Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: khoảng cách giàu nghèo trong xã hội (Bài 3)

Đoàn Hưng Quốc

Khoảng cách giàu nghèo ở Tây Phương hiện gây ra những cơn chấn động về chính trị nhưng thiết tưởng cần nhận biết chính xác triệu chứng nằm ở đâu rồi sau đó mới đi tìm nguyên do và phương thuốc giải quyết. Tuy hai ứng cử viên dẫn đầu trong cuộc bầu cử Tổng Thống 2020 là ông Bernie Sander và bà Elizabeth Warren cáo buộc thành phần 1% chóp bu trong xã hội tóm gọn phần lớn tài sản trong nước nhưng đây là kiểu nhìn Mác-Xít hô hào giai cấp thợ thuyền đấu tranh chống giới chủ nhân, nông cạn mang đầy tính khích động quần chúng nên đã dẫn đến những chủ trương sai lầm như dùng sưu cao thuế nặng để trừng phạt và triệt hạ giới tỷ phú.

Trước hết phải thấy rằng tài sản được phân phối rất khác nhau giữa các nước Âu-Mỹ và những quốc gia đang mở mang. Bài viết này không rập theo khuông mẫu dùng trong kinh tế học mà dùng hình ảnh bình dân cho dễ hiểu:

  • Tại Việt Nam và Trung Quốc giàu nhất là các đại gia, rồi đến giới trung lưu trí thức và sau cùng gồm đám đông quần chúng công và nông dân. Thành phần lao động được xem thuộc diện nghèo.

  • Ở Hoa Kỳ trên cùng là con số 0.001% tỷ phú chóp bu; rồi đến thành phần ưu tú (luật sư, bác sĩ, tài chánh, ngân hàng v.v…); giới trung lưu trí thức (kỹ sư, thuế khoá, dịch vụ thương mại v.v…); sau đó là giới trung lưu-công nhân; rồi mới đến dân nghèo (nông nghiệp chỉ dùng 1.3% lao động tại Mỹ nên tạm thời không xếp hạng). Nhiều người nghèo không đi làm chỉ để nhận trợ cấp xã hội, cho nên bài này chỉ quan tâm đến thành phần muốn và sẵn sàng đi làm nhưng vẫn không đủ sống. Khủng hoảng chính trị xảy ra vì giai cấp trung lưu là nòng cốt cho nền dân chủ nhưng giới trung lưu-công nhân bị hạ lương hay mất việc do toàn cầu hóa và tự động hóa nên thụt xuống thứ hạng nghèo, và trong tương lai không xa khi một số ngành nghề trung lưu trí thức cũng sẽ bị đe dọa bởi điện toán hóa và trí tuệ nhân tạo.

Như vậy tại Việt Nam và Trung Quốc người lao động tranh đấu để tiến lên đời sống trung lưu. Riêng ở Hoa Lục 800 triệu người đã vượt ra khỏi ngưỡng cửa nghèo khó chỉ trong vòng 40 năm, con số còn lại tuy biết bị bóc lột nhưng vẫn sẵn sàng làm việc 12-14 tiếng mỗi ngày để bắt kịp. Nền kinh tế của các nước đang phát triển tăng trưởng giống như đoàn xe chạy lên đèo, tuy xe đầu vọt nhanh hơn xe cuối nhưng tất cả đều lên dốc. Trái lại ở Mỹ, Anh, Pháp giới trung lưu công nhân phập phồng lo sợ rơi xuống cảnh nghèo khi lương bổng và mức sống của họ chẳng những không tăng mà còn thụt lùi so với lạm phát. GDP của Hoa Kỳ tiến mạnh nhưng giống như chuyến tàu hỏa bị đứt mốc xích ở giữa nên hai toa đầu còn vọt lên nhanh hơn lúc trước trong khi các toa phía sau thụt lùi và bị bỏ rơi ngày càng xa. Lèo lái hai khúc tàu không nối liền nhau còn hiểm nghèo hơn kéo cả một đoàn xe cùng lên dốc rất nhiều!

Vào những thập niên 1950-1970 công nhân Mỹ tuy không có bằng đại học nhưng làm việc trong các hảng Ford, GM, những nhà máy thép và than đá cũng có thể mua sắm nhà và xe hơi. Họ có công ăn việc làm bền vững trọn đời, nhận bảo hiểm sức khoẻ và khi về già sống bằng hưu bổng (pension) của công ty. Mọi người đều dự phần khi kinh tế tăng trưởng. Nhiều nhà kinh tế cho rằng lãnh vực sản xuất (manufacturing) chính là cỗ máy đưa những người tuy không cần học vấn cao nhưng vẫn tiến lên đời sống trung lưu, nhận xét này quan trọng vì trung lưu là nền tảng của dân chủ trong khi trong một nước không thể nào ai cũng có bằng đại học.

Nhưng đến giai đoạn hậu công nghiệp thì nền kinh tế chuyển đổi từ sản xuất (manufacturing) sang sáng tạo (innovation) và dịch vụ (services). Giới chuyên gia hô hào tự do thương mại toàn cầu sẽ nâng cao mức sống của mọi tầng lớp dân chúng một khi dây chuyền sáng tạo, sản xuất cho đến phân phối được hữu hiệu hóa và phân công phù hợp theo lợi thế của từng quốc gia. Hãng xưởng Tây Phương chạy theo toàn cầu hóa di dời từ Âu-Mỹ sang Đông Á nhằm khai thác nguồn nhân công rẻ, các quy định môi trường và luật lao động lỏng lẻo. Kết quả khiến thành phần trung lưu-công nhân ở Mỹ mất việc trở nên phẫn nộ cho rằng giới chủ nhân chỉ lao theo lợi nhuận mà bán đứng người lao động, trong khi nhà nước khờ dại ký kết vào các hiệp ước thương mại nhưng chỉ đem lại lợi ích bất tương xứng cho các nước đang phát triển thay vì bảo vệ quyền lợi dân chúng Hoa Kỳ. Họ cho rằng chính quyền và giới thượng lưu đã gạt gẫm dân chúng khi rao giảng rằng toàn cầu hóa mang lợi ích đồng đều đến cho mọi người, nhưng rồi sau đó cấu kết lẫn nhau để xây dựng một trật tự thương mại chỉ có lợi cho thành phần ưu tú mà thiệt hại cho giới trung lưu (the system is rigged) nên nay đã đến lúc phải bị gạt bỏ (drain the swamp) mà đặt quyền lợi của nước Mỹ trên hết (America First – dịch từ tiếng Anh theo ngôn ngữ rất hiệu quả của Trump để thu hút cử tri lao động). Nếu chính phủ Mỹ chấm dứt ưu đãi thuế cho xí nghiệp đầu tư ra nước ngoài, đòi hỏi tiêu chuẩn về lao động và môi trường đồng đều ở các quốc gia cạnh tranh, chống phá giá đồng bạc, chống hàng rào thuế quan ngăn chận hàng mua từ Hoa Kỳ thì người công nhân ở Mỹ sẽ tìm lại lợi thế so với các nước đang phát triển.

Trở lại với khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ thì người công nhân mất việc không tìm ra mức lương tương đương trong các lĩnh vực khác. Xã hội hậu công nghiệp chú trọng về sáng tạo và dịch vụ: sáng tạo đòi hỏi bằng cấp và trình độ kỹ thuật cao; lương bổng tốt chỉ có trong các dịch vụ chuyên môn như y tế, tài chánh, thợ điện, thợ ống nước, v.v… còn làm việc trong nhà hàng, chợ búa hay lái taxi chỉ là những công việc tạm bợ sống qua ngày với đồng lương tối thiểu chứ không thể xem là có nghề nghiệp và tương lai vững chắc.

Người lao động với đồng lương thấp không đủ trả tiền nhà, bảo hiểm y tế và giữ trẻ chớ đừng nói gì đến lo cho con cái lên đại học hay lúc tuổi già, cho nên giới trung lưu-công nhân phẫn nộ vì không thấy lối thoát cho chính họ và cho thế hệ tiếp nối. Tiền của trong xã hội không có chỗ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nội địa nên đổ đồn vào khu vực địa ốc và chứng khoáng giúp cho các tỷ phú, giới ưu tú và trung lưu trí thức trở nên giàu có hơn nhờ vào mua bán những tài sản loại này. Cho nên khoảng cách giàu nghèo tăng vọt không phải chỉ so với giới 0.001% tỷ phú chóp bu mà chính là giữa 20% phần trên 80% dân chúng còn lại.

Dân Mỹ không chống nhà giàu mà trái lại ngưỡng mộ các tỷ phú như Bill Gates (Microsoft) hay Jeff Bezzo (Amazon) vốn đã xây dựng sự nghiệp khổng lồ nhờ vào tài năng và trí óc. Thay vì trừng phạt nhà giàu thì nước Mỹ cần tạo môi trường để phát triển thêm nhiều nhân tài và tỷ phú loại này để khai phá những lĩnh vực mới, qua đó thúc đẩy kinh tế phát triển và tạo hàng triệu công ăn việc làm với mức lương cao. Cần phải giảm thuế để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trong nước nhưng bít các lỗ hổng để người giàu không trốn tránh thuế.

Nhà nước phải có chương trình đầu tư khổng lồ về hạ tầng để sử dụng nguồn nhân lực trong nước; cần lấp các lổ hổng trong những hiệp ước mậu dịch; phải hỗ trợ giáo dục chuyên ngành như y tá, thợ sửa xe, thợ điện, v.v… chứ không thể hoàn toàn chú trọng vào bằng cấp 4 năm.

Tuy nhiên câu hỏi chính vẫn là trong giai đoạn hậu công nghiệp tìm đâu ra một cỗ máy kinh tế nhằm thay thế khu vực sản xuất để đưa đa số quần chúng dù không có bằng đại học vẫn tiến vào được giai cấp trung lưu? Các chính sách thuế, đầu tư, giáo dục sẽ như thế nào để thúc đẩy sự hình thành và phát triển của cỗ máy kinh tế này?

Đây sẽ là những vấn đề cho loạt bài sau.

Đ.H.Q.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn