Mỹ, EU, Anh quyết điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19

1. Mỹ và EU bắt tay, quyết điều tra đến cùng nguồn gốc đại dịch Covid-19

11/06/2021

Liên minh châu Âu và Mỹ dự kiến sẽ kêu gọi các cuộc điều tra tiếp theo về nguồn gốc đại dịch Covid-19, theo một tài liệu dự thảo văn kiện của EU mà tờ CNBC có được.

Nguồn tin của CNBC cho biết dự thảo văn kiện thúc đẩy điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19 là nền tảng cho cuộc gặp gỡ thượng đỉnh sắp diễn ra vào tuần tới giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo châu Âu.

Phát biểu hôm 10/6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu ­Charles Michel, người chủ trì các hội nghị thượng đỉnh châu Âu, cho biết: “Thế giới có quyền biết chính xác những gì đã xảy ra, để có thể rút ra bài học”.

Tại cuộc họp báo tương tự cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: “Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tìm hiểu về nguồn gốc đại dịch Covid-19. Có một đại dịch khủng khiếp đã xảy ra, một đại dịch toàn cầu. Chúng ta cần biết nó đến từ đâu để rút ra những bài học phù hợp, phát triển các biện pháp ứng phó cần thiết để đảm bảo một đại dịch tương tự không bao giờ xảy ra nữa. Do đó, các nhà điều tra cần được tiếp cận đầy đủ với bất cứ điều gì cần thiết để tìm ra nguồn gốc đại dịch”.

Những tuyên bố này theo sau lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng trước rằng Tổ chức Y tế Thế giới WHO nên tiến hành giai đoạn 2 của cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19 tiếp theo cuộc điều tra đầu tiên được thực hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Mỹ và EU bắt tay, quyết điều tra đến cùng nguồn gốc đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng kêu gọi tiếp tục điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19 (Ảnh: Getty Images)

6 tuần sau khi kết thúc nghiên cứu, vào cuối tháng 3/2021, nhóm các chuyên gia WHO đã đưa ra một phân tích dài 123 trang với phần bổ sung dài gần 200 trang, trong đó phân tích 4 tình huống xảy ra và đề xuất các bước nghiên cứu tiếp theo sâu hơn nữa để tìm ra nguồn gốc dịch bệnh.

Trong đó, có một tuyên bố được nhấn mạnh trong kết quả nghiên cứu rằng sự cố rò rỉ từ phòng thí nghiệm “khó có thể giải thích được” việc virus lây sang người, đồng nghĩa với việc khó có khả năng phòng thí nghiệm Vũ Hán là nguồn gốc xuất phát của virus. Những phát biểu tương tự từng được tuyên bố bởi ông Peter Ben Embarek, một thành viên của nhóm nghiên cứu WHO tại cuộc họp báo một ngày trước khi nhóm này rời Trung Quốc hồi giữa tháng 2.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng thừa nhận: “Chúng tôi vẫn chưa tìm ra nguồn gốc xuất hiện virus. Chúng tôi phải tiếp tục theo dõi bằng các phương pháp khoa học… Việc tìm kiếm nguồn gốc virus cần nhiều thời gian, chúng tôi có trách nhiệm tìm ra điều đó để nhân loại cùng nhau chống lại đại dịch, tránh sự bùng phát dịch bệnh trong tương lai”.

Phía WHO cho rằng cần thực hiện thêm các nghiên cứu chuyên sâu để tìm ra nguồn gốc chính xác của đại dịch.

Ngay sau đó, báo cáo của WHO đã vấp phải làn sóng chỉ trích từ hàng chục quốc gia trên thế giới bao gồm Mỹ, Anh và Nhật Bản.

John Mackenzie, một nhà virus học người Úc, người dẫn đầu một phái đoàn do WHO triệu tập tại Trung Quốc năm 2003 để nghiên cứu nguồn gốc dịch SARS, nhận định rằng có yếu tố chính trị trong kết luận của WHO.

Mackenzie, giáo sư danh dự tại Đại học Curtain ở Perth, người từng công tác trong Ủy ban khẩn cấp Covid-19 của WHO cũng cho hay ông thấy lạ khi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cố gắng hạ thấp giả thuyết virus xuất hiện từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Tháng trước, nghiên cứu của cộng đồng tình báo Mỹ cho hay “không biết chính xác nguồn gốc cụ thể địa điểm, thời điểm hoặc cách thức lây truyền ban đầu của virus gây ra đại dịch Covid-19, nhưng có thể kết hợp thành hai giả thuyết có thể xảy ra: hoặc virus xuất hiện tự nhiên khi con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh, hoặc virus là kết quả từ một tai nạn trong phòng thí nghiệm”.

Cuộc thảo luận thúc đẩy điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19 diễn ra tại thời điểm Mỹ và EU có ý định thảo luận về mối quan hệ rộng lớn hơn với Trung Quốc sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức thay thế người tiền nhiệm Donald Trump. Khác với ông Trump, ông Biden hướng tới cách tiếp cận đa phương hơn trong vấn đề Trung Quốc, bao gồm việc thắt chặt quan hệ xuyên Đại Tây Dương với châu Âu để tăng cường áp lực quốc tế lên Trung Quốc.

Nguồn: etime.danviet.vn

2. Bộ trưởng Anh kêu gọi điều tra nguồn gốc COVID-19 mà không có sự can thiệp của Trung Quốc

Phụng Minh

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock (ảnh: Youtube/Channel 4 News).

Theo Reuters, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hôm thứ Năm (10/9) nói rằng cần có một cuộc điều tra độc lập hoàn toàn về nguồn gốc của COVID-19 mà không có sự can thiệp ở Trung Quốc.

Ông Hancock đã chấp nhận các câu hỏi từ “Ủy ban Y tế và An sinh Xã hội” và “Ủy ban Khoa học và Công nghệ” của Quốc hội Anh, ông nói với các nhà lập pháp: “Điều quan trọng là chúng ta phải có một cuộc điều tra hoàn toàn độc lập ở Trung Quốc để tìm ra tất cả những gì chúng ta có thể về việc này và điều đó phải được phép xảy ra mà không bị cản trở”.

Ông Hancock cũng cho biết do thiếu thông tin từ Trung Quốc nên phản ứng sớm đối với đại dịch ở Vương quốc Anh là không kịp thời, ông nói rằng ông không thể nhận được thông tin về “nhiễm trùng không có triệu chứng” từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoặc Trung Quốc.

Hancock nói rằng lần đầu tiên ông nghe nói về sự lây truyền không có triệu chứng ở Trung Quốc là vào tháng 1 năm 2020 và ngay lập tức ông đã sắp xếp một cuộc gọi hội nghị với Tổ chức Y tế Thế giới. “Trong cuộc gọi hội nghị đó, tôi được nói rằng đây ‘có thể là một bản dịch sai'”, ông nói, “Sau đó, chúng tôi không lấy được bất kỳ bằng chứng nào từ Trung Quốc để chứng minh điều này”.

Ông nói: “Một trong những lý do cản trở phản ứng ban đầu của chúng tôi là sự mờ mịt của Trung Quốc. Để đối phó với dịch bệnh trong tương lai, điều này phải được sửa chữa”; “Một khi Trung Quốc hiểu rằng có vấn đề, họ cần phải minh bạch, điều này là cực kỳ quan trọng”.

Nhóm Cố vấn Khoa học Khẩn cấp của Chính phủ Anh đã báo cáo vào ngày 28 tháng 1 năm 2020 rằng có rất ít bằng chứng để chứng minh “lây truyền không triệu chứng”. Do đó, chính phủ Anh đã không công nhận khả năng “lây truyền không triệu chứng” cho đến ngày 2/4. Sau đó, Thủ tướng Anh Johnson thừa nhận rằng đã đánh giá thấp “sự lây truyền không có triệu chứng” là “giả định sai lầm lớn nhất mà chúng tôi đưa ra”.

Hancock cũng nói rằng chính quyền Trung Quốc đã có thể đóng cửa biên giới của mình sau khi dịch bệnh bùng phát để ngăn chặn dịch lây lan ra thế giới. Họ nên làm vậy vì ngay cả khi các quốc gia khác đóng cửa biên giới của họ, họ chỉ có thể tạm thời trì hoãn sự bùng phát của virus.

Do đó, ông nói rằng chừng nào ĐCSTQ không đóng cửa biên giới và tiếp tục cho phép người dân của mình ra nước ngoài, thì việc phòng thủ của các quốc gia khác sẽ vô ích. Ông nói, “Cách duy nhất trên thế giới để ngăn chặn loại virus này là Trung Quốc ngăn chặn người dân ra nước ngoài”.

Nguồn: dkn.tv

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn