Trung tâm nghiên cứu Mỹ bóc trần chiến lược xảo trá của tàu Trung Quốc ở Biển Đông

Minh Khôi | 27/10/2021 07:00

Trung tâm nghiên cứu Mỹ bóc trần chiến lược xảo trá của tàu Trung Quốc ở Biển Đông

Tàu Trung Quốc hiện diện ở bãi Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS.

Khi dư luận quốc tế phản đối, tàu Trung Quốc rời khỏi một địa điểm, phân tán đến các rạn san hô gần đó trong một thời gian nhưng tổng số tàu vẫn không đổi.

TÀU TRUNG QUỐC "VỜ" RỜI ĐI NHƯNG THỰC TẾ VẪN LỞN VỞN TRONG KHU VỰC

Tàu Trung Quốc vẫn "lởn vởn" ở Biển Đông bất chấp sự phản đối của Philippines, theo một nhóm nghiên cứu Mỹ.

Khi dư luận quốc tế phản đối hoặc các bên khác cũng tiến hành tuần tra, tàu Trung Quốc rời khỏi một địa điểm, phân tán đến các rạn san hô gần đó trong một thời gian. Nhưng tổng số tàu hiện diện ở Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam vẫn không đổi, Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết trong báo cáo mới nhất công bố hôm thứ Bảy.

Ví dụ, số lượng tàu dân quân Trung Quốc tại đá Khúc Giác (thuộc cụm Bình Nguyên, quần đảo Trường Sa của Việt Nam) đã giảm sau khi Philippines gửi công hàm phản đối vào ngày 30/9.

Tuy nhiên, các tàu Trung Quốc chỉ di chuyển đến một khu vực khác ở Biển Đông. Đây là bằng chứng về chiêu bài của lực lượng dân quân Trung Quốc, AMTI viết.

Theo các hình ảnh vệ tinh do AMTI phân tích, các tàu Trung Quốc lần đầu tiên đến đá Khúc Giác hồi giữa tháng 4, ngay sau khi 200 tàu neo đậu ở khu vực bãi Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam tản ra.

Vào cuối tháng 3, Philippines đã phát hiện hơn 200 tàu dân quân Trung Quốc neo đậu ở bãi Ba Đầu.

AMTI cho biết các tàu của Trung Quốc ở khu vực Khúc Giác, dài từ 40 đến 50 mét, không quá 5 chiếc cho đến đầu tháng 6. Đến ngày 15/6, tàu Trung Quốc tăng lên 15 và tăng gấp đôi lên 30 chiếc vào cuối tháng 7.

Số tàu trung bình giảm xuống còn 15 chiếc vào tháng 8 trước khi tăng trở lại lên 30 chiếc vào cuối tháng 9, AMTI cho hay.

AMTI ghi nhận sự sụt giảm của các tàu Trung Quốc sau công hàm phản đối ngày 30/9 của Philippines: ngày 2/10, từ 35 tàu có trong ảnh vệ tinh thì chỉ còn 5 tàu ngày 17/10.

Hầu hết các tàu dân quân Trung Quốc đóng giả là tàu đánh cá, nhưng không thực sự tham gia đánh bắt cá. Lực lượng dân quân đang được sử dụng để thực thi các tuyên bố chủ quyền sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông, mà không công khai gây chiến.

Về mặt hình thức, họ được xem như là một phần của lực lượng vũ trang của Trung Quốc - theo báo Philippine Inquirer.

CẦN VẠCH TRẦN HÀNH ĐỘNG TRÁI PHÁP LUẬT CỦA TRUNG QUỐC

Philippines đã tăng cường tuần tra vào đầu năm nay để đối phó với các cuộc xâm nhập của Trung Quốc.

Tuy nhiên, sự hiện diện của các tàu Philippines không thể sánh với quy mô triển khai và sự hiện diện gần như thường trực của lực lượng bảo vệ bờ biển và dân quân Trung Quốc.

Chiến lược của Trung Quốc là lấn át các nước khác bằng số lượng tuyệt đối, sức mạnh và duy trì quyền lực. Mục đích là muốn các quốc gia khác chấp nhận sức mạnh của Trung Quốc là tất yếu và không thể ngăn cản; do đó những gì nước này đang làm là một hình thức áp đặt và ép buộc, Tiến sĩ Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển, nói với Inquirer.

Chỉ trong năm 2011, Philippines đã đệ trình 153 trong tổng số 211 công hàm phản đối trong 5 năm qua, theo một tuyên bố gần đây của Bộ Ngoại giao.

Philippines đầu tuần này đã đưa ra một loạt công hàm phản đối các động thái trái pháp luật của Trung Quốc ở Biển Đông. Hôm 20/10, Philippines đã ra công hàm phản đối về việc các tàu Trung Quốc sử dụng tiếng còi báo động thách thức tàu tuần tra của Philippines, AMTI cho biết.

Ông Batongbacal cho rằng ngoài việc ra các công hàm phản đối, Philippines cũng có thể cùng với các quốc gia khác để vạch trần và bác bỏ các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Chỉ riêng các công hàm phản đối sẽ không khiến họ rời đi", ông nói.

Một ví dụ về hành động mà Philippines có thể thực hiện là công khai chỉ trích các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUUF) của Trung Quốc trong vùng EEZ của các quốc gia khác trên tất cả các diễn đàn quốc tế hiện có, ông Batongbacal nói.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông thông qua yêu sách "Đường chín đoạn". Yêu sách này đã bị Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở tại La Hay đã ra phán quyết vào tháng 7/2016 xác định là vô giá trị.

M.K.

Nguồn: soha.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn