Nông dân tự phỏng vấn

Nông dân Hoàng Kim

1.

Phóng viên (PV): Thưa ông nghe tin Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa có công văn gửi các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long để lấy ý kiến dự thảo đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Chậm nhất ngày 6-2, các tỉnh, thành gửi ý kiến và đăng ký về Cục Trồng trọt. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Hoàng Kim (HK): Bộ Nông nghiệp và PTNT hỏi tỉnh, thành chứ đâu có hỏi nông dân mà tui trả lời. Để mấy ổng bàn bạc với nhau rồi mấy ổng làm luôn đi.

PV: Nếu được hỏi thì nông dân sẽ góp ý chứ?

HK: Rất vui lòng góp ý, vì làm lúa là công việc của nông dân, để mấy ổng ra chính sách trên trời dưới đất nông dân chúng tôi làm trọc đầu à. Chúng tôi sẽ chỉ ra những điều có thể làm được, những điều vô lý, những điều có lý nhưng bất khả thi vì chúng tôi là người sản xuất lúa.

PV: Vậy xin gởi cho ông ĐỀ CƯƠNG NHIỆM VỤ "Xây dựng Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Mong ông đọc và cho biết ý kiến, hẹn ông tiếp tục cuộc phỏng vấn vào ngày mai.

HK: Cảm ơn em đã cho đề cương, hẹn sáng mai tôi sẽ trả lời.

2.

PV: Chào buổi sáng chú.

HK: Chào buổi sáng cháu.

PV: Chú đã đọc kỹ đề cương chưa?

HK: Thức gần trắng đêm để đọc, nhưng chỉ hiểu lõm bõm.

PV: Đề cương khó hiểu hả chú?

HK: Khó hiểu, lạc đề, ôm đồm, phi thực tế, đó là những nhận xét của chú sau khi đọc xong đề cương.

PV: Chú có thể nói rõ hơn không?

HK: Đây là đề cương để thực hiện 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở ĐBSCL, nhưng trong tựa đề cương đã ôm đồm thêm "Gắn với tăng trưởng xanh". Tăng trưởng xanh cần một quy trình sản xuất được các nhà khoa học khảo nghiệm thành công rồi mới đưa cho nông dân thực hiện, chứ không thể nói khơi khơi giảm phân giảm thuốc sâu bệnh. Tăng trưởng xanh cho cả nền sản xuất lúa chứ không chỉ 1 triệu tấn lúa chất lượng cao.

Rồi lại đưa ra một đống tiêu chí để bắt nông dân phải vào hợp tác xã và buộc nông dân phải liên kết với doanh nghiệp, còn chuyện quan trọng là nông dân được lợi gì khi tham gia làm lúa chất lượng cao thì không thấy nói tới.

PV: Có Mục tiêu đến năm 2025 Lợi nhuận bình quân của người trồng lúa chất lượng cao đạt trên 35% mà chú.

HK: Trên 35% của cái gì? Đề cương không cho biết, chắc là của giá thành?

Lợi nhuận trên giá thành chỉ tính cho sản phẩm công nghiệp, còn lợi nhuận của nông dân mà tính trên giá thành là một cách tính rất ngu khống chế giá lúa, vì làm lúa có tính thời vụ, nông dân làm lúa 2 vụ 6 tháng nhưng phải đủ ăn đến một năm 12 tháng.

Lợi nhuận của nông dân tính trên giá thành phản kinh tế ở chỗ nông dân phải làm tăng giá thành thì mới tăng được lợi nhuận, thí dụ giá thành hiện nay là 3.000 đồng/kg lúa, với lợi nhuận 36% (36% thoả mãn điều kiện “trên 35%”) nông dân lời 1 Kg lúa là 1.080 đồng, nhưng nếu muốn lời nhiều thì nông dân phải phát huy trí tuệ để tăng giá thành lên 5.000 đồng một kg lúa, lúc đó vẫn lợi nhuận 36% nhưng nông dân được lời 1.800 đồng/kg. Bây giờ thì cháu phóng viên thấy cái ngu của lợi nhuận nông dân theo giá thành chưa.

He he. Còn vụ này mới tiếu lâm nè, khống chế nông dân lời 36% so với giá thành nhưng lại gạt nông dân giảm giá thành: "Giảm lượng lúa giống còn 80 kg/ha, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học 30%, giảm lượng nước tưới 30%". Giảm giá thành để mấy ông mua lúa rẻ à, nông dân đâu có ngu.

PV: Lợi nhuận của nông dân là trên 35% chứ đâu phải 36% đâu chú?

HK: Nếu cháu là doanh nghiệp đi mua lúa, nhà nước cho phép cháu mua lúa cho nông dân lời trên 35% vậy cháu mua lúa cho nông dân lời 36% là hợp pháp, vậy cháu có dại mà mua lúa cho nông dân lời 100% không? Trong khi mua lúa cho nông dân lời 36% thì cháu lời nhiều hơn mua lúa cho nông dân lời 100%?

PV: Vậy theo chú lợi nhuận cho nông dân phải tính trên cái gì?

HK: Phải tính trên giá bán gạo xuất khẩu.

PV: Nghĩa là...

clip_image002

3.

PV: Nghĩa là...?

HK: Để làm rõ tại sao giá lúa căn cứ vào giá bán gạo xuất khẩu, chú cần giải thích cho cháu rõ sự bất công khi áp mức lời trên 35% cho nông dân.

Đề án bắt buộc nông dân phải liên kết với doanh nghiệp. Nói liên kết nghe cho nó sang chứ thực chất là nông dân trồng lúa gia công cho doanh nghiệp, đến lúc lúa chín doanh nghiệp chỉ cần mua lúa cho nông dân với giá khống chế nông dân lời ở mức 36% là hợp pháp, còn doanh nghiệp xay lúa đó thành gạo rồi xuất khẩu với giá cao tùy ý, tức là doanh nghiệp được phép lời đầu tấn (1) tùy ý.

Hay nói cụ thể: Trong chuỗi lợi nhuận từ lúa gạo, nông dân chỉ được lời 36% so với giá thành, còn lại doanh nghiệp chiếm hết.

Với đề án này, Bộ Nông nghiệp và PTNT bắt nông dân ĐBSCL làm tôi mọi cho doanh nghiệp.

Đến đây chú cũng phải mở ngoặc một chút: Cháu sẽ nghe giải thích rằng quy định mức lời trên 35% nên doanh nghiệp có thể ban ơn mua cho nông dân lời đến 2.000%, và nếu doanh nghiệp muốn mua cho nông dân lời 2.000 % thì đâu có ai cấm. Đấy, lý luận của mấy tay lừa đảo nông dân nghe cũng có lý đấy chứ.

Nhưng, cháu hãy đặt mình là doanh nghiệp, và nếu cháu được mua lúa nông dân với giá cho nông dân lời 36% là hợp pháp thì cháu có mua lúa cho nông dân lời 100% không?

Và, cháu hãy đặt mình là người nông dân xem, cháu phải cung cúc tận tụy phục vụ doanh nghiệp như ở đợ, để doanh nghiệp thương tình ban ơn mua lúa với giá cao nhiều so với mức hợp pháp 36%, chứ nếu doanh nghiệp ghét họ mua đúng với giá 36% (giá thành khoảng 3.000 đồng/kg nên giá mua là 4.080 đồng/kg) thì chú cháu mình có nước đi móc bọc, hay lên Bình Dương.

Với việc áp mức lời trên 35% trên giá thành, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tách lợi nhuận của nông dân ra khỏi giá bán gạo xuất khẩu, đây là một vi phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của nông dân, làm biến chất chuỗi lợi nhuận lúa gạo.

Bao nhiêu năm nay nông dân đã lên tiếng nguyền rủa mức lời khốn nạn ăn cướp 30% so với giá thành, nhưng sự quan liêu và coi thường ý kiến nông dân đã làm chai cứng tư duy của Bộ Nông nghiệp và PTNT, và bây giờ Bộ Nông nghiệp và PTNT nghĩ rằng tăng thêm 5% lợi nhuận cho nông dân thì chắc nông dân sẽ vui mừng chấp nhận!

Giá thành lúa lấy cao khoảng 3.000 đồng/kg, lợi nhuận 36% thì giá lúa là 4.080 đồng/kg. Làm lúa chất lượng cao như lúa Jasmin 85 mà giá 4.100 - 5.000/kg thì mấy ông ở Bộ Nông Nghiệp và PTNT xuống ruộng mà hầu hạ doanh nghiệp chứ chả nông dân nào thèm làm đâu.

4.

HK: Bây giờ chú sẽ trở lại vấn đề tại sao giá lúa phải tính trên giá bán gạo xuất khẩu.

Nông dân làm ra lúa, giả sử nông dân tự xay lúa ra gạo và trực tiếp xuất khẩu gạo thì sẽ là một chu trình kín, khi đó giá bán gạo xuất khẩu sẽ tỷ lệ thuận với lợi nhuận của nông dân, bán gạo xuất khẩu giá cao nông dân lời nhiều, bán gạo xuất khẩu giá thấp nông dân lời ít theo công thức sau:

Lợi nhuận nông dân = Giá bán gạo xuất khẩu quy lúa – (Giá thành làm lúa + chi phí làm lúa thành gạo + chi phí xuất khẩu gạo)

Thực tế hiện nay, doanh nghiệp mua lúa của nông dân để xay gạo xuất khẩu, nên công thức trên phải thêm lợi nhuận của doanh nghiệp (để đơn giản chúng ta sẻ bỏ qua khâu trung gian thương lái vì chỉ thêm chi phí trung gian chứ không ảnh hưởng đến công thức này):

Lợi nhuận nông dân = Giá bán gạo xuất khẩu quy lúa – (Lợi nhuận doanh nghiệp + giá thành làm lúa + chi phí làm lúa lúa thành gạo + chi phí xuất khẩu gạo)

Từ đây ta có:

Lợi nhuận doanh nghiệp = Giá bán gạo xuất khẩu qui lúa – (Lợi nhuận nông dân + giá thành làm lúa + chi phí làm lúa thành gạo + chi phí xuất khẩu gạo)

Vì: Giá lúa = lợi nhuận của nông dân + giá thành làm lúa nên ta có thể rút gọn:

Lợi nhuận doanh nghiệp = Giá bán gạo xuất khẩu qui lúa – (giá lúa + chi phí làm lúa thành gạo + chi phí xuất khẩu gạo)

Nhìn vào công thức lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp ta thấy, giá lúa quyết định lợi nhuận của nông dân nhưng giá lúa phụ thuộc vào giá bán gạo xuất khẩu, vào lợi nhuận của doanh nghiệp, còn lợi nhuận của doanh nghiệp phụ thuộc vào giá bán gạo và giá mua lúa. Và, điều đặc biệt là khi có giá bán gạo xuất khẩu cụ thể thì lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp tỷ lệ nghịch với nhau. Đây chính là chuỗi giá trị lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp trong lúa gạo.

Còn cái chuỗi giá trị lợi nhuận đang hiện hành là cái thứ người ta đặt ra để lừa nông dân của bọn có học nhưng lưu manh, vì cháu thử tìm đọc chuỗi lợi nhuận lúa gạo của nông dân và danh nghiệp xem, toàn là nói hươu nói vượn chứ chẳng có chút hiểu biết nào cả.

5.

PV: Thưa chú: Chú có thể giải thích rõ hơn về chuỗi giá trị lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp trong lúa gạo và cách áp dụng chuỗi giá trị này cho việc liên kết của nông dân và doanh nghiệp không?

HK: Chúng ta hãy xem xét lợi nhuận của nông dân trong chuỗi giá trị lợi nhuận:

Lợi nhuận nông dân = Giá bán gạo xuất khẩu quy lúa – (Lợi nhuận doanh nghiệp + giá thành làm lúa + chi phí làm lúa thành gạo + chi phí xuất khẩu gạo)

Điều đầu tiên chúng ta nhận thấy là lợi nhuận của nông dân phụ thuộc vào giá bán gạo xuất khẩu. Như vậy, nông dân có quyền và phải được quyền tham gia vào việc ấn định giá bán gạo xuất khẩu.

Chính sách ấn định mức lợi nhuận 30 hay 35% cho nông dân vào giá thành là tách lợi nhuận của nông dân ra khỏi giá bán gạo xuất khẩu, rồi bỏ cả giá sàn bán gạo xuất khẩu để doanh nghiệp bán rẻ gạo xuất khẩu tùy ý là một chính sách vô lương tâm, xâm hại quyền lợi của nông dân và phản kinh tế.

Đây là chính sách phản động mà cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng toa rập với doanh nghiệp lén lút cài cắm vào cái gọi là Nghị quyết An ninh Lương thực để doanh nghiệp chiếm đoạt lợi nhuận của nông dân.

Kế đó chúng ta thấy lợi nhuận của nông dân và lợi nhuận của doanh nghiệp tỷ lệ nghịch với nhau: Tức là cùng một giá bán gạo xuất khẩu, hễ doanh nghiệp lời nhiều thì nông dân lời ít và ngược lại, nông dân lời nhiều thì doanh nghiệp lời ít.

Chúng ta hãy xem xét lợi nhuận của doanh nghiệp:

Lợi nhuận doanh nghiệp = Giá bán gạo xuất khẩu qui lúa - (giá lúa + chi phí làm lúa thành gạo + chi phí xuất khẩu gạo)

Công thức này cho ta thấy: Với một giá bán gạo xuất khẩu cụ thể thì lợi nhuận của doanh nghiệp và giá lúa tỷ lệ nghịch với nhau, nên mua lúa giá càng thấp thì doanh nghiệp càng lời nhiều và ngược lại mua lúa giá càng cao thì doanh nghiệp lời càng ít.

Công thức này cũng cho thấy doanh nghiệp kinh doanh ăn đầu tấn nên không cần phải cố gắng bán gạo xuất khẩu giá cao.

Thí dụ: Doanh nghiệp bán gạo xuất khẩu quy lúa là 7.000 đồng/kg lúa, doanh nghiệp mua lúa nông dân giá 6.000 đồng/kg thì doanh nghiệp lời 1.000 đồng/kg. Nhưng giã sử bây giờ doanh nghiệp bán gạo xuất khẩu quy lúa chỉ có 5.000 đồng/kg, khi đó nếu doanh nghiệp ép giá mua lúa nông dân xuống còn 4.000 đồng/kg thì doanh nghiệp vẫn lời 1.000 đồng/kg, nhưng nông dân mất tiền lời đến 2.000 đồng/kg, có khi lỗ vốn (Trong thí dụ này bỏ qua phí làm thành lúa và phí xuất khẩu cho dễ hiểu vì không ảnh hưởng đến kết quả).

Biểu diễn bằng công thức như sau:

Lợi nhuận doanh nghiệp (1.000) = [Giá bán gạo xuất khẩu qui lúa (7.000) - Giá lúa (6.000)] = [Giá bán gạo xuất khẩu qui lúa (5.000) - giá lúa (4.000) đồng]

Doanh nghiệp lợi nhuận đầu tấn, lợi nhuận này không liên quan đến giá bán gạo xuất khẩu: Bán gạo xuất khẩu giá thấp doanh nghiệp mua lúa nông dân giá thấp thì mức lời không thay đổi, thế mà hiện nay, doanh nghiệp lại đơn phương ký kết các hợp đồng bán gạo xuất khẩu, đây chính là nguyên nhân rất nhiều năm doanh nghiệp bán gạo xuất khẩu của nông dân với giá thấp nhất thế giới.

Giá bán gạo xuất khẩu quy lúa quyết định thu nhập của nông dân, thế nhưng nông dân không được tham gia đàm phán bán gạo xuất khẩu, giá bán gạo xuất khẩu quy lúa chẳng liên quan gì đến lợi nhuận doanh nghiệp do doanh nghiệp lời đầu tấn, thế mà doanh nghiệp lại được phân công đi bán gạo xuất khẩu, đây cũng là một chính sách phản kinh tế gây hại quyền lợi nông dân.

Và. Đau xót thay, đề án cũng giao hết quyền bán gạo xuất khẩu cho doanh nghiệp, và cũng tách lợi nhuận nông dân ra khỏi giá bán gạo xuất khẩu với mức lời 35% so với giá thành.

Đề án mà dành hết lợi nhuận cho doanh nghiệp và khống chế nông dân chỉ được lời 35% thì thử hỏi tính công bằng ở đâu và làm sao mà nông dân chấp nhận.

6.

HK: Muốn nông dân và doanh nghiệp hợp tác ổn định lâu dài thì phải tạo động lực cho nông dân và doanh nghiệp, động lực này chính là sự phân chia công bằng lợi nhuận trong mua bán lúa gạo.

Từ chuỗi giá trị lợi nhuận chúng ta thấy lợi nhuận của doanh nghiệp và nông dân tỷ lệ nghịch với nhau trong mua bán lúa gạo, nên muốn tạo động lực cho cả 2 tích cực tham gia hợp tác bền vững thì hợp tác phải trên tinh thần công bằng và lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp phải tỷ lệ thuận với nhau. Tức là doanh nghiệp lời đầu tấn nhiều thì nông dân bán lúa cũng lời nhiều và ngược lại, nông dân bán lúa lời nhiều thì doanh nghiệp cũng lời nhiều.

Đề án cho phép doanh nghiệp ấn định giá lúa của nông dân ở mức lời 36% so với giá thành, còn lợi nhuận nhiều hơn từ mua bán lúa gạo doanh nghiệp hưởng hết là một quy định bất công sẽ tàn phá sự hợp tác của nông dân và doanh nghiệp.

Cho phép doanh nghiệp ấn định giá lúa chính là nguyên nhân mà mô hình cánh đồng lớn đang lụi tàn.

Tạo ra một cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân mà lợi nhuận tỷ lệ thuận với nhau để cả hai vui vẻ hợp tác với nhau không khó, cái khó là phải thay đổi được tư duy quan liêu xơ cứng của các bộ ngành, phải mở rộng được tầm nhìn thiển cận chỉ nhìn đến túi tiền của doanh nghiệp mà phải thấy đến quyền lợi của nông dân và biết nghe ý kiến nông dân của các bộ ngành, lúc đó cơ chế hợp tác mới sẽ tự động xuất hiện.

PV: Thưa chú, Chú có biết về cơ chế mới chú nói không? Nếu biết chú có thể góp ý cho lãnh đạo lúa gạo không?

HK: Chú biết, và mô hình này đã có sẵn chứ không phải chú nghĩ ra, nhưng chú không góp ý, vì góp ý với mấy vị lãnh đạo mà tư duy quan liêu không thèm hỏi ý kiến nông dân, mà chỉ hỏi ý kiến doanh nghiệp thì góp ý mất công.

7.

PV: Thưa chú: Trong đề án, nông dân được hỗ trợ đến 24.568 ngàn tỷ đồng, chứ đâu phải ưu đãi một mình doanh nghiệp?

HK: Ưu đãi nông dân vào hợp tác xã chứ không phải ưu đãi nông dân tham gia làm lúa chất lượng cao. Ưu đãi 24.568 ngàn tỷ đồng, nhưng bắt nông dân phải bỏ vào 15.432 ngàn tỷ đồng để làm hợp tác xã.

Hiện nay, có một quan điểm rất sai lầm nói lâu thành bậy bạ là nông dân cá thể không thể liên kết với doanh nghiệp được. Vậy các doanh nghiệp làm cánh đồng lớn hợp tác với hợp tác xã chứ không có nông dân cá thể à?

Nói nông dân cá thể chứ thực ra hiện nay nông dân vẫn ở trong Tập đoàn sản xuất. Muốn nông dân trong một Tập đoàn sản xuất sạ một loại giống, chỉ cần loại giống đó mang lại thu nhập cho nông dân cao hơn các giống đang sạ, không cần phải ép nông dân vào hợp tác xã làm gì. Vào hợp tác xã mà sạ giống thu nhập thấp hơn bên ngoài thì nông dân cũng vọt ra thôi.

Muốn nông dân sản xuất theo các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và được kiểm soát các tiêu chuẩn chất lượng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu gạo cho doanh nghiệp và nhãn hiệu chứng nhận quốc gia GẠO VIỆT NAM/VIETNAM RICE dễ ợt. Hãy làm cho các quy trình sản xuất đó mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân so với các quy trình hiện nay là nông dân sẽ theo hết.

Nông dân dựa vào thu nhập tăng để chọn giống và chọn quy trình sản xuất, đừng tưởng vài trăm ngàn hỗ trợ giống mà dụ khị được nông dân.

Nhìn vào phụ lục 4 bên dưới thấy chi cho việc thành lập hợp tác xã nhiều chứ nông dân không cần những khoản đó.

Ruộng đồng nông dân đã san phẳng từ lâu, không cần phải san phẳng làm gì, nếu muốn san phẳng mặt ruộng như tấm ván ngựa thì phải dùng máy san phẳng lazer, mà dùng máy lazer thì số tiền hỗ trợ không đủ.

ĐBSCL chẳng cần xây dựng trạm bơm mới làm gì vì hiện đã đủ phục vụ. Trạm bơm đơn giản rẻ tiền bơm đủ nước cho nông dân tưới lúa là được, làm chà bá như nhà cấp 4 làm gì cho tốn kém?

Hỗ trợ kiên cố kinh mương: Hỗ trợ này nghe tức cười, ĐBSCL kinh mương tưới tiêu rất đơn giản móc đất đắp là thành đường nước tưới và tiêu chả cần phải kiên cố làm gì cho tốn kém.

Hỗ trợ 24.568 ngàn tỷ đồng này như mồi nhử nông dân vào hợp tác xã chứ không có tác dụng gì trong thực tế.

PV: Nhưng vào hợp tác xã vẫn lợi hơn làm cá thể?

HK: Nước ngoài thì đúng nhưng Việt Nam ta thì không phải.

Hợp tác xã tan rã trên toàn cõi Việt Nam chứng minh điều ngược lại với nhận định cháu đưa ra.

Hợp tác xã nói nôm na là hùn vốn làm ăn. Trong hùn vốn làm ăn điều quan trọng nhất là minh bạch thu chi, nhưng hiện nay ở Việt Nam không thể minh bạch thu chi nên nông dân không thể nhắm mắt tin vào sự trung thực của chủ nhiệm hợp tác xã, không tin thì làm sao hùn vốn lâu dài.

Huống chi lãnh đạo thường là đảng viên (hoặc đảng viên về hưu) từ trên đưa về không biết gì về lúa gạo thì làm sao mà làm lãnh đạo. Đây là nguyên nhân mà hợp tác xã tan rã.

Bộ Nông nghiệp và PTNT giải thích xem tại sao nông dân làm lúa phải vào hợp tác xã (nông dân làm lúa thôi chứ không phải là nông dân nói chung)? Nếu nghe thông thì nông dân làm lúa đăng ký vào, chứ đem tiền nhử như trong đề án nông dân đã biết tỏng rồi.

clip_image004

H.K.

Nguồn: FB Nông Dân Hoàng Kim

(1) Lời đầu tấn: BVN Giải thích theo ý trong thư trao đổi của tác giả: mức lãi doanh nghiệp thu được giữa giá bán một tấn gạo xuất khẩu trừ đi giá mua một tấn gạo quy ra thóc của nông dân. Công thức như dưới đây:

Lợi nhuận doanh nghiệp = Giá bán gạo xuất khẩu qui lúa - ( giá lúa + chi phí làm lúa thành gạo + chi phí xuất khẩu gạo).

Công thức này cho thấy doanh nghiệp kinh doanh ăn lời dựa trên chênh lệch giữa một tấn gạo mua và một tấn gạo bán (qui theo lúa) nên không cần phải cố gắng bán gạo xuất khẩu giá cao. Càng hạ giá mua xuống theo cách ép nông dân giảm giá thành bán giá rẻ thì doanh nghiệp giữ nguyên giá xuất khẩu càng tăng phần lời, hoặc giảm giá bán xuống sẽ bán được nhiều mà phần lời vẫn giữ nguyên tính theo mỗi tấn gạo, trong khi phần thu nhập chính đáng của nông dân bị sút giảm thậm chí lỗ vốn.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn