Chiến tranh ở Đông Âu nhìn từ góc độ văn hóa

Lê Phú Khải

Chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga hiện nay có cội nguồn từ chiều sâu văn hóa. Đó là sự đụng độ giữa văn hóa pháp quyền phương Tây và văn hóa cường quyền phương Đông.

Aristote (384 - 322 trước công nguyên) từng tuyên bố: Platon là thầy tôi, nhưng chân lý còn quý hơn thầy! Cái văn hóa “chân lý quý hơn thầy” đó đã làm nên nền văn minh cổ đại Hy - La (Hy Lạp - La Mã) rực rỡ. Vượt qua đêm dài Trung cổ, văn hóa Hy - La được phục hưng ở thế kỷ ánh sáng (Siècle des Lumières) với những tên tuổi lẫy lừng: Diderot, Montesquieu, Rousseau, Voltaire…

Nhân loại còn ghi nhớ những câu nói bất hủ của Voltaire: Dù tôi không tán thành điều anh nói; nhưng tôi sẵn sàng chết để bảo vệ quyền được nói của anh (Je ne suis pas d’accord avec ce que vous dites, mais je me battrai jusqu’à la mort pour que vous ayez le droit de le dire).

Đại cách mạng Pháp 1789 đã cho ra đời bản Tuyên ngôn về quyền Con Người và các quyền Công Dân. Hơn 200 năm đã qua đi, những lời lẽ bất hủ của bản Tuyên ngôn đó vẫn vang vọng bên tai loài người: “Các đại biểu của công dân Pháp họp thành Quốc Hội, cho rằng việc không biết tới, sự lãng quên hay sự coi thường các quyền Con Người là nguyên nhân đã gây ra những đau khổ chung thân và sự hư hỏng của những kẻ cầm quyền, vì thế đã quyết định trình bày những quyền tự nhiên thiêng liêng và không thể tước bỏ được của Con Người”.

Khi phương Tây đã tràn ngập ánh sáng “Tự do, bình đẳng, bác ái” của Cách mạng Pháp thì ở phương Đông nước Nga mới thoát khỏi chế độ nông nô vào năm 1861! Nông thôn Nga rất lạc hậu và phụ thuộc vào đại địa chủ. Đó là một nước Nga dưới thời chuyên chế của Alexander Đệ Nhất, rất lạc hậu so với châu Âu thời đó. Nối tiếp là thời Nicolai I tàn bạo. Hãy nghe những lời mà Puskin (1799- 1837) viết lúc thi hào mới 18 tuổi:

“Tôi muốn ngợi ca Tự do cho trần thế

Muốn đạp vào những tàn bạo gian tham

Đang nghiễm nhiên ngự trị trên ngai vàng!”

Chế độ phong kiến ở Nga kéo dài cho đến đầu thế kỷ 20, khi Nga thua trận trong chiến tranh Nga - Nhật 1904 - 1905. Cách mạng dân chủ tư sản Nga thành công tháng 2 năm 1917 do Kerenski lãnh đạo. Nhưng chỉ mấy tháng sau đó, cách mạng vô sản đã nổ ra, và nhà nước vô sản chuyên chính là “thanh gươm không đối thoại” (Causky) kéo dài suốt 74 năm cho đến khi Liên Xô tan rã, độc tài Putin lên nắm quyền!

Rõ ràng, suốt chiều dài lịch sử, nước Nga chưa bao giờ tiếp cận được với giá trị văn minh phổ quát của nhân loại. Tự do, dân chủ, nhân quyền, pháp quyền… chưa bao giờ là “những luồng khí quyển xã hội” (Stefan Zweig) lưu hành chính thống trên đất nước mênh mông này.

Tháng 3 năm 1991, lúc Liên Xô sắp tan rã, tôi may mắn có mặt tại Mát-xcơ-va và có dịp phỏng vấn vị giáo sư là Trưởng ban cải cách Hiến pháp Liên Xô và được vị giáo sư đáng kính này cho biết: Chúng tôi đang nghiên cứu Montesquieu! Tôi vô cùng sửng sốt khi nhận ra nước Nga đã lạc hậu đến thế! Vì Montesquieu là cha đẻ của thuyết Tam quyền phân lập!

Và tôi đã hiểu ra, vì sao nhà tương lai học nổi tiếng của Mỹ Alvin Toffler – tác giả của bộ ba sách: Cú sốc tương lai (Future Shock), Làn sóng thứ ba (The Third Wave), Thăng trầm quyền lực (Power Shift), những cuốn sách mà giới trí thức Trung Quốc xem là Kinh thánh của mình – đã nhìn nhận Cách mạng tháng Mười Nga 1917 như một “làn sóng” tăng tốc hệ thống công nghiệp quy mô lớn, mà không nhìn nhận nó như một tiến trình xã hội bền vững, văn minh.

Alvin Toffler viết: “Khi những người bôn-sê-vích quét sạch những dấu vết cuối cùng của chế độ nông nô và nền quân chủ phong kiến, họ đẩy nông nghiệp ra phía sau và tăng tốc hệ thống công nghiệp quy mô lớn. Họ trở thành Đảng của làn sóng thứ hai”. (Làn Sóng Thứ Ba. Alvin Toffler. Nhà xuất bản Thông Tin Lý Luận. Hà Nội. Trang 23). Lý giải của tác giả Làn Sóng Thứ Ba cho chúng ta hiểu vì sao trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Nga chỉ là một nước tư bản trung bình với nhiều yếu tố lạc hậu, nhưng chỉ sau 15 năm, Liên Xô trở thành một cường quốc công nghiệp hàng đầu với sản lượng thép đứng đầu châu Âu.

Ở nước láng giềng của nước Nga phía Viễn Đông là nước Trung Hoa rộng lớn. Nhưng cùng thời với Aristote trước công nguyên, triết thuyết của Khổng Tử (551 – 479 TCN) chỉ đề cao đạo lý vua - tôi. Vua là chân lý, yêu nước là yêu vua, là trung với vua (trung quân ái quốc). Kẻ sỹ ở phương Đông suốt đời lo dùi mài kinh sử để đi thi, để đỗ đạt, để được làm quan, để được quỳ lạy dưới ngai vàng của vua. Cái văn hóa quỳ lạy ấy đã tồn tại suốt chiều dài lịch sử nước Trung Hoa cho đến nay. Yêu nước là yêu Đảng Cộng sản, yêu ông vua mới Tập Cận Bình! Cái văn hóa quỳ lạy ấy đã tạo ra xã hội thần dân, xã hội thảo dân, dân chỉ là cỏ dại. Người dân chỉ biết nghe theo đấng bề trên. Ai có quyền, ai là bề trên thì người đó là chân lý.

Tướng Lưu Á Châu, một nhà phản biện nổi tiếng ở Trung Quốc kể lại rằng, khi ông là một sĩ quan phải đi học chính trị, thấy thầy nói chướng tai quá, ông đứng lên phản biện. Thầy đã quát: Ai cho phép anh dám cãi lại tôi! Theo tướng Lưu Á Châu thì đáng lẽ thầy phải nói: Vì sao anh lại nói như thế!? Và sau đó là hai thầy trò tranh luận. Nhưng trong nền văn hóa quỳ lạy thì ai là người bề trên, người đó đúng, người đó là chân lý. Kẻ bề dưới chỉ cúi đầu vâng lệnh mà thôi.

Cái văn hóa quỳ lạy ấy đã tồn tại nghìn năm tạo ra một xã hội thần dân ở phương Đông. Xã hội thần dân là “cơ sở hạ tầng” vững chắc của các chế độ độc tài. Nó đối lập với xã hội công dân ở phương Tây. Trung Quốc hiện nay đang xây dựng các viện Khổng Tử khắp nơi là muốn duy trì cái văn hóa quỳ lạy ấy và xem đó là giá trị Trung Hoa! Thật là nực cười!

Ông Putin cuồng vọng muốn làm Nga hoàng ở thời đại @ nên nơm nớp lo sợ nước láng giềng Ucraina có tổng thống được dân bầu và đang hướng tới xã hội Tự do, Bình đẳng, Bác ái phương Tây. Sự “đe dọa” của NATO với nước Nga chỉ là trò lừa gạt thần dân nước Nga vốn đã sống bao năm trong hệ thống truyền thông độc Đảng, độc trị thời Xô Viết và xa hơn nữa từ xã hội nông nô của các bạo chúa Sa hoàng!

Hơn một năm qua, sự sa lầy của quân xâm lược Nga ở Ucraina càng làm cho dân Nga bừng tỉnh về cái gọi là sức mạnh cường quốc quân sự Nga! Nhà báo Mỹ gốc Việt – Đinh Quang Anh Thái vừa từ Hoa Kỳ đến thăm Ukraine về cho đài BBC biết, dân Nga hiện giờ đã gọi Putin bằng cái tên miệt thị: Thằng Pu! Và người Ukraine nào cũng tin tưởng sắt đá vào công cuộc bảo vệ đất nước của mình đến thắng lợi cuối cùng.

Cuộc đụng độ kéo dài suốt lịch sử nhân loại giữa hai nền văn hóa Tây - Đông mà đại diện là Aristote và Khổng Tử đến nay xem ra có vẻ như sắp đến hồi kết thúc bởi cuộc chiến Đông Âu.

Putin đã coi thường thời đại và vô lễ với lịch sử!!!

Sài Gòn, tháng 3 năm 2023

L.P.K.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn