xúc tích cực hay không.

Nếu như con người có thể bị thao túng đến mức sợ hãi và ghét bỏ những người họ chưa bao giờ gặp, thì tại sao họ không thể được khuyến khích để yêu thương và giúp đỡ những người họ chưa bao giờ gặp?

Zadie Smith đã viết về thử thách đó một cách rất đẹp trong tiểu luận Bàn về sự lạc quan và sự tuyệt vọng. Tiểu luận này được viết ngay sau khi Donald Trump trúng cử tổng thống Mỹ năm 2016:

“Nếu như những tiểu thuyết gia biết bất cứ điều gì về con người thì đó là họ biết rằng con người đều đa nguyên từ-bên-trong: mỗi con người đều có một phổ những khả năng ứng xử khác nhau.

Họ như những bản nhạc phức tạp mà từ đó các nhạc công có thể chơi lên những giai điệu này và lờ đi hay giảm xuống những giai điệu khác. Giai điệu nào được chơi tùy thuộc phần nào vào người đang điều khiển dàn nhạc.

Ở thời điểm này, trên khắp thế giới – và gần đây nhất là tại Mỹ – các nhạc trưởng đang đứng trước dàn nhạc nhân loại này chỉ nghĩ đến những giai điệu xấu xí và tầm thường nhất. Những ai sống ở Đức có thể nhớ đến những giai điệu hiếu chiến đó; chúng chưa hẳn là những ký ức xa xôi. Thực ra thì có nơi nào trên thế giới mà những giai điệu đó chưa bao giờ được chơi ít nhất một lần đâu. Những ai trong chúng ta còn nhớ được những giai điệu đẹp đẽ hơn những giai điệu đó, thì phải cố gắng mà chơi những giai điệu đẹp đẽ đó, và nếu có thể, thì động viên những người khác cùng hát theo”.

Cẩm nang “tìm nắng trong mưa”

Phải nói rõ: các tổ chức nhân quyền cần phải điều tra và vạch trần các vi phạm nhân quyền. Nhưng khi chúng ta trình bày các kết quả tìm kiếm của mình, chúng ta cần nói cả về những cơ hội lẫn những hiểm họa, về cả giải pháp lẫn vấn đề.

Bất cứ khi nào bạn nói về nhân quyền, hãy tự hỏi bản thân các câu hỏi sau:

  • Bạn có đang nói rõ là bạn ủng hộ cái gì, thay vì chỉ là chống cái gì?

  • Bạn có đang vận động cho một giải pháp không, hay chỉ đang vận động chống lại một vấn đề nào đấy?

  • Bạn chỉ đang cảnh báo về các hiểm họa, hay cũng đang chỉ ra những cơ hội?

  • Bạn đang bảo công chúng là họ cần phải giận dữ và lo sợ, hay bạn đang bảo họ rằng có lý do để hy vọng và quyết tâm?

  • Bạn đang bảo công chúng nên nghĩ cái gì, hay bạn đang kể cho công chúng biết là bạn đi đến những kết luận của bạn như thế nào và công chúng có thể làm gì để đi qua hành trình mà bạn đã đi đó?

  • Bạn đang chỉ nói về những nạn nhân, hay bạn cũng đang nói về những người hùng đời thường?

Cách thức này là khó cho một phong trào gồm toàn những con người, giống như tôi đây, vốn quyết tâm đảm bảo rằng là những vi phạm nhân quyền tệ hại nhất không bao giờ xảy ra nữa, rằng là bất công phải được vạch trần cho cả thế giới thấy.

Nghĩa vụ của chúng ta trong phong trào nhân quyền không chỉ là vạch trần sự áp bức, mà còn phải là cho người dân hy vọng.

Chúng ta cần phải chứng tỏ là chúng ta có thể làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn.

Thế giới càng đen tối, ngọn nến càng phải sáng hơn. Tình cảnh càng tuyệt vọng, giá trị của hy vọng càng lớn hơn.

T.C. Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2018/12/gieo-niem-hy-vong-thay-vi-su-so-hai-mot-cach-truyen-thong-moi-ve-nhan-quyen/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn