Chấm ngòi bút vào sự thật không dễ - Nhớ lại đôi điều về những bài báo

(Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 94)

Tương Lai

      

Không dễ, bởi vì “người ta chỉ thật sự sống khi dám làm điều đó”! Vậy, làm điều đó là làm cái gì? Là “Hãy đứng thẳng, nêu lên quan điểm của mình, nói sự thật cho tất cả mọi người, hãy can đảm tuyên bố nó ở mọi nơi”. Khi đưa ra khuyến cáo ấy, Voltaire – nhà khai sáng vĩ đại – đã đòi hỏi “phải đập tan toà nhà của sự dối trá”. Cùng với sự trải nghiệm và tầm nhìn của một vĩ nhân, đại văn hào người Pháp ấy cũng cảnh báo cho những người muốn nhìn thẳng vào sự thật và nói lên sự thật rằng: “Rất nguy hiểm khi cho là đúng về những vấn đề mà chính quyền hiện tại cho là sai”! Cứ tưởng như nhà Khai sáng vĩ đại đang nói về những gì đang diễn ra trước mắt ta.

Ai thì tôi không dám kể, nhưng riêng tôi thì từng thấm thía trải nghiệm về chuyện này nên trong dịp đang rầm rộ kỷ niệm “ngày nhà báo cách mạng” 21.6 với những cao đàm khoát luận và những rao giảng mùi mẫn cảm động, mà nói đôi điều về sự “nguy hiểm” ấy. Tuy thế, nhằm bớt đi màu xám của bực bội cá nhân thì khoan vội đẩy ngòi bút tự sự, mà hãy nhắc lại vài mẩu chuyện khác để tự an ủi mình, một thân phận bé mọn giữa cuộc đời với bao nhiêu nghịch lý có là gì, so với những người được xem là những nhân vật lịch sử cũng đã từng là minh chứng cho điều đó.

Trước hết xin được nói về hai bài báo của ông Sáu Dân – một nhân vật lịch sử – trong miên man suy ngẫm nhân ngày Giỗ của người tôi yêu mến, ngày 8 tháng 5 năm Mậu Tý (nhằm ngày 11.6. 2020 tuần trước).

clip_image002Bài thứ nhất nói về “Những đòi hỏi mới của thời cuộc” trên báo “Quốc tế” phải vật vã mãi mới có thể lên khuôn vào ngày 13.4.2005 mà nhiều người đã biết. Vì sao phải vật vã? Vì ở bài báo này, ông Sáu Dân đã dám nói lên một sự thật nghiệt ngã: “Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân Việt Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.

Ông thẳng thắn khẳng định: “Muốn để mọi người Việt cùng chung tay hàn gắn, chung tay tạo dựng, thì chúng ta phải thực tâm khoan dung và hoà hợp”. Để tăng thêm sức nặng cho ý tưởng lớn có tính đột phá ấy trong tư duy, trong chính sách và trong hành động của cả hệ thống, ông còn viện dẫn đến quan điểm của người lãnh đạo cao nhất: “Sau 30.4, khi đồng chí Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay, đồng chí nắm tay đưa lên cao, giọng đầy cảm xúc, nói: “Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải là của riêng ai. Sau 30 năm, tôi thấy không phải dễ dàng làm cho mọi người Việt Nam cảm nhận được điều đó!”.

Sự thật đanh thép và nghiệt ngã” đó đã phải vật vã mãi mới hiện hình trên câu chữ của bài báo, nhưng cuối cùng cũng đã đến được với công chúng bởi sức cuộn chảy mãnh liệt của một ý tưởng làm chuyển động nhiều não trạng của nhiều người trong dòng chảy của cuộc sống. Nhưng còn có những bài báo khác của ông Sáu Dân từng bị vùi lấp, không đến được với cuộc sống mà ở đây tôi chỉ kể một trường hợp.

Đó là bài của Võ Văn Kiệt trả lời bài báo của Trần Trọng Tân đăng trên “Sài Gòn Giải Phóng” vể “một vấn đề lớn cần trao đổi”. Vấn đề gì vậy? Vấn đề về “chuyên chính vô sản” – vấn đề của vấn đề – mà Võ Văn Kiệt nói đến trong một bài viết. Ở đây Trần Trọng Tân viện dẫn Nghị quyết Đảng và những “lý luận kinh điển” để phê phán Võ Văn Kiệt trong một bài viết đã phân tích ý tưởng của Lê Duẩn về khái niệm “làm chủ tập thể”. Đưa ra khái niệm còn gây nhiều tranh cãi đó, điều cốt lõi của khái niệm ấy mà nhiều người chưa thấy rõ là Lê Duẩn muốn bác bỏ khái niệm “chuyên chính vô sản” – vấn đề của vấn đề – từng gây ra những hệ luỵ khủng khiếp mà dân tộc phải gánh chịu. Dẫn lời Lê Duẩn: “Làm cách mạng thắng lợi rồi, giai cấp vô sản lại chuyên chính với nhân dân sao? Đâu được. Phải cùng làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, cùng nhau xây dựng cuốc sống mới, cùng nhau bảo vệ tổ quốc… Nói “làm chủ”, không nói “chuyên chính” nữa là vì cái đạo lý ấy”, bài viết của Võ Văn Kiệt chạm đúng huyệt của những não trạng vốn chỉ quen với đấu tranh giai cấp và “ai thắng ai . Và rồi, Trần Trọng Tân khẳng định lại một điều mà Võ Văn Kiệt từng bác bỏ trong nhiều phát biểu trực tiếp, trong những bản góp ý thẳng thắn với những người đang đảm đương trọng trách của Đảng và Nhà nước: “Các vấn đề lớn trong Văn kiện Đại hội X đều ẩn chứa nội dung và chức năng của chuyên chính vô sản… mặc dầu không nhắc đến cụm từ chuyên chính vô sản”.

Bài của Trần Trọng Tân đăng trên “Sài Gòn Giải phóng” vào ngày thứ Tư, 22.8.2006 thì ngày thứ Năm, Võ Văn Kiệt gửi bài viết trả lời. Thứ Sáu, thứ Bảy “Sài Gòn Giải phóng” im lặng. Đến ngày Chủ Nhật “Sài Gòn Giải phóng” liên hệ với Trịnh, Thư ký của ông Sáu Dân xin được gặp trao đổi vài đề nghị để đăng bài. Ông Sáu Dân cười bảo Trịnh trả lời: “Thôi khỏi, thế cũng đủ rồi”.1

Cũng cần nói thêm là Trần Trọng Tân luôn kình chống Võ Văn Kiệt, dựa vào ý kiến của Nguyễn Văn Linh từng gay gắt công khai phê phán Sáu Dân chệch hướng, nếu trở thành Tổng Bí thư sẽ gay go cho Đảng. Vì vậy Trần Trọng Tân nói theo: “Sáu Dân phát biểu nhiều cái ẩu, ví dụ như đề xuất dẹp quốc doanh, tư nhân hoá nền kinh tế. Có ông Trung ương đọc “Thư gửi Bộ Chính trị” của Sáu Dân nói Sáu Dân nối giáo cho giặc”. Câu này đã được một nhà báo viết công khai và nhiều người đã đọc!

Biết rõ điều đó nên ông Sáu mới có cách hành xử trên. Bởi lẽ, đôi co trên mặt báo sẽ không có lợi cho tâm trạng của quần chúng. Ông biết, dù có đuối lý thì vào lúc ấy, tiếng nói của Trần Trọng Tân vẫn đang được dung túng và hỗ trợ ngầm của thế lực đang thao túng chính trường. Phải lựa cách khác, mềm dẻo hơn và thiết thực hơn. Phải nói thêm rằng, đây là một cuộc giằng co dai dẳng và quyết liệt gữa tư tưởng Đổi Mới với tư tưởng giáo điều bảo thủ ngay từ khâu soạn thảo Văn kiện của Đại hội X và Đại hội XI mà ông Sáu Dân biết rất rõ.

Anh Đào Xuân Sâm đã có buổi trình bày rất sâu sắc về cuộc giằng co quyết liệt đó tại Viện VIDS, sau đó anh Sâm đã cùng tôi chỉnh sửa lại thành một bài viết. Xin dẫn ra một đoạn về “Phản điều chỉnh do sự bảo thủ giáo điều hết sức nặng nề của Nguyễn Phú Trọng: “Đại hội XI có sự điều chỉnh về cương lĩnh nhưng thất bại về nhân sự. Bầu cho Nguyễn Phú Trọng tức là bầu cho người có tư tưởng cực đoan nhất về Cương lĩnh… Trong soạn thảo chỉ ghi: “Đổi mới thành công có ý nghĩa lịch sử. Nhưng rồi Nguyễn Phú Trọng – với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Lý luận và Trưởng ban Soạn thảo văn kiện – đã lén thay đổi câu chữ để viết là “do thực hiện cương lĩnh với những thành công có ý nghĩa lịch sử”! Đây là một điểm tựa để quay trở lại với giáo điều bảo thủ hết sức nặng nề, xoá bỏ gần hết tư tưởng Đổi Mới của Đại hội 6. Có người chỉ rõ rằng chủ ý của Trọng là nhằm khẳng định “lập trường kiên định” quyết quay về với con đường cũ đấu tranh giai cấp từng kìm hãm sự phát triển của đất nước. Trên dòng đó, họ đưa ra Cương lĩnh sửa đổi, tiếp theo là sửa đổi Hiến pháp. Đây là thủ đoạn của Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu của anh ta”. Viết thêm đôi dòng về vấn đề phức tạp này để hiểu rõ hơn cách ứng xử của Võ Văn Kiệt về bài báo trên.

Mà đâu chỉ mấy bài báo của Võ Văn Kiệt, xin kể về bài viết cuối cùng của Phạm Văn Đồng trên báo Nhân Dân ngày 19.5.1999, bài “Nêu cao danh hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”. Bối cảnh ra đời của bài báo này, như chính tác giả viết là: “Nhiều vấn đề nảy sinh trong cuộc sống chưa có giải đáp, chưa có hướng ra. Vì vậy “Phải tập trung vào những khuyết điểm, sai lầm nặng nhất, phổ biến nhất, nổi cộm nhất, nhân dân bất bình và chê trách nhất. Đó là tham nhũng, tư lợi và quan liêu cửa quyền, phiền hà sách nhiễu dân và biết bao ảnh hưởng tiêu cực của nó đang gây ra một cách rộng khắp với những tác hại không lường hết được mà Bác Hồ đã nói: Trăm con mắt đều nhìn vào, trăm ngón tay đều chỉ vào. Đây là một chuỗi của những sai lầm, những hư hỏng có liên quan mật thiết đến tình hình phức tạp hiện nay của đất nước”.

clip_image004Phạm Văn Đồng quyết liệt và thẳng thừng nói lên một sự thật đau lòng: “Nhiều người có chức, có quyền trong hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể quần chúng hư hỏng quá, thoái hóa biến chất, chạy theo chức, quyền, tiền, danh và lợi. Những người ấy đang làm cho nhân dân ta ngày càng giảm lòng tin vào Đảng ta, đưa đến tình hình nguy kịch không thể coi thường… tất cả có thể đưa đến sự mất còn của chế độ”.

Chính vì cái sự thật phũ phàng với: Trăm con mắt đều nhìn vào, trăm ngón tay đều chỉ vào” ấy mà Đinh Thế Huynh, đang là Tổng Biên tập báo Nhân Dân lo sợ, trì hoãn không muốn đăng nên xin gặp để được trao đổi chỉnh sửa vài chữ nhằm hạ bớt tình công phạt dữ dội của bài báo không thể không đăng. Tôi vẫn còn nhớ như in thái độ dứt khoát của tác giả bài báo trong câu ông nói với anh Nguyễn Tiến Năng: “Hãy trả lời với họ, định đăng thì đăng nguyên văn, không chỉnh sửa thêm bớt gì cả”.

Có lẽ cũng nên nói thêm đôi câu về nhân vật Đinh Thế Huynh này, người mà Phạm Văn Đồng từng có lần gặp và uốn nắn thái độ hung hăng của anh ta. Nguyên là hôm ấy, thay vì trực tiếp trình bày tóm tắt cuốn sách “Thiên nhiên Việt Nam” của giáo sư Lê Bá Thảo, thầy học của tôi, tôi xin với ông để tôi mời chính tác giả đến trình bày thì hay hơn nhiều. Ông tỏ vẻ vui mừng: “Ồ thế thì anh mời đi”, rồi quay sang dặn anh Năng thu xếp chu đáo chuyện đó. Không biết do đâu mà Đức Lượng, lúc bấy giờ là Phỏ Tổng Biên tập báo Nhân Dân biết được. Vốn là chỗ quen biết, Đức Lượng gặp tôi đề nghị được đến dự buổi làm việc vào thứ Sáu hàng tuần ấy. Cùng đi sẽ có thêm Đinh Thế Huynh, một cán bộ trẻ vừa bảo vệ luận án Phó tiến sĩ báo chí ở Liên Xô về. Anh Nguyễn Tiến Năng là người rộng lượng bao dung, vui vẻ báo cáo với cụ Đồng rồi trả lời tôi: “Anh bảo họ đến cùng nghe”.

Khi giáo sư Lê Bá Thảo đang hào hứng trình bày về nội dung cuốn sách mới của ông đoạn nói về hai vựa lúa của đất nước ở châu thổ sông Hồng và đồng bằng Sông Cửu Long “người nông dân đang cần sự hỗ trợ của công nghiệp, của khoa học kỹ thuật. Nều không có những tác động mới ấy mà chỉ độc lực nông dân thôi thì nông thôn nông nghiệp và nông dân không thể có bước phát triển mới được”… thì bỗng nhiên Đinh Thế Huynh đứng dậy: “Xin thưa với giáo sư, nếu không có những người nông dân hai sương một nắng trên của đồng ruộng ấy thì cũng không có chúng ta đang ngồi đây”! Nhận rõ sự hụt hẫng, ngạc nhiên của thầy tôi, giận điên người tôi trừng mắt nhìn Đức Lượng, thấy anh ta cũng lúng túng và hoảng hốt trước thái độ xấc láo biểu tỏ “quan điểm, lập trường” nhằm “lọt mắt xanh” của anh chàng hãnh tiến mình dẫn theo. May quá, cụ Đồng nhẹ nhàng lên tiếng: “Này, anh bạn trẻ, hãy nghe đi đã, nghe xong, nếu có ý kiến gì sẽ trình bày. Còn bây giờ thì, đập tay xuống mặt kính của bàn nước làm nẩy tách trà trước mặt, Cụ dằn giọng, “còn bây giờ thì ngồi xuống và nghe” .

Chuyện biểu tỏ “quan điểm lập trường” nhằm lọt mắt xanh của nhân vật này – người được Nguyễn Phú Trọng chọn lựa và đôn lên nhanh chóng vì cùng hội cùng thuyền – còn nhiều nhưng kể ra làm gì thêm bẩn ngòi bút. Vả lại, Einstein cũng đã chua chát mà rằng “không thể chọi được với những thằng ngu. Vì chúng đông quá”. Ngu không phải chúng không biết đọc biết viết. Mà ngu vì đầu óc chúng mụ mị những giáo điều thiu mốc đã choáng hết chỗ trong não trạng đang cố bấu víu quyền lực chiếm được.

Thế rồi “người tính không bằng trời tính”, số phận anh ta rồi ra sao thì nay vẫn u u minh minh trong đám mây mù tối của những toan tính bẩn thỉu, những dối trá và lừa mị giữa mê hồn trận của cuộc tranh quyền đoạt vị vào buổi mạt triều nên cũng chẳng mấy ai đoái hoài. Lờ mờ thoáng hiện trong đầu tôi câu ca dao của buổi mạt triều chúa Trịnh thế kỷ 18: “Đục cùn thì giữ lấy Tông, đục long Cán gãy còn mong nỗi gì”. Ấy thế mà, thông tấn xã vỉa hè của thập kỷ thứ hai thế kỷ 21 này cơ man là những câu ca dao đời mới còn thâm thuý và hài hước gấp bội phần “những Tông”, “những Cán hiện đại nhớp nhúa của mạt triều chế độ toàn trị phản dân chủ giữa cơn bấn loạn của cuộc chiến quyền lực đang vào hồi gay cấn. Bấn loạn vì “chưa có giải đáp, chưa có hướng ra” như Phạm Văn Đồng đã viết cách nay hai mươi mốt năm!

Chẳng những thế, điều mà cụ Đồng cảnh báo cách nay đúng 30 năm, ngày 1.3.1990 “Cái nhà của chúng ta hiện nay đang nhiều rác rưởi và dơ bẩn, làm cho quần chúng nhân dân phẫn nộ một cách chính đáng. Trong tình hình như vậy, việc chúng ta phải đặt lên hàng đầu công tác quét cái nhà của chúng ta, quét dọn mọi rác rưởi và dơ bẩn, làm cho nó ngày càng sạch sẽ, có như vậy chúng ta mới có môi trường và cơ hội thuận lợi để làm tốt các công tác khác” thì nay lại tệ hơn. “Rác rưởi và dơ bẩn” đang ngập ngụa môi trường sống mà cái “lò cừ nung nấu sự đời” của Trọng chỉ có thể tạo nên một “bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương2 mà thôi.

Trong bối cảnh đó, với những bài báo của những người cầm bút dám “đứng thẳng, nêu lên quan điểm của mình, nói sự thật cho tất cả mọi người, can đảm tuyên bố nó ở mọi nơi” thì

những hành xử của “những Trần Trọng Tân, những Đinh Thế Huynh” hôm nay, sẽ còn thớ lợ dữ dằn hơn nữa. Cho dù đó là cách giải khát bằng thuôc độc, nhưng trong sự bế tắc, khi không tìm được cách nào khác để giữ bằng được cái ghế quyền lực trước nguy cơ bục vỡ, thì người ta vẫn cứ làm. Dường như đó là một tất yếu trong cách hành xử quen thuộc của mọi triều đại đang tự cáo chung trong suốt tiến trình lịch sử. Đó là quy luật của quyền lực. Một quy luật nghiệt ngã, nhưng không thể lẩn tránh mà phải biết nhìn thẳng vào nó vì chính nó là một sự thật nghiệt ngã.

Hiểu ra điều ấy để bình tĩnh và ung dung đón nhận sự thật nghiệt ngã ấy để mà thanh thản trong hoài niệm về một thời kỳ viết báo chạy dài hơn 65 năm từ thưở tóc còn xanh nay chỉ toàn sợi trắng của tuổi 85. Trong những ngày này, ngồi lẩn thẩn lướt đọc lại những bài báo còn lưu giữ lại được mà nghĩ về một quãng đường với bao kỷ niệm buồn vui để mà bồi hồi trong suy tư. Những bài báo nối nhau như một cuốn phim quay nhanh, những hình ảnh sống động hiện lên trong đầu, những người, những cảnh, những sự việc, những đường nét tâm trạng, những ánh mắt ưu tư, những nụ cười nhân hậu, những cái bắt tay nồng ấm trên những chặng đường dài của đất nước từ đỉnh Lũng Cú ở Hà Giang đến mũi Năm Căn ở Cà Mâu. Chỉ đành gợi lên một hình ảnh về bữa cơm trưa bị dân ngồi vây kín để được kể lể và chất vấn tại xã An Ninh huyện Quỳnh Phụ để hình thành bài báo về “Cuộc khảo sát xã hội học tại Thái Bình năm 1997”.

Lúc ấy đã gần một giờ trưa, được đưa vào một nhà dân đầu ngõ để ăn trưa, vừa ngồi xuống chiếc chiếu trải dưới đất với mâm cơm đặt giữa thì bà con đã kéo vào kín nhà. Ông Đột, chủ nhà phải gào to lên: “Thì cũng phải để cho ông ấy ăn cơm đã chứ”. Ai đó cười, vui vẻ nói lớn: “Thì chúng tôi ngồi đợi cho ông ấy ăn chứ đã hỏi đâu. Ngồi đợi thôi. Ông cứ xơi cơm, có no bụng thì mới nghe chúng tôi nói đực chứ. Mời ông cứ tự nhiên”. Thôi thì cũng đành “cứ tự nhiên”, tôi đưa tay đón bát cơm ông chủ nhà đưa mời: “Xin vô phép các cụ các bác…”.

Bà con cười sảng khoái khi mà tôi e là trong họ chắc đã có người tự đến hoặc cho con cháu đến đốt bảy ngôi nhà của bí thư, chủ tịch, trưởng Công an, cán bộ địa chính… và cả nhà bà Bổn chuyên nấu cơm, thửa tiệc cho cấp uỷ và chính quyền mời cấp trên về công tác! Đó là những nhà của “những người cầm quyền hư hỏng ức hiếp dân. Nói đúng bản chất của sự việc thì mới tìm ra giải pháp đúng, hợp lòng dân” như cụ Phạm Văn Đồng chỉ rõ khi nghe tôi trình bày “Báo cáo về cuộc Khảo sát xã hội học về sự kiện Thái Bình3. Khi thấy tôi đã gác đũa, ai đó lại vui vẻ hô lên: “Sao không rót nước cho bác ấy hả!”. Thế là họ đánh tín hiệu bắt đầu đấy. Tôi cầm vội chén nước. “Nào, mời các cụ, các bác nói đi, kính lão đắc thọ, xin mời cụ nói trước”, tôi chìa tay về phía một cụ già ngồi tựa bên vách. Tôi chăm chú nghe, Phạm Xuân Đại, Lê Thị Phượng mở máy ghi âm. Cuộc “phỏng vấn xã hội học” bắt đầu như vậy đấy.

Một cuộc gặp gỡ ồn ào, xô bồ và ấm áp hơi thở cuộc sống của bà con ở tâm điểm của “sự kiện Thái Bình năm 1997” mà cụ Đỗ Mười dạo ấy đã phân vân chưa phát lệnh điều hai trung đoàn về Quỳnh Phụ vì ai đó đã đưa ra kết luận “Có bàn tay của địch kích động mới có việc 7 trong 8 huyện và thị xã có khiếu kiện và rùng rùng kéo lên tỉnh mà Nguyễn Công Tạn, lúc ấy là Phó Thủ tướng phụ trách nông thôn, nông nghiệp vừa rít thuốc lào vừa nói với tôi bên chiếc bàn nước nhỏ trong góc nghỉ trưa tại văn phòng của anh trong Phủ Thủ tướng khi nhắc nhở tôi phải cẩn trọng khi tiến hành cuộc khảo sát theo yêu cầu của ông Võ Văn Kiệt.

clip_image006Cuộc gặp xô bồ ấm áp với bà con xã An Ninh ấy khác hẳn với cuộc gặp lạnh lùng giữa tôi với bí thư Đảng uỷ xã. Anh ta ngồi sâu trong góc trụ sở làm việc ngổn ngang mảnh vỡ của chậu cảnh, tường hoa và cả bát đĩa sang trọng để tiếp khách mà tôi phải cẩn thận xéo lên để bước vào: “Bác thấy đấy, nhưng chúng phải bước qua xác tôi thì mới có thể thực hiện được âm mưu phản cách mạng của chúng”. Sự thật là khi dân xã ào ào kéo nhau trên đường làng thì anh ta đang mặc quần xà lỏn nhảy ào xuống ao sau nhà rồi cứ thế chạy một mạch lên huyện. Mấy hôm sau, khi tình hình đã yên ắng mới theo công an huyện trở về. Anh ta nói tiếp: “Xin mời giáo sư lên trên Hội trường để thấy rõ hơn hành động phản cách mạng của chúng”. Thật may mắn nhận được lời mời ấy vì nhờ có nó mà tôi có được một tấm ảnh sống động về sự lừa dối bịp bợm của một biểu tượng quyền lực ở nơi thấp nhất. Với tôi, tấm ảnh này là dấu ấn sâu đậm và quý giá trong quãng đời làm xã hội học của tôi. Bằng hình ảnh, việc tạo hiện trường giả để vu cho dân đã đập vỡ tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được phơi bày. Ở đây, sự thâm hiểm nhưng lại dốt nát vụng về “thiếu chuyên nghiệp” đã lô một bức tượng bằng thạch cao đã vỡ từ lâu để trong kho nay đem ra dựng vào dưới góc khoảng trống của tấm bàn hình bầu dục đặt giữa phòng nhưng cách một mét trước cái bàn ấy lại có một tượng thạch cao nữa được đặt trên bục gỗ cao. Tôi hỏi, thế bức tượng bị đập vỡ đặt dưới gậm bàn kia đã đặt ở đâu? Phó Chủ tịch xã nhanh nhẩu chỉ tay vào đầu cái bàn hình bầu dục rộng dài giữa hội trường. “Thế là đặt hai tượng cơ à, một ở đây, một đang ở trên bục gỗ kia?”. Ông phó Chủ tịch xã ấp úng: “Dạ, để cho nó trang trọng ạ!”.

Khi tôi chìa tấm ảnh này ra cho ông Đỗ Mười trong lần ông ấy gọi tôi đến trình bày về “báo cáo Thái Bình”, xem kỹ, ông ấy đứng dậy vòng qua bàn làm việc vỗ mạnh vào hai vai tôi khiến tôi giật nảy người trên ghế: “Có thế chứ, sao lại có chuyện nông dân đập tượng Bác Hồ được”. Tôi cười, vì cũng đã vài lần tôi nhận được cái vỗ vai “thân mật” ấy của ông mà tôi đã có dịp kể trong các bài báo về chủ đề trên. Trong mắt tôi, ông Đỗ Mười có nét hồn nhiên và chân chất hiếm thấy của những người cầm quyền cùng thế hệ ông mà tôi được biết. Có lần, vào giờ giải lao trong buổi tôi trình bày về vấn đề “Khảo sát về Phân tầng xã hội và Chính sách xã hội” với Bộ Chính trị, ông Đoàn Khuê, lúc ấy là Bộ trưởng Quốc phòng chất vấn tôi với giọng hạch sách quen thuộc của ông ta: “Này anh Tương Lai, anh có biết những đồng đôla kiều hối mà anh vừa ca ngợi đó là từ đâu ra không đấy”. Tôi đang trả lời “Thưa anh, tôi biết chứ ạ, nhưng đồng đôla trong bản thống kê tôi có, nó không có mùi anh ạ” và cái giọng võ biền thô thiển của ông tướng – đang quyết giấu nhẹm căn bệnh ung thư túi mật để cố leo cao lên ghế Chủ tịch nước do ông Đỗ Mười ủng hộ – định hậm hoẹ tiếp thì cũng chính ông Đỗ Mười đang đứng cạnh cất tiếng: “Chuyện này để tôi nói giúp cho Tương Lai”. Rồi ông kể ra vanh vách các số liệu kiều hối của từ đâu từ đâu gửi về một cách hào hứng. Đoàn Khuê hậm hực đứng yên!

Thì ra, bản giao hưởng của cuộc sống hấp dẫn khán giả thính phòng, vì trong đó có đủ giai điệu quyến rũ với những nốt trầm, nốt bổng, sau những dào dạt trào dâng cảm xúc lại là những quãng lặng lắng sâu. Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, từng là thư ký của ông Đỗ Mười, trong lần tôi rủ tham gia chuyến đi khảo sát các tỉnh biên giới từ Lạng Sơn lên Cao Bằng đã kể cho tôi nghe anh đã chuẩn bị cho ông ấy những số liệu về kinh tế, tài chính, ngân hàng và ông Đỗ Mười đã say sưa nghiền ngẫm như thế nào. Một lần nữa tôi có dịp kiểm chứng về việc chịu khó đọc của ông Đỗ Mười khi ông từng hỏi lại tôi về những số liệu về phân tầng xã hội đăng trong bài viết trên tạp chí Xã hội học của chúng tôi mà ông đã đọc. Đôi khi những quãng lặng trong bản giao hưởng cuộc sống đã làm cho ta công bằng hơn, rộng lượng hơn về cuộc đời và cũng tỉnh táo hơn, vững vàng hơn khi chấm ngọn bút vào sự thật.

clip_image008Trong dòng suy tưởng đó, tôi lặng lẽ đọc lại 51 bài “Đàm luận sáng thứ hai” đều đặn xuất hiện hàng tuần trên báo “Người Đại biểu Nhân dân” trong năm 2007 thời Hồ Anh Tài làm Tổng biên tập để hiểu sâu thêm vì sao mà Nguyễn Phú Trọng hạ lệnh dẹp bỏ chuyên mục “Đàm luận” ấy cùng với việc cấm không cho tác giả xuất hiện trên mặt báo khi ông ta vừa về ngồi lên ghế Chủ tịch Quốc hội. Không chỉ dừng lại đó, mục Thời Luận mà Tổng Biên tập báo Pháp luật TP HCM” cũng lặng lẽ chấm dứt để rồi sau đó các báo khác từ Bắc vào Nam đều tế nhị không để Tương Lai xuất hiện trên trang báo của họ.

Tôi thấm hiểu hơn về tính tất yếu của chính trịtính tàn khốc của quy luật quyền lực khi “Chúng ta sống trong một cơn bão của các cảm xúc chính trị, trong sự hỗn độn của một cuộc chiến đấu giành quyền lực, cuộc chiến đấu này đánh thức bên cạnh các tình cảm tốt đẹp còn cả những bản năng đen tối” mà M. Gorki đã viết cách nay trọn một thế kỷ sau cách mạng Tháng Mười Nga.

clip_image010Làm sao mà Trọng lại không quyết liệt cấm, quyết liệt gạt bỏ, quyết liệt “rút phép thông công được. Dù có lú lẫn đến đâu thì ông ta cũng rất thính nhạy ngửi ra cái mùi “tự do dân chủ tư sản” của Thời đại Ánh sáng với “nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự” là chủ đề xuyên suốt trong hầu hết bài viết trên “Đàm luận sáng thứ hai” hay “Thời Luận” cùng với loạt bài khác trên các báo và tạp chí “Thế Giới Mới”, “Tia Sáng”, “Xưa và Nay”, “Doanh Nhân Sài Gòn”, “Tuổi Trẻ”, “Thanh Niên”, “Lao Động”, “Người Lao Động”, “Sinh Viên”, “Tuần Việt Nam”…

Ngay trên báo Nhân dân thời ông Hoàng Tùng làm Tổng biên Tập thì loạt bài in trên trang 3 với chủ đề đạo đức học và mỹ học về những phạm trù lương tâm, nghĩa vụ, lý tưởng thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ… thì cũng đều gắn chặt với những tư tưởng lớn của các nhà tư tưởng và triết gia Thời đại Ánh sáng, những cốt lõi tinh hoa trong đạo đức học và mỹ học Macxit đều dính đến những nguyên lý về tự do, về khế ước xã hội về tam quyền phân lập đều động chạm đến tư duy chính thống đang ngự trị trên mọi lĩnh vực. Một ví dụ khác việc đặt vấn đề phải có “Toà án Hiến Pháp” để bổ sung cho môt lỗ hổng rất lớn trong nội dung vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trên một bài viết về “Nhà nước” đã chạm đúng vào gót chân Asin của thể chế hiện hành.

Bởi vậy, sao có thể cho lưu hành và lan toả những ý tưởng như vậy trong đám thần dân cần được ráo riết truyền dạy và thực hành sự tuân phục! Phải cấm, phải chặn họng đó là tất yếu cho sự tồn tại của một bộ phận siêu quyền lực đã dứt khoát loại bỏ nguyên lý “tam quyền phân lập”. Ai có đòi hỏi đó là chệch hướng về chính trị, suy thoái về đạo đức cần kiên quyết xử lý như Trọng công khai nói rõ. Còn gì để nói nữa đây?!

Vậy xin dừng lại với một ví dụ về báo Đại Đoàn Kết thời Đinh Đức Lập làm Tổng biên tập dưới trào của Vũ Trọng Kim, người thực sự có quyền lực ở đây. Trong một lần ngồi bên bàn nước sau bữa cơm trưa cạnh các ông Huỳnh Đảm, đương kim Chủ tịch, ông Phạm Thế Duyệt, vị Chủ tịch vừa buộc nghỉ sớm 6 tháng theo lệnh Nông Đức Mạnh và mấy vị khác, thì Vũ Trọng Kim đến bắt tay và “Chúc giáo sư luôn luôn mạnh khoẻ”. Tôi cười vui đáp lễ: “Nếu tôi luôn luôn khoẻ thì anh Kim lại luôn luôn mệt vì phải nghe rất kỹ và xử lý cực kỳ vất vả những bài phát biểu trái tai của tôi trên diễn đàn của Mặt Trận này đấy”. Mọi người đều cười ồ vui vẻ, cả Vũ Trọng Kim cũng vậy. Tuy thế, tôi biết có những cái cười gượng gạo và cũng có những cái cười thú vị tán thành. Tôi thường xuyên bắt gặp chuyện này sau khi từ bục điễn đàn của Mặt trận trở về chỗ ngồi. Có một nhà trí thức quen biết thành thật hỏi tôi: “Sao anh không đưa đăng bài phát biểu trên tờ báo của Mt Trận, báo Đại Đoàn Kết ấy”. Tôi cười nói với anh: “Thế thì phiền anh hỏi ông Vũ Trọng Kim, người dẫn dắt “linh hồn” của tờ báo”.

Mà quả thế, tôi từng cộng tác chặt chẽ với “Đại Đoàn Kết” suốt hơn 30 năm kể từ Đại hội III năm 1983 khi tham gia Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Thế nhưng đọc lại những bài phát biểu tại diễn đàn Đại hội và các Hội nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam còn lưu giữ được nhờ máy vi tính, tôi hiểu tại sao báo Đại Đoàn Kết thời kỳ sau này không thể đăng bài phát biểu của tôi, mặc dầu tràng vỗ tay tại Hội trường thì rất nồng nhiệt. Người ta không chấp nhận việc đưa lên mặt báo những ý kiến trái tai với sự thật được phơi bày trong những phát biểu đó.

clip_image012Xin trích ra đây chỉ một ví dụ về bài phát biểu ngày 13.1.2005 của tôi tại Hội nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam khoá VI. Ở đây, tôi thẳng thắn phê bình việc làm sai trái của một uỷ viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận dám tuỳ tiện gạch bỏ ba từ ý thức hệ của Điều lệ Mặt trận trong câu: “Đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành cuộc Đổi Mới…”. Biện hộ của ông Đỗ Duy Thường rằng: “…việc sửa đổi lại nội dung Điều lệ nói trên là theo đúng chỉ đạo của Đảng, và cũng không trái gì với nội dung Điều lệ đã được Đại hội thông qua là nguỵ biện… Nếu không chấp nhận sự khác nhau về ý thức hệ thì các vị linh mục, các vị hoà thượng, các vị kiều bào không cùng ý thức hệ cộng sản với ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Mặt trận chắc là phải nắm tay cùng ra khỏi Mặt trận!

Một ví dụ khác khi tôi đề cập đến chủ đề “xã hội dân sự” trong bài Phát biểu tại Hội nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam tháng 7.2003, ở đó tôi nói rõ “xã hội dân sự là thành tựu của văn minh mà lịch sử đã có được vì nó gắn với nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường như hình với bóng trong xã hội hiện đại”. Tôi dẫn ra ý tưởng của C. Mác: “Giải phóng chính trị là quy con người thành thành viên của xã hội dân sự”; thậm chí ông còn nói: “Con người với tư cách thành viên xã hội dân sự có nghĩa là con người theo đúng nghĩa của nó”. Tôi nói rõ, để thực hiện chức năng cao cả trong tư duy sáng tạo về Mặt trận của Hồ Chí Minh thì phải làm cho mặt trận thật sự là tổ chức tập hợp tự nguyện của dân, mọi tầng lớp nhân dân.

clip_image014Muốn làm được thế thì lãnh đạo mặt trận phải hiểu được thật kỹ càng về xã hội dân sự theo hướng “phi quan phương” không bị “nhà nước hoá” hay chỉ là “cánh tay nối dài của nhà nước”! Làm sao mà cái thể chế toàn trị phản dân chủ dập theo khuôn mẫu của quan thầy Tập Cận Bình lại có thể không giẫy nẩy lên về đề xuất ấy chính giữa Hội trường của Mặt trận! Đấy là lý do báo Đại Đoàn Kết không thể đăng những bài báo động chạm mạnh đến một sự thật khắc nghiệt mà người ta đang cố sức bưng bít.

Đó là một logic để tồn tại của một thể chế đang cố chống chọi với những cơn sóng trào của lòng phẫn nộ mà nhà cầm bút muốn chấm ngòi bút vào sự thật cần hiểu rõ. Tuân theo cái logic ấy, tôi tìm về khoảng lặng riêng tư để nghiền ngẫm những điều cần viết và muốn viết trong mênh mông thế sự đang cuồn cuộn trong dòng chảy của cuộc sống.

Ung dung chấm ngòi bút vào sự thật, vì trên đầu tôi là khung trời rộng mở, tầm mắt tôi không bị bó hẹp bởi những rào chắn của những toan tính bé mọn. Và cũng vì tôi nhớ đến lời tự bạch của Tư Mã Thiên “Con người đã đội chậu làm sao còn nhìn được trời”.

Và rồi, muốn nhắc lại đây câu thơ của Việt Phương “Ta đã trả giá đau và ta đã học nhìn”.

Ngày 21.6.2020

Chú thích:

1. Về trình tự diễn biến, tôi ghi lại theo trí nhớ, nhờ anh Nguyễn Văn Trịnh chỉnh lại nếu có điều gì thiếu chính xác.

2. Nguyễn Gia Thiều, Cung oán ngâm khúc.

3. Tương Lai, Cảm nhận và Suy tư, tr. 90.

Chú thích ảnh từ trên xuống:

1. Bài của Võ Văn Kiệt trên báo Quốc tế của Bộ Ngoại giao

2. Phạm Văn Đồng và Báo Nhân Dân

3. Tấm ảnh chụp lãnh đạo xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ lập hiện trường giả để vu cáo dân

4. Báo Người Đại biểu Nhân dân và Giải thưởng Đặc biệt

5. Báo Pháp Luật Tp HCM với bài “Quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt đối”

6. Cùng Linh mục Huỳnh Công Minh, Tổng Giáo phận Sài Gòn, biểu tình chống Trung Quốc xâm lược

7. Bìa cuốn sách “Mênh mông thế sự để gió cuốn đi” năm 2018

T.L.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn