Trung cộng gia tăng ảnh hưởng ở Liên Hiệp Quốc

Vũ Ngọc Yên

Liên Hiệp Quốc (United Nations - UN) với trụ sở tại New York - Mỹ, là một tổ chức liên chính phủ gồm 193 quốc gia thành viên có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, được thành lập và hoạt động trên cơ sở điều ước quốc tế (Hiến chương Liên Hợp Quốc) kí ngày 26/6/1945 tại thành phố San Francisco.

Liên Hợp Quốc (LHQ) có các cơ quan chính gồm: Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế và Xã hội, Ban thư kí, Tòa án Quốc tế vì Công lý. Các tổ chức đặc biệt thuộc hệ thống LHQ như Ngân hàng thế giới WB, Tổ chức y tế thế giới WHO, Lương nông thế giới FAO, Văn hóa UNESCO và Nhi đồng UNICEF. Ông A.Guterres, nguyên thủ tướng Bồ Đào Nha và nguyên Chủ tịch Quốc tế xã hội được Đại hội đồng bầu làm Tổng thư ký, vị trí cao nhất của LHQ từ năm 2017.

Hậu quả của đại dịch Corona Vũ Hán 

Theo số liệu của WorldOmeters tính đến ngày 21.4, tổng số ca nhiễm Covid-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra trên toàn cầu lên tới 2.499.011 người nhiễm và 71.335 người tử vong.

Hiện có 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới bị ảnh hưởng bởi virus SARS-CoV-2. Mỹ là quốc gia có nhiều ca nhiễm nhất với 792.938 và 42.518 tử vong chiếm hơn 31% trong tổng số gần 2,5 triệu ca nhiễm trên toàn cầu tính đến thời điểm này.

Trong khoảng 30 năm trở lại đây, kinh tế thế giới đã trải qua 3 chu kỳ khủng hoảng, suy thoái (năm 1987, 1997, 2008) và năm 2020 được dự báo khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng kinh tế mới vì đại dịch Covid-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán-Trung Quốc và lây lan nhanh chóng ở châu Âu, Mỹ và châu Á… từ giữa tháng 3-2020. So với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 thì lần này thế giới khó khăn hơn nhiều.

Đại dịch Covid-19 đang trở thành một “thảm họa toàn cầu”, tác động rất nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và các Ngân hàng đầu tư, thương mại quốc tế lớn đều cảnh báo thế giới khó tránh khỏi một cuộc suy thoái toàn cầu. Tổ chức thẩm định tín nhiệm tín dụng Fitch gần đây dự báo trong năm 2020, tăng trưởng GDP toàn cầu âm 1,9%, Mỹ âm 3,3%, EU âm 4,2%, Trung Quốc chỉ tăng trưởng hơn 1,5%... IMF thì dự báo một loạt các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế âm trong năm 2020 như Đức (-3,4%), Pháp (-3,9%), Anh (- 3,1%).

Một mạng lưới quyền lực

Trong cuộc chiến chống dịch, Tổ chức y tế quốc tế (WHO) bị chỉ trích đã thiên vị Trung cộng. Không riêng WHO còn nhiều tổ chức khác của LHQ cũng đã bị Trung cộng thao túng một cách có hệ thống từ chục năm qua.

Bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng Corona cho thấy mức độ hiểm nguy cho thế giới một khi Trung cộng chiếm ưu thế trong các tổ chức quốc tế như trong trường hợp WHO.

Có nhiều bằng chứng đại dịch Corona sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới và cần phải ngăn chặn. Nhưng tổ chức WHO lại quá xem trọng việc giữ thể diện cho Trung cộng thay vì tìm hiều kỹ lưỡng để đề ra chương trình y tế hướng dẫn nhằm bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng thế giới. WHO đã khen Trung cộng trong các biện pháp chống dịch rất cực đoan, như phong tỏa toàn bộ thành phố, cô lập xã hội, giám sát mọi sinh hoạt, bưng bít thông tin và đến nay WHO cũng chưa lên tiếng chỉ trích cách xử lý thô bạo của lãnh đạo Trung cộng đối với người dân. Ngay đầu năm 2020 khi đại dịch đang bùng phát, nhà chức trách Trung Quốc đã bằng mọi cách ngăn chặn phân tán ra công luận các công trình nghiên cứu phân tích và kiểm duyệt mọi báo cáo về vi khuẩn SARS mới.

Ngày 31.12.2019 WHO đã được cảnh báo loại vi khuẩn mới này có nhiều dấu hiệu nguy hiểm tương tự như vi khuẩn SARS. Công việc của WHO là điều tra và phát hiện nhưng tiếc rằng WHO chỉ lặp lại những tuyên bố rằng chưa có bằng chứng cụ thể là virus sẽ truyền từ người qua người. Trong vụ dịch SARS 2003, Trung cộng đã từng bị chỉ trích. Nhưng vào ngày 9.11.2006. Bà Margaret Chan lại được bầu làm tân Tổng giám đốc WHO. Cựu tổng thống George W.Bush và nhiều lãnh đạo Âu châu đã chấp thuận sự thay đổi nhân sự này ở WHO. Sau nhiệm kỳ đầu 5 năm, Chan được tái tín nhiệm và chẳng có ai, kể cả Tổng Thống Mỹ Obama lên tiếng phản đối.

Trong thời gian 10 năm tại chức, Chan đã thu nhận nhiều viên chức có thiện cảm với Trung cộng vào làm việc cho đến lúc Trung cộng tìm được Tedros Adhanom, người Ethiopia kế vị. Ông này tiếp tục duy trì liên hệ tốt với Trung cộng và có lần ngợi khen sáng kiến Trung cộng muốn xây dựng một “con đường tơ lụa y tế”.

Tổ chức WHO chỉ là một trong nhiều tổ chức quốc tế nằm dưới sự chi phối và lũng đoạn của chính quyền Trung quốc. Tạp chí Mỹ Politico đã đưa ra danh sách những tổ chức khác của LHQ đang bị TQ thao túng.

Tổ chức lương thực và nông nghiệp quốc tế (FAO) do Qu Dongyu, nguyên thứ trưởng nông nghiệp Tầu lãnh đạo từ 2019

Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), có trụ sở ở Geneve do Yhao Houlin lãnh đạo từ 2015. Yhao nguyên là viên chức của công ty Huawei.

Trưởng phòng vụ kinh tế và xã hội, cơ quan LHQ chống bất công xã hội và trái đất nóng, từ 2017 được lãnh đạo bởi Liu Zhenmin.

Tổng thư ký tổ chức hàng không dân sự quốc tế (ICAO), trụ sở ở Montreal do nữ luật gia Fang Lu lãnh đạo từ 2015. Bà này trong thời gian qua đã bị chỉ trích vì ngăn thông tin của Đài Loan báo động về sự lan rộng nạn dịch. Trung cộng xem Đài Loan là một tỉnh ly khai.

Tầu có đông dân nhất thế giới và một nền kinh tế lớn hàng nhì trên toàn cầu. Nên chủ trương tìm cách bành trướng ảnh hưởng thông qua lãnh đạo các tổ chức quốc tế cũng chỉ là hành động bình thường như Mỹ và Âu châu đang làm.

Dùng tiền viện trợ để gia tăng vị thế ở LHQ thì Trung cộng có vẻ phóng khoáng hơn Mỹ. Tổng Thống Mỹ Trump mới đây đưa ra quyết định cắt tài trợ cho WHO. Trung cộng phản ứng ngược lại tài trợ thêm thêm 20 triệu USD cho chương trình chống dịch của WHO.

Chuyển giao trách nhiệm một cách nguy hiểm

Việc Trung cộng có ảnh hưởng ở các tổ chức quốc tế không phải là chuyện tình cờ. Các chính trị gia Mỹ và Âu châu từng quan sát cách can dự chiến lược của Trung cộng. Họ đều có quan điểm là giao trách nhiệm cho Trung cộng để ràng buộc Trung cộng vào những chương trình đối tác rộng lớn mà không cần phân biệt thể chế. Họ xem nguyên tắc tiếp cận này là khôn ngoan. Ngoài ra nhiều người còn tin tưởng những tiến bộ kinh tế sẽ thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa tại Trung cộng.

Nhưng thực tế đã phản ảnh hoàn toàn khác. Chế độ cộng sản dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch đảng Tập Cận Bình lại còn mạnh bạo, độc đoán ngày càng nhiều. Trên phương diện quốc tế, Tập có tham vọng mở rộng ảnh hưởng chính trị.

Nền dân chủ Tây phương được xem là mô hình chính trị đang bị lấn cấn trước tuyên truyền của cộng sản Trung Quốc. Họ quảng bá sự thành công của các chính sách chống dịch, thí dụ chỉ 10 ngày đã xây xong một bệnh viện. Nền kinh tế đã trở lại bình thường nhờ ngân hàng nhà nước ưu tiên tài trợ các công ty, xí nghiệp sản xuất thay vì bơm tiền vào thị trường tài chính, chứng khoán. Các công ty nhận tiền tài trợ không bị ràng buộc, tuân thủ những giá trị nhân quyền, môi sinh... như các công ty ở các quốc gia dân chủ.

Tờ Hoàn Cầu thời báo của đảng cộng sản hôm 30 tháng 3 tuyên bố một cách đắc thắng, "Lỗi lầm nghiêm trọng trong COVID-19 là tín hiệu kết thúc 'Thế kỷ Mỹ'" và cao ngạo cho rằng phản ứng của Trung Quốc đối với coronavirus biểu hiện được "tính ưu việt của hệ thống Trung Quốc và kinh nghiệm này là đáng để các nước khác noi theo".

Bắc Kinh đã thực hiện một cuộc trình diễn lớn "tặng" thiết bị y tế và bộ dụng cụ chẩn đoán, cho nhiều nước trên thế giới.

Vấn đề lưu tâm ở đây là sự thay đổi những giá trị mà Tây phương theo đuổi làm chuyển dịch cán cân quyền lực trên lãnh vực quốc tế. Các chuyên gia chính trị đã cảnh báo công việc bảo vệ nhân quyền, dân chủ, tự do trên toàn cầu sẽ bị giới hạn vì những biện pháp kiểm soát của các chế độ độc tài, độc đảng như ở Trung Quốc, Bắc Hàn và Việt Nam.

Chẳng hạn, vào tháng 11.2019 ở LHQ, Trung cộng đã thành công ngăn chặn nghị quyết chống tội phạm Cyber. Theo họ các biện pháp kiểm duyệt, hạn chế thông tin mạng, cấm đoán tự do ngôn luận là hợp pháp là vì lợi ích nhân dân. Đại dịch Corona mà thế giới đang gánh chịu hiện nay là hậu quả của chính sách bóp nghẹt dư luận của Trung cộng.

Các quốc gia dân chủ Tây phương đã nhượng bộ và cho thấy thiếu khả năng đẩy lùi ảnh hưởng của Trung cộng trong các tổ chức quốc tế, đặc biệt các tổ chức quan trọng của LHQ.

Ngay tại LHQ mọi các quốc gia dân chủ ở phe đa số phải có tiếng nói chủ yếu. Nhưng cấu trúc tổ chức LHQ lại không phản ảnh tính chất dân chủ. Quyền phủ quyết (Veto) vẫn ở trong tay các cường quốc nguyên tử và đã từng là đế quốc và thực dân.

Muốn chấm dứt tình trạng lũng đoạn của Trung cộng cũng như kết thúc cái gọi là hòa bình Trung Quốc (Pax Sinica) mà Trung cộng đang quảng bá, Liên Hiệp Quốc phải cải cách cấu trúc. Tổ chức liên quốc dân chủ phải thực sự được lãnh đạo bởi các quốc gia có chế độ dân chủ.

V.N.Y.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn