TS. Phạm Sỹ Liêm: “Chúng tôi muốn chống tham nhũng một cách chuyên nghiệp” Quản lý nhà nước

Hân Hương

Câu trả lời phỏng vấn nổi tiếng này của TS. Phạm Sỹ Liêm đã tròn 16 năm (9.2006) (1). Không chỉ quyết tâm, muốn chống tham nhũng một cách chuyên nghiệp, ông bảo:  “Mình phải tự học hỏi để đủ lý lẽ chống cái sai, cái xấu”. Bài viết này nêu chỉ một phần rất nhỏ của những “lý lẽ ấy”.

Tương lai nào cho bán đảo Quảng An?

Tuyển chọn thiết kế kiến trúc nhà hát tại Đầm Trị: Khuất tất pháp lý cần làm rõ!

Chính nhiều dự án nhà cao tầng đang 'lái' quy hoạch!

Tháng 8.2022  kỷ niệm 40 năm thành lập Tổng hội Xây dựng Việt Nam. TS. Phạm Sỹ Liêm là người đồng sáng lập, vị chủ tịch đầu tiên của tổ chức đó. Ông đã xa chúng tôi 4 năm, nhưng nhờ những phản biện không hề “nghiệp dư” của ông  giúp chúng tôi nhận thức để có thể tự lý giải được các vấn đề rất “gai góc” hôm nay.

Việc tưởng nhỏ thành lý luận

Đời sống đô thị thường là đề tài trao đổi mỗi lần chúng tôi gặp nhau, có lần mấy người xúm vào kêu: dân ta ý thức kém, vứt rác, tiểu tiện vào cả chỗ biển ghi “cấm đái bậy, cấm đổ rác”, ông Liêm không chịu, bảo trước khi chê dân, cần có nhiều biển ghi “Hãy đái, hãy đổ rác vào chỗ này!”. Còn nếu đã có nhiều chỗ như thế mà ai đó vẫn vi phạm, thì phạt nặng.

Theo ông, cung cấp loại dịch vụ công cộng ấy trước hết là trách nhiệm của chính quyền. Nhưng dịch vụ công cộng là gì, gồm những loại nào, loại nào thuộc thị trường, loại nào do nhà nước cung ứng? Trong mỗi mô hình nhà nước khác nhau, việc cung ứng dịch vụ công cộng đô thị cũng khác nhau. Với nhà nước ta thì sao?

clip_image002

TS. Phạm Sỹ Liêm phát biểu tại tọa đàm “Xây dựng Luật Quy hoạch để nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững - Những quan điểm chủ đạo” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức năm 2015. Ảnh: Thanh Sơn

Xin lược trích những gì ông viết: “Muốn tìm hiểu về chính sách, đầu tư và quản lý dịch vụ công cộng đô thị thì trước hết cần nắm vững khái niệm hiện đại về dịch vụ và kinh tế dịch vụ, bắt đầu phải từ dịch vụ. Chỉ sau Thế chiến II mới hình thành lý thuyết về 3 khu vực kinh tế do các nhà kinh tế học Colin Clark (Anh, 1905 - 1989) và Jean Fourastié (Pháp, 1907 - 1990) khởi xướng, bao gồm: khu vực 1 (primary sector) làm ra nguyên liệu thô (nông nghiệp, khai khoáng), khu vực 2 (secondary sector) chế biến các nguyên liệu đó (công nghiệp) và khu vực 3 (tertiary sector) bao gồm các loại hình dịch vụ…” (2).

Tham khảo các cách phân loại dịch vụ của Liên Hợp Quốc (International Standard Industrial Classification of All Economic Activities- ISIC Rev.4), Mỹ, cộng đồng châu Âu, Trung Quốc, ông trình bày định nghĩa chung về dịch vụ công cộng:

“Các dịch vụ cung ứng cho người dân và gia đình họ là dịch vụ công cộng;  công thức biểu thị: Dịch vụ công = Dịch vụ sự nghiệp công (phúc lợi công: giáo dục, y tế...) + Dịch vụ công ích (gắn với hạ tầng: giao thông, cây xanh, chiếu sáng, vệ sinh…)  + Dịch vụ hành chính công (tư pháp), không phải hoạt động công vụ (civil services) hàng ngày của bộ máy công quyền”. Tức là chuyện tiểu tiện bậy bị/được làm to ra, đẩy thành lý luận.

Dịch vụ công ích là mắt xích yếu nhất

Nhưng lý luận Tây, Tàu trời biển gì thì cũng cần trở về đất Việt để giải quyết các vấn đề của nó. Chúng ta đều biết mọi hoạt động của con người đều cần không gian, nôm na phải có đất để thực hiện. Vậy trong ba loại dịch vụ (sự nghiệp công, công ích, hành chính công) cấu thành dịch vụ công cộng, thì loại dịch vụ nào trong bối cảnh xã hội Việt Nam cần  quan tâm nhất và vì sao?

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm, trong chuyên văn quốc tế, dịch vụ công cộng chỉ có một tên chung là public services nhưng lại có hai định nghĩa khác nhau tùy theo ngữ cảnh. Rút gọn là “Định nghĩa thứ nhất nhấn mạnh đến đối tượng sử dụng dịch vụ, còn định nghĩa thứ hai nhấn mạnh đến cả bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ”. Và ông chọn định nghĩa thứ nhất áp dụng cho Việt Nam, tức là tập trung vào quyền lợi của đa số người dân sử dụng dịch vụ, với các lý lẽ sau:

- Dịch vụ công ích mà các nước nói tiếng Anh gọi là utilities/public utilities, cộng đồng châu Âu gọi services of general interest. Theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước (2003): “Dịch vụ công ích là dịch vụ thiết yếu đối với đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư... mà việc sản xuất, cung cấp theo cơ chế thị trường thì khó có khả năng bù đắp chi phí đối với doanh nghiệp sản xuất, cung ứng…”.

- Dịch vụ công cộng đô thị là toàn bộ các dịch vụ trong phạm vi đô thị do mọi nguồn cung ứng đến với người dân và gia đình họ, bao gồm dịch vụ công do chính phủ cung ứng trực tiếp hay gián tiếp và dịch vụ cá nhân do thị trường dịch vụ cung ứng. Nhưng trong dịch vụ công thì dịch vụ công ích mới cần đến nhiều không gian để hoạt động. Ông thảo luận với chúng tôi: “Lấy dịch vụ công ích để thay cho dịch vụ công, như thế cũng tránh được sự lúng túng khi hai cụm từ dịch vụ công cộng và dịch vụ công đều dịch từ cụm từ public services trong tiếng Anh”.

Vậy dịch vụ công cộng được hiểu bao gồm dịch vụ công ích và dịch vụ cá nhân cho mọi người dân, biểu thị bằng công thức: Dịch vụ công cộng = dịch vụ công ích + dịch vụ cá nhân cho người dân.

Cần nói thêm rằng nghiên cứu này được thực hiện cách đây 12 năm (2010), chúng tôi cùng nhận ra dịch vụ công ích có nguy cơ là điểm yếu nhất trong việc phân bổ đất đai, tài chính cho nó. Bởi khối vật chất cho dịch vụ hành chính công (ví dụ trụ sở các cơ quan công quyền) thường được nhà nước đầu tư đủ, thậm chí thừa. Dịch vụ sự nghiệp công (ví dụ y tế, giáo dục...) đầu tư công dẫu thiếu thì động lực thị trường sẽ bù dần (trường học tư, bệnh viện tư...).

clip_image004

clip_image006

Công trường dự án Sun Grand City Tây Hồ số 58 Quảng Bá - Quảng An thời điểm đang thi công tầng hầm (ảnh trên) và giai đoạn hoàn thiện (ảnh dưới). Ảnh:  TL - Võ Thanh Tùng

Nhưng dịch vụ công ích cùng với các không gian đất đai cho nó như cây xanh, vườn hoa, công viên, quảng trường, đường giao thông, hè phố, đường dạo bên hồ nước, ven biển… phục vụ nhân dân thì chẳng có doanh nghiệp tư nhân nào chịu bỏ tiền đầu tư. Vì thế dịch vụ công ích hoàn toàn thuộc trách nhiệm nhà nước trong quản lý. Sau nữa, nhà nước phải đầu tư theo nguyên tắc cho người sử dụng miễn phí hoặc được định giá thấp để tầng lớp nghèo cũng có thể tiếp cận và phải bù lỗ cho các doanh nghiệp được giao cung ứng loại dịch vụ này. Ví dụ miễn hoặc chỉ thu phí thấp các dịch vụ vui chơi, giải trí trên bãi biển, thắng cảnh núi… vì nơi đó là không gian của dịch vụ công ích.

Dân cần được hưởng tài nguyên chung

Việc phân định/nhận diện không gian công ích để cho phép cung cấp loại dịch vụ công ích diễn ra mà không nên, hoặc không thể thu tiền người sử dụng, bởi 4 lý do bất khả sau:

1. Về kỹ thuật - không có ranh giới cụ thể. Biển, bờ biển, sông, bờ sông, hồ, bờ hồ, rừng tự nhiên... chẳng hạn, việc “cứng hóa chúng bằng hàng rào” để thu tiền là không thể.

2.  Về kinh tế - lợi ích đem lại  rộng lớn. Các không gian công ích thường mang lại lợi ích nhiều mặt, đồng thời: môi trường sinh thái, nghiên cứu khoa học, giáo dục, sức khỏe, giải trí, thẩm mỹ… rất khó lượng giá ích lợi của mỗi loại để buộc từng cá nhân sử dụng trả tiền.

3. Về luật pháp - không cho phép. Đơn cử điều 2122-1 Luật Tài sản công của Pháp: “Không ai có thể chiếm quyền sở hữu không gian công cộng (ví dụ không gian bảo vệ là 100 m tính từ phạm vi hàng hải công cộng, đảm bảo quyền tiếp cận tự do của người dân đạt 80% đối với bờ biển tự nhiên và 50% đối với bờ biển nhân tạo). Nếu đã “cấp phép xây dựng”, thì “quyền sử dụng ấy chỉ là tạm thời (không quá 6 tháng) và luôn có thể bị cơ quan quản lý thu hồi”. Nước Pháp đã thành công trong việc bảo vệ 170.000 ha hệ sinh thái đới bờ và xây dựng 4.600 km đường ven biển; ven sông, hồ...” (3).

4. Về văn hóa, xã hội - không được công chúng chấp nhận. Bởi họ không muốn, không thể “trả tiền” cho việc tiếp cận, hoặc người quản lý không thể tìm cách thu tiền có hiệu quả qua các dịch vụ. Do các không gian đó được quan niệm “thuộc giang sơn đất nước mình”, chính quyền không thể chỉ kêu gọi lòng yêu nước mà không cung cấp đủ lý do để yêu. Vì của toàn dân nên họ không chấp nhận những “dự án khôn lỏi” của doanh nghiệp “làm dịch vụ cáp treo trên thắng cảnh núi rừng, xây nhà hàng, khách sạn, resort… chiếm các vị trí đẹp nhất, khí hậu tốt nhất ở bờ biển vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, Hội An, hay hồ Tây...”, kiếm lợi riêng theo lối “tay không bắt giặc” dựa chủ yếu vào nguồn tài nguyên chung. Các dịch vụ công ích tại những khu vực này nếu có, phải định giá thu phí thấp (nhà nước bù lỗ cho doanh nghiệp được ủy nhiệm) để người nghèo cũng thụ hưởng được những gì thuộc về tài sản đất nước họ.

clip_image008

TS. Phạm Sỹ Liêm trao đổi các vấn đề của đô thị với nhà báo Hân Hương (đầu tiên bên trái) và các cộng tác viên của Người Đô Thị ở Hà Nội, năm 2018. Ảnh: VPHN

Phân tích rõ và khu biệt dịch vụ công ích khỏi dịch vụ công cộng nói chung  (làm cơ sở cho việc xác lập không gian, đất đai và tính thuế, phí cho nó) là một đóng góp quan trọng của TS. Phạm Sỹ Liêm, trong bối cảnh có nhiều cách tiếp cận về dịch vụ công (như theo phân loại kinh tế hàng hóa, theo chủ thể cung ứng dịch vụ, theo tính chất, tác dụng và đối tượng sử dụng của hoạt động dịch vụ, theo Luật Đất đai hiện hành...).

Ví dụ trong nội dung mục đích sử dụng đất công cộng và phân loại công trình công cộng hiện nay không có khách sạn, nhưng theo Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 03:2012/BXD (phụ lục A) thì công trình dịch vụ công cộng gồm khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà thờ, nhà chùa, nhà giam… Không sai, vì nhà hát hay nhà nghỉ đều cung cấp dịch vụ công cộng cho nhiều người sử dụng, nhưng có thể gây hiểu lầm nếu gắn nội dung hoạt động của nó vào quy định sử dụng đất.   Như khi phát triển khái niệm dịch vụ công cộng sang các khu vực có quan hệ với nó như “đất công cộng”, “công trình công cộng”… sẽ rất dễ gặp sai lầm, gây hiểu lầm, hoặc tạo kẽ hở lợi dụng. Thí dụ một trung tâm thương mại ở trên đất bôi đỏ trong quy hoạch, được gọi là công trình công cộng, nhưng xét về bản chất hoạt động thì rất có thể lại là dịch vụ tư nhân... Hoặc cùng là nước, nhưng người mua phải trả tiền để được cấp nước sạch (dịch vụ công cộng), nhưng thoát nước (dịch vụ công ích) họ có thể được miễn hoặc chỉ trả phí thấp. Tóm lại dịch vụ công ích mới là thước đo chất lượng nhà nước.

Người được luân hồi

Như vậy cùng một đối tượng không gian có thể được tiếp cận từ nhiều phương pháp, mà việc đề xuất khái niệm “dịch vụ công ích” trong không gian của TS. Phạm Sỹ Liêm là góp phần củng cố, chứ không loại trừ các phương pháp khác.   

Chẳng hạn về dự án Sun Grand City Tây Hồ số 58 Quảng Bá - Quảng An đang gây “bão dư luận”, một tính toán sơ bộ  với 1.501 phòng khách sạn, 846 căn hộ kiểu khách sạn (condotel -  không ai đảm bảo các căn hộ này không trở thành căn hộ chung cư thuê 50 năm?). Nghĩa là nó sẽ tạo ra dân số không chính thức nhưng sẽ ở thật tại Quảng An khoảng 2.500 người (khoảng 1/4 dân số phường Quảng An hiện hữu - số liệu 2021). Kéo theo đó là khách vãng lai, là nhu cầu về y tế (800 - 850 hộ gia đình), giáo dục (800 - 850 trẻ em) và các dịch vụ công cộng cơ bản khác phục vụ dân số thường trú.

Ngoài ra sự tăng thêm nhà hàng, khách sạn và mỗi điểm kinh doanh ấy sẽ thu hút bao nghiêu người vào ra hàng ngày, thì chưa tính nổi. Tính sơ lược cụm công trình sẽ đè thêm 25 - 30% trọng lượng lên hệ thống hạ tầng hiện có (mọi loại hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội) (xem đồ họa).

clip_image010

clip_image012

Đồ họa: KTS. Trần Thế Quang

Phân tích theo quan điểm kinh tế học công cộng của TS. Phạm Sỹ Liêm, các hoạt động từ dự án này là dịch vụ tư (private services, private goods-hàng hóa tư) sẽ  chiếm, gây xung đột, quá tải cho không gian của dịch vụ công ích. Vậy trách nhiệm để xảy ra nguy cơ này nếu có, trước hết thuộc chính quyền địa phương cấp phép xây dựng.

Cách đây 16 năm, Tổng hội Xây dựng Việt Nam công bố danh sách 43 dự án cấp tỉnh thất thoát, lãng phí ngân sách gây chấn động dư luận. Khi được hỏi tại sao các địa phương lại có cơ hội hoành hành đến thế, ông Liêm trả lời: “Các địa phương hiện nắm một nửa nguồn vốn ngân sách cả nước, họ là một cấp kế hoạch nhưng cũng là một cơ quan quyền lực, nắm vốn, nắm cả đất. Quyền lực rất lớn, rất dễ đi đến các quyết định duy ý chí. Những công trình gọi là được xây cho dân, nhưng họ chẳng hiểu gì về phong tục tập quán, chẳng hỏi ý kiến dân, hiểu nguyện vọng của dân… nên xây rồi bỏ hoang, lãng phí rất lớn”.

Nhắc lại chuyện này vì chỉ cách những khối nhà 58 Quảng Bá hơn 600 mét, dự án nhà hát opera quy mô lớn đang được chính quyền quận Tây Hồ  lấy ý kiến dân. Nhà hát thành phố là một trong những công trình bộ mặt của thành phố. Nó thường đi cùng bảo tàng, thư viện, tòa thị chính thành phố tạo nên một quần thể trung tâm. Một nhà hát opera quy mô đứng lẻ ở Quảng An xét trong không gian cụ thể này là  “một dị vật đơn độc so với chuỗi kiến trúc đô thị truyền thống nhỏ xung quanh (nhà ở, đền, chùa)”, nên nó sẽ phá vỡ cấu trúc cũ cả về văn hóa, sinh thái. Còn ý niệm phải nhấn một cái gì đó to tát ở mũi bán đảo Quảng An, có thể chỉ nhằm ngụy trang cho lợi ích kinh tế vị kỷ? Mỗi dân tộc, quốc gia có nền văn hóa, nghệ thuật diễn xướng riêng của họ, nhưng không biết từ đâu ra mặc định người được coi có trình độ văn hóa cao phải thưởng thức opera, đo bằng opera? Nên làm điều tra xã hội khách quan cho chủ trương xây nhà hát này, hãy đối thoại với những người trẻ chứ những cụ U.80 còn mấy cơ hội chờ xây nhà hát đâu mà hỏi họ?

Đã sắp 4 năm ngày giỗ TS. Phạm Sỹ Liêm. Tôi chợt nhớ đã nghe chuyện một đệ tử hỏi thiền sư Thích Nhất Hạnh về sự luân hồi.  Ngài trả lời, đại ý chúng ta đang luân hồi, bởi một suy nghĩ, tư tưởng tốt đẹp của ta trao cho người khác được họ tiếp tục trao truyền cho nhiều người nữa, bằng cách đó chúng ta được luân hồi. Sự luân hồi nếu vậy, đã ngoài thể xác, mà TS. Phạm Sỹ Liêm có thể thuộc số  người có may mắn đó.

H.H.

____

(1) Đề tài nghiên cứu khoa học “Cơ sở khoa học xây dựng mô hình xã hội hóa dịch vụ công cộng đô thị” - mã số RD 03-10, TS. Phạm Sỹ Liêm và cộng sự

(2) Theo ThS-KTS.Trịnh Minh Hiếu - Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(3) Trang web Bộ Tài chính ngày 25.9.2006.

Nguồn: nguoidothi.net.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn