Tôn giáo tháng 5/2021: Một hội thánh Tin Lành bị cáo buộc làm lây lan dịch bệnh COVID-19

Thái Thanh

Lấy mẫu xét nghiệm tại con hẻm khu vực Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng tổ chức sinh hoạt tôn giáo hàng tuần. Ảnh gốc: Độc Lập/Báo Thanh Niên.

Đại dịch bùng phát khiến hoạt động của các nhóm tôn giáo thiểu số càng gặp nhiều trở ngại hơn.

[Tôn giáo 360 độ]

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động tôn giáo: Khởi tố vụ án hình sự liên quan đến một hội thánh Tin Lành

Trong tháng 5/2021, các hoạt động tôn giáo tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng lớn do dịch COVID-19 tái bùng phát ở nhiều tỉnh, thành.

Ngày 26/5/2021, thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) bắt đầu phát hiện các ca dương tính là thành viên của Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng [1].

Ngày 27/5/2021, Ông Nguyễn Duy Tân – Trưởng ban Ban Tôn giáo thành phố cho biết hội thánh Tin Lành này đã được cấp phép sinh hoạt tôn giáo tập trung tại tư gia với số thành viên đăng ký hiện tại là 28 người [2].

Cũng theo ông Tân, trong tháng Năm, hội thánh đã sinh hoạt bốn đợt, mỗi đợt có 20 người tham gia, đúng quy định giãn cách của thành phố, tuy nhiên, có thể địa điểm sinh hoạt chật chội. Nguồn lây nhiễm ban đầu chưa được xác định.

Nơi sinh hoạt của Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng tại quận Gò Vấp, TP. HCM. Ảnh: Độc Lập/ Thanh Niên.

Đến ngày 30/5/2021, Công an quận Gò Vấp, TP. HCM đã khởi tố vụ án hình sự về tội “làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” tại Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng [3].

Công an cho rằng thành viên của hội thánh không chấp hành đúng quy định về phòng chống dịch bệnh và chưa ra khai báo hết.

Một ngày trước khi công an khởi tố vụ án, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM cáo buộc đại diện hội thánh không khai báo đúng số lượng thành viên thực sự [4]. Nhiều hội viên của hội thánh không khai báo cho đến khi có dấu hiệu bệnh.

Báo chí Việt Nam đưa tin dồn dập về các ca lây nhiễm từ Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng [5]. Bộ Nội vụ quy kết trách nhiệm làm lây lan dịch COVID-19 cho hội thánh này.

Ngay sau thông báo khởi tố, Bộ Nội vụ trong một cuộc họp về tình hình dịch COVID-19 tại TP. HCM đã đề xuất thành phố đình chỉ hoạt động của hội thánh, và tùy vào kết quả điều tra, có thể rút giấy phép đăng ký, xóa sổ điểm nhóm này [6].

Ngoài trường hợp Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, tại Bắc Giang, vào ngày 26/5/2021, chính quyền tỉnh đã cưỡng chế một thành viên của Hội thánh Đức Chúa trời thuộc diện F1 và áp giải người này đi cách ly tập trung [7]. Video lực lượng chức năng dùng xe cẩu cưỡng chế người này được báo chí đăng tải.

Theo nguồn tin từ chính quyền, người phụ nữ này cố tình không ra khai báo và trốn cách ly. Chính quyền cho rằng vì người này là thành viên của Hội thánh Đức Chúa trời nên có quan điểm khác biệt về cách ly và khai báo y tế.

Hội thánh Đức Chúa trời là một nhóm tôn giáo không được chính quyền cấp phép hoạt động.

Đầu tháng 5/2021, Bộ Nội vụ ban hành công văn về các biện pháp phòng, chống lây lan dịch COVID-19 đối với các tổ chức tôn giáo [8]. Theo đó, ở các địa phương chưa có ca bệnh, tổ chức tôn giáo cũng phải dừng các hoạt động tôn giáo tập trung đông người, trừ trường hợp thật sự cần thiết.

Ngày 28/5/2021, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết lãnh đạo của 43 tổ chức tôn giáo đã cam kết với Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ chấp hành các chỉ thị phòng, chống dịch COVID-19 [9]. Theo đó, các tổ chức tôn giáo đã hạn chế các hoạt động tập trung đông người, không đón các giáo sĩ ngoại quốc, thực hiện giãn cách, đeo khẩu trang và khử khuẩn.

Báo chí nhà nước cáo buộc Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ là xuyên tạc, vu cáo

Các bài viết chỉ trích báo cáo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế của các báo VOV, Công an Nhân dân, và Dân sinh (từ trái sang). Ảnh chụp màn hình.

Hơn hai tuần sau khi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế về Việt Nam, báo chí nhà nước bắt đầu đăng loạt bài phản bác.

Báo điện tử VOV của Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ trích Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sử dụng thông tin sai lệch do tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Mỹ BPSOS cung cấp, tiếp tục thể hiện quan điểm thiếu khách quan về tình hình tôn giáo ở Việt Nam, xuyên tạc rằng cơ quan chức năng Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo [10].

Bài báo viết: “Việt Nam không chấp nhận cách tiếp cận phiến diện, quy kết, thiếu khách quan về tình hình tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam” của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Cùng nhận định với VOV, báo Công an Nhân dân đăng bài “Vạch trần những nội dung báo cáo sai lệch về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam” [11].

Báo này cho rằng những cáo buộc về đàn áp, siết chặt tự do tôn giáo trong báo cáo là “những luận điệu xuyên tạc, thiếu khách quan của Bộ Ngoại giao Mỹ và số đối tượng xấu trong Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Mỹ (USCIRF) lợi dụng vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xuyên tạc, chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”.

Tương tự, Báo Dân Sinh, cơ quan của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cũng chỉ trích báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ là thiếu khách quan, vu cáo, xuyên tạc tự do tôn giáo tại Việt Nam [12].

Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế về Việt Nam của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được công bố vào ngày 12/5/2021 [13]. Đây là báo cáo được công bố hàng năm.

Báo cáo năm nay chứa hàng loạt cáo buộc cho rằng chính quyền Việt Nam kiểm soát khắc nghiệt quyền tự do tôn giáo, đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập, trừng phạt các nhà hoạt động tôn giáo, sử dụng luật, thủ tục hành chính để giới hạn quyền tự do tôn giáo. Theo báo cáo, hoạt động tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc tiếp tục bị kiểm soát chặt chẽ. Vấn đề đất đai giữa nhà nước và tổ chức tôn giáo cũng được nêu chi tiết trong báo cáo này.

Việc báo chí Việt Nam phản bác gay gắt Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ đã trở thành một thông lệ. Báo cáo của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) công bố trước đó cũng gặp tình trạng tương tự.

[Bàn tay của chính quyền]

Cơ sở đào tạo tôn giáo phải dạy lịch sử, pháp luật theo giáo trình của Ban Tôn giáo Chính phủ

Từ tháng 1/2021, Ban Tôn giáo Chính phủ bắt đầu chuyển giao tập bài giảng môn lịch sử, pháp luật Việt Nam đến một số cơ sở đào tạo tôn giáo tại các tỉnh, thành, trong đó có Hà Nội [14], Nam Định [15], Đồng Nai [16], An Giang [17], Bạc Liêu [18] v.v.

Theo Điều 37, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 2016, các tổ chức tôn giáo bắt buộc phải giảng dạy lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam nếu muốn xin phép thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo.

Tháng 2/2020, Ban Tôn giáo Chính phủ ban hành chương trình giảng dạy của hai môn học này (Quyết định 35/QĐ-TGCP) và yêu cầu triển khai trong các cơ sở đào tạo tôn giáo (gồm trường trung cấp, cao đẳng, học viện, đại chủng viện, v.v.) [19].

Hai cuốn sách lịch sử, pháp luật Việt Nam của Ban Tôn giáo Chính phủ. Ảnh: Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trước đây, hai môn học này do các cơ sở đào tạo tôn giáo tự triển khai, với nhiều tài liệu tham khảo khác nhau. Chúng tôi nhận thấy sự khác biệt lớn về mục tiêu đào tạo của Ban Tôn giáo Chính phủ so với một số cơ sở đào tạo tôn giáo.

Trong chương trình của Ban Tôn giáo Chính phủ, mục tiêu đào tạo của hai môn học này là làm cho chức sắc tuân thủ pháp luật về tôn giáo của nhà nước, thực hiện nghĩa vụ với đất nước.

Ban Tôn giáo Chính phủ quy định toàn bộ kỹ năng khi học môn lịch sử là “vận dụng kiến thức đã học […] từ đó sống và làm việc có trách nhiệm, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của công dân đối với quê hương, đất nước”.

Trong khi đó, mục tiêu đào tạo môn lịch sử của Học viện Phật giáo tại TP. HCM chủ yếu là trang bị cho người học kiến thức lịch sử, kỹ năng nghiên cứu, phân tích các sự kiện lịch sử [20].

Ban Tôn giáo Chính phủ còn quy định đào tạo hai môn học này sao cho người học có thái độ tuân thủ pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của nhà nước.

Kiểm soát hoạt động đào tạo của các cơ sở tôn giáo là một trong những tham vọng của Ban Tôn giáo Chính phủ. Việc bắt buộc giảng dạy lịch sử, pháp luật Việt Nam theo giáo trình của họ là một bước đi hướng đến mục tiêu này.

Tháng 1/2021, trong bài viết đăng trên Tạp chí Tổ chức Nhà nước [21], Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Chiến Thắng nêu ra một trong những nhiệm vụ của ban này trong năm 2021 là: “Rà soát, đánh giá hoạt động đào tạo chức sắc của các cơ sở đào tạo của tôn giáo, không để đào tạo ‘không đúng quy định’ hoặc xuất cảnh ra nước ngoài tham gia đào tạo trái phép”.

Cũng trong bài viết này, ông Thắng khẳng định trong năm 2020, Bộ Nội vụ đã thành công trong việc tác động để các tổ chức tôn giáo chọn nhân sự lãnh đạo giáo hội là những người gắn bó với chính quyền.

Báo đảng ca ngợi vai trò của lực lượng quần chúng đặc biệt trong việc kiểm soát hoạt động tôn giáo ở miền núi

Cuối tháng 4/2021, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã đăng loạt bài giới thiệu về lực lượng quần chúng đặc biệt của nhà nước [22].

Theo bài báo, đây là một lực lượng hoạt động hiệu quả để cung cấp thông tin, tư vấn cho nhà nước nhằm nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu kiểm soát tôn giáo ở khu vực miền núi. Họ được gọi là những “người có uy tín”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ già làng, trưởng bản, chức sắc, người có uy tín tiêu biểu tham gia chương trình “Điểm tựa của bản làng” năm 2018. Ảnh: Ủy ban Dân tộc.

Theo Ủy ban Dân tộc, số lượng “người có uy tín” năm 2020 là 30.247 người ở 52 tỉnh, thành. Các tỉnh có nhiều khu vực đồi núi có số lượng “người có uy tín” đông đảo nhất [23].

“Người có uy tín” có mặt trong nhiều ngành quản lý của nhà nước (Mặt trận Tổ quốc, công an, dân tộc, tôn giáo, v.v ) [24]. Một trong những nhiệm vụ của họ là báo tin cho nhà nước về những hoạt động đáng chú ý trong cộng đồng của mình, trong đó có lĩnh vực tôn giáo và an ninh trật tự.

Cũng theo Báo điện tử Đảng Cộng sản, những năm qua, “người có uy tín” đã góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ các tà đạo, đạo lạ, ngăn chặn các hoạt động tuyên truyền tôn giáo trái phép, v.v. [25].

Các tiêu chí để chọn lựa “người có uy tín” được quy định trong Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ [26].

Theo đó, “người có uy tín” thường là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có nhiều cống hiến và đã nghỉ công tác; chức sắc, chức việc tôn giáo; già làng, trưởng dòng họ; doanh nhân, nhà giáo, nhà nghiên cứu, người có điều kiện kinh tế được cộng đồng tín nhiệm.

Ngoài ra, điều kiện để trở thành “người có uy tín” là luôn luôn chấp hành pháp luật, quy định của nhà nước, từng có những hoạt động mang tính cộng đồng, có hiểu biết và có sức ảnh hưởng đáng kể đến cộng đồng của mình.

Loạt bài của Báo điện tử Đảng Cộng sản cho thấy lực lượng quần chúng đặc biệt này sẽ được chú trọng phát triển trong tương lai. Họ được xem như một lực lượng giúp nhà nước kiểm soát các hoạt động dân sự có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, đặc biệt ở những khu vực miền núi.

[Bạn có biết]

Đạo Tin Lành có nhiều hội thánh độc lập: Một điều hoàn toàn bình thường

Sự việc liên quan đến Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng thời gian qua đã làm công chúng dấy lên lo ngại về những nhóm sinh hoạt tôn giáo độc lập.

Ngay sau khi Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng cho biết Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng không phải là tổ chức tôn giáo, các báo đã nhấn mạnh chi tiết này để thu hút độc giả và đưa tin không đầy đủ. Chẳng hạn, báo Thanh Niên đưa tin với tiêu đề: “Nóng: ‘Hội thánh truyền giáo Phục Hưng’ chỉ là điểm nhóm, người đứng đầu không phải mục sư” [27]. Trang tin của Bộ Y tế thì dẫn lại tin của báo Gia Đình với tiêu đề bài viết: “BẤT NGỜ: Hội thánh truyền giáo Phục Hưng không phải tổ chức tôn giáo” [28].

Thông tin không đầy đủ của báo chí về loại hình tổ chức của Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng khiến công chúng có cái nhìn không thiện cảm về các điểm nhóm tôn giáo theo hệ phái Tin Lành.

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, đạo Tin Lành có chủ trương xây dựng các giáo hội độc lập với đa dạng mô hình tổ chức tùy theo hệ phái. Đó có thể là mô hình trung ương và hội thánh cơ sở như Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) [29]. Hội thánh cơ sở được trao quyền tự quản với tinh thần tự lập, tự dưỡng, tự truyền. Đặc biệt, đạo Tin Lành không ngăn cản các tín đồ gia nhập các hệ phái khác hoặc tách ra hoạt động độc lập.

Ban Tôn giáo TP. HCM cho biết thành phố có 145 điểm nhóm sinh hoạt như Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng. Đó đều là những điểm nhóm đã được đăng ký hợp pháp với chính quyền địa phương theo quy định của Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016.

Việt Nam duy trì quy trình nhiều bước phức tạp để được công nhận là tổ chức tôn giáo. Hiện nay, chỉ có 9 tổ chức tôn giáo Tin Lành được nhà nước công nhận, các tổ chức này hoạt động theo mô hình trung ương và các hội thánh cơ sở [30].

Các hội thánh Tin Lành chưa được nhà nước công nhận vẫn có thể hoạt động theo hình thức đăng ký điểm nhóm, đăng ký hoạt động tôn giáo.

Năm 2018, có khoảng 70 tổ chức Tin Lành chưa được nhà nước công nhận là tổ chức tôn giáo do chưa đủ điều kiện theo Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo [31]. Có 79 nghìn người tin theo các tổ chức này, 75,9% số người này ở tỉnh Bình Phước, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc.

Ngoài ra, có những tổ chức Tin Lành mà chính quyền cho là bất hợp pháp và tìm mọi cách để ngăn chặn hoạt động, trấn áp các thành viên, chẳng hạn như Hội thánh Tin Lành Đấng Christ hoạt động ở khu vực Tây Nguyên.

Tài liệu tham khảo

1.  Báo Tuổi Trẻ. (2021d, May 26). NÓNG: Một ca dương tính COVID-19 làm việc ở Phú Nhuận, TP.HCM. https://tuoitre.vn/nong-mot-ca-duong-tinh-covid-19-lam-viec-o-phu-nhuan-tp-hcm-20210526203259748.htm

2.  Báo Tuổi Trẻ. (2021f, May 27). “Hội thánh truyền giáo Phục hưng” liên quan chuỗi COVID-19 mới hoạt động ra sao? https://tuoitre.vn/hoi-thanh-truyen-giao-phuc-hung-lien-quan-chuoi-covid-19-moi-hoat-dong-ra-sao-20210527120529383.htm

3.  Báo Công an Nhân dân. (2021b, May 30). Khởi tố hình sự vụ án làm lây lan dịch COVID-19. http://congan.com.vn/tin-chinh/khoi-to-vu-an-ve-hoat-dong-cua-hoi-truyen-giao-phuc-hung-lam-lay-lan-dich-benh_113189.html

4.  Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM. (2021, May 29). [TP.HCM: những người sinh hoạt tại Hội thánh truyền giáo Phục Hưng hãy chủ động khai báo y tế]. FB HCDC. https://www.facebook.com/ksbthcm/photos/a.1485394134833665/4238941236145594

5.  Ngọc, T. (2021, June 3). Toàn cảnh truyền thông về Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.org/2021/06/toan-canh-truyen-thong-ve-hoi-thanh-truyen-giao-phuc-hung/

6.  Báo Tuổi Trẻ. (2021k, June 1). Bộ Nội vụ đề nghị TP.HCM tạm đình chỉ hoạt động của hội nhóm truyền giáo Phục Hưng. https://tuoitre.vn/bo-noi-vu-de-nghi-tp-hcm-tam-dinh-chi-hoat-dong-cua-hoi-nhom-truyen-giao-phuc-hung-20210601100110072.htm

7.  VietnamNet. (2021, May 27). Bắc Giang cưỡng chế một phụ nữ cố thủ trên tầng ba trốn cách ly. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/bac-giang-cuong-che-mot-phu-nu-co-thu-tren-tang-ba-tron-cach-ly-740393.html

8.  Bộ Nội vụ. (2021, May 7). Công văn số 1988/BNV-TGCP ngày 07/5/2021 của Bộ Nội vụ về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới. https://www.moha.gov.vn/thong-bao/cong-van-so-1988-bnv-tgcp-ngay-07-5-2021-cua-bo-noi-vu-ve-viec-tiep-tuc-thuc-hien-cac-bien-phap-phong-chong-dich-covid-19-trong-tinh-hinh-moi-46136.html

9.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021b, May 28). Chú trọng triển khai thông tin về phòng, chống dịch đến từng cơ sở thờ tự, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo nhỏ, lẻ tại địa phương. http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/chu-trong-trien-khai-thong-tin-ve-phong-chong-dich-den-tung-co-so-tho-tu-diem-nhom-sinh-hoat-ton-giao-nho-le-tai-dia-phuong-postApkaBzmE.html

10.  VOV. (2021, May 30). Những thông tin sai lệch, thiếu khách quan về tình hình tôn giáo Việt Nam. https://vov.vn/chinh-tri/nhung-thong-tin-sai-lech-thieu-khach-quan-ve-tinh-hinh-ton-giao-viet-nam-861826.vov

11.  Báo Công an Nhân dân. (2021c, June 1). Vạch trần những nội dung báo cáo sai lệch về tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. http://cand.com.vn/Chong-dien-bien-hoa-binh/Vach-tran-nhung-noi-dung-bao-cao-sai-lech-ve-tu-do-tin-nguong-ton-giao-o-Viet-Nam-643852

12.  Báo Dân Sinh. (2021, May 29). Nhiều thông tin sai lệch về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. https://baodansinh.vn/nhieu-thong-tin-sai-lech-ve-tinh-hinh-tu-do-tin-nguong-ton-giao-o-viet-nam-20210529154458815.htm

13.  U.S Department of State. (2021, May 12). Vietnam. United States Department of State. https://www.state.gov/reports/2020-report-on-international-religious-freedom/vietnam/

14.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021, January 19). Ban Tôn giáo Chính phủ chuyển giao Tập bài giảng môn học Lịch sử Việt Nam và Pháp luật Việt Nam cho các cơ sở đào tạo tôn giáo tại Hà Nội – Tin hoạt động của Ban Tôn giáo Chính phủ | Ban Tôn giáo Chính Phủ. BTGCP. http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/ban-ton-giao-chinh-phu-chuyen-giao-tap-bai-giang-mon-hoc-lich-su-viet-nam-va-phap-luat-viet-nam-cho-cac-co-so-dao-tao-ton-giao-tai-ha-noi-postEm1J8j4P.html

15.  Sở Nội vụ tỉnh Nam Định. (2021, January 22). Ban Tôn giáo – Sở Nội vụ tỉnh Nam Định chuyển giao Tập bài giảng môn học Lịch sử Việt Nam và Pháp luật Việt Nam cho các cơ sở đào tạo tôn giáo tại Nam Định. Sonoivu.Namdinh.Gov.Vn. http://sonoivu.namdinh.gov.vn/tin-tong-hop/ban-ton-giao-so-noi-vu-tinh-nam-dinh-chuyen-giao-tap-bai-giang-mon-hoc-lich-su-viet-nam-va-phap-luat-viet-1300

16.  Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai. (202122–02-24). Trao giáo trình lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam cho trường đạo tạo tôn giáo. Ubmttq.Dongnai.Gov.Vn. http://ubmttq.dongnai.gov.vn/Pages/noi-dung-hoatdong.aspx?NewsID=1466&TopicID=5

17.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021b, April 19). Đoàn Công tác Ban Tôn giáo Chính phủ làm việc với các cơ sở đào tạo tôn giáo tại An Giang – Tin hoạt động của Ban Tôn giáo Chính phủ | Ban Tôn giáo Chính Phủ. BTGCP.http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/doan-cong-tac-ban-ton-giao-chinh-phu-lam-viec-voi-cac-co-so-dao-tao-ton-giao-tai-an-giang-postn4A8rLmj.html

18.  Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu. (2021, March 3). Tổ chức triển khai và chuyển giao 20 bộ tài liệu bài giảng Lịch sử Việt Nam và Pháp luật Việt Nam cho các cơ sở đào tạo tôn giáo. https://bdt.baclieu.gov.vn/-/t%E1%BB%95-ch%E1%BB%A9c-tri%E1%BB%83n-khai-v%C3%A0-chuy%E1%BB%83n-giao-20-b%E1%BB%99-t%C3%A0i-li%E1%BB%87u-b%C3%A0i-gi%E1%BA%A3ng-l%E1%BB%8Bch-s%E1%BB%AD-vi%E1%BB%87t-nam-v%C3%A0-ph%C3%A1p-lu%E1%BA%ADt-vi%E1%BB%87t-nam-cho-c%C3%A1c-c%C6%A1-s%E1%BB%9F-

19.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2021, February 20). Quyết định ban hành Chương trình môn học lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam trong các cơ sở đào tạo tôn giáo. Quyết định 35/QĐ-TGCP ngày 20/2/2020.https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2021/06/35-QD-TGCP.pdf

20.  Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM. (2020, January 1). Đề cương môn lịch sử Việt Nam. Google Drive. https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2021/06/DE-CUONG-MON-LICH-SU-VIET-NAM-Tran-Thuan.docx

21.  Vũ Chiến Thắng. (2021, January 29). Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng trong tình hình mới. Tạp Chí Tổ Chức Nhà Nước. https://tcnn.vn/news/detail/49690/Nang-cao-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc-ve-ton-giao-tin-nguong-trong-tinh-hinh-moi.html

22.  Báo Điện tử đảng Cộng sản Việt Nam. (2021, April 24). Bài 1: Người có uy tín là “điểm tựa cho mọi điểm tựa khác.”https://dangcongsan.vn/multimedia/mega-story/bai-1-nguoi-co-uy-tin-la-diem-tua-cho-moi-diem-tua-khac-578869.html

23.  Ủy ban Dân tộc. (2020, October 7). Số lượng người có uy tín theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ năm 2018. Ban Dân Tộc Tỉnh Bắc Giang. https://bdt.bacgiang.gov.vn/documents/21483/9428035/120201019094736.pdf/2a429e94-480f-4b42-8320-46e97e5e65d1

24.  Xem chú thích số 4.

25.  Báo điện tử đảng Cộng sản Việt Nam. (2021, April 26). Bài 2: Những cánh chim đầu đàn. https://dangcongsan.vn/multimedia/mega-story/bai-2-nhung-canh-chim-dau-dan-579225.html

26.  Thủ tướng Chính phủ. (2018, March 6). Quyết định số 12/2018/QĐ-Ttg về Tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Thư Viện Pháp Luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Quyet-dinh-12-2018-QD-TTg-tieu-chi-lua-chon-cong-nhan-nguoi-co-uy-tin-trong-dong-bao-dan-toc-376269.aspx

27.  Báo Thanh Niên. (2021h, June 1). Nóng: “Hội thánh truyền giáo Phục Hưng” chỉ là điểm nhóm, người đứng đầu không phải mục sư. https://thanhnien.vn/thoi-su/nong-hoi-thanh-truyen-giao-phuc-hung-chi-la-diem-nhom-nguoi-dung-dau-khong-phai-muc-su-1392018.html

28.  Báo Gia Đình (https://giadinh.net.vn/xa-hoi/bat-ngo-hoi-thanh-truyen-giao-phuc-hung-khong-phai-to-chuc-ton-giao-20210601110115843.htm). (2021, June 1). BẤT NGỜ: Hội thánh truyền giáo Phục Hưng không phải tổ chức tôn giáo. Bộ Y Tế. https://ncov.moh.gov.vn/web/guest/-/6847426-4198

29.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2018). Khái quát về đạo Tin Lành. http://btgcp.gov.vn/gioi-thieu-cac-to-chuc-ton-giao-da-duoc-cong-nhan/Khai_quat_ve_dao_Tin_Lanh-post7L4rbL4G.html

30.  Bộ Nội vụ. (2020, December 28). BCác tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo tính đến tháng 12/2020. http://vcrm.gviet.vn/btgcp/public/upload/documents/30_12_2020/danh-muc-dinh-kem-2020-12-30-10-58-27.pdf

31.  Sở Nội vụ tỉnh Sơn La. (2018, September 10). Thông tin về các tổ chức Tin Lành đã được nhà nước Việt Nam công nhận, chưa được công nhận.https://sonoivu.sonla.gov.vn/1282/30665/64444/503167/cong-tac-ton-giao/thong-tin-ve-cac-to-chuc-tin-lanh-da-duoc-nha-nuoc-viet-nam-cong-nhan-chua-duoc-cong-nhan

T.T.

Nguồn: luatkhoa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn