Ai phải chịu trách nhiệm chính về sự suy thoái của giáo dục

Nguyễn Đình Cống

1. Sơ lược tình hình

Cho rằng nền giáo dục (GD) của Việt Nam vẫn phát triển, như báo cáo của Thủ tướng trước Quốc hội (tại kỳ họp cuối tháng 10/2023), là không đúng thực tế; còn cho rằng nó bị xuống cấp là giảm nhẹ mức độ tệ hại. Có lẽ dùng từ suy thoái hoặc lạc hướng thì đúng hơn (có người còn dùng từ mục ruỗng). Những biểu hiện cụ thể của suy thoái có rất nhiều, đã được thông tin đại chúng, đặc biệt là các “báo lề dân” phản ánh, phân tích. Có thể viết vắn tắt là GD công của Việt Nam đã đi sai đường, xa rời phương châm nhân bản, khai phóng mà đã làm khổ và làm hư hỏng các thế hệ trẻ, góp phần làm hủy hoại nền văn hóa dân tộc, đã làm khổ nhiều phụ huynh trong việc học của con em, làm khổ đội ngũ giáo viên bằng những việc vô bổ.

Để tránh dài dòng, ở đây tôi xin không nhắc lại các biểu hiện cụ thể đã được thông tin nhiều trên các phương tiện mà chỉ cố tìm xem nguyên nhân cơ bản ở đâu và ai phải chịu trách nhiệm chính.

Nền GD của Việt Nam từ 1945 đến 1975 chia ra hai vùng. Vùng một thuộc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, theo đường lối GD XHCN. Vùng hai (tạm bị chiếm trong kháng chiến và Việt Nam Cộng hòa), chủ yếu theo đường lối GD khai phóng,

Nền GD của VNDCCH, dưới thời ông Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng (từ năm 1948 đến 1975) và nền GD khai phóng của Việt Nam Cộng hòa được phát triển bình thường. Từ sau khi thống nhất đất nước về lãnh thổ, sau cái chết của ông Nguyễn Văn Huyên (năm 1975) thì nền GD bắt đầu sa sút. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước thấy được hiện tượng đó và tìm cách ra những Nghị quyết để chấn chỉnh.

Hỏi rằng: “bảo GD suy thoái thì ở đâu sinh ra những học sinh nhận được giải cao ở các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế và đường lên đỉnh Olympia”. Xin thưa rằng những học sinh đó không phải là sản phẩm chính của nền GD công lập, mà là từ những hạt giống tinh thần của họ đã có sẵn từ tiên thiên và nhờ gặp được những người thầy có tâm, có tầm.

Sự suy thoái của GD đã được một số người nhận thấy, nêu yêu cầu cái cách, đổi mới. Lãnh đạo cũng đã thấy phần nào và ra một số nghị quyết, nhưng chủ yếu chỉ để xoa dịu.

2. Một số Nghị quyết và cải cách

2.1- Một số nghị quyết (NQ)

Xin kể ngắn gọn nội dung chính vài NQ

+ NQ số 14-NQ/TW, năm 1979, do ông Phạm Văn Đồng ký, nhấn mạnh việc thi đua dạy tốt, học tốt. GD có nhiều thành tích, tuy vậy còn một số yếu kém, sai sót. NQ đề ra nguyên lý học đi đôi với hành, nhà trường gắn với xã hội.

+ NQ 4-NQ/TƯ ra ngày 14 tháng 1 năm 1993, do ông Đỗ Mười ký. NQ nhận định GD có nhiều thành tich nhưng còn yếu kém, chưa đáp ứng đổi mới kinh tế, chất lượng hiệu quả thấp. Nguyên nhân yếu kém do bản thân ngành GD chậm đổi mới. NQ đưa ra quan điểm Giáo dục và đào tạo là ‘Quốc sách hàng đầu” với 12 nhiệm vụ cần làm.

+ NQ 2 của BCHTW nhiệm kỳ 8, do ông Đỗ Mười ký, đánh giá giáo dục có nhiều thành tựu, chất lượng có tiến bộ, xuất hiện nhiều nhân tố mới. Yếu kém là chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu, còn 9% người mù chữ, hiệu quả còn thấp, chưa có công bằng xã hội trong GD, cán bộ vừa thiếu vừa yếu.

+NQ số 14/ 2005/NQ/CP của Chính phủ về đổi mới toàn diện đại học, do ông Phan Văn Khải ký, gồm các nội dung đổi mới sau: cơ cấu đào tạo, nội dung, phương pháp, quá trình, tổ chức, triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ, việc huy động nguồn lực và cơ chế tài chính, cơ chế quản lý.

+ NQ số 29-NQ/TƯ, về “Đổi mới căn bản toàn diện GD và đào tạo”, do ông Nguyễn Phú Trọng ký ngày 4 tháng 11 năm 2013, NQ đánh giá nền GD có nhiều thành tích, tuy nhiên chất lượng thấp so với yêu cầu, phương pháp còn lạc hậu, quản lý yếu kém, đội ngũ bất cập.

Nguyên nhân của các yếu kém là do thể chế hóa quan điểm của Đảng và nhà nước về GD còn chậm, chưa hiểu đúng mục tiêu GD toàn diện, bệnh hình thức, chạy theo bằng cấp, chưa phân định rõ việc quản lý GD.

2.2- Nhận xét chung về các NQ

Các NQ về GD, cũng như nhiều NQ khác của Đảng, được viết khá dài, như NQ số 14-NQ/TƯ dài trên 15 ngàn chữ, NQ 2- của BCHTW nhiệm kỳ 8 dài trên 8 ngàn chữ.

Khi tách ra từng câu của NQ để xem thì câu nào cũng đúng, cũng hay. Nhưng khi xem từng đoạn và phân tích thì mới thấy sự khập khiễng, lộn xộn ở nhiều nơi, còn xét trên tổng thể thì mỗi NQ là một biển ngôn từ hoa mỹ, một rừng khẩu hiệu hùng tráng, mà phần lớn là rỗng tuếch.

NQ nào cũng kể ra những thành tích nhiều mặt của GD và điểm sơ qua vài yếu kém, đồng thời chỉ ra vài nguyên nhân, nhưng chỉ là nguyên nhân hời hợt, kiểu “gãi ngứa”. không có NQ nào đề cập đến nguyên nhân cơ bản và không quy trách nhiệm cho ai cả.

Trong phần đề ra nhiệm vụ, các NQ đều đưa lên hàng đầu việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng với thâm ý cho rằng nếu xa rời sự lãnh đạo đó thì GD sẽ đi sai đường. Đây là một ý rất cần bàn kỹ trong phần phân tích nguyên nhân. Tôi cho rằng ý đó là rất “sáo vẹt”.

Sau khi nghiên cứu NQ 29 về đổi mới căn bản và toàn diện GD, tôi có viết thư gửi Quốc hội nhận xét rằng NQ đó chỉ viết ra cho vui chứ chưa thể nào thực hiện được vì thiếu hai điều kiện cơ bản. Một là thiếu môi trường xã hội tương đối trong sạch, không thể nào “đổi mới căn bản và toàn diện GD” trong một xã hội đầy rẫy tham nhũng và tệ nạn mua bán chức quyền. Hai là thiếu đội ngũ giáo viên có năng lực, Cũng không thể “đổi mới căn bản và toàn diện GD” với một đội ngũ giáo viên mà phần lớn đã bị tha hóa như hiện nay. NQ đó chỉ là sản phẩm duy ý chí. Trước mắt, để chấn hưng GD chỉ có thể thực hiện một số việc cần kíp, một số giải pháp tình thế mà thôi.

2.3- Một số cải cách

Tôi có theo dõi một số cải cách GD trong thời gian gần đây, nhưng vì “lực bất tòng tâm” nên chỉ nắm được một số vấn đề, chủ yếu là qua thông tin đại chúng để biết sự đổi mới chương trình, sách giáo khoa và những chuyện lùm xùm xảy ra trong một số trường học. Tôi cũng tìm hiểu cách dạy, cách học thông qua các cháu chắt đang học và một số thầy cô đang dạy. Xin bỏ qua các sự việc cụ thể mà nói ngay đến nhận xét chủ yếu của cải cách. Đó là một sự cải cách thụt lùi, trong lúc tìm cách xóa cái sai này, chưa xóa được thì lại tạo ra cái sai khác cùng với việc tiêu tốn khá nhiều tiền. Tại sao lại như vậy?.

Nguyên nhân chủ yếu là vì Chính phủ, Quốc hội đã giao quyền hành và tiền cho những người hữu danh vô thực chỉ đạo, điều hành cải cách (như Bộ trưởng Bộ GD, Chủ nhiệm ban văn hóa GD của Quốc hội). Không những hữu danh vô thực mà còn có thể mắc tội tham lam rất khó tránh.

3. Nguyên nhân cơ bản

Trong bài “Phải chăng chủ nghĩa Mác Lê (CNML) góp phần làm hủy hoại văn hóa dân tộc” tôi đưa ra kết luận rằng: “Nguyên nhân cơ bản gây ra những tai họa cho xã hội Việt Nam hiện nay là sự kết hợp và cộng hưởng của một bên là những độc hại trong CNML, một bên khác là những yếu kém trong truyền thống dân tộc”. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản làm suy thoái GD. Xin nêu một vài sự kết hợp như vậy.

Dân trí người Việt nói chung còn thấp, quen với việc lười suy nghĩ. Điều này dễ dàng kết hợp với chủ trương của những người truyền bá CNML rằng phải thống nhất và độc tôn tư tưởng. Mọi người không cần và không được có ý nghĩ khác với lãnh đạo vì có gì cần suy nghĩ thì lãnh đạo đã nghĩ và luôn luôn đúng, luôn luôn sáng suốt, người thường chỉ cần làm theo mà không được phản biện. Thế thì cần gì nền GD khai phóng, chỉ cần đào tạo ra loại người chỉ biết vâng lời.

Bao dung là một nét tốt của văn hóa đối xử. Để có được tính bao dung cần có nền GD nhân bản cao. Nhưng ngược lại tật tranh giành, tước đoạt là thói xấu dễ lây lan. CNML chủ trương và đề cao dùng bạo lực trong đấu tranh giai cấp, là biện pháp dùng để cướp quyền và giữ ổn định chính trị, nó rất dễ kết hợp với tính cách hung bạo của một số người trong quần chúng cách mạng.

Sự kết hợp và cộng hưởng là tự động, không có người chủ trương, không có ai lập kế hoạch và chỉ đạo, nhưng phải có người chịu trách nhiệm. Đó là lãnh đạo của Đảng CS. Nếu xã hội VN không do Đảng CS kiên trì CNML thì lấy đâu ra những độc hại của nó để kết hợp với những yếu kém trong truyền thống. Nguyên nhân cơ bản phải được vạch ra để có phương hướng đúng trong việc phục hưng.

Trong một cuộc hội thảo của Hội Cựu giáo chức toàn quốc vào năm 2013 do Chủ tịch hội Phạm Minh Hạc chủ trì, bàn về “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục”, có vài đại biểu tham luận cho rằng cần gắn chặt tư tưởng Hồ chí Minh với CNML. Tôi đã công khai phát biểu, chỉ ra vắn tắt những độc hại của CNML, vậy để làm tốt việc vận dụng tư tường Hồ Chí Minh thì cần từ bỏ CNML. Ý kiến đó tuy hồi ấy bị một số đại biểu không hiểu được, nhưng có nhiều đại biểu khác tỏ ra đồng tình.

4. Nguyên nhân và trách nhiệm từ lãnh đạo cấp nhà nước

Ở cấp này sai sót chủ yếu từ nhận thức, cho rằng GD là một thứ quyền lợi. Điều này thể hiện một phần ở câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mong ước cho nhân dân ai cũng được cơm no áo ấm, ai cũng được học hành”. Điều này đã làm cho nhiều người xem “được học hành” cũng như “được cơm áo”. Thực ra học tập còn là một nghĩa vụ đặc biệt, GD là động lực của phát triển. Từ nhận thức không đúng trên đây dẫn tới việc, miệng nói GD là quan trọng, nhưng thâm tâm cho rằng nó không quan trọng bằng các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao và vài việc cấp thiết về tổ chức. Từ đó có ý coi thường GD, được sao hay vậy. Cứ viết ra NQ chứng tỏ có quan tâm, nhưng viết ra rồi cất đấy để lo việc khác quan trọng và cấp thiết hơn. Từ đó mới có việc ban tuyển sinh của chính quyền, trong một thời gian dài, chỉ dựa vào việc xét lý lịch để quyết định cho ai được đi học nước ngoài hoặc học trường đại học nào trong nước mà không phải thi, còn khi phải thi thì một số người được cộng điểm ưu tiên.

“Điểm ưu tiên” là giải pháp tình thế do GS Tạ Quang Bửu đề xuất nhằm chuẩn bị cho Quốc hội thông qua kỳ thi vào đại học năm 1969, sau nhiều năm bỏ thi. Trong xã hội có những trường hợp đáng được ưu tiên, nhưng phải ưu tiên bằng cách khác, còn ưu tiên bằng cách cộng điểm thi thì chỉ nên xem là giải pháp tình thế mà không được xem là chính sách xã hội.

Cũng vì việc xem GD là quyền lợi nên lãnh đạo đã nôn nóng đẩy nó phát triển thật nhanh, bất chấp nền kinh tế không theo kịp (tất nhiên cũng vì để đáp ứng nhu cầu tri thức). Đã có thời người Việt lạc quan vì trong khi nền kinh tế ở hạng thấp của thế giới thì GD, được xếp hạng khá cao, có nhiều học sinh thi đạt huy chương vàng bạc. Như vậy là lạc quan tếu.

Việc đẩy GD phát triển quá nhanh làm cho nền kinh tế không theo kịp đã làm bần cùng hóa đội ngũ giáo viên (lương quá thấp), là nguyên nhân gây ra nhiều tai họa về sau.

Vì nhầm, cho GD là ít quan trọng mà xem nhẹ việc đào tạo sư phạm, đặc biệt trong khâu tuyển sinh. Dân gian có câu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Cũng vì nhầm nên trong việc bổ nhiệm Bộ trưởng, lãnh đạo nhà nước ít quan tâm đến tiêu chuẩn chuyên môn. Đúng ra, bộ trưởng GD phải là người am hiểu lĩnh vực xã hội nhân văn, thành thạo GD phổ thông chứ không phải là nhà khoa học tự nhiên, đã kinh qua Hiệu trưởng trường đại học, càng không thể là người biết rất ít về GD và thiếu năng lực lãnh đạo. Việc cử bà Nguyễn Thị Bình làm Bộ trưởng là một quyết định hồ đồ, mang tính ban ơn. Để cho bà làm Phó chủ tịch nước còn tạm đươc. Nhiều tệ nạn của GD bắt đầu từ thời do bà làm Bộ trưởng.

Một nhận thức không chuẩn của lãnh đạo là GD phải phục vụ chính trị, đặt GD dưới sự khống chế của tuyên giáo.

Một phong trào rất có hại cho giáo dục là “thi đua dạy tốt, học tốt”. Phong trào này tạo điều kiện cho thói chạy theo thành tích dổm, nó tạo ra thói dối trá là điều tối kỵ trong GD. Nó được chỉ đạo từ trên cao mà ngay cả Bộ trưởng cũng không dám đụng vào, có muốn bỏ thi đua trong giáo dục cũng không dám nghĩ tới.

5. Nguyên nhân và trách nhiệm từ cấp ngành

Để cho một số người yếu năng lực, kém phẩm chất làm Bộ trưởng, trước hết là lỗi của lãnh đạo cấp cao, sau là lỗi của họ. Bộ trưởng là tư lệnh ngành, phải là người có tư tưởng, có đường lối, có tâm tốt và có tầm nhìn xa trông rộng, có ý chí nghị lực và tài tổ chức để thực hiện đường lối. Khi được chọn làm Bộ trưởng mà tự xét thấy không có tư tưởng, không có đường lối thì nên từ chối. Khi đã nhận thì hãy làm hết sức trong một thời gian, nếu phát hiện ra rằng không thể làm tốt được, hoặc để trong ngành xẩy ra sự cố thì xin từ chức. Nhiều Bộ trưởng quá tham quyền lực không làm được việc này.

Lỗi nặng nhất của một số Bộ trưởng là dám nhận nhiệm vụ khi không có đường lối về GD mà chỉ trông chờ nghị quyết để làm theo. Một Bộ trưởng như vậy thì lấy đâu người để tực hành nền GD khai phóng. Lỗi tiếp là không nắm được sát tình hình cơ sở nên không kịp thời xử lý các tình huống (dù cho có muốn). Bộ trưởng còn mơ hồ khi giao việc làm chương trình và viết sách giáo khoa cho một số Giáo sư có năng lực sư phạm thấp, phải chăng để họ chia phần một chiếc bánh. Nhiều Bộ trưởng ít quan tâm đến công việc hành chính trong nhà trường, để cho các phòng GD, các hiệu trưởng biến một số công việc của giáo viên thành ra gần như lao động khổ sai, đó là việc “soạn giáo án” một cách máy móc.

Đi dạy giờ nào cũng phải chuẩn bị giáo án, đó là nguyên tắc. Nhưng giáo án chủ yếu là những ý tưởng ở trong đầu về nội dung và phương pháp trình bày, còn việc thể hiện ra giấy như thế nào, đến đâu, là tùy thuộc trình độ từng người, thậm chí có người không cần thể hiện ra giấy. Thế mà người ta biến việc soạn giáo án theo mẫu thành một chỉ tiêu để xét thi đua, buộc nhiều giáo viên phải mất công đối phó.

Ở cơ sở, Hiệu trưởng là quan trọng. Tại trường nào mà Hiệu trưởng kém phẩm chất, không làm được trung tâm đoàn kết của tập thể giáo viên thì ở đó dễ xảy ra những tiêu cực trong nhà trường. Rất nên để cho tập thể giáo viên bầu hiệu trưởng hoặc định kỳ thể hiện sự tín nhiệm.

Về đội ngũ giáo viên. Để nói được “dạy học là nghề cao quý” thì giáo viên phải có phẩm chất cần thiết là tình yêu người, yêu nghề. Thế nhưng hình như nhiều thầy cô đã chọn nghề mà chưa có được tình yêu ấy, rồi đã bị xã hội và tự mình làm tha hóa bằng những việc làm phản giáo dục. Bất hạnh thay cho một dân tộc khi phải chấp nhận giao con em vào tay những thầy cô như vậy.

6. Thay lời kết

Thông thường, người ta tìm nguyên nhân mà ít khi quy trách nhiệm và sau khi vạch nguyên nhân, thường viết biện pháp khắc phục. Tôi lại quan tâm đến trách nhiệm, còn biện pháp, xin để việc này lại, nghĩ rằng đã chỉ ra được nguyên nhân và trách nhiệm thì cũng hé lộ phương pháp.

Còn lại hai vấn đề. Một là kiểm chứng các nguyên nhân được trình bày, xem đã đúng chưa, việc này là của người khác. Tôi mong nhận được sự phản biện. Hai là những người lãnh đạo nhà nước và ngành có dám chấp nhận những nguyên nhân đã được vạch ra hay không, có dám nhận trách nhiệm để chấn hưng GD hay không. Nếu không chấn hưng GD, cho rằng nó đã đạt yêu cầu của lãnh đạo thì có dám chấp nhận tự do ngôn luận và phản biện để những người quan tâm đến GD bày tỏ quan điểm phản bác hay không. Khi không chấp nhận tự do ngôn luận thì có dám công bố công khai và giải thích tại sao hay không. Những người quan tâm đến GD đang rất cần nghe giải thích những điều như vậy.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn