Khai thác Hiệp định thương mại tự do-thế hệ mới để hỗ trợ các bị can trong vụ án Đồng Tâm

Vũ Ngọc Yên

Nền kinh tế Việt Nam đã đổi mới trong ba thập niên qua là nhờ vào việc hội nhập kinh tế thế giới và tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA). Nổi bật là hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Thuật ngữ “Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới” được sử dụng để chỉ các FTA với những cam kết sâu rộng và toàn diện, không chỉ bao hàm những cam kết về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ như các “FTA truyền thống“, mà cả các lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như nhân quyền, lao động, môi trường, minh bạch hóa …

Hiệp định thương mại tư do-thế hệ mới thúc đẩy cải cách chính trị, phát triển kinh tế và có thể mang đến nhiều lợi ích về mặt xã hội.

Ý nghĩa Hiệp định thương mại tư do-thế hệ mới EVFTA

Lĩnh vực phát triển kinh tế

EVFTA là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lớn nhất trong lịch sử của đất nước về mặt lợi ích trực tiếp đối với Việt Nam. Kể từ ngày 01.08.2020, EVFTA chính thức có hiệu lực, thuế nhập khẩu của 71% lượng hàng Việt Nam xuất sang EU được giảm xuống mức 0%. Sau 7 năm, thuế nhập khẩu của 99,7% lượng hàng Việt Nam xuất sang EU sẽ được loại bỏ. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam. Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi 65% hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu ngay sau khi thỏa thuận có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được loại bỏ theo các lộ trình cam kết 10 năm.

Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam tăng cường liên kết kinh tế với EU và có tiềm năng  phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế đang chịu tác động sâu sắc từ đại dịch COVID-19. Trong giai đoạn 2019-2020, nền kinh tế Việt Nam đã rơi vào cuộc khủng hoảng. Độ tăng trưởng GDP giảm từ 7 % (2019) xuống 2,8 % (2020). Bội chi ngân sách nhà nước ở mức 202.000 tỷ đồng bằng 3,36 % GDP sẽ tăng lên khoảng 400.000 tỷ bằng 6 % GDP. Nợ công từ 54,1% GDP tăng trên 56,1% GDP.

Với mức 5,50 USD mỗi ngày, tỷ lệ nghèo lớn nhất từ 29% năm 2016 sẽ giảm xuống còn 11,9% vào năm 2030 nhờ EVFTA.

Lãnh vực nhân quyền và dân quyền

EVFTA là một loại hiệp định thế hệ mới, bao hàm không chỉ các quy định về thương mại theo nghĩa rộng, mà cả các quy định về nhân quyền. Nhân quyền trong EVFTA được hiểu theo nghĩa rộng không chỉ bao gồm các nhóm quyền thế hệ thứ nhất, tức là các quyền tự do và chính trị (quyền được sống, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tín ngưỡng, quyền lập hội,…), mà cả các nhóm quy định thế hệ 2, tức là các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (quyền được làm việc, quyền được hưởng an sinh xã hội, quyền tiếp cận giáo dục, quyền biểu tình, quyền nghỉ ngơi và giải trí,…) và cả các quy định thế hệ thứ 3, tức các quyền bao quát liên quan tới phát triển, môi sinh và hoà bình.

EVFTA khẳng định quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa các bên phải dựa trên cơ sở những nguyên tắc đã được xác định trong Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (Partnership and Cooperation Agreement - PCA) được ký kết vào ngày 27.06.2012.

Điều 1 của PCA khẳng định cam kết của các bên là “tôn trọng các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền, như quy định trong Tuyên ngôn của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc về nhân quyền và những văn kiện quốc tế về nhân quyền có liên quan”. Lời mở đầu của EVFTA “Các bên tái khẳng định những cam kết trong Hiến chương của Liên Hiệp Quốc ký tại San Francico ngày 26/06/1945 và các nguyên tắc ghi nhận trong Tuyên bố chung về nhân quyền được thông qua bởi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 10/12/1948”.

Điều 35 PCA. Các bên nhất trí hợp tác thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, bao gồm việc thực hiện các văn kiện quốc tế về nhân quyền mà các bên là thành viên.

Điều 37 PCA. Các bên công nhận vai trò và tiềm năng đóng góp của các hội và các tổ chức phi chính phủ, bao gồm các đối tác xã hội trong quá trình hợp tác theo hiệp định này.

Đoạn 2 Điều 17.22, EVFTA khẳng định Hiệp định này là một phần của quan hệ song phương tổng thể theo quy định tại PCA và sẽ là một phần của khuôn khổ thể chế chung.

Đoạn 2 Điều 17.18 EVFTA quy định, trong trường hợp một bên vi phạm cơ bản PCA thì bên kia có thể áp dụng các biện pháp thích hợp.

Điều 57 PCA, vi phạm các nguyên tắc về nhân quyền được coi là một vi phạm cơ bản PCA. Vi phạm các cam kết về nhân quyền trong PCA có thể dẫn tới việc sử dụng các biện pháp “trả đũa” thương mại như được quy định trong EVFTA

Vụ án Đồng Tâm

Ngày 07 tháng 9 năm 2020, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử 29 người dân xã Đồng Tâm. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến ngày 17 tháng 9 năm 2020.

Theo thông tin truyền thông nhà nước, đây là phiên xét xử sơ thẩm vụ án "giết người" và "chống người thi hành công vụ" xảy ra tại xã Đồng Tâm. Vụ án liên quan đến tranh chấp, khiếu nại đất đai căng thẳng xảy ra từ nhiều năm qua, với cao điểm là cuộc tấn công bằng bạo lực xảy ra sáng ngày 9/1/2020 đã làm nhiều ngừời thiệt mạng và bị thương. Trong số những người tử vong,ngoài 3 nhân viên an ninh còn có cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi, một nhân sĩ nhiều uy tín của xã Đồng Tâm, người thay mặt bà con khiếu nại về quyền sử dụng khu đất trong xã Đồng Tâm.Công luận trong và ngoài nước đã kết án chiến dịch cưỡng chế thu hổi đất bằng bạo lực quân sự của chính quyền CSVN tại Đồng Tâm làm nhiều người thiệt mạng và bị thương là tàn bạo, cũng như cực lực phản đối chiến dịch không dựa trên những quy định pháp luật là vi phạm nhiều điều khoản của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Sau ba ngày diễn ra phiên tòa sơ thẩm, khai mạc từ hôm 07.09 có ý kiến từ trong nhóm luật sư bào chữa và hỗ trợ tư pháp cho các bị cáo tại phiên xử kiến nghị Tòa án đình chỉ phiên xử, trả lại hồ sơ để điều tra lại vì các chứng cứ không đầy đủ để buộc tội các bị cáo, thiếu cơ sở, thiếu thuyết phục và thiếu khách quan. Cũng có ý kiến cho rằng Công an Hà Nội chính là bên tham gia trong việc tấn công hôm 09/1/2020, nhưng đồng thời họ lại tham gia luôn trong việc điều tra, truy tố, kết tội, cho nên rất là khó để đảm bảo tính công bằng.

Viện Kiểm sát Nhân dân Hà Nội đã đề nghị tòa tuyên tử hình hai bị cáo và 27 bị cáo còn lại phải chịu các mức án từ 15 tháng tù treo đến chung thân.

Phản ứng dư luận

Về phiên tòa xét xử 'vụ Đồng Tâm', ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch), bày tỏ sự quan ngại trên Facebook cá nhân: "Có nhiều điều rất đáng lo ngại về thủ tục tố tụng và quyền được xét xử công bằng đối với 29 dân làng đang bị truy tố vì vụ việc ở Đồng Tâm. Tra tấn và bức cung vẫn phổ biến trong các trại giam của công an Việt Nam. Tòa án độc lập là điều xa vời và các bản án do đảng Cộng Sản định sẵn là đặc thù của cái gọi là hệ thống tư pháp Việt Nam. Quyền gặp luật sư của bị cáo cực kỳ bị giới hạn và chỉ được thực hiện sau khi công an đã thực hiện xong việc thẩm vấn, lấy cung và điều tra. Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời về những gì đã xảy ra trong vụ đột kích vào Đồng Tâm, và có lẽ sẽ không bao giờ được trả lời trong hoàn cảnh Hà Nội đang gấp rút kết án các bị cáo. Một điều khá rõ là chính quyền muốn trừng trị các bị cáo bằng bản án rất nặng để răn đe những ai dám chống lại quyền lực nhà nước trong tương lai.

Mười một tổ chức chính trị, xã hội dân sự trong và ngoài nước vào ngày 4 tháng 9 công bố thư chung gửi Liên Hiệp Quốc gửi đến bà Đại sứ Elisabeth Tichy- Fisslberger, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHP) tại Geneva, Thụy Sĩ. Nội dung thư kêu gọi bà Đại sứ can thiệp cho 29 bị cáo là những công dân xã Đồng Tâm bị bắt kể từ khi xảy ra vụ tấn công vào xã Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9 tháng 1.

EU phải thúc đẩy Hà Nội thực thi cam kết nhân quyền

Tại Đức, Tiến sĩ Dương Hồng Ân, Điều hợp viên tổ chức Diễn Đàn Việt Nam 21 (DĐVN21) đã gửi một thỉnh nguyện thư tới Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Nghị viện Âu Châu, David Maria Sassoli.

Trong thư Diễn đàn Việt Nam 21 trình bày về cuộc thảm sát tại xã Đồng Tâm và ý định của CSVN lập toà án xét xử 29 công dân xã này. Tiến sĩ Ân nêu lý do gửi thỉnh nguyện thư tới Liên minh Âu Châu EU „Chúng tôi những người Việt tại Âu Châu rất phấn khởi về việc Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Âu Châu (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ 1.8.2020. Hiệp định này mở ra một kỷ nguyên mới cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Âu Châu (EU). Chúng tôi đánh giá cao nội dung Hiệp định vì EVFTA khẳng định quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa các bên phải dựa trên những nguyên tắc tắc đã được xác nhận định trong Hiệp định đối tác toàn diện (Partnership Cooperation Agreement- PCA ). Trong đó, yêu cầu tôn trọng các quy định về nhân quyền là một nguyên tắc cốt lõi.DĐVN21 khẩn thiết yếu cầu EU hãy can thiệp để cứu giúp 29 công dân bị cưỡng bức ra toà xét xử từ ngày 7 đến 17.9.2020 tại Hà Nội. Những người này là nạn nhân dân bị bắt tùy tiện sau một cuộc trấn áp đẫm máu ở xã Đồng Tâm, ngoại ô Hà Nội, Việt Nam vào ngày 9 tháng 1 năm 2020… DĐVN21 đề nghị Liên minh Âu Châu

- Yêu cầu chính quyền Hà Nội báo cáo minh bạch về thảm sát Đồng Tâm.

- Kêu gọi chính quyền Hà nội đình chỉ xử án và cho phép các bị cáo được tại ngoại đoàn tụ với gia đình.

- Đòi hỏi Hà Nội tuân thủ những cam kết tôn trọng và thực hiện các văn kiện quốc tế về Nhân quyền trong EVFTA…“

Chờ đợi phản ứng tích cực từ EU

Phát xuất từ sự xác tín EU luôn dấn thân bảo vệ và phát huy những giá trị phổ quát nhân quyền, công lý và pháp quyền trên toàn cầu cũng như chính sách kinh tế đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) chủ trương gắn liền với các giá trị về nhân quyền và phát triển bền vững.

Việc lập Tòa án nhân dân để kết án các công dân xã Đồng Tâm là vi phạm trắng trợn các điều khoản trong công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Sự kiện này đòi hỏi Liên minh EU phải có thái độ thúc đẩy Hà Nội thực thi những cam kết bảo vệ Nhân quyền mà hai bên đã nhìn nhận theo tinh thần của các Hiệp định PCA và EVFTA.

Hơn nữa, Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã nhấn mạnh trong một thông cáo báo chí của Uỷ ban châu Âu (EU) hôm 31/7,: “Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng thỏa thuận này cũng sẽ trở thành cơ hội để người dân Việt Nam được hưởng một nền kinh tế thịnh vượng hơn và chứng kiến một sự thay đổi tích cực và nhân quyền mạnh mẽ hơn đối với công nhân và công dân ở nước họ”. Công luận chờ đợi phản ứng tích cực cuả EU đối với sự vi phạm trắng trợn cam kết nhân quyền của CSVN thể hiện qua vụ án Đồng Tâm.

V.N.Y.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn