Kết quả chính thức của Bầu cử Mỹ, hậu quả “ăn mặn khát nước” của Trump và một vài điều bàn luận vĩ thanh

1. Quốc Hội chính thức xác nhận Biden thắng cử

Đỗ Dzũng/Người Việt (tổng hợp)

WASHINGTON, DC (NV) – Mặc dù có sự chống đối của Tổng Thống Donald Trump và những người ủng hộ ông, trong đó có cả ngàn người ập vào tòa nhà Quốc Hội Mỹ hôm Thứ Tư, 6 Tháng Giêng, làm gián đoạn cuộc họp, và làm bốn người thiệt mạng, cuối cùng, vào sáng sớm ngày Thứ Năm, Phó Tổng Thống Mike Pence, cũng là chủ tịch Thượng Viện, tuyên bố ông Joe Biden và bà Kamara Harris là tổng thống và phó tổng thống Hoa Kỳ, và sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 Tháng Giêng tới đây.

Sau khi kiểm phiếu và qua tất cả các thủ tục theo luật định, ông Pence tuyên bố ông Joe Biden được 306 phiếu đại cử tri và ông Donald Trump được 232 phiếu đại cử tri.

Phó Tổng Thống Mike Pence tuyên bố ông Joe Biden là tổng thống và bà Kamala Harris là phó tổng thống. (Hình: Saul Loeb/Pool via AP)

Thủ tục xác nhận

Theo quy định, phó tổng thống và cũng là chủ tịch Thượng Viện là người điều khiển cuộc họp lưỡng viện Quốc Hội để xác nhận số phiếu đại cử tri, và tuyên bố ai sẽ là tổng thống kế tiếp.

Thông thường, phiên họp được tổ chức ở phòng họp khoáng đại Hạ Viện, có sự hiện diện của tất cả 435 dân biểu và 100 thượng nghị sĩ.

Năm nay chỉ có 99 thượng nghị sĩ, vì ông David Perdue (Cộng Hòa-Georgia) vừa mãn nhiệm hôm 3 Tháng Giêng.

Hôm 14 Tháng Mười Hai, 2020, tất cả 538 đại cử tri của 50 tiểu bang và thủ đô Washington, DC đã chính thức bầu phiếu, và được các thống đốc cũng như thị trưởng chính thức xác nhận, cũng như được lưu hồ sơ tại các cơ quan liên quan của chính quyền liên bang và tiểu bang.

Lúc đó, cựu Phó Tổng Thống Joe Biden (Dân Chủ) được 306 phiếu đại cử tri, trong khi Tổng Thống Donald Trump (Cộng Hòa) được 232 phiếu.

Một ứng cử viên chỉ cần 270 phiếu đại cử tri là đắc cử tổng thống.

Phó Tổng Thống Mike Pence (trái) và Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi nói chuyện trước khi khai mạc phiên họp. (Hình: AP Photo/J. Scott Applewhite)

Thủ tục đếm phiếu

Khi bắt đầu phiên họp, các thùng phiếu được đem vào, để Phó Tổng Thống Mike Pence đếm, theo thứ tự từ A tới Z.

Mỗi khi đọc số phiếu của một tiểu bang xong, ông Pence sẽ hỏi có ai phản đối không. Nếu không ai phản đối thì ông đọc tiếp.

Nếu có ít nhất một dân biểu và một thượng nghị sĩ CÙNG phản đối, ông Pence phải ngưng đếm phiếu.

Lúc đó, các dân biểu ngồi tại chỗ, còn các thượng nghị sĩ đi về bên phòng họp khoáng đại Thượng Viện.

Cả hai viện có 2 giờ để thảo luận và bỏ phiếu, trong đó, mỗi người chỉ được phát biểu tối đa 5 phút.

Sau khi thảo luận, mỗi viện có một cuộc bỏ phiếu riêng, để xem có đồng ý với phản đối của tiểu bang này không.

Phải có quá bán của HAI viện đồng ý thì số phiếu đại cử tri của tiểu bang này mới bị hủy bỏ.

Nếu không đạt được điều kiện này, phản đối thất bại.

Phó Tổng Thống Mike Pence bước vào phòng họp khoáng đại Hạ Viện chuẩn bị xác nhận kết quả bầu cử. (Hình: AP Photo/Andrew Harnik)

Diễn tiến cuộc họp

Đầu tiên, Dân Biểu Paul Gasor (Cộng Hòa-Arizona) và Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz (Cộng Hòa-Texas) phản đối kết quả bầu cử của tiểu bang Arizona.

Kết quả, Thượng Viện bỏ phiếu 93-6 và Hạ Viện bỏ phiếu 303-121 không chấp nhận.

Kế đến, Dân Biểu Jody Hice (Cộng Hòa-Georgia) phản đối kết quả bầu cử của tiểu bang Georgia, nhưng không có thượng nghị sĩ nào phản đối theo.

Bà Hice nói: “Thưa chủ tịch, hồi đầu ngày, chúng tôi có, nhưng sau khi xảy ra một số sự kiện, có vẻ như những thượng nghị sĩ này rút lại sự phản đối.”

Phát biểu của bà Hice làm nhiều người vỗ tay.

Phó Tổng Thống Mike Pence nói: “Vậy trường hợp phản đối này là không thành công.”

Trước đó, Thượng Nghị Sĩ Kelly Loeffler (Cộng Hòa-Georgia) có ngỏ ý sẽ phản đối, nhưng sau đó rút lui vì các cuộc bạo động xảy ra ở Quốc Hội.

“Những gì xảy ra hôm nay buộc tôi phải suy nghĩ lại. Bây giờ tôi không thể phản đối sự xác nhận các đại cử tri này nữa,” bà Loeffler nói.

Khi ông Pence đếm 16 phiếu đại cử tri của Michigan, Dân Biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia) phản đối, nhưng không có thượng nghị sĩ nào hưởng ứng. Thế là sự phản đối này thất bại.

Dân Biểu Mo Brooks (Cộng Hòa-Alabama) phản đối sau khi phó tổng thống đếm 6 phiếu đại cử tri của Nevada, nhưng không có ai bên Thượng Viện phản đối theo, cũng thất bại luôn.

Sau khi Phó Tổng Thống Mike Pence đếm 20 phiếu của Pennsylvania, Dân Biểu Rep. Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania) cho biết có một danh sách 80 dân biểu phản đối kết quả này.

Kế đến, Thượng Nghị Sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri) cho biết ông cũng phản đối.

Sau hai giờ tranh luận, Thượng Viện bỏ phiếu 92-7 và Hạ Viện bỏ phiếu 282-138 không đồng ý với phản đối này.

Sau đó, hai viện tái nhóm tại phòng họp khoáng đại Hạ Viện, và Phó Tổng Thống Mike Pence tiếp tục đọc số phiếu đại cử tri từng tiểu bang còn lại, bắt đầu với Rhode Island, nhưng không còn bất cứ phản đối nào đối với những tiểu bang còn lại, ngoại trừ tiểu bang Wisconsin.

Dân Biểu Louie Gohmert (Cộng Hòa-Texas) phản đối kết quả của Wisconsin, nhưng không có thượng nghị sĩ nào cùng phản đối.

Cuộc họp kết thúc lúc 3 giờ 45 phút sáng sau khi Phó Tổng Thống Mike Pence tuyên bố ông Joe Biden, thuộc tiểu bang Delaware, được bầu làm tổng thống, và bà Kamala Harris, thuộc tiểu bang California, được bầu làm phó tổng thống.

Đ.D.

Nguồn: nguoi-viet.com

2. Cơn giận của ông Trump châm ngòi cuộc tấn công vào nền dân chủ Mỹ

AP

Người ủng hộ TT Trump tuần hành tới Điện Capitol ở Washington DC ngày 6/1/2021. (Photo by Joseph Prezioso / AFP)

Người ủng hộ TT Trump tuần hành tới Điện Capitol ở Washington DC ngày 6/1/2021. (Photo by Joseph Prezioso / AFP)

Hôm 6/1, đám đông bạo loạn chiếm đóng Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ. Đó là hậu quả của những lực phá hoại mà Tổng thống Donald Trump đã khơi dậy từ lâu, mà đỉnh điểm là nỗ lực làm gián đoạn một tiến trình dân chủ sẽ chính thức kết thúc cố gắng vi hiến của ông nhằm duy trì quyền lực, hãng tin AP bình luận.

Cảnh tượng diễn ra hôm thứ Tư với những đám đông chọc thủng tuyến phòng thủ của cảnh sát, đập vỡ cửa kính, chiếm đóng tòa nhà Quốc hội Mỹ, biểu tượng của quyền lực, là cảnh tượng mà thông thường người Mỹ chỉ được chứng kiến từ xa, xảy ra tại những nước theo chế độ độc tài toàn trị.

Nhưng vụ bạo động, kể cả tiếng súng nổ bên trong Điện Capitol, khiến một người chết, và một cuộc chiếm đóng vũ trang ngay tại diễn đàn Thượng viện, bắt nguồn từ nhân vật đã tuyên thệ bảo vệ các truyền thống dân chủ mà những kẻ biểu tình bạo loạn tìm cách chà đạp, nhân danh chính ông ta.

Đám động bạo loạn chủ ý xông vào Điện Capitol, tòa nhà được coi là một thành trì của dân chủ, gợi nhớ lại sự cuồng nộ và cảnh máu đổ của thời nội chiến. Duy lần này, người khiêu khích sự cuồng nộ và cảnh đổ máu là một Tổng thống dân cử nhất mực không tôn trọng khái niệm nền tảng của dân chủ, là một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình.

“Đây là một âm mưu lật đổ Chính phủ do chính Tổng thống Hoa Kỳ sách động”, sử gia chuyên về các đời tổng thống Mỹ Michael Beschloss nhận định. “Chúng ta đang ở tại một thời điểm vô tiền khoáng hậu khi mà một Tổng thống sẵn sàng toa rập với các đám động bạo loạn để lật đổ Chính phủ của chính ông. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với ý niệm dân chủ mà đất nước này đã chiến đấu để bảo vệ trong hơn 2 thế kỷ”.

Tiến trình xác nhận kết quả cuộc biểu quyết của Đại cử tri đoàn, chính thức xác nhận chiến thắng của Tổng thống tân cử Joe Biden, là một thủ tục lễ nghi được ghi trong Hiến pháp, nhằm nêu bật sức mạnh của nền dân chủ Mỹ, đã bị gián đoạn vài giờ sau khi ông Trump kêu gọi những người ủng hộ ông hãy hành động trong một bài phát biểu kêu gọi các ủng hộ viên hãy “chiến đấu để chặn việc bầu cử bị cướp”, và hãy tuần hành tới Điện Capitol.

Giữa lúc nhiệm kỳ Tổng thống của ông đang bước vào những ngày cuối cùng, bài phát biểu của ông Trump được AP coi là bài diễn văn đầy giận dữ, khích động những người coi phát biểu của ông là một lời kêu gọi nổi loạn. Đám đông bạo loạn áp đảo các lực lượng an ninh bảo vệ Quốc hội Mỹ, đập vỡ nhiều cửa kính, đánh cắp những vật lưu niệm, và châm biếm định chế dân chủ với những bức ảnh chụp họ ngồi trên những chiếc ghế quyền lực tại Quốc hội Mỹ.

Nhưng các điều kiện dẫn tới bạo động đã có từ lâu trước cuộc biểu tình bạo động ngày 6/1, kể cả lời kêu gọi của luật sư riêng của Tổng thống Trump, Rudy Giuliani, kêu gọi những người ủng hộ ông Trump hãy “chiến đấu” để giải quyết các cáo buộc về gian lận bầu cử.

Ông Trump từ lâu vẫn tránh, không cam kết sẽ tiến hành một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình. Trong hầu hết năm qua, ông liên tục tố cáo bầu cử bị dàn dựng, và tung ra những cáo buộc vô căn cứ là có gian lận bầu cử rộng khắp, điều mà vô số các tòa án liên bang, và chính cựu Bộ trưởng Tư pháp của Tổng thống Trump cũng khẳng định là không hề xảy ra.

Ngay cả khi đã rõ ràng là ông đã thất cử, ông Trump vẫn chối bỏ sự thật, liên tục khẳng định ông đã “thắng cử với đa số áp đảo”. Thực tế là ông đã bị ông Biden đánh bại, thua ông Biden tới 7 triệu phiếu.

Lần trước Điện Capitol bị xâm nhập xảy ra vào năm 1814 khi tòa nhà Quốc hội Mỹ bị người Anh phóng hỏa trong Chiến tranh năm 1812, theo Hội Lịch sử Điện Capitol.

Cuộc xung đột nội bộ do Tổng thống Trump khích động, “gợi lại cuộc nội chiến”, sử gia chuyên về các đời tổng thống Julian Zelizer, giảng dạy tại Đại học Princeton, nói: “Đây là một cuộc tấn công vào hệ thống chính quyền.”

AP

Nguồn: voatiengviet.com

3. Facebook khóa tài khoản của Trump ít nhất đến hết nhiệm kỳ

Th.Long

MENLO PARK, California (NV) – Facebook sẽ ngăn Tổng Thống Donald Trump đăng bài lên tài khoản (account) Facebook và Instagram cá nhân vô thời hạn và ít nhất đến khi Tổng Thống đắc cử Joe Biden nhậm chức, theo CNBC.

Quyết định này được ông Mark Zuckerberg, tổng giám đốc Facebook, loan báo hôm Thứ Năm, 7 Tháng Giêng.

Một loạt mạng xã hội khóa tài khoản hoặc chặn bớt bài đăng của Tổng Thống Donald Trump sau vụ bạo loạn ở Quốc Hội hôm Thứ Tư, 6 Tháng Giêng. (Hình minh họa: Reuters/Kevin Lamarque)

“Chúng tôi tin rằng để Tổng Thống Trump tiếp tục sử dụng dịch vụ của chúng tôi trong giai đoạn này sẽ tạo rủi ro cực kỳ lớn,” ông Zuckerberg viết trên trang Facebook cá nhân. “Do đó, chúng tôi sẽ chặn tài khoản Facebook và Instagram của ông vô thời hạn và ít nhất trong hai tuần tới, đến khi hoàn tất tiến trình chuyển giao quyền lực ôn hòa.”

Đây là biện pháp mạnh nhất mà Facebook đưa ra với Tổng Thống Trump trong suốt bốn năm ông nắm quyền. Trước đó, nhiều người kêu gọi Twitter và các mạng xã hội khác đóng tài khoản của ông Trump hay có biện pháp quyết liệt khác.

Hôm Thứ Tư, Facebook, Twitter, Snap và YouTube bắt đầu chặn bớt bài đăng của Tổng Thống Trump, sau khi ông tiếp tục cáo buộc mà không đưa ra chứng cứ rằng có gian lận bầu cử.

Hôm Thứ Tư, Facebook tuyên bố sẽ khóa tài khoản của Tổng Thống Trump 24 tiếng để ngăn ông đăng bài. Instagram, do Facebook làm chủ, cũng chặn tài khoản của ông.

Tối Thứ Tư, Twitter khóa tài khoản Tổng Thống Trump 12 tiếng, đồng thời, cảnh cáo sẽ đóng vĩnh viễn nếu ông tiếp tục vi phạm chính sách Bảo Toàn Tiến Trình Công Dân của công ty này.

Hôm Thứ Năm, phát ngôn viên Twitter cho đài CNBC hay Tổng Thống Trump đã xóa những “tweet” vi phạm, “và tài khoản của ông bắt đầu bị khóa 12 tiếng.” Tài khoản của ông Trump có thể được mở lại khoảng 3 giờ chiều, giờ miền Đông.

“Platform” thương mại điện tử Shopify hôm Thứ Năm cũng đóng những trang web liên hệ với Tổng Thống Trump mà họ cho biết vi phạm chính sách của họ. Trang web bán lẻ Trumpstore.com của công ty Trump Organization nằm trong số những trang bị đóng.

Shopify gửi thông báo cho CNBC nói: “Shopify không chấp nhận hành vi kích động bạo lực. Dựa theo những diễn biến gần đây, chúng tôi xác định hành động của Tổng Thống Donald Trump vi phạm Chính Sách Sử Dụng Thỏa Đáng của chúng tôi, theo đó, cấm cổ xúy hoặc hỗ trợ tổ chức, ‘platform’ hoặc người nào đe dọa hoặc dung túng bạo lực để đạt mục đích nào đó. Do  đó, chúng tôi đóng những cửa hàng liên hệ với Tổng Thống Trump.”

T.L.

Nguồn: nguoi-viet.com

4.  Nhiều lời kêu gọi truất phế ông Trump, nhiều quan chức ra đi

Reuteur

Các ủng hộ viên của ôngTrump đụng độ với cảnh sát tại toà nhà Quốc hội hôm 6/1/21 trong cuộc biểu tình phản đối việc xác nhận kết quả cuộc bầu cử Tổng thống 2020.

Các ủng hộ viên của ôngTrump đụng độ với cảnh sát tại toà nhà Quốc hội hôm 6/1/21 trong cuộc biểu tình phản đối việc xác nhận kết quả cuộc bầu cử Tổng thống 2020.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 7/1 đối mặt với ngày càng nhiều những lời kêu gọi rời chức trong lúc hàng loạt phụ tá thân cận và một số giới chức cũng tuyên bố ra đi, một ngày sau khi những người biểu tình ủng hộ ông Trump nổi loạn xông vào Điện Capitol lúc Quốc hội tiến hành kiểm đếm phiếu đại cử tri để chính thức xác nhận kết quả cuộc bầu cử Tổng thống hôm 3/11/2020.

Dù nhiệm kỳ của ông Trump chỉ còn 13 ngày nữa, nhưng ngày càng nhiều người đề nghị truất phế ông, trong đó có một thượng nghị sĩ Dân chủ hàng đầu ở Thượng viện và một dân biểu Cộng hoà ở Hạ viện.

Rạng sáng ngày 7/1, Quốc hội Mỹ đã chính thức xác nhận chiến thắng của Tổng thống tân cử Joe Biden thuộc đảng Dân chủ, bất chấp sự phản đối từ một số nhà lập pháp phía đảng Cộng hoà.

Các thành viên trong Nội các của ông Trump và các đồng minh của vị Tổng thống Cộng hoà đang thảo luận việc áp dụng một điều khoản của Hiến pháp để truất phế ông, một nguồn thạo tin cho Reuters biết.

Trong khi đó, ngày càng nhiều phụ tá Toà Bạch Ốc loan báo sẽ ra đi, trong đó có đặc sứ Mick Mulvaney, cựu Chánh văn phòng của ông Trump, và cố vấn hàng đầu về vấn đề Nga, Ryan Tully.

Lãnh đạo khối Dân chủ ở Thượng viện, Chuck Schumer, kêu gọi Phó Tổng thống Mike Pence truất phế ông Trump theo Tu chính án 25 của Hiến pháp mà qua đó các thành viên Nội các có thể loại một Tổng thống bị mất năng lực hay mất tư cách. Ít nhất 1 dân biểu Cộng hoà và 19 dân biểu Dân chủ cùng kêu gọi thực hiện điều này.

Ông Schumer nói “Vị Tổng thống này không nên tại vị thêm một ngày nào nữa.” “Nếu Phó Tổng thống và Nội các không chịu đứng ra, Quốc hội sẽ tái triệu họp để truất phế Tổng thống,” ông Schumer tuyên bố.

Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát từng đàn hạch Tổng thống Trump hồi tháng 12 năm 2019 vì các cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội sau khi ông Trump áp lực Ukraine điều tra ông Biden, nhưng Thượng viện do phía Cộng hoà kiểm soát vào tháng 2 năm 2020 đã biểu quyết tha bổng Tổng thống.

Một dân biểu cùng đảng Cộng hoà với ông Trump là Adam Kinzinger hôm 7/1 kêu gọi dùng Tu chính án 25 để sa thải Tổng thống.

Một nguồn tin biết rõ tình hình cho biết nỗ lực này có phần chắc sẽ không đi tới đâu. Đa số nghị sĩ Cộng hoà ở Quốc hội tỏ ra không mấy quan tâm đến chuyện áp lực Nội các hành động như thế.

Trong tuyên bố sáng ngày 7/1, ông Trump cam kết một cuộc chuyển giao quyền lực có trật tự trước ngày ông Biden tuyên thệ nhậm chức, nhưng Tổng thống vẫn tiếp tục lặp lại cáo buộc vô căn cứ rằng gian lận rộng khắp đánh cướp chiến thắng của ông trong cuộc bầu cử.

Bất chấp lời kêu gọi từ các thành viên cao cấp trong chính quyền, ông Trump không lên án cuộc bạo động bất thường xảy ra hôm 6/1 sau khi ông khuyến khích các ủng hộ viên tuần hành tới Điện Capitol.

Những người biểu tình nổi loạn đã tấn công vào trụ sở Quốc hội, đập vỡ cửa sổ, bao vây phòng họp Hạ viện và đập cửa trong lúc các nghị sĩ đang họp bên trong. Lực lượng an ninh đã dùng bàn ghế chắn cửa để sơ tán các nhà lập pháp.

Cục Điều tra Liên bang FBI ngày 7/1 kêu gọi dân chúng cung cấp thông tin nhận dạng những người tham gia cuộc bạo động tại Điện Capitol. Trong vụ này có 4 người thiệt mạng.

Cuộc bạo động diễn ra cùng ngày phe Dân chủ dành được chiến thắng sít sao chiếm quyền kiểm soát Thượng viện Hoa Kỳ.

Facebook loan báo sẽ cấm các dòng tin của ông Trump đăng trên mạng xã hội này cho tới ngày ông Biden nhậm chức 20/1.

Nguồn: voatiengviet.com

5. Công tố viên liên bang sẽ cáo buộc chống lại Trump, Giuliani và Trump Jr.

T.H.

Công tố viên liên bang hàng đầu ở WA hôm thứ Năm cho biết các cáo buộc chống lại Tổng thống Donald Trump vì vai trò của ông trong cuộc bạo động mang lại hỗn loạn cho Điện Capitol Hoa Kỳ là không thể bàn cãi.

Công tố viên Hoa Kỳ Michael Sherwin, trả lời câu hỏi của các phóng viên hôm thứ Năm, nói rằng các công tố viên liên bang đang xem xét “tất cả các tác nhân” để xác định xem hành vi của họ có vi phạm luật liên bang hay không, một nhóm bao gồm những người phát biểu tại cuộc nổi loạn trước “Save America March” rằng diễn ra bên ngoài Tòa Bạch Ốc. Trump, cũng như luật sư riêng Rudy Giuliani và con trai ông Donald Trump Jr., đã tập trung vào đám đông, khuyến khích họ chiến đấu để lật ngược cuộc bầu cử mà Trump đã thua.

Mặc dù Sherwin cho biết các công tố viên ban đầu tập trung vào những tội ác rõ ràng của đám đông xâm nhập Điện Capitol và tham gia vào “bạo lực và hỗn loạn”, Sherwin cho biết các công tố viên liên bang sẽ xem xét hành động của bất kỳ ai liên quan đến việc hỗ trợ hoặc tạo điều kiện cho bạo loạn.

Sherwin nói: “Chúng tôi đang xem xét tất cả những người vi phạm.Có những ai hỗ trợ hoặc tạo điều kiện  trong việc này không? “

“Bất cứ ai có vai trò và bằng chứng phù hợp với các yếu tố cấu thành tội phạm, họ sẽ bị buộc tội,” Sherwin nói.

T.H.

Nguồn: baocalitoday.com

6. Tổng thống Trump có thể bị cách chức hay không?

08/01/2021

Tổng thống Trump từng thoát hiểm trong phiên tòa luận tội ông ở Quốc hội hồi đầu năm 2020

Tổng thống Trump từng thoát hiểm trong phiên tòa luận tội ông ở Quốc hội hồi đầu năm 2020

Việc những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump tấn công vào tòa nhà Quốc hội ở Thủ đô Hoa Kỳ hôm 6/1 đã khiến một số nghị sĩ từ cả hai đảng mà mới đây nhất là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo khối Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer kêu gọi truất phế ông Trump khỏi chức vụ trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1.

Có hai cách để truất phế một Tổng thống: Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Hoa Kỳ và luận tội tại Quốc hội. Trong cả hai trường hợp, Phó Tổng thống Mike Pence sẽ lên thay cho đến khi ông Biden nhậm chức.

Một nguồn tin nắm rõ vấn đề nói với Reuters rằng đã có những cuộc thảo luận sơ bộ giữa một số thành viên chính phủvà các đồng minh của Trump về việc viện đến Tu chính án 25.

Mục đích của Tu chính án 25 là gì?

Tu chính án 25, được phê chuẩn vào năm 1967 và được vận dụng sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát vào năm 1963, đề cập đến việc kế vị Tổng thống và trường hợp Tổng thống mất năng lực.

Mục 4 đề cập đến các tình huống mà Tổng thống không thể thực hiện công việc nhưng không tự nguyện từ chức.

Theo các chuyên gia pháp lý, những người soạn thảo Tu chính án thứ 25 rõ ràng có ý định áp dụng nó khi một Tổng thống bị mất khả năng làm việc vì bệnh tật hay có vấn đề tâm thần. Một số học giả cũng lập luận rằng nó cũng có thể áp dụng rộng rãi hơn cho một Tổng thống không thích hợp làm người lãnh đạo đất nước.

Để viện dẫn Tu chính án 25, ông Pence và đa số Nội các của ông Trump cần phải tuyên bố rằng ông Trump không thể thực hiện các nhiệm vụ của Tổng thống và loại bỏ ông ta. Khi đó, ông Pence sẽ tiếp quản.

Ông Trump sau đó có thể phản bác rằng ông có thể tiếp tục công việc. Nếu ông Pence và đa số Nội các không phản đối, ông Trump sẽ giành lại quyền lực. Còn nếu họ phản đối tuyên bố của ông Trump, vấn đề sau đó sẽ do Quốc hội quyết định, nhưng ông Pence sẽ tiếp tục làm Tổng thống cho đến lúc đó.

Cần phải có đa số 2/3 của cả hai viện đồng ý thì ông Trump mới bị cách chức. Nhưng Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát có thể chỉ cần trì hoãn bỏ phiếu về các tranh chấp thực chất khác cho đến khi nhiệm kỳ ông Trump kết thúc, ông Paul Campos, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Colorado, giải thích.

Campos nói Tu chính án 25 sẽ là một cách thích hợp để loại Trump khỏi chức vụ và có lợi thế là nhanh hơn luận tội.

“Ông Pence có thể ngay lập tức trở thành Tổng thống, trong khi việc luận tội và kết tội có thể mất ít nhất vài ngày,”Campos nói.

Ông Trump có thể bị luận tội và cách chức không?

Câu trả lời là có.

Một quan niệm sai lầm về ‘luận tội’ là cho rằng việc này là để cách chức một Tổng thống. Trên thực tế, việc luận tội chỉ đề cập đến Hạ viện đưa ra cáo trạng là Tổng thống có ‘trọng tội hay tội nhẹ’ – tương tự như cáo trạng hình sự.

Nếu đa số quá bán trong số 435 dân biểu Hạ viện đồng ý đưa ra cáo trạng, được gọi là ‘các điều khoản luận tội’, thì quy trình luận tội sẽ được đưa đến Thượng viện, và cơ quan này sẽ tổ chức một phiên tòa để quyết định Tổng thống có tội hay không. Hiến pháp yêu cầu đa số hai phần ba ở Thượng viện để kết tội và phế truất một Tổng thống.

Ông Trump từng bị Hạ viện Hoa Kỳ do đảng Dân chủ kiểm soát đàn hạch luận tội vào tháng 12 năm 2019 với cáo buộc lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội xuất phát từ nỗ lực của ông gây áp lực Ukraine điều tra ông Biden và con trai ông Biden. Tuy nhiên, sau đó ông Trump được Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát tha bổng vào tháng 2 năm 2020.

Ông Trump có thể bị cáo buộc về tội nhẹ, tội nặng nào?

Ông Frank Bowman, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Missouri, cho rằng ông Trump ‘có thể đã nuôi dưỡng sự phản loạn’ hay tìm cách lật đổ chính phủ Hoa Kỳ.

Nhưng Bowman cho biết ông Trump cũng có thể bị luận tội vì một tội danh chung chung hơn: phản bội Hiến pháp Hoa Kỳ và không giữ đúng lời tuyên thệ khi nhậm chức. Quốc hội có toàn quyền trong việc xác định trọng tội và tội nhẹ.

“Vi phạm cơ bản sẽ là vi phạm Hiến pháp - về cơ bản là cố gắng phá hoại kết quả hợp pháp của một cuộc bầu cử được tiến hành hợp pháp,” theo giáo sư Bowman.

Nguồn: voatiengviet.com

7.  Trump công nhận Biden chiến thắng, kêu gọi nước Mỹ đoàn kết

Th.Long

Jan 7, 2021 cập nhật lần cuối Jan 7, 2021

WASHINGTON, DC (NV) – Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Năm, 7 Tháng Giêng, công nhận ông Joe Biden chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống 2020, và kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết, theo Reuters.

Lời thừa nhận được đưa ra trong đoạn video đăng trên Twitter tối Thứ Năm, một ngày sau khi người ủng hộ ông Trump tràn vào Quốc Hội quậy phá giữa lúc các nhà lập pháp xác nhận chiến thắng của ông Biden.

Tổng Thống Trump phát biểu trong đoạn video đăng trên Twitter của ông tối Thứ Năm, 7 Tháng Giêng. (Hình: Twitter Donald Trump)

“Quốc Hội đã xác nhận kết quả. Chính quyền mới sẽ nhậm chức ngày 20 Tháng Giêng,” ông Trump nói. “Bây giờ, tôi sẽ chuyển sang lo bảo đảm chuyển giao quyền lực suôn sẻ, trật tự, êm thắm. Giờ phút này đòi hỏi phải hàn gắn và hòa giải.”

Tổng Thống Trump cho biết ông “phẫn nộ” với những người tham gia vụ bạo loạn ở Quốc Hội. Ông lưu ý rằng người nào vi phạm luật pháp “sẽ phải trả giá.”

“Mỹ là và lúc nào cũng phải là quốc gia pháp trị,” ông nói. “Những người biểu tình xâm nhập Quốc Hội đã làm ô uế nền dân chủ Mỹ. Xin thưa với những người dính líu hành động bạo lực và phá hoại, quý vị không đại diện cho đất nước chúng ta.”

Trước đó, các nhà lập pháp thuộc cả hai đảng Cộng Hòa lẫn Dân Chủ tố cáo Tổng Thống Trump kích động bạo loạn qua những lời nói đầy tính khích động.

“Làm tổng thống bốn năm qua là vinh dự cả đời tôi,” ông Trump nói. “Và xin thưa với tất cả những người ủng hộ tuyệt vời của tôi, tôi hiểu quý vị rất thất vọng, nhưng tôi muốn quý vị biết rằng chuyến đi rất đẹp của chúng ta chỉ mới bắt đầu.”

Những lời tuyên bố của Tổng Thống Trump tối Thứ Năm khác hoàn toàn với những lời nói của ông suốt thời gian qua.

Kể từ sau ngày bầu cử 3 Tháng Mười Một, 2020, ông luôn khẳng định ông là người chiến thắng và cuộc bầu cử bị gian lận lan tràn, nhưng không đưa ra bằng chứng. Đến sáng Thứ Năm, ông vẫn còn tuyên bố ông bị đánh cắp cuộc bầu cử.

T..L.

Nguồn: nguoi-viet.com

8. Capitol Hill: Biểu tượng quyền lực Hoa Kỳ bị đập phá, nhưng Joe Biden vẫn làm Tổng thống

Hiệu Minh

Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, bầu trời, cây, ngoài trời và thiên nhiên

Trụ sở Quốc hội Mỹ. Ảnh: FB tác giả

Chúc mừng Tổng thống mới Joe Biden. Trump fired, Biden hired.

Không hiểu sao tối qua trước khi đi ngủ tôi post mấy bức ảnh Capitol Hill chụp từ năm 2012 đến 2017 vì tôi tin cuộc họp của Lưỡng viện Quốc hội nhằm chứng nhận phiếu đại cử tri của các bang và công nhận Joe Biden là Tổng thống 46 của Hoa Kỳ sẽ diễn ra như những bức ảnh thanh bình.

Năm 1910 sau nhiều thay đổi, Quốc hội Mỹ sửa đổi Hiến pháp, cho phép building trong Thủ đô DC chỉ được cao bằng độ rộng mặt phố cộng với 6,1m. Ví dụ, mặt phố rộng 28m độ cao của tòa nhà tối đa là 34,1m (10-12 tầng). Nhưng khu dân cư không được vượt quá 27m và khu thương mại cũng không quá 40m. Văn phòng các bộ các ngành quan trọng đều tuân thủ qui định nghiêm ngặt này.

Capitol Hill nơi có nhà Quốc hội cao 88m và Tượng đài Washington (tháp bút) ở giữa DC cao 169m. Với qui định trên thì không có bất kỳ tòa nhà nào trong DC lại vượt mặt nhà Quốc hội và Tháp bút Washington. Dân DC mới đồn kiến trúc DC theo phong thủy chính trị “No one is above the law - không ai ngồi trên pháp luật”. Họ dùng luật trong độ cao của nhà cửa để giữ cho kiến trúc thành phố luôn nhất quán và theo đúng nghĩa thượng tôn pháp luật.

Thế mà sáng nay thức dậy xem CNN không thể tin vào mắt mình, những kẻ cuồng loạn Trump đã phá cửa xông vào phá phách. Nơi đây tôi lui tới hàng trăm lần, ngắm không chán biểu tượng vĩ đại nhất của Hoa Kỳ, nhưng chưa bao giờ được phép tới gần sờ vào cửa sổ.

An ninh khủng, thế mà. Trong cuộc tấn công khủng bố 9-11, Bin Laden dự định cho một máy bay lao vào Capitol Hill hoặc Nhà Trắng nhưng không thành. Nhưng những kẻ cuồng lại vào đó như chỗ không người, ngồi cả lên ghế chủ tịch. Trump và đám fan đã đi quá xa. Rồi đây người Mỹ sẽ nhìn lại sự kiện, bới từng mảnh kính vỡ để tìm ra nguyên nhân.

Đương nhiên không chỉ fan cuồng vô ý thức. Nhà báo Rebecca Solnit viết trên Guardian “Những nỗ lực bên trong và bên ngoài tòa nhà Quốc hội Mỹ là hai mặt của một vấn đề, tất cả đều được dung dưỡng bởi các lãnh đạo Đảng Cộng hòa và Tổng thống Mỹ. Đám đông bên ngoài sẽ không tồn tại nếu không được các chính trị gia bên trong ủng hộ”.

Đây là ngày đen tối của Đảng Cộng hòa chính thức mất Thượng viện, Hạ viện và Nhà Trắng. Hoa Kỳ bị tổn thương vì biểu tượng quyền lực cao nhất bị đập phá.

Dù bị sơ tán, dù bị đe dọa, Capitol Hill tiếp tục họp, và khi tôi viết bài này thì Mike Pence tuyên bố Joe Biden là TT thứ 46 của Hoa Kỳ vào 4 giờ sáng Washington DC.

Không biết Tổng thống Trump đưa Hoa Kỳ vĩ đại và thành số 1 theo nghĩa nào nhưng sự kiện hôm nay tại Capitol Hill đủ cho người dân hiểu Trump là ai. Cử tri đã nói lên chính kiến của mình rằng nước Mỹ đang đi con đường khác với hướng của Tổng thống Trump và họ đã hạ bệ ông bằng những lá phiếu dân chủ.

Cho dù thế nào thì nước Mỹ vẫn có tên là Hoa Kỳ… xứ cờ hoa.

H.M.

Nguồn: FB Hiệu Minh

9. DONALD TRUMP – Một phiên bản lỗi của nền dân chủ Mỹ

Phạm Mai Hiền

“Mỹ dưới bất kỳ một Tổng thống nào không bao giờ và không thể nào giúp Việt Nam đương đầu được với Trung Quốc chừng nào Chính phủ của chúng ta vẫn một lòng một dạ với Trung Quốc. Khi Hiến pháp và nền dân chủ Mỹ bị chà đạp thì điều đó chỉ có lợi cho các thể chế độc tài, độc trị trên thế giới. Cách đây chục năm chúng ta sốc khi Cù Huy Hà Vũ bị tuyên án 7 năm, thì ngày nay một giáo viên dạy một bài hát vô thưởng vô phạt cũng bị kết án 11 năm, những nhà báo dùng ngòi bút ôn hoà để viết về các vấn đề kinh tế, chính trị của đất nước cũng vừa bị kết án tổng cộng 37 năm. Chưa bao giờ những nhà bất đồng chính kiến lại bị những án tù nghiệt ngã như vậy”.

Bạn Phạm Mai Hiền có biết việc kết những cái án tăng nặng đến mức kinh ngạc đối với những tù nhân hôm nay chỉ phạm những lỗi chẳng là gì so với thời CHHV là các vị cầm quyền đất nước chúng ta học của ai không? Hỏi là hỏi thế thôi chứ không cần nói bạn cũng đã thừa biết. Thế nên mong ước một Việt Nam có thể “thoát Trung” để trở thành một quốc gia độc lập cho nước Mỹ có thể tin cậy, có lẽ cũng chỉ là mong hão, trừ phi…  Nói đến đây thì lại phải dừng lời, bởi nếu không thì sẽ sa vào vòng luẩn quẩn “Ông Ninh ơi hỡi ông Ninh/ Đi đến đầu đình lại gặp ông Nang…”. Cái khổ của dân tộc mình là ở chỗ đó.

Bauxite Việt Nam

Từ rất nhiều tháng nay tôi không viết chính kiến gì của mình liên quan đến đề tài được coi là chia rẽ nhất này không chỉ ở Mỹ mà đặc biệt là ở Việt Nam. Tôi có rất nhiều bạn bè cả trên FB lẫn ngoài đời mà tôi rất khâm phục và nể trọng vì những bài viết dấn thân về tình trạng tham nhũng, chà đạp tự do báo chí, ngôn luận và nhân quyền ở Việt Nam. Nhưng rất nhiều người trong số những bạn bè này lại làm tôi thực sự sửng sốt khi thấy họ là những người yêu Trump bằng một tình yêu cháy bỏng. Vậy Trump có đáng để được bạn dành tình yêu và lòng ngưỡng mộ đó không? Tôi chắc chắn là không một khi bạn biết được tất cả cách hành xử, lời nói của ông ta đối với báo chí, phụ nữ, đối thủ chính trị...

Và ngày hôm nay một vết nhơ trong lịch sử 200 năm lập quốc của Mỹ đã xảy ra khi lần đầu tiên một Tổng thống đương quyền đã khuyến khích những kẻ cuồng ông ta xông vào Điện Capitol Hill để đập phá, làm náo loạn khi phiên họp của các nhà lập pháp đang diễn ra tại đó. Một Tổng thống không chịu chấp nhận sự thất bại trong một cuộc bầu cử như tất cả các cuộc bầu cử đã từng diễn ra hòa bình, minh bạch và dân chủ từ trăm năm nay trên nước Mỹ. Trong khi cả nước Mỹ hàng ngày có hàng trăm người chết và hàng chục ngàn người lây nhiễm vì đại dịch COVID thì ông ấy vẫn đi chơi gôn và lải nhải về những cáo buộc vô căn cứ về cuộc bầu cử gian dối. Điều nực cười là ngay cả khi tốn cả triệu đola để kiểm phiếu lại theo yêu cầu của Tổng thống thì số phiếu cho Biden thực tế lại cao hơn khá nhiều. Những kiện cáo gian dối bầu cử của các luật sư của Tổng thống cuối cùng đã bị chính thể chế tam quyền phân lập của nền dân chủ lâu đời nhất thế giới vứt vào sọt rác. Tôi nghĩ việc Trump khước từ chấp nhận thua cuộc và vẫn đổ vấy và đưa ra các tin vịt về các âm mưu chống lại ông ta chính là món quà vô giá mà ông tặng cho các chính thể độc quyền trên thế giới ở đó bầu cử tự do và minh bạch vẫn là điều viễn tưởng.

Tôi không hiểu rất nhiều gia đình ở Việt Nam gửi con cái vô cùng tốn kém sang học hành, làm việc và sinh sống bên đó nhưng lại không giấu nổi niềm vui khi thấy nước Mỹ hỗn mang và bạo loạn. Tôi hiểu phần lớn những người yêu Trump vì họ cho rằng Trump ghét cộng sản và chống Tàu. Nhưng các bạn cũng cần phải biết rằng không ai căm thù cộng sản bằng Hitler và chính hắn ta đã lợi dụng sự căm thù đó để tập hợp những người Đức chống lại cái gọi là cộng sản để dẫn dắt đến Thế chiến thứ 2.

Trong khi chúng ta tha thiết một nền tự do báo chí, tự do ngôn luận thì Trump công khai chửi bới tất cả các công ty truyền thông lâu đời khi vạch những dối trá của ông ta là “thổ tả”, rằng ông ta có sứ mệnh “hút đầm lầy” thì ông ta lại tung hô hãng truyền thông nào mà ông ta dắt mũi được.

Có rất nhiều người lập luận rằng Trump làm cho Trung Quốc điêu đứng nhưng tôi có thể khẳng định rằng các con số thực sự không nói lên điều đó và một thực tế hiển nhiên là 4 năm cầm quyền của Trump không hề làm cho Trung Quốc suy yếu đi tẹo nào .

Mỹ dưới bất kỳ một Tổng thống nào không bao giờ và không thể nào giúp Việt Nam đương đầu được với Trung Quốc chừng nào Chính phủ của chúng ta vẫn một lòng một dạ với Trung Quốc. Khi Hiến pháp và nền dân chủ Mỹ bị chà đạp thì điều đó chỉ có lợi cho các thể chế độc tài, độc trị trên thế giới. Cách đây chục năm chúng ta sốc khi Cù Huy Hà Vũ bị tuyên án 7 năm, thì ngày nay một giáo viên dạy một bài hát vô thưởng vô phạt cũng bị kết án 11 năm, những nhà báo dùng ngòi bút ôn hoà để viết về các vấn đề kinh tế, chính trị của đất nước cũng vừa bị kết án tổng cộng 37 năm. Chưa bao giờ những nhà bất đồng chính kiến lại bị những án tù nghiệt ngã như vậy. Tôi mong muốn các bạn hãy dành năng lượng tiếp tục những bài viết của mình về hiện trạng của Việt Nam và sự thật sẽ là cách khai dân trí hữu hiệu nhất cho một Việt Nam dân chủ mà ngày đó tất cả người dân sẽ cầm lá phiếu và tự chọn lấy người lãnh đạo anh minh nhất cho đất nước này. Rất mong các bạn hãy tin rằng 30 cũng gọi là Tết được rồi vì nếu không thì gọi là ngày gì?

Tôi nóng lòng đón đợi ngày 20/1 - khi đó tất cả sự điên rồ do lão Chum này gây ra sẽ là quá khứ và khi đó tất cả chúng ta sẽ tranh luận về mọi vấn đề giữa trời và đất mà không cần phải sỉ nhục nhau và nhất là không sử dụng các tin VỊT nữa nhé.

P.M.H.

Nguồn: FB Hien Mai Pham

10. Donald Trump và quái vật Trung Cộng đang thức tỉnh Nhân loại

Hà Sĩ Phu

Nhận định về quái vật Tàu Cộng thì nghe được; nhận định về Trump thì quá đề cao, không nghe được!

Lại Nguyên Ân 

Như đã nói trong bài viết trước, cuộc tranh luận về Trump và bầu cử ở Mỹ năm 2020 không phải là về việc riêng của nước Mỹ, mà đó là nhận thức toàn cục về vận mệnh của thế giới loài người trước một thử thách, một bước ngoặt vô cùng hệ trọng. Nhưng trao đổi giữa nhiều người trong chúng ta bị khó khăn là do một vài nguyên nhân sau đây:

1/ Khoa học càng phát triển vừa đem thuận lợi lại, vừa đem khó khăn tới cho con người (vì cả hai phía Thiện/Ác đều sử dụng nó).

Đang có một “đại chiến thế giới về thông tin trên Internet”. Bất cứ điều gì từ lớn đến nhỏ đều có những thông tin trái ngược nhau, vậy biết căn cứ vào đâu mà nhận định?

Ý kiến khác nhau là đương nhiên, trước hết có thể do thông tin, nên không thể chủ quan tự tin mà miệt thị ý kiến người khác. Phải bình tĩnh lắng nghe nhau để hợp sức tìm ra sự thật mà tiếp cận chân lý.

Bài viết trước tôi có nói: Trời tự nhiên đã sinh ra “anh Chí Phèo” D.Trump để trừ quái vật Trung Cộng. Chữ Chí Phèo trong ngoặc kép là tôi “nhại” ý kiến của phe ghét Trump, rằng anh ta thua cuộc rồi mà cứ chày cối ngồi lỳ không chịu bàn giao.

Còn riêng tôi vẫn nghĩ, đối với các nhân vật chính trị ở tầm cực vĩ mô thì vai trò “định hướng” cho cộng đồng mới quan trọng, đừng tập trung mổ xẻ những phẩm chất cá nhân ưu khuyết theo nhãn quan thông thường, thậm chí có khi nhược điểm lại thành có ích chẳng hạn, chưa kể về phẩm chất cá nhân của Trump cũng đầy rẫy thông tin ngược nhau.

2/ Những nề nếp cũ, tinh hoa cũ trong xã hội, mà số đông vẫn cứ tưởng là tốt đẹp theo cảm tính mòn cũ của mình, kỳ thực nó đã tự/bị băng hoại để làm lợi cho Tàu Cộng; nay rất cần được thanh lọc.

Nếu nhìn nước Mỹ và thế giới đang diễn biến bình thường thì sẽ thấy nhân vật Trump là bất thường, quái dị, tự dưng phá vỡ nhiều nề nếp cũ (của Hoa Kỳ và của thế giới), tức là một kẻ vô văn hóa và phá hoại.

Nhưng thực tiễn thế giới đã không bình thường như vậy, trái lại từ lâu đã âm ỉ tích lũy những biến động từ thế giới ngầm, làm biến tính những trụ cột của nền Văn minh và Văn hóa nhân loại, tạo nền tảng cho một biến động khủng khiếp để con quái vật Đại Hán thức dậy, vươn mình, muốn ôm choàng lấy toàn thế giới vào trong nanh vuốt của nó, như đã ôm chặt 4 dân tộc bi thảm Mãn-Hồi-Mông-Tạng, và coi sự cai trị nhân loại đó là sứ mệnh của “Thiên triều”, của cái “nước trung tâm” tên là Trung quốc vậy.

PHẢI PHÁ VỠ GIẤC NGỦ MÊ TOÀN CẦU NGUY HIỂM ẤY, ĐÓ LÀ MỆNH LỆNH SỐNG CÒN CỦA THỜI ĐẠI!

Nhưng chưa thấy xuất hiện được một ai đủ tầm thỏa mãn sứ mệnh vĩ đại ấy. Mới chỉ có Trump, với rất nhiều “nhược điểm” mà mắt thường dễ thấy, nhưng lại là biểu tượng gần nhất và liên quan nhất đến sứ mệnh to lớn kia, và chạm được vào những tử huyệt của cái nguy cơ ấy.

Liệu Trump có làm được điều ta mong muốn không, có thể hay không thể, chưa biết.

Nhưng có ai khác Trump để làm, khi mà hầu như mọi chính khách bấy nay đều đã cố ý hay vô tình trở thành thủ phạm hay đồng lõa gây nên tình trạng “mê ngủ” đó?

3/ Thất bại của thế giới Âu Mỹ là do hai nguyên nhân: không hiểu bản chất Trung Quốc và không tự hiểu mình.

Chế độ Phong kiến và chế độ Cộng sản trên thế giới thì đã đổ từ lâu, nhưng ở Trung Quốc hai thứ đó vẫn tồn tại, được đồng hóa vào bản lĩnh Đại Hán.

Các nước Âu Mỹ đưa Tư bản toàn cầu hóa vào Trung Quốc, tưởng như vậy sẽ làm Trung Quốc biến đổi, thì ngược lại cũng bị nó đồng hóa luôn để tăng sức mạnh cho Đại Hán.

Chế độ Đại Hán không bị biến đổi mà chính những chính khách và danh nhân thế giới mới bị biến đổi; thực chất là họ bị biến tính, trở thành độc hại khi giao lưu hữu ái với Trung Quốc.

Sự giao lưu bấy nay chỉ bị Trung Quốc luồn vào chiếm đoạt hết mọi bí mật và bản quyền và làm tha hóa các chế độ vốn dân chủ-tự do của Mỹ và châu Âu.

Các chính quyền và các chính khách Âu Mỹ phần nhiều là các “đại gia” tư bản nên quan trọng nhất với họ vẫn là lợi nhuận. Trung Quốc vừa dùng lợi nhuận, lại vừa mua chuộc và đánh cắp kỹ thuật, đánh cắp bí mật thông tin.

Các tư duy và văn hóa chuẩn mực của Nhân loại đã hoàn toàn bị phá sản trước các “ngón nghề” của Đại Hán, vừa mềm vừa cứng, nửa Thiện nửa Ác, vừa đồng thuận vừa phản bội…

Cho nên mọi chính khách đều “hỏng hết rồi”, bởi hai mặt tốt và xấu đều phục sẵn trong mỗi con người, chẳng có gì là không thể thay đổi! Các chuẩn mực mà ta tưởng là tử tế, phải giữ gìn, thì không còn giá trị gì cả, chỉ có hại trước thế cờ toàn cục của Trung Quốc.

Ít ra, trong 4 năm nhiệm kỳ, chính Trump đã đưa được mối nguy của Trung Cộng lên đúng tầm của nó.

Đó là kẻ thù vô cùng nguy hiểm và cấp bách đối với toàn thế giới.

Thế nhưng cách ứng xử của các đời Tổng thống Mỹ trước đây (nhất là Clinton và Obama) và của châu Âu đưa tới kết cục chỉ làm cho con quái vật Đại Hán hồi sinh, trở nên hùng mạnh và hung hãn như ta đang thấy, giúp nó tiến hành những bước chuẩn bị cực kỳ nguy hiểm trong mưu đồ thâu tóm và chế ngự toàn cầu.

Chính những biện pháp của Trump đã gây được khó khăn cho Tàu Cộng, tức điểm trúng huyệt.

4/ Những suy nghĩ nói trên của tôi vừa được làm rõ thêm trong bài nói chuyện mới đây của bình luận gia Nguyễn Xuân Nghĩa, cụ thế là:

Đại họa mới của nhân loại là chủ nghĩa CAI TRỊ TOÀN CẦU, một bọn chóp bu của nhiều nước sẽ chăn dắt toàn thế giới như “con sâu cái kiến”. Cái ÁC đó khởi xướng là Cộng sản Đại Hán, nhưng sẽ được Toàn cầu hóa, sử dụng được Trí tuệ hiện đại nhất; nên trước tiên nó thu hút được bọn Duy Lợi và những Trí thức khuynh tả, dần mê hoặc được cả những người vốn có cái Tâm rất Thiện.

Nó hội đủ các yếu tố Quyền và Tiền, thu hút cả Trí và Tâm, tất cả hiệp lực lại đè bẹp Chủ nghĩa Nhân văn truyền thống chân chính, và đưa cả Nhân loại vào một “trại súc vật” toàn cầu, với kỹ thuật điện tử hiện đại khiến mỗi con người sẽ bị kiểm soát từng giờ từng phút, từng việc,từng nơi.

Đại họa này chính là bước bột phát mới của chủ nghĩa TÂN CỘNG SẢN. Vấn đề quá ư lớn lao!

Xin nói thêm: tư tưởng mang tính Cộng sản và Toàn cầu hóa xuất hiện trước đây và hiện nay không phải ngẫu nhiên. Cứ mỗi khi nền văn minh nhảy vọt lên một bước mới là xã hội lại gặp những tệ nạn mới.

Trước sự bế tắc, là y như rằng, có sự khát khao “làm lại thế giới” (global reset) và mơ tưởng một mô hình lý tưởng.

Ý tưởng Cộng sản thỏa mãn hai yêu cầu đó, nên lại có dịp nảy nở; nhưng có trải qua thực tế của nó mới biết con đường cộng sản ước mơ thật vô cùng tệ hại.

Không biết tính chu kỳ này của cộng sản còn lặp lại mấy lần? Nhân loại cứ tự mình lừa mình mãi thôi!).

Chống lại một nền tảng cũ đã lan rộng thành đại trà thì thoạt đầu khó mà thành công, nhưng Thành công không phải bao giờ cũng đồng nghĩa với Chân lý.

H.S.P.

Sáng 6/1/2021

------

Ghi chú: TS Hà Sĩ Phu là tác giả của bài viết nổi tiếng từ hơn 30 năm trước: “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”, và cuốn “Chia tay ý thức hệ” (1995, đang được bán trên Amazon).

Bài viết trước của ông: 1782. Cần “Chí Phèo Donald Trump” để trừ quái vật Trung cộng

Mời đọc thêm về ông trên Wikipedia.

Tác giả gửi BVN

11. Nội bộ dân Mỹ bị phân hóa hay dân Việt bị phân hóa?

Chu Mộng Long

Tôi người Việt, gắn cả đời với nước Việt, dân Việt. Tôi quan tâm đến nước Việt, dân Việt hơn. Tất nhiên, sẽ rất quan tâm đến thế giới, nếu có ảnh hưởng đến nước Việt, dân Việt.

Bầu cử Tổng thống Mỹ ắt hẳn có ảnh hưởng đến toàn cầu chứ không chỉ nước Việt, dân Việt. Cho nên rất nhiều người Việt quan tâm đến Tổng thống Mỹ hơn cả quan tâm đến Tổng bí thư của Việt Nam. Điều đó cũng hợp lẽ.

Báo chí, dư luận nổ tung vì "nội bộ Mỹ bị phân hoá sâu sắc". Hiện thông tin các bên tung ra nhiễu loạn đến mức chưa biết ai sẽ thắng cử, Biden hay Trump? Thậm chí nhiều người cổ vũ bạo lực, nội chiến ở Mỹ để tranh đến cùng ai thắng ai trong chiếc ghế rất lâm thời, chỉ 4 năm nhiệm kỳ Tổng thống!

Tôi ủng hộ Trump khi Trump nói: Cần trả lại sự trung thực của các lá phiếu chứ không phải ai làm Tổng thống. Trump hay Biden cũng chỉ ngồi ở toà Bạch Ốc 4 năm, thậm chí nếu không hợp lòng dân Mỹ thì có khi chỉ ngồi được vài năm.

Tôi thì quan tâm nội bộ dân Việt, trí thức Việt bị phân hoá hơn là sự phân hoá nội bộ Mỹ. Phân hoá cũng là tất yếu trong thế giới đa nguyên, đa cực, nhưng đáng quan ngại là cuộc "nội chiến" giữa fan Trump và fan Biden kéo dài căng thẳng từ khi diễn ra tranh cử Tổng thống Mỹ đến nay. Hố sâu thù địch giữa hai bên đã leo thang kịch liệt, đến mức các fan sẵn sàng gây hấn bất cứ lúc nào.

Tôi cứ giả định, nếu Việt Nam có tranh cử và bầu cử phổ thông đầu phiếu cho một nguyên thủ nào đó, không chừng nguy cơ bạo loạn diễn ra tức khắc chứ không cần đợi đến khủng hoảng sau mấy trăm năm dân chủ như nước Mỹ.

Việc ủng hộ người này không ủng hộ người kia là sự tự do cá nhân và là đương nhiên của cuộc sống. Nếu tất cả đều ủng hộ một người thì tổ chức tranh cử, bầu cử làm gì? Hiến pháp văn minh luôn ràng buộc tự do cá nhân không xâm phạm đến tự do của người khác, các lá phiếu khác nhau cần được tôn trọng. Tranh luận là cần thiết. Chỉ trích cũng cần thiết. Nhưng phải có lý lẽ và bằng chứng, không nên vì yêu người này ghét người kia mà thù địch đến mức đe doạ, áp chế nhau.

Hôm qua, một Giáo sư điện thoại cho tôi nói rất buồn và thất vọng cho trí thức Việt... trong cuộc bầu Tổng thống Mỹ. Tôi cười, phân hoá mới là thực chứ trên dưới một lòng là giả, Giáo sư ạ. Tôi động viên rằng cứ coi như sự phân hoá đó là cuộc thực hành dân chủ ở Việt Nam đi. Qua cuộc thực hành này mới biết dân trí Việt đang ở đâu và lộ trình dân chủ hoá đang ở giới hạn nào ngay trong não trạng trí thức Việt? Trí thức Việt đòi dân chủ nhưng sẽ có dân chủ thực không thì ai cũng muốn xỏ mũi người khác để chăn dắt ngay khi đời sống nông nghiệp đã chuyển biến sang văn minh công nghiệp, hậu công nghiệp?

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn