Không nên dùng khái niệm “thiểu số” cho một chủng tộc

Chu Mộng Long

22-5-2022

<p align="justify">Ở Mỹ (và các nước phương Tây), khái niệm Ethnic minority thường chỉ được dùng trong Nhân chủng học, chỉ các nhóm người định cư lâu đời trên một vùng đất, có đặc điểm văn hoá, lịch sử, ngôn ngữ riêng nhưng khả năng sinh sôi thấp, dưới 14% tổng dân số của quốc gia. Ethnic minority phải là native, aboriginal people (dân bản địa, thổ dân). Hiện nay khái niệm này chỉ được dùng để bảo tồn và bảo vệ bởi luật bình đẳng. Khái niệm này không dùng cho các dân tộc mới di cư hoặc lai tạp. Chẳng hạn, người Mỹ không dùng Ethnic minority cho người gốc Phi, Do Thái, Hoa, Việt hay bất cứ dân tộc nào đến định cư từ thời kỳ khám phá lục địa mới. Ta hình như cũng dùng nghĩa tương tự. Không dùng khái niệm "dân tộc thiểu số" cho người Hoa hay các dân tộc đến từ nước khác, mặc dù số lượng dân này dưới 14%.</p>
< p align="justify">Các chủng dân di cư đã nhập quốc tịch Mỹ thì được gọi là người Mỹ gốc Việt, gốc Hoa, gốc Phi, gốc Do Thái...</p>

Khoa tôi có đủ thành phần dân tộc, ngoài người Kinh, có người Bana, Êđê, Chăm, Giarai, Xơđăng… Một lần, có bạn người Kinh giới thiệu bạn mình là “dân tộc thiểu số”, tôi khuyên: “Không nên dùng khái niệm ‘dân tộc thiểu số’ gây mặc cảm cho bạn. Tất cả các bạn sống trên đất Việt đều là người Việt!

Gốc của từ “thiểu số” không có nghĩa kì thị. Khi thành cụm từ “dân tộc thiểu số”, nghĩa gốc chỉ là gọi tên cho các dân tộc có số lượng ít hơn một dân tộc chiếm số lượng lớn nhất trong một quốc gia, lãnh thổ. Chẳng hạn, người Hán chiếm đa số trong lãnh thổ Trung Quốc thì tất cả các dân tộc khác như Mãn, Choang, Duy Ngô Nhĩ, Tạng… đều thành thiểu số. Người Kinh chiếm đa số trong lãnh thổ Việt Nam thì tất cả các dân tộc khác như Bana, Êđê, Chăm, Giarai, Xơđăng… đều thành thiểu số v.v…

Khi một dân tộc nào đó tự cho mình là trung tâm của một quốc gia, lãnh thổ, thì khái niệm “thiểu số” mới trở thành kỳ thị. Sự kì thị này bộc lộ ở ý thức rằng, dân tộc nào chiếm đa số thì dân tộc đó thành trung tâm thống trị và làm chủ lãnh thổ, còn dân tộc bị gọi là thiểu số chỉ là ngoại tộc, thậm chí trong lịch sử nhân loại, dân tộc thiểu số còn bị làm nô lệ.

Tính chất nhị nguyên đa số/ thiểu số dẫn đến kỳ thị chủng tộc, giống như cả ngàn năm phong kiến của ta có sự kỳ thị chính gốc/ ngụ cư vậy. Một tộc họ thống trị một làng gọi là chính gốc, còn tộc khác bị gọi là ngụ cư, sống ở rìa làng và không được hưởng mọi thứ quyền như tộc tự cho là chính gốc.

Thực chất đó là tư tưởng lấy thịt đè người, lấy số đông trấn áp thiểu số. Trong khi lịch sử luôn là sự vận động, biến đổi, đa số thành thiểu số, chính gốc thành ngụ cư và ngược lại.

Có ai ngờ một tộc người thiểu số so với thế giới như người Mông, người Mãn lại trở thành trung tâm thống trị một thời của Trung Hoa. Có ai ngờ thổ dân da đỏ, gốc bản địa của châu Mỹ, lại thành thiểu số và ngụ cư khi thực dân châu Âu tấn công và chiếm đất của họ. Người Chăm có ngờ rằng, vào thời Trần, dân số của họ đông hơn dân Đại Việt và hùng mạnh ở phương Nam, bây giờ lại thành thiểu số. Người Khmer là thiểu số ở Việt Nam nhưng không phải là thiểu số ở Cambot…

Cho nên, nói như triết gia giải kiến tạo Derrida, “trung tâm, vì thế, không phải là trung tâm” (The center, therefore, is not the center). Trung tâm chỉ là một kiến tạo ước lệ và giả tạo trong trò chơi của quyền lực.

Chính sự phân biệt đa số/ thiểu số đã tạo nên sự tự kiêu thống trị ở dân tộc chiếm đa số và sự mặc cảm bị trị của dân tộc bị gọi là “thiểu số”.

Trên tinh thần đó, sự kì thị đa số/ thiểu số chỉ còn tồn tại ở các quốc gia độc tài toàn trị, tàn dư phong kiến để lại. Hậu quả, các quốc gia này có chính sách phản động là đồng hoá các dân tộc bị cho là thiểu số. Trong khi các quốc gia văn minh đến nay đã chấp nhận đa chủng tộc trong quan hệ bình đẳng, thậm chí kéo theo nhiều quốc gia còn chấp nhận đa văn hoá, đa ngôn ngữ. Sự chấp nhận như vậy không làm nghèo hay giảm sức mạnh quốc gia dân tộc mà còn tạo ra sự giàu có, đa dạng và gia tăng sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hạn chế tối đa sự tranh chấp, xung đột sắc tộc.

Trong thời đại toàn cầu hoá, Trái đất này là quê hương chung của loài người. Quyền tự do đi lại, tự do cư trú đã thành luật về nhân quyền của Liên Hiệp quốc.

Ảnh chụp màn hình bài báo VTC

Tôi cứ hình dung, đến một ngày nào đó, với sự mắn đẻ của người Việt, theo truyền thống trăm trứng nở trăm con, người Việt chiếm đa số trên đất Mỹ. Sự kì thị chủng tộc trong tâm lý người da trắng và sự mặc cảm nô lệ của người da đen chẳng phải đã giải quyết dứt điểm từ cuộc cách mạng của Martin Luther King sao?

Theo tôi, điều quan trọng là người Việt trên đất Mỹ ăn ở thế nào để được tôn trọng như một người Mỹ chứ không phải nhờ cậy vào chính sách ngoại giao. Chính sách ngoại giao chỉ là một tương tác yếu của nhân tố ngoại biên.

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn