Thoát Trung mà thoát cái gì? Ý kiến về cách tổ chức đấu tranh cách mạng

Nguyễn Quang Duy

Thứ sáu tuần rồi 23/8/2019, một người bạn của tôi là từ Hoa Kỳ sang thăm có kêu gọi tôi ủng hộ phong trào thoát Trung do tổ chức anh đang vận động.

Tổ chức của anh là một tổ chức đấu tranh cách mạng, theo chủ thuyết nhân bản, thành lập tại Hoa Kỳ vào năm 1992.

Xin nêu rõ điều này để tránh hiểu lầm với các tổ chức khác vì những điều tôi góp ý là nhìn chung cho các tổ chức đấu tranh cách mạng.

Cảm thấy cuộc trò chuyện khá thú vị tôi xin viết lại cũng vừa để ghi nhớ vừa để chia sẻ cùng bạn đọc.

Nhân bản kiểu cách mạng

Chữ nhân bản có hai nghĩa và khá thú vị là hai nghĩa lại có phần đối nghịch. Nghĩa thứ nhất là sinh sản hay sao chép.

Thí dụ con giống cha không thể giống ông hàng xóm hay nhân bản tế bào gốc con trừu thì thành con trừu dolly, không thể thành con bò hay con heo.

Bởi thế nhân bản của cách mạng Liên Xô thì ít nhiều cũng phải giống với mô hình Liên Xô.

Mô hình này được cả đảng cộng sản và đảng quốc dân Trung Hoa học hỏi và sử dụng.

Không may nó lại được người Việt, cả quốc gia và cộng sản, học rồi mang về Việt Nam sử dụng.

Bởi thế người cách mạng Việt vừa mang màu sắc Liên Xô lại vừa mang màu sắc Trung Hoa. Nhưng rất khó để họ thấy được mầu sắc vì nó đã in sâu vào tư tưởng.

Rồi mô hình này theo đoàn người Việt tỵ nạn mang sang Hoa Kỳ sau 30/4/1975. Thế hệ trước truyền lại thế hệ sau và vẫn rất phổ biến trong sinh hoạt các tổ chức đấu tranh.

Vì thế phương cách tổ chức đấu tranh cách mạng của người Việt đều rất giống nhau dù là người quốc gia hay người cộng sản, trong nước hay hải ngoại.

Hồi còn đi học, tôi biết 2 anh, 1 là tiến sỹ khoa học và 1 là kỹ sư. Cả 2 đều gia nhập một tổ chức cách mạng lớn cũng xuất phát từ Hoa Kỳ.

Một hôm tôi hỏi anh kỹ sư: “Sao tôi thấy mấy ông khi nói về đấu tranh là nói y chang nhau?”

Anh kỹ sư vui vẻ khoe: “Chung tổ chức, chung tài liệu“.

Tôi chia sẻ: “À thì ra các ông đã ‘trả bài’ cho tôi, thảo nào có dư luận các ông tuyên truyền theo kiểu cộng sản”.

Trở lại với bạn tôi anh thuộc một tổ chức đấu tranh cách mạng nên cách nói cũng y chang tài liệu.

Hai lần trước gặp nhau, nghe anh “trả bài” về chủ thuyết nhân bản, còn lần này anh tới để kêu gọi tôi hỗ trợ phong trào thoát Trung do tổ chức anh đang vận động.

Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn, xin google hai chữ “thoát Trung” sẽ tìm được rất nhiều tài liệu, từ câu chuyện “bí mật Thành Đô” tác giả Kami đến những tranh luận nghiêm túc đang diễn ra trong nội bộ Văn đoàn Độc Lập Việt Nam.

Như thế sẽ thích thú hơn nên xin phép đi thẳng vào cuộc đối thoại của chúng tôi.

Lê Lợi 25 năm phục quốc…

Bạn tôi cho biết mấy năm nay anh đi Úc, đi Âu, đi Á và đi nhiều tiểu bang Hoa Kỳ để vận động cho việc giải thể cộng sản và bây giờ thấy cần thiết xây dựng phong trào thoát Trung.

Tôi hỏi thế anh đã gặt hái được kết quả gì?

Anh chân thành trả lời đã gặp chừng 200 anh em, nhưng chỉ như mới bắt đầu và cũng chỉ là số không.

Tôi hỏi, thế người Tây Phương thường xuyên đánh giá công việc bằng kết quả rồi rút tỉa, học hỏi và điều chỉnh chiến thuật và chiến lược, có bao giờ anh nghĩ nên học hỏi cách làm việc của họ không?

Anh không trả lời câu hỏi của tôi, mà nói về Lê Lợi 25 năm trường kỳ kháng chiến chống quân Minh.

Tôi chia sẻ chỉ 10 năm thôi. 15 năm đầu Lê Lợi đã cộng tác với quân Minh. Hiện còn sắc dụ của vua Nhân Tông nhà Minh phong chức Tri phủ Thanh Hóa cho Lê Lợi.

Còn 10 năm kháng chiến để không bị tiêu diệt, Lê Lợi nhiều lần phải trá hàng.

Thậm chí khi bị bao vây không còn đường rút, Lê Lợi phải kêu gọi tướng sỹ tình nguyện mặc hoàng bào để cứu ông thoát chết. Nên mới có chuyện Lê Lai cứu Chúa.

Khi đã cầm quyền, triều đại nhà Lê tiêu diệt những bậc công thần, bởi thế mới có chuyện Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc.

Anh hỏi, thế có phải tôi nghĩ bên trong đảng Cộng sản có người như Lê Lợi?

Tôi không biết và không nói thế. Tôi chỉ chia sẻ nhận xét khách quan về vua Lê Lợi và bài học kiên trì 25 năm kháng chiến anh đưa ra.

Việt Minh cướp chính quyền…

Tôi chia sẻ với anh câu chuyện về “cách mạng mùa thu” xảy ra cách nay đúng 74 năm, ngày 19/8/1945, có liên quan hơn.

Nhật đầu hàng Đồng Minh, tại Hà Nội khi ấy các đảng cách mạng quốc gia có cả ngàn đảng viên với vũ trang đầy đủ nhưng không bắt lấy thời cơ để cầm quyền.(1)

Chủ lực quân cộng sản khi đó vẫn còn trên Pắc Bó, với chỉ vài tay súng cộng sản đã cướp được chính quyền.

Ít lâu sau cộng sản tiêu diệt các đảng cách mạng quốc gia, các lãnh tụ quốc gia nếu không bị giết cũng phải trốn sang Tàu.

Cộng sản tuyên truyền rằng các đảng quốc gia thất bại vì tư tưởng tiểu tư sản, cách mạng cải lương theo tôi có phần đúng.

Trong khi người cộng sản đặt quyền lực và quyền lợi làm động lực chính cho đấu tranh cách mạng và như thế phải nắm được quyền lực, thì người cách mạng quốc gia thường né tránh bàn đến quyền lực và quyền lợi.

Từ bài học thế hệ đi trước, chúng ta cần xét lại con đường cách mạng mấy chục năm qua kiên trì đeo đuổi.

Chuyện gì sẽ xảy ra?

Anh hỏi, thế theo tôi thì vận nước xoay chuyển thế nào và tôi thấy phải làm gì?

Tôi trình bày 30 năm trước không ai đoán cộng sản Đông Âu và Liên Xô liên tiếp sụp đổ.

Thương chiến Mỹ-Trung ngày càng khốc liệt, biểu tình Hồng Kông liên tục diễn ra, tranh chấp Biển Đông và bãi Tư Chính càng lúc càng nóng lên, sớm muộn cũng có thay đổi lớn ở Việt Nam.

Sức chúng ta có giới hạn, vì thế nên tập trung cho những việc sẽ xảy ra tại Việt Nam để đất nước có được tự do dân chủ thay vì dồn sức xây dựng phong trào "thoát Trung".

Đồng tiền hai mặt

Bạn tôi đưa ra hình ảnh 2 mặt đồng tiền, một mặt là "thoát Trung" mặt khác là "thoát cộng".

Còn theo tôi "thoát Trung" chỉ là một trong rất nhiều vấn đề “đa nguyên” cần được tranh luận để sửa soạn cho tương lai Việt Nam.

Nhiều việc cần làm hơn nhiều, cần ưu tiên công sức có giới hạn cho những việc cần làm, thay vì tập trung xây dựng phong trào và theo kinh nghiệm cá nhân phong trào thường không mang lại kết quả cụ thể.

Phong trào càng lớn càng chóng tàn. Người của phong trào tới với nhau thường chỉ với một số quan tâm cá biệt như “thoát Trung”, nhưng con người thì đa nguyên đa dạng nên khi phong trào tan lại thường tạo ra hậu quả không hay.

Xây dựng Cộng đồng địa phương

Bạn tôi có trao đổi về về vận động biểu tình ở địa phương. Ý kiến của tôi là muốn tổ chức biểu tình có thực lực cần xây dựng Cộng đồng địa phương và sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm tổ chức biểu tình với Ban Chấp hành.

Các tổ chức cách mạng thường làm ngược lại, nghĩa là Trung ương ở Hoa Kỳ quyết định phát động biểu tình các cơ sở địa phương vận động Ban Chấp hành tại Úc.

Nếu được đồng thuận thì tốt còn không được thì cần hiểu rằng Cộng đồng điều hợp nhiều tổ chức và chịu trách nhiệm trước đồng hương.

Nên quyết định của một tổ chức chỉ là quyết định cá nhân tổ chức đó. Đây là nguyên tắc cơ bản của dân chủ cần hiểu và thực hiện tốt nguyên tắc này.

Đương nhiên không ai cấm tổ chức đó đơn phương tổ chức biểu tình, nhưng nên cân nhắc mặt tiêu cực của nó và phương cách đấu tranh cách mạng như thế có còn thích hợp ở hải ngoại hay không?

Ưu tiên của "thoát Trung" là gì?

Theo tôi cần thiết nhất là phải thoát khỏi ảnh hưởng của tư tưởng cách mạng ăn sâu vào đầu óc của những người đấu tranh chống cộng.

Tôi từng chứng kiến những tổ chức đấu tranh trước đây rất lớn nhưng dần dần tan rã cũng chỉ vì không chấp nhận đa nguyên nội bộ.

Thế giới đang thay đổi, cộng đồng hải ngoại ngày càng phát triển, giới trẻ đang thay thế chúng ta, nên cách suy nghĩ và hành động nhất nguyên, một chiều, thiếu dân chủ là tự cô lập chính mình.

Làm sao để “thoát Trung”

Ở Mỹ đang tranh cử Tổng Thống 2020, hơn 20 ứng cử viên đảng Dân Chủ đang công khai tranh cãi về đường lối về chính sách để thu hút đảng viên dồn phiếu cho mình.

Chúng ta đang sống trong các quốc gia dân chủ tại sao không học hỏi để chuyển đổi phương cách tổ chức từ cách mạng chuyển sang chính trị?

Sao không lấy việc công khai tranh luận về đường hướng đấu tranh, về chiến thuật, về chính sách, về chiến lược để xây dựng hướng đi?

Sao không lấy việc cạnh tranh quyền lực lãnh đạo một cách công khai và dân chủ làm nền tảng phát triển tổ chức?

Cách mạng là thay đổi tận gốc. Đáng tiếc sống ở hải ngoại mà nhiều tổ chức cách mạng không dám tự cách mạng tổ chức cho thích hợp với thời cuộc.

Kiên định đến chết

Tôi chưa nghe người đấu tranh nào thực lòng lên tiếng “thay đổi không thì chết!”, nhưng lại chứng kiến nhiều tổ chức đang chết từ từ hay đã chết nhưng không được chôn.

Tôi từng công khai trao đổi với nhiều nhân vật lãnh đạo các tổ chức đấu tranh ở Mỹ về nhu cầu phải thay đổi để thích ứng với thời cuộc.

Thậm chí tôi đã 3 lần thẳng thắn và công khai góp ý Tổng Bí thư của một đảng cách mạng được xem là lớn nhất hải ngoại, là nếu họ vẫn đeo theo “lối mòn chính trị” mấy chục năm nay thì họ không thể đối thoại được với những người đấu tranh không cùng tổ chức.

Nếu thế thì mô hình cách mạng theo kiểu bàn tròn Ba Lan (mà ông ấy mơ ước) sẽ không bao giờ xảy ra. Ông ta nhìn nhận và cho biết sẽ có lúc phải thay đổi.

Mấy năm rồi chờ đợi nhưng thật đáng tiếc mọi việc vẫn như cũ.

Nhân bản nghĩa thứ hai

Nhân bản lấy con người làm gốc, chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt cá nhân, có như thế mới giúp phát huy môi trường đa nguyên chính trị.

Như thế đa nguyên, nhân bản và dân chủ chỉ tồn tại bên trong các đảng chính trị.

Có như thế thì đường lối, chính sách, chiến lược mới có thể công khai, minh bạch và nhanh chóng thay đổi thích hợp nhất với thời cuộc.

Có như thế các tổ chức có đường lối, chính sách, chiến lược khác nhau mới công khai đối thoại với nhau, mới hiểu, mới phân chia công việc và chia sẻ trách nhiệm đấu tranh chung.

Có như thế thì các tổ chức chính trị mới dễ dàng hòa giải khi gặp bất đồng, cùng nhau xây dựng đồng thuận.

Có như thế thì các tổ chức chính trị mới gắn bó xây dựng Cộng đồng địa phương, nhận trách nhiệm chủ lực cho các công tác đấu tranh.

Có như thế các tổ chức đấu tranh mới tạo được niềm tin cho quần chúng và thành công trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam.

Con đường tôi đeo đuổi bấy lâu nay là vận động thành lập một Quốc hội Lập hiến, soạn một Hiến pháp mới và thiết lập một thể chế tự do dân chủ cho Việt Nam.

Thực tế đau lòng…

Thực tế là người đấu tranh hải ngoại thường tránh né tranh luận, thậm chí che đậy những khác biệt cơ bản.

Kết quả là việc ai nấy làm, ai làm người ấy chịu, chẳng ai tin ai và vì thế càng ngày chúng ta ngày càng “già” và càng “yếu”, trong khi đất nước thì càng ngày càng lụn bại.

Điều tôi lo ngại nhất là thay đổi tại Việt Nam chỉ dẫn tới một thể chế độc tài không cộng sản.

Vì chỉ có những cá nhân và tổ chức thực sự đa nguyên chính trị mới có thể xây dựng được một thể chế tự do dân chủ cho Việt Nam.

Kết thúc câu chuyện…

Ngay hôm sau tôi nhận được email bạn tôi như sau: “Rất vui đã được gặp lại anh Duy tại Melbourne. Trao đổi, tâm tình suốt gần 4 tiếng rất thú vị và chúng ta hiểu thêm về nhau hơn.”

Tôi trả lời email anh: “Cám ơn anh, tôi cũng cảm thấy khá thú vị để viết 1 bài tặng anh. Khi viết xong tôi sẽ gởi bản nháp anh đọc trước để xem có gì cần sửa đổi trước khi phổ biến.”

Câu chuyện của chúng tôi thú vị hay không là tùy tâm tình bạn đọc trước những chuyển biến đang xảy ra trên thế giới và tại Việt Nam.

Thiết tưởng đã đến lúc chúng ta cần thẳng thắn trao đổi ý kiến, tôi hứa sẽ trả lời và nếu thấy đủ ý để viết thành một bài khác tôi sẽ viết.

N.Q.D.

Mọi ý kiến xin gởi về email uyact@yahoo.cdom.au

Melbourne, Úc Đại Lợi

27/8/2019

Tác giả gửi BVN

(1) Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước 1945, dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp, không đảng phái bí mật nào ở Việt Nam có đủ trang bị súng ống và có đến hàng ngàn đảng viên như tác giả nói - Chú thích của BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn