Trao đổi thêm về S. FREUD

Mạc Văn Trang

Thưa các bạn, sau khi tôi đăng bài “SỰ KHỦNG HOẢNG TÂM LÝ XÃ HỘI THEO CÁCH NHÌN S. FREUD”, được một số trang mạng chia sẻ, đã nhận được nhiều ý kiến hoan nghênh và một số ý kiến phản biện hoặc thắc mắc. Các ý kiến này tập trung vào mấy vấn đề:

- Học thuyết của S. Freud đã bị nhiều người phê phán rồi mà…?

- Bây giờ chữa bệnh tâm thần, thần kinh người ta dùng thuốc là chính, nếu có dùng liệu pháp tâm lý cũng chả ai dùng Phân tâm học của Freud…

- Tâm lý học của Freud không khoa học vì không có thực nghiệm...

- Vận dụng Tâm lý cá thể (cá nhân) của Freud vào phân tích các hiện tượng xã hội là bất hợp lý…

XIN THƯA:

Từ những bài báo đầu tiên của S Freud về Phân tâm học (1889 - 1890) đã gây tranh cãi dữ dội và cho đến nay vẫn có nhiều tranh cãi, nhưng học thuyết của Freud vẫn phát triển thành một hệ thống lý thuyết có ảnh hưởng to lớn về nhiều mặt trong thế kỷ XX.

Phê phán Freud có 2 loại chủ yếu:

Một là “phủ định sạch trơn", nhất là từ phía nhà thờ Thiên chúa giáo và các nhà Triết học marxit, "Tâm lý học marxit", coi Freud là suy đồi, truyền bá thứ lý thuyết phản khoa học, phản động…

Hai là “phê phán để phát triển". Bất kỳ học thuyết nào, tư tưởng nào cũng phiến diện so với cuộc sống đang phát triển, nên nhiều người, nhất là các học trò của Freud đã phê phán sự thiếu hụt, phiến diện của Phân tâm học và phát triển những khía cạnh mới; họ “đứng trên vai người khổng lồ" Freud để lớn lên! Chẳng hạn Carl Jung cho rằng Freud không nói đến “vô thức tập thể”...; Fromm thì nói, Freud quá tuyệt đối hoá vô thức mà không quan tâm đến các mối quan hệ xã hội của cá nhân, vân vân...

Dù vậy, Fromm vẫn gọi Freud, Marx và Einstein là "kiến trúc sư của thời hiện đại"!

Nói về Freud, nhiều ý kiến ngược xuôi, mênh mông lắm. Theo tôi, để hiểu Freud một cách ngắn gọn có thể  tiếp cận ở 3 cấp độ:

1. Cấp độ Y THUẬT, Freud là một người chữa bệnh thực hành, ông mô tả các thủ thuật trò chuyện, gợi "tự do liên tưởng" trong từng ca bệnh rất tỉ mỉ, dài dòng... Có những người bệnh ông trò chuyện mỗi ngày hàng giờ và trong nhiều ngày, đến hành 100 giờ. Ông nói, dựa vào kinh nghiệm, quan sát thực tế và kết quả đáng tin cậy, chứ không xác minh bằng thực nghiệm...

Những ai đã trị liệu, tham vấn cho người rối nhiễu tâm lý mới hiểu Freud. Làm sao một người trầm cảm, trốn tránh giao tiếp xã hội lại có thể trò chuyện với nhà TLH hàng giờ và thích được trò chuyện mỗi ngày, kéo dài đến hàng 100 giờ? Phải có TÂM và TẦM cao lắm đó! Và chính nhờ quá trình “liên tưởng tự do” đó mà phát hiện ra nhiều thứ mặc cảm, ẩn ức, định kiến… trong tầng sâu Vô thức của con người.

Ở Viện nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma tuý (PSD), Hà Nội, mà tôi có mấy năm làm Viện trưởng, cũng có một số ca trị liệu với chuyên viên của Viện hàng 100 buổi, kết hợp nhiều liệu pháp và đem lại kết quả bền vững.

Nhưng ngày nay ít ai còn làm như Freud vì mất thì giờ, người ta dùng phương pháp thay đổi “Nhận thức và Hành vi" của người bệnh và nhiều phương pháp tâm lý - xã hội nhanh gọn và có thể trị liệu hàng loạt, như làm ở trại cai nghiện ma tuý tập trung chẳng hạn…

Mặt khác ngày nay người ta nghiên cứu bệnh Thần kinh hay Tâm thần có những nguyên nhân từ gien di truyền, sinh lý thần kinh, sinh hoá thần kinh… nên “chữa bằng THUỐC mới khoa học”… Chữa bằng thuốc thì nhanh gọn, tiện lợi quá còn gì!

(Cũng có trường hợp, để quảng cáo thuốc, người ta cần phê phán phương pháp trước kia không khoa học, thì mới bán chạy thuốc).

Đúng là Freud chữa trị theo kinh nghiệm chứ không phải khoa học, và ông cũng bảo "VÔ THỨC" là cái ta không thấy được...Thì cũng như các nhà SƯ thuyết pháp cho các phật tử buông bỏ Tham, Sân, Si... Phải mất nhiều thì giờ tu tập mới có tác dụng, nhưng đạt được thì tạo ra sự thay đổi bền vững…

Từ các phương pháp cai nghiện ma tuý, tôi thấy chỉ khi người nghiện có NIỀM TIN, Ý CHÍ, TỰ Ý THỨC điều chỉnh được hành vi của mình, quý trọng Giá trị Nhân cách của mình mới hy vọng kết quả bền vững. Nghĩa là phải giúp cho Cái TÔI trưởng thành lên, kể cả khi dùng thuốc hay bất kỳ phương pháp nào. Và như vậy thì không đơn giản và mất nhiều thời gian đó.

2. Cấp độ TÂM LÝ CÁ NHÂN. Freud đã khám phá, mô tả được một cơ cấu tâm lý và cơ chế vận hành của đời sống tâm lý ở tầng sâu thẳm, khiến ta không thể nhìn tâm lý con người một cách giản đơn (như thuyết Phản xạ, Hành vi chủ nghĩa...). Tất nhiên ở vào thời kỳ đó, Freud chưa có những thực nghiệm, đo đạc, lượng hóa một số hiện tượng tâm lý như ngày nay, nhưng nó cung cấp một lý thuyết để khám phá tâm lý con người một cách phong phú, lý thú và hữu ích. (Phải là người như thế nào, Freud mới quan sát và phát hiện tâm lý đứa trẻ sơ sinh khi nó bú mẹ; đứa trẻ 3 tuổi khoái chí khi nó điều khiển được "chim" tè đúng bô, ị được một cục phân to... và nó khoái cảm, sung sướng thế nào...). Nhân đạo lắm. Vĩ đại lắm! Cũng như J. Piaget đã quan sát ghi chép "vận động" của đứa trẻ từ lọt lòng mẹ từng giờ, từng ngày để biết "Cái tâm lý từ không đến có diễn ra thế nào". Vĩ đại quá! Và các ông ấy còn làm được nhiều hơn thế.

3. Ở cấp độ TRIẾT HỌC (tư tưởng) thì mở rộng ra nhiều lĩnh vực lắm.

Nói về học thuyết của Freud, Stephen Frosh mô tả là "một trong những ảnh hưởng mạnh nhất đến tư tưởng thế kỷ XX, tác động của nó chỉ có thể so sánh với Học thuyết Darwinchủ nghĩa Marx."; Henri Ellenberger nói rằng phạm vi ảnh hưởng của nó thấm đẫm "tất cả các lĩnh vực văn hóa... đến mức làm thay đổi cách sống và quan niệm của chúng ta về con người." [ S. Freud- Wikipedia)…

Chỉ nói đơn giản, Freud coi bản chất con người cũng giống con vật là "ĐI TÌM KHOÁI CẢM", nhưng con vật "biết đủ" thì dừng, nên nó không bị bệnh tâm thần, thần kinh như con người… Vậy theo quy luật này, con người luôn đi tìm môi trường sống sung sướng, vui vẻ, thoải mái, tự do tư tưởng, tự do khám phá, sáng tạo… chứ ai thích suốt đời bị kìm kẹp, kiểm điểm, cấm đoán...?

Cũng như Adam Smith coi bản chất con người là "TÍNH ÍCH KỶ, TƯ LỢI", nên cái gì có lợi thì họ làm, chứ chả vì lòng tốt gì đâu! Vậy quy luật là giúp cho con người có quyền tư hữu và tính “ích kỷ" của họ được “kích hoạt" để ra sức suy nghĩ, làm mọi việc (mà pháp luật không cấm), đem lại sự giàu có cho họ và cũng là cho xã hội… Còn một khi tước bỏ tư hữu thành công hữu và triệt tiêu tính “tư hữu, ích kỷ" thay bằng “làm chủ tập thể" và giáo dục “HTX là nhà, xã viên là chủ", người làm kinh tế phải “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tự” ... thì chết đói cả lũ!

K. Marx thì cho rằng: Bản chất con người, trong tính hiện thực của nó, là "TỔNG HÒA CÁC QUAN HỆ XÃ HỘI"... sẽ giúp ta hiểu rằng: “Hãy nói bạn của anh là ai, tôi sẽ biết anh là người thế nào"!

Như thế là mỗi nhà tư tưởng cho ta hiểu về bản chất con người ở một góc nhìn khác nhau rất thú vị và hữu ích…

Những người quản lý xã hội là phải Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp sao cho con người được “tự do tìm Khoái cảm" mà không hại cho xã hội; con người được tự do “Tư hữu, ích kỷ" mà không “hại nhân"; được tự do giao lưu kết bạn mà không hại người khác… Chỉ cần thế thôi chứ đâu cần các ông vừa tham nhũng, sống bê tha, vừa suốt ngày lên mặt dạy dỗ nhân dân!? Việc giáo dục Chân, Thiện, Mỹ đã có Nhà trường; việc giáo dục Lòng Từ bi hỷ xả, Bình đẳng, Bác ái… đã có Nhà chùa, Nhà thờ, đúng với bản chất của nó, đâu cần đến lượt mấy ông quan.

M.V.T.

1/7/2021

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn