Lịch sử có bị xuyên tạc?

Mai Thanh Sơn 

Phần I

Trong hình ảnh có thể có: 3 người, bao gồm Minh Tường Hoàng và Nguyen Dang Hung, mọi người đang ngồi và trong nhà

Trong năm 2019 đã diễn ra một số hoạt động nhằm vinh danh chữ Quốc ngữ Tôi không biết hết tất cả các thông tin về những hoạt động này, nhưng ít nhất biết được rằng, đã có những cuộc hội thảo xung quanh sự hình thành và phát triển của chữ Quốc ngữ được tổ chức ở Bồ Đào Nha, ở thành phố HCM và Hà Nội. Gần đây nhất, trong 2 ngày – 28 và 29/12/2019 – tại Đà Nẵng, Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng phối hợp cùng Công ty Tao Đàn Thư quán đã tổ chức Hội thảo Quốc tế “100 năm chữ Quốc ngữ”. Theo đánh giá của các nhà tổ chức và một số đại biểu tham dự, cuộc Hội thảo được tổ chức ở Đà Nẵng thành công ngoài mong đợi. Sau 4 phiên thảo luận trong ngày 28/12/2019 (với gần 200 người tham dự, trong đó có một số học giả đến từ Bồ Đào Nha, Pháp, Mỹ), ngày 29/12/2019, các đại biểu có tham luận đã đi thực địa và tiến hành một số hoạt động giao lưu học thuật tại thị xã Điện Bàn và thành phố Hội An (Quảng Nam).

Tuy nhiên, ngay trong ngày 29/12/2019, nhà thơ Ly Doi đã có bài viết, được nhiều người chia sẻ, kết tội khá nặng những cuộc hội thảo xung quanh chủ đề “100 năm chữ Quốc ngữ”. Tác giả đưa ra câu hỏi “Chữ Quốc ngữ - chỉ 100 năm thôi ư?”, và lấy đó làm tiêu đề bài viết của mình. Trong bài viết, ông đưa ra nhiều dẫn chứng/lập luận để chứng minh rằng, những người tổ chức đã sai khi xác định chữ Quốc ngữ chỉ có 100 năm. Ông kết tội các nhà tổ chức hội thảo “Nịnh bợ một quyết định có tính chính trị và hành chính, mà phủ nhận phát kiến, công lao của những nhà truyền giáo, nhà ngôn ngữ, nhà văn, nhà báo và cả những chứng nhân tiền phong làm nên chữ quốc ngữ.”, và ông than vãn “Một lần nữa, lịch sử đã bị xuyên tạc trắng trợn”. Quan điểm của ông được nhiều người tán đồng. Nhiều người comments kết tội nặng nề. Có người chưa từng biết tiến trình chuẩn bị cũng như nội dung hội thảo đã khẳng định “Tôi không tin đây là hội thảo khoa học mà có khi phản khoa học. Nó mang động cơ chính trị và cũng méo mó ngang hàng với bức thư của 12 kẻ phản đối chữ quốc ngữ.” Vấn đề dường như đang trở nên nghiêm trọng.

Các cuộc Hội thảo khác ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội được tổ chức như thế nào, nội dung ra sao, có sử dụng ngân sách nhà nước hay không, tôi không biết và không bàn đến. Riêng với cuộc Hội thảo Quốc tế tại Đà Nẵng, với tư cách là người có can dự ngay từ đầu, tôi thấy mình có trách nhiệm phải lên tiếng.

Trước hết, tôi khẳng đinh, đây là một hội thảo khoa học nghiêm túc, được chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng bắt đầu từ ý tưởng của một vài cá nhân tâm huyết với tiếng Việt và chữ Quốc ngữ. Những cá nhân này đều không đảng phái, và cũng không phải tín hữu Phật giáo hay Thiên Chúa giáo, do vậy họ không có động cơ chính trị. Thứ nữa, con đường dẫn đến thành công của Hội thảo bắt đầu từ những cuộc gặp gỡ hết sức ngẫu nhiên chứ không có "dự mưu" nào hết. Và cuối cùng, đây là một hoạt động hoàn toàn xã hội hóa, không sử dụng một đồng ngân sách nhà nước.

Nguyên ủy, sáng kiến tổ chức Hội thảo Quốc tế “100 năm chữ Quốc ngữ” tại Đà Nẵng được đề xuất bởi GS. Nguyễn Đăng Hưng, lúc đó đang là Viện trưởng viện Tôn vinh chữ Quốc ngữ và tiếng Việt (gọi tắt là Viện Quốc ngữ) thuộc Đại học Duy Tân (ai quan tâm đến thân thế của ông, xin hỏi bác Google). Ông nảy ra ý tưởng này sau chuyến đi đặt bia mộ Giáo sĩ Alexandre de Rhodes ở Ba Tư (11/2018). Ông đã bàn việc này với PGS. Hoàng Dũng ở Đại học Sư phạm thành phố HCM. Ngày 18/01/2019, nhà văn Hoàng Minh Tường (người cùng tham gia chuyến đi Ba Tư với GS. Nguyễn Đăng Hưng) vừa từ Hà Nội vào Đà Nẵng đã gọi điện thoại hẹn tôi cùng đến gặp GS. Nguyễn Đăng Hưng. Trong cuộc gặp này, GS. Nguyễn Đăng Hưng trình bày những ý tưởng chính của ông xung quanh chuỗi hoạt động nhằm vinh danh chữ Quốc ngữ và những người đã có công sáng tạo, truyền bá. Bên cạnh hoạt động hội thảo, ông còn mong muốn tổ chức truyền thông, trưng bày các hiện vật/tài liệu/hình ảnh liên quan đến lịch sử chữ Quốc ngữ cũng như ảnh hưởng của nó đối với các khía cạnh đời sống quốc dân Việt Nam.

Riêng về tên gọi cuộc Hội thảo, chúng tôi suy nghĩ và thảo luận rất nhiều. Bởi lẽ, mẫu tự Latin bắt đầu được các giáo sĩ phương Tây sử dụng ký âm tiếng Việt từ những năm đầu thế kỷ XVII. Ban đầu, nó được sử dụng cho công cuộc truyền giáo. Những năm cuối thế kỷ XIX, ở Nam bộ, mẫu tự Latin bắt đầu được sử dụng trong giao tiếp (thư tín), trong báo chí (1865), trong văn học, và cả trong công văn chính thức (1869). Đến 1882, Nam Kỳ chuyển hẳn sang dùng mẫu tự Latin trong tất cả các văn bản quản lý nhà nước cùng với chữ Pháp. Nhưng lúc này, ở Trung và Bắc Kỳ, mẫu tự Latin chưa thực sự phát triển. Như vậy, việc dùng mẫu tự Latin để ký âm tiếng Việt không đồng nhất với việc nó trở thành “chữ Quốc ngữ”. Đó là 2 thời điểm khác nhau.

Sang đầu thế kỷ XX, các nghĩa thục ở miền Trung và miền Bắc bắt đầu khuyến khích học chữ quốc ngữ. Năm 1910, chính quyền Đông Pháp mở rộng việc dạy mẫu tự Latin ra Bắc Kỳ. Năm 1915, vua Duy Tân bãi bỏ các kỳ thi hương ở Bắc Kỳ. Và đến năm 1918, vua Khải Định ban đạo Dụ 123 bãi bỏ hoàn toàn chế độ khoa cử Hán học kể từ năm 1919. Nhưng lúc này, trên thực tế, mẫu tự Latin dùng để ký âm tiếng Việt vẫn chưa thực sự trở thành chữ Quốc ngữ. Một số văn bản được soạn thảo trong giai đoạn sau đó vẫn được ghi chép bằng 2 hoặc 3 thứ chữ (chữ Pháp+chữ Việt Latin hoặc chữ Pháp+chữ Việt Latin+chữ Hán). Năm 1938, Hội Truyền bá Quốc ngữ được thành lập. Phong trào học chữ Quốc ngữ trên cả nước được đẩy lên cao. Ngày 30/07/1945, vua Bảo Đại ban đạo Dụ số 67, quy định việc dạy chữ Quốc ngữ trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Nhưng lúc này, các văn bản hành chính vẫn còn được dùng tiếng Pháp hoặc song ngữ Pháp+Việt. Sau khi Việt Minh “cướp chính quyền”, kế thừa thành tựu thời vua Bảo Đại, ngày 08/09/1945, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Sắc lệnh số 20, quy định TOÀN DÂN phải học chữ Quốc ngữ. Cũng từ đó, các văn bản giấy tờ hành chính chỉ được viết duy nhất bằng chữ Việt Latin. Về nguyên tắc, chỉ đến thời điểm này, mẫu tự Latin dùng để ký âm tiếng Việt mới thực sự trở thành “chữ Quốc ngữ” với nghĩa đầy đủ nhất.

Như vậy, từ một mẫu tự dùng trong truyền giáo, đến dùng trong văn chương/báo chí, đến văn bản hành chính ở Nam Bộ, rồi trở thành “chữ Quốc ngữ” thống nhất trên cả nước là một quá trình rất dài. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá cao ý nghĩa của đạo Dụ 123 do vua Khải Định ban hành năm 1918, để chấm dứt các kỳ thi Hán học ở miền Trung kể từ năm 1919. Mặc dù đạo Dụ này không đề cập đến việc công nhận hệ mẫu tự Latin dùng ký âm tiếng Việt là “chữ Quốc ngữ”, nhưng nó đã đánh sập thành trì cuối cùng của khoa cử Hán học, tạo tiền đề để dẫn đến việc sử dụng rộng rãi mẫu tự Latin thay thế cho Hán tự trong văn bản hành chính trên cả nước. Chính vì thế, anh em chúng tôi đồng ý với GS. Nguyễn Đăng Hưng lấy tiêu đề hội thảo là “100 năm chữ Quốc ngữ”.

(Xem tiếp phần II)

M.T.S.

Nguồn: FB Mai Thanh Sơn

Phần II

Mặc dù cả hai đều đồng ý với GS. Nguyễn Đăng Hưng là sẽ lấy tiêu đề hội thảo là “100 năm chữ Quốc ngữ Việt Nam”, nhưng giữa tôi và nhà văn Hoàng Minh Tường theo đuổi những suy nghĩ khác nhau. Anh Hoàng Minh Tường (Minh Tường Hoàng) là nhà văn. Anh có cái nhìn khá phóng khoáng về lịch sử. Điều anh quan tâm nhất là làm thế nào để các thế hệ người Việt hôm nay và mai sau vẫn biết ơn và vinh danh những người đã sáng tạo/truyền bá chữ Quốc ngữ trên đất nước này, còn cách chọn mốc không quan trọng là mấy. Tôi thì khác. Nghề nghiệp của tôi ít nhiều dính dáng đến khoa học lịch sử. Tôi cần sự thật/hoặc ít nhất cũng tiệm cận sự thật. Tôi hoài nghi mốc thời gian 100 năm. Hoài nghi nhưng vẫn chấp nhận. Vì sao vậy? Chuyện khá dài dòng.

Nguyên ủy, trước ngày 18/01/2019 tôi chưa hề quen biết GS. Nguyễn Đăng Hưng ngoài đời, mặc dù tôi biết ông có nhiều thời gian sống ở Đà Nẵng. Ông quá nổi tiếng, mà tôi thì quá nhỏ bé. Thỉnh thoảng, tôi cũng vào xem FB của ông. Nhưng người khiến tôi quan tâm đến GS. Nguyễn Đăng Hưng trong mối quan tâm đến chữ Quốc ngữ chính là nhà thơ Hoàng Hưng. Nhà thơ Hoàng Hưng có trong danh sách FB của tôi. Trong bài viết đăng trên BBC hồi tháng 07/2018, nhan đề “Bước đi mới tôn vinh chữ Quốc ngữ”, nhà thơ Hoàng Hưng có nhắc đến GS. Nguyễn Đăng Hưng và cho biết “Cũng từ Việt Nam, đã có thông tin về kế hoạch khai mạc một Viện (Institute) thuộc trường Đại học Duy Tân, Đà Nẵng), bao gồm nhiều nhân sĩ trí thức Việt Nam cũng như quốc tế. Viện có mục tiêu tôn vinh những người có công xây dựng, phát triển CQN, bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và con cháu người Việt trên khắp thế giới… Việc làm trước mắt của tổ chức này sẽ là xây dựng khu Tưởng niệm Cụ Pina ở Quảng Nam và hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày Vua Khải Định ra Đạo dụ bãi bỏ Khoa cử, coi như thừa nhận CQN là chữ viết chính thức của quốc gia (1919).” GS. Nguyễn Đăng Hưng cũng dán lại bài này trên FB của ông, ngày 12/07/2018 và gián tiếp cho biết, ông chính là tác giả của đề án này.

Tôi tự hỏi, đạo Dụ của vua Khải Định bãi bỏ khoa cử Hán học năm 1919 có đồng nghĩa với việc chính thức thừa nhận chữ Quốc ngữ là văn tự Quốc gia hay không? Tìm kiếm tư liệu về nội dung đạo dụ này, tôi có câu trả lời: KHÔNG. Nếu xét dưới khía cạnh bảo hộ luật pháp, chữ Quốc ngữ chỉ thực sự được phổ cập trong nhà trường từ ngày 30/07/1945, khi vua Bảo Đại ban đạo Dụ số 67, quy định việc dạy chữ Quốc ngữ trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Nhưng nếu xét dưới góc độ phổ cập toàn dân, phải kể đến Sắc lệnh số 20, do Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký ngày 08/09/1945, quy định TOÀN DÂN phải học chữ Quốc ngữ. Chính từ Sắc lệnh này, phong trào Bình dân học vụ nở rộ, đã góp phần không nhỏ vào việc xóa nạn mù chữ cho rất nhiều người dân không có điều kiện đến trường học quy chuẩn. Và cũng từ đó, các văn bản hành chính được viết duy nhất bằng chữ Việt Latin.

Nhưng cần phải ngược lại lịch sử, tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi, tên gọi “chữ Quốc ngữ” có từ bao giờ? Không khó để tìm thấy đáp án trên Google: “Tên gọi chữ quốc ngữ được dùng để chỉ chữ quốc ngữ Latinh lần đầu tiên vào năm 1867 trên Gia Định báo. Tiền thân của tên gọi này là chữ Tây quốc ngữ. Về sau từ Tây bị lược bỏ đi để chỉ còn là chữ quốc ngữ; còn tên gọi chữ Tây bấy giờ được chuyển sang để chỉ chữ Pháp. Quốc ngữ nghĩa mặt chữ là ngôn ngữ quốc gia, ở Việt Nam nếu không có từ bổ nghĩa kèm theo cho thấy từ quốc ngữ được dùng để một ngôn ngữ nào khác thì quốc ngữ mặc định là chỉ tiếng Việt.” Nhận định trên đây có dẫn nguồn từ các nhà nghiên cứu nên tương đối khả tín (ai muốn kiểm chứng, xin tra cứu: Marcucci, Matthew A. (2009) “Rendering Sinograms Obsolete: Vietnamese Script Reform and the Future of Chinese Characters”, trong Sino-Platonic Papers, number 189. Trang 87). Và không khó để biết rằng, những người quảng bá chữ Quốc ngữ đầu tiên ở phương Nam chính là Huỳnh Tịnh Của và Trương Vĩnh Ký. Tiếp theo, có rất nhiều nho gia, nhân sĩ, trí thức tham gia vào quá trình quảng bá chữ Quốc ngữ từ Nam ra Bắc. Chuyện này, ai quan tâm có thể tìm kiếm trên mạng.

Vậy đâu là sự thật? Và đâu là dấu mốc cần được ghi nhận? Chuyện đó cần phải được nghiên cứu một cách có hệ thống, và phải dựa trên những nguồn sử liệu tin cậy. Vì thế, tôi đồng ý với tiêu đề “100 năm chữ Quốc ngữ ở Việt Nam”, với suy nghĩ, đó cũng chính là câu hỏi cần được trả lời Đúng/Sai trong hội thảo.

Chiều 18/01/2019, tôi về Hà Nội. Tối 18/01/2019, từ Hà Nội, tôi gọi cho nhà văn Hoàng Minh Tường với ý định trao đổi những suy nghĩ của mình. Rất lâu, anh mới nghe máy. Anh đang biêng biêng. Anh tốt tính, nhưng đã 70 xuân xanh mà không phải lúc nào cũng “ngoan”, nhất là mỗi khi gặp những ông anh không kém phần "mất lết" của tôi như nhà văn Trung Tran Ky. Ông anh này uống không được bao nhiêu (vì còn phải cầm vô lăng), nhưng đài phát thanh lúc nào cũng được mở hết cỡ. Và ông có khả năng khiến cho bạn mình đi hai hàng, riêng mình vẫn đi hàng một. He he... Anh Hoàng Minh Tường “chỉ đạo”: “cứ thế đi”. Và tôi chốt. Mệnh đề "100 năm chữ Quốc ngữ Việt Nam", vừa là tiêu đề hội thảo, vừa là một câu hỏi nghiên cứu.

(Còn một kỳ nữa)

M.T.S.

Nguồn: FB Mai Thanh Sơn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn