Việt Nam ráo riết thảo luận với Mỹ nhằm gỡ nhãn ‘thao túng tiền tệ’

BBC Tiếng Việt

Hà Nội đã trao đổi qua điện thoại với phía Hoa Kỳ, nhằm “chủ động xử lý những vướng mắc quanh vấn đề chính sách tiền tệ và nguyên liệu gỗ”, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông cáo hôm 6/1.

BUI LAM KHANH/Getty Images

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về vụ điều tra thao túng tiền tệ và nguyên liệu gỗ của Việt Nam (Ảnh minh họa). Nguồn: BUI LAM KHANH/GETTY IMAGES

Tin cho hay Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ngoại trưởng Mike Pompeo, liên quan tới việc Hà Nội đang bị Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) điều tra về các vấn đề trên.

“Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định các bộ, ngành Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động hợp tác với các đối tác Mỹ, giải quyết một cách toàn diện các quan tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam, qua đó duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi”, báo Tuổi Trẻ trích dẫn nội dung thông cáo nói.

Chủ đề ‘thao túng tiền tệ’ cũng được nhắc tới trong phiên họp sáng 7/1 của ngành công thương Việt Nam, theo đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố “quyết tâm cùng Mỹ thực hiện kế hoạch chung hướng tới cán cân thương mại hài hoà và bền vững”.

Cuộc điện đàm cấp ngoại trưởng diễn ra sau khi người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hôm 22/12 đã trao đổi cũng qua điện thoại với Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump.

Tin tức nói tới đêm muộn 7/1, giờ Việt Nam, phía Việt Nam sẽ tiếp tục liên lạc với Hoa Kỳ để thảo luận tình hình.

“Theo Thủ tướng, 22h hôm nay, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ điện đàm với Trưởng USTR để hiện thực hoá những điều mà lãnh đạo hai nước đã trao đổi trước đó, tiến đến ‘xoá bỏ vụ việc phức tạp này’”, trang tin VnExpress viết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và TT Trump trao đổi về 'thao túng tiền tệ'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump năm 2017 tại Nhà Trắng, Mỹ

Trước đó, hôm 16/12, chính quyền ông Trump đã dán nhãn thao túng tiền tệ lên Việt Nam, cáo buộc Hà Nội can thiệp không thỏa đáng vào thị trường ngoại hối nhằm giành lợi thế trong hoạt động xuất khẩu.

Vì sao Việt Nam bị ‘dãn nhãn’ thao túng tiền tệ?

Để bị dán nhãn thao túng tiền tệ, các quốc gia ít nhất phải vi phạm ba tiêu chí. Đó là có thặng dư thương mại song phương hơn 20 tỷ đôla với Hoa Kỳ; can thiệp ngoại hối vượt quá 2% tổng sản phẩm quốc nội; và thặng dư tài khoản vãng lai toàn cầu vượt quá 2% GDP.

Việt Nam hiện được cho là can thiệp ngoại hối ở mức 5% GDP. Báo cáo ra hồi tháng 12/2020 của Bộ Tài chính Hoa Kỳ nói Việt Nam can thiệp ngoại hối một phần bằng cách hạ giá tiền đồng là nhằm đạt được lợi thế thương mại.

Về thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, số liệu do Chính phủ Việt Nam công bố nêu con số 58 tỷ đô la trong bốn quý, tính đến tháng 6/2020.

Tuy nhiên, IMF dự báo rằng thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam sẽ giảm xuống dưới ngưỡng 2% GDP vào năm 2020.

Không phải lần đầu

Chính quyền ông Trump từng dán nhãn thao túng tiền tệ cho Trung Quốc hồi 2019, vào lúc cuộc thương chiến Mỹ-Trung đang căng thẳng đỉnh điểm.

Tuy nhiên, việc này đã bị xóa bỏ vào tháng 1/2020 sau “giai đoạn 1” đàm phán thương mại giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Dẫu không còn bị coi là ‘quốc gia thao túng’ nhưng trong bản phúc trình 12/2020 của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Trung Quốc vẫn bị đưa vào danh sách các nước cần giám sát tiền tệ, bên cạnh chín nền kinh tế khác là Nhật Bản, Nam Hàn, Đức, Ý, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và Ấn Độ.

Nguồn: bbc.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn