Về nhân quả

Thái Hạo 

Nhân câu chuyện “phóng sinh”, thử nói về nhân quả. 

Khi tôi đặt vấn đề rằng “Đứng trước đồng loại bị đánh đập, bắt bớ, giam cầm oan uổng hàng chục năm trời mà không hé răng nói lấy nửa lời thì phóng sinh cái gì!”, thì nhiều người vào lý luận, đại ý rằng, vì đó là nhân quả mà người kia phải chịu do hành động trong quá khứ, không nên can thiệp, họ phải trả quả để sạch tội.

Bỏ qua chuyện đặt hàng mua bán để diễn trò phóng sinh, tôi hỏi quý vị, theo như lý luận bên trên, việc con cá con chim bị bắt nhốt, đó cũng là nhân quả của chúng nó, sao lại can thiệp vào? Quý vị thấy mình mâu thuẫn không? Cùng những sự việc với bản chất như nhau, nhưng lại sử dụng tiêu chuẩn kép, đó là một lỗi tư duy nghiêm trọng.

Trong nhà Phật có một chữ rất quan trọng, là Tùy duyên. Mọi việc phải thuận tự nhiên, cái gì đến sẽ đến, “thuận tay mà làm” chứ không đi tìm việc, mua việc. Tùy duyên nhưng phải bất biến, khi việc đã đến thì kiên định theo đuổi và làm cho tận lực mới thôi. Trên đường đi làm về thấy người ta bán một con thỏ rừng, thương mà có tiền trong túi thì mua để thả nó, nhưng không phải bạ đâu cũng thả cho xong chuyện, phải tìm cho nó một môi trường phù hợp, thậm chí phải bỏ cả ngày để đi đến một nơi rừng núi hẻo lánh, chứ mang thả ra giữa làng giữa phố thì nó nếu không chết cũng điêu tàn. Thêm nữa, nếu gặp con thỏ đang bên bờ vực bị tước đoạt mạng sống thì không cứu, lại đi đặt hàng người ta bắt những con thỏ khác về để “phóng sinh”, đó chẳng phải là điên đảo hay sao? 

Phật giáo không khuyến khích sự duy ý chí, ngay cả với việc từ thiện. Nhân loại này phần lớn là ăn thịt, anh không thể đi mua hết trâu bò, gà lợn, cá tôm... để thả chúng đi được. Làm như thế là gàn dở, vì thứ nhất không thể làm được, thứ hai dù sao con người cũng cần phải có thức ăn của họ, anh mua hết đi thì họ sống bằng gì? Vả lại, chuỗi thức ăn là một cân bằng tự nhiên kỳ diệu, phá vỡ nó sẽ gây họa không thể lường được. Đến Phật cũng không đốt đuốc đi tìm chúng sinh để “hóa độ” kia mà.

Vụ án Nguyễn Văn Chưởng chẳng hạn, cách đây mươi năm, internet chưa phổ biến, không mấy ai biết đến, giờ thông tin đã phẳng, đọc thấy những dấu hiệu oan sai, lại nhân có chiếc điện thoại trên tay, tức nhân duyên đầy đủ rồi thì gõ lên vài lời đòi hỏi sự công bằng, minh bạch, yêu cầu điều tra và xét xử lại cho đúng người đúng tội, tránh giết oan một mạng người.

Thấy chết mà không cứu lại cầm đèn đi tìm những đâu đâu để tỏ cái lòng từ bi biểu diễn, đạo lý gì mà lạ lùng thế?

Mọi việc trên đời phải đủ nhân duyên, nếu không có internet làm sao chúng ta biết đến vụ án cô giáo Lê Thị Dung? Nếu không phải đã từng làm giáo viên, làm sao tôi hiểu được ngọn ngành để đồng cảm cùng cô ấy? Oan trái trên đời còn nhiều lắm, nhưng có những lãnh vực mình mù tịt, thì đâu thể lên tiếng bừa bãi được, lúc ấy cần tiếng nói của những người “trong cuộc” am hiểu tường tận như luật sư Lê Văn Hòa, rồi mình mới biết để mà hưởng ứng được.

Ngược lại với tùy duyên là Phan duyên, tức cái tâm do vọng niệm mà bám chấp, thành ra đi mua việc, bày trò đủ thứ. Ví dụ, nhà Phật không chủ trương đi làm từ thiện, không cố thuyết phục mọi người tin theo, ai có duyên thì gặp, gặp thì tùy hoàn cảnh mà chia sẻ, không cưỡng cầu, không nài ép. Trong đời sống, gặp thì ra sức làm, làm xong thì bỏ lại, thong dong mà đi. Đó chính là “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” (tránh làm mọi điều ác, làm tất cả điều thiện) một cách tự nhiên, buông lỏng, tùy thuận. Không vô tâm với cuộc đời nhưng cũng không bày biện cố chấp.

Trong kinh Phật chúng ta luôn thấy rằng, tất cả mọi lời Thích Ca nói ra đều là do có người gặng hỏi, chứ không phải tự nhiên khơi khơi mà gọi người ta tới rồi “lên lớp”, giáo huấn, – làm như thế là phan duyên. Bởi Phật hiểu, việc dạy học chỉ có ý nghĩa khi người học có nhu cầu thật sự, việc “nhồi nhét” không những vô ích mà còn tai hại nữa. Phật còn không đi tìm chúng sinh để độ, nay những người nhân danh ông lại đi bắt chim cua cá ốc về để quy y và thuyết pháp, thật là kỳ quặc quái đản.

Tình cờ gặp được con người hay con vật đang bị nạn khốn, đó là nhân; ra tay cứu giúp, đó là quả; rồi cái quả ấy lại làm thành nhân cho quả tiếp theo. Bây giờ thấy nhân nguy nan mà không trợ giúp, lại đi bày biện một cái nhân khác, như việc đặt mua chim cá – vốn đang sống yên lành trong trời đất, để “phóng sinh”, đó là một sự điên đảo của phan duyên, làm đảo lộn sự vận hành tự nhiên của nhân - quả, gây ra sự xáo trộn và tạo thành ác nghiệp do khiến chúng sinh sợ hãi, chết chóc, chia lìa...

Theo tôi, đường tu quan trọng nhất là lo học hỏi để mà biết cách điều phục cái tâm của mình, làm chủ được tâm rồi thì trí tuệ sáng suốt, tình yêu nảy sinh, từ bi trọn đủ. Có trí tuệ thì mới làm việc đúng đắn được. Lúc ấy, người ta sẽ tự biết cách mà tận hiến cuộc đời mình cho chân lý và đời sống mà vẫn giữ được sự thanh bình trong nội tâm mình.

T.H.

Tác giả gửi BVN


Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn