Một công trình hình dạng đường băng đang được xây dựng trên hòn đảo tiền đồn gần nhất với Việt Nam

Thomas Newdick & cộng sự | The War Zone

Lược dịch, bổ sung và tổng hợp: Hoàng Việt Hải Hiệu đính: Phạm Huệ Việt

Ảnh vệ tinh toàn cảnh đảo Tri Tôn ngày 10/8/2023.

Chỉ trong vài tuần gần đây, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng một công trình dường như là một đường băng mới trên đảo Tri Tôn, báo cáo vừa mới được công bố bởi Thomas Newdick của The War Zone đã xác nhận những thông tin mà Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đã đăng tải hồi đầu tháng 8 trong bài viết “Trung Quốc Xây Dựng Ở Đảo Tri Tôn, Có Khả Năng Phát Triển Đường Băng.

Kích thước của đường băng, như hiện tại, có nghĩa là thật khó để biết chính xác mục đích công trình. Tuy nhiên, việc xây dựng loại hình này tại địa điểm cụ thể này, Đảo Tri Tôn – nơi gần Việt Nam nhất trong quần đảo Hoàng Sa – bản thân nó đã có ý nghĩa quan trọng, tác giả viết.

Sự phát triển bất ngờ trên đảo Tri Tôn do Trung Quốc kiểm soát được tiết lộ trong hình ảnh vệ tinh. Công việc vẫn đang ở giai đoạn đầu, nhưng thật đáng ngạc nhiên về tiến độ xây dựng. Việc xây dựng đường băng này cùng lắm chỉ mới bắt đầu vài tuần trước. Nhóm tác giả đã kiểm tra hình ảnh từ Planet Labs từ giữa tháng 7 cho thấy không có hoạt động nào như vậy. 

Bên cạnh công trình có hình dạng đường băng, hình ảnh vệ tinh cho thấy một khu vực công trường mới khổng lồ, bao gồm cả một nhà máy xi măng. Tất cả điều này đã xuất hiện trong tháng trước. Trước đây, tiền đồn này của Trung Quốc chỉ có một trạm quan sát với hai mái vòm và một số lá cờ lớn của Trung Quốc, nhưng không nhiều hơn thế. Hòn đảo trước đây chỉ có một bến cảng nhỏ và một sân bay trực thăng.

Công trình có hình dạng đường băng mới này còn rất nhỏ, dường như chỉ dài hơn 2.000 feet (~600 mét) và rộng khoảng 45 feet (~10 mét). Nó có thể được sử dụng để chứa các loại máy bay cánh cố định cất cánh và hạ cánh ngắn (short takeoff and landing aircraft), chẳng hạn như động cơ phản lực cánh quạt và máy bay hạng nhẹ. Như vậy đã đủ để cải thiện đáng kể công tác hậu cần ở phía tây nhất của quần đảo Hoàng Sa. Công trình này cũng có thể chứa máy bay trực thăng.

Có lẽ khả năng sử dụng nhiều nhất của đường băng ở kích thước này là triển khai máy bay không người lái ở độ cao trung bình, loại có khả năng duy trì bay đường dài hoặc trung bình. Cũng có khả năng đường băng có thể được mở rộng hơn nữa, mặc dù những hạn chế hiện tại về thể chất của hòn đảo có nghĩa là nhiều nhất chỉ có thể tạo được đường băng khoảng gần 1 km. Một đường bằng dài hơn sẽ đòi hỏi phải mở rộng đảo, và Trung Quốc chắc chắn có năng lực làm điều này, như những gì Trung Quốc đã làm ở quần đảo Trường Sa. 

Bất kể kế hoạch dài hạn cho những hoạt động xây mới này có thể là gì, hãy lưu ý đến vị trí của Đảo Tri Tôn. Sự phát triển đáng kể của cơ sở hạ tầng ở đó có ý nghĩa chiến lược to lớn.

Bao gồm khoảng 30 hòn đảo và hơn 100 rạn san hô, bãi ngầm và các thực thể, chuỗi quần đảo Hoàng Sa là nơi diễn ra các hoạt động quân sự lớn của Trung Quốc trong những năm gần đây. Trong khi đó, việc Trung Quốc mở rộng quy mô và phạm vi của các cơ sở ở Hoàng Sa là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhiều nhằm xây dựng năng lực và sự hiện diện bao trùm trên Biển Đông.

Việc thiết lập một đường băng mới trên một trong các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa – đặc biệt là đảo gần Việt Nam nhất – cũng không nằm ngoài kế hoạch của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Có lẽ ví dụ nổi tiếng nhất trước đây là đảo Phú Lâm – được Trung Quốc gọi là đảo Yongxing – đóng vai trò là căn cứ hoạt động tiền phương cho máy bay PLA, bao gồm cả việc triển khai máy bay ném bom tầm xa.

Đường băng trên Đảo Tri Tôn nhỏ hơn nhiều so với trên đảo Phú Lâm, nằm khoảng 100 dặm về phía tây bắc. Đường băng trên Đảo Phú Lâm dài gần 9.000 feet (~ 3 km) và là nơi diễn ra các cuộc tập trận quy mô lớn của PLA với các lực lượng hải quân và không quân.

Cũng đã có những vụ thử tên lửa tầm cỡ xung quanh quần đảo Hoàng Sa, trong đó phải kể đến màn trình diễn đầu tiên được biết đến của PLA về năng lực thực sự của tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) vào tháng 8 năm 2020.

Mặc dù đường băng trên Đảo Tri Tôn rõ ràng chỉ mới ở giai đoạn đầu, nhưng quy mô xây dựng cho thấy có khả năng sẽ còn nhiều hoạt động nữa xảy ra về mặt quân sự hóa để biến Tri Tôn trở thành một tiền đồn quan trọng. Cùng với năng lực trên không được mở rộng nhiều, việc bổ sung các hệ thống phòng thủ trên không và bờ biển cùng các khí tài khác cũng có thể được thực hiện, như đã được quan sát thấy trên các tiền đồn đảo khác của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đặc biệt, việc thiết lập các hệ thống tên lửa đất đối không và đất đối đất ở đây, cùng với việc hỗ trợ các thiết bị giám sát, sẽ cho phép Trung Quốc triển khai một lớp khác về năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD) rất gần với Việt Nam. Chỉ cách đất liền Việt Nam 150 dặm, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ không chỉ có thể liên tục giám sát các hoạt động quân sự của Việt Nam, bao gồm cả các máy bay chiến đấu tầm xa Su-30 Flanker, mà còn củng cố và mở rộng năng lực A2/AD xa hơn phạm vi đảo Tri Tôn và gần hơn với lãnh thổ Việt Nam. Thậm chí chỉ các hoạt động của máy bay không người lái từ khu vực này cũng có thể mang lại lợi ích, cho phép các hệ thống không người lái từ cấp thấp đến trung bình bao quát các hoạt động trong khu vực, đặc biệt là giữa Đảo Tri Tôn và bờ biển Việt Nam ở phía tây và phía nam.

Vị trí của quần đảo Hoàng Sa đặt chúng ngay giữa phía bắc Biển Đông, nơi có các cơ sở quân sự khổng lồ của Trung Quốc, nơi đồn trú lực lượng tàu ngầm hạt nhân của nước này – bao gồm hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân Type 094 – và phần lớn hạm đội mặt nước, bao gồm một nhóm tàu sân bay, trên đảo Hải Nam. Hạm đội tàu sân bay của Trung Quốc đang phát triển và Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân ngày càng triển khai các nhóm tấn công tàu sân bay hiện đại vào các hoạt động tầm xa hơn, trong đó có Biển Đông.

Khu vực ở cuối phía bắc của Biển Đông được biết đến là một nút thắt cổ chai của hải quân và tàu ngầm cung cấp lối đi về phía nam và cuối cùng là phía đông vào Ấn Độ Dương và trực tiếp hướng tây ra Thái Bình Dương. Khu vực này rất được Trung Quốc quan tâm bởi các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo sẽ cần tuyến đường này để tiếp cận đại dương rộng mở, cũng như các đối thủ của họ.

Với đảo Tri Tôn là đảo gần Việt Nam nhất trong quần đảo Hoàng Sa, chỉ cách đất liền Việt Nam khoảng 136 hải lý và cách đảo Lý Sơn khoảng 121 hải lý, Hà Nội có thể có phản ứng. Theo Giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye, đây sẽ là một bước đi khiêu khích lớn của Trung Quốc ở Biển Đông, phần nào có thể so sánh với việc triển khai giàn khoan dầu HYSY-981 vào năm 2014, khiến quan hệ Trung-Việt xuống mức thấp nhất kể từ năm 1988. Dự đoán sự kiện này sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng trong quan hệ Trung Quốc-Việt Nam.

T.N.

---

Xem thêm:

The Drive ngày 15/8/2023: China Is Building A Runway On Its Closest Island Outpost To Vietnam

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông ngày 03/8/2023: [Câu Chuyện Đang Phát Triển] Trung Quốc Xây Dựng Ở Đảo Tri Tôn, Có Khả Năng Phát Triển Đường Băng

—————

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập, phi chính trị và phi lợi nhuận. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Hãy chung tay với chúng tôi để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn.

Nguồn bản dịch: Dự án Đại Sự Ký Biển Đông

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn