Những chuyển động đa chiều của mối quan hệ Việt-Trung

(Trích trong Chuyên mục “Mỗi tuần một chương sách” của Bản Tin Biển Đông Số 130. Truy cập tại https://dskbd.org/2023/11/21/ban-tin-bien-dong-so-130-phan-ii/)

Bill Hayton (2023) The Dynamics of Vietnamese-Chinese Relations. Trong Börje Ljunggren & Dwight H. Perkins (Eds.), Vietnam – Navigating A Rapidly Changing Economy, Society And Political Order, (pp 347-369). Cambridge: Harvard University Press.

Bài viết cung cấp một phân tích toàn diện về các khía cạnh lịch sử, tư tưởng, chính trị và chiến lược của mối quan hệ Việt-Trung, nhấn mạnh mối liên hệ sâu sắc giữa Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và những thách thức mà ĐCSVN phải đối mặt trong việc cân bằng lợi ích chiến lược của mình với tình cảm của công chúng. 

Tác giả lập luận rằng, ngay từ đầu, ưu tiên hàng đầu của các thế hệ lãnh đạo Cộng sản kế tiếp nhau ở Việt Nam là sự sống còn của chế độ, duy trì quyền lực trong nước của Đảng – hay cụ thể hơn là quyền lực và thế giới quan của bộ phận thống trị trong Đảng. Mục tiêu thứ hai là khẳng định quyền tự chủ chiến lược của nhà nước Việt Nam. Hồ sơ từ năm 1945 cho thấy lãnh đạo Đảng sẽ luôn ưu tiên vai trò lãnh đạo của mình vì tin rằng Đảng đại diện cho lợi ích của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Xuất phát từ những ưu tiên này, Việt Nam ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa việc điều hoà mối quan hệ hợp tác về ý thức hệ với ĐCSTQ và việc cần duy trì tính hợp pháp của vai trò cầm quyền trong nước. Mối quan hệ lịch sử sâu sắc giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đã bén rễ từ đầu thế kỷ 20 và đã ảnh hưởng đến sự phát triển quân sự, tư tưởng và chính trị ở Việt Nam. Trung Quốc là nước láng giềng lớn nhất, đối tác thương mại lớn nhất, nước ủng hộ ngoại giao lâu đời nhất của CHXHCNVN, một người bạn ý thức hệ. Trung Quốc cũng đóng một vai trò hữu ích gấp đôi đối với ĐCSVN. Không chỉ là một hình mẫu để học hỏi về quản trị và phát triển kinh tế, Trung Quốc còn là một hình mẫu “khác”: một điểm tập hợp chủ nghĩa dân tộc giúp tạo ra ý thức cộng đồng trong người dân Việt Nam, và ĐCSVN được hưởng lợi từ điều này. 

Mặt khác, Trung Quốc cũng đồng thời cũng là mối đe doạ hiện hữu về an ninh cũng như tính hợp pháp của vai trò lãnh đạo của Đảng trước sức ép chủ nghĩa dân tộc chống Trung Quốc của công chúng trong nước. Cố gắng duy trì cân bằng quyền tự chủ chiến lược và quản lý dư luận trong khi vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc bởi vậy là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất mà ĐCSVN phải đối mặt. 

Tổng kết diễn biến quan hệ Việt-Trung từ đầu thế kỷ 20 cho tới nay với một khối lượng lớn dữ kiện, tác giả cho rằng quan điểm mặc định hiện nay của giới lãnh đạo ĐCSVN là giữ mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc. Trong ba mươi năm qua, việc mở rộng quan hệ đối ngoại của Việt Nam và đặc biệt là dần dần hợp tác với Hoa Kỳ chỉ xảy ra bởi cú hích của những cuộc khủng hoảng mà trong đó, lập trường “thân Trung Quốc” đã trở nên không thể đứng vững và đa số trong ĐCSVN đã quyết định rằng việc không thay đổi đường lối sẽ đe dọa tính chính danh và khả năng cầm quyền của Đảng.

Tác giả cũng nhận định giới lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc khó có thể hình thành liên minh với Việt Nam. Trao cho Việt Nam một số quy chế đặc biệt trên cơ sở ý thức hệ đồng nghĩa với việc tự phủ nhận vị thế đặc biệt của Trung Quốc dựa trên thứ bậc là cường quốc thống trị ở Đông và Đông Nam Á. Thay vào đó, Trung Quốc cố gắng định hình hành vi đối ngoại của Việt Nam bằng cách cố gắng đặt ra các giới hạn trong tương tác của Việt Nam với các quốc gia khác, đặc biệt là với Hoa Kỳ.

Xem nội dung chương sách và cuốn sách ở đây. Xem giới thiệu về cuốn sách ở đây.

NguồnDự án Đại sự ký Biển Đông

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn