Việt Nam được lợi gì từ viện trợ an ninh của Nhật Bản?

Viện trợ ODA cũng nhắm tới an ninh.

Henry Nguyễn 

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tiếp Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ở Tokyo, tháng 11/2023. Ảnh: chinhphu.vn.

Hơn 30 năm nay, Nhật Bản là nước viện trợ phát triển (Official Development Aid - ODA) hàng đầu cho Việt Nam. Các khoản ODA thường tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực [1].

Đến nay, viện trợ ODA của Nhật chiếm đến 30% tổng các khoản viện trợ phát triển song phương ở Việt Nam.

Nhưng mọi chuyện đang thay đổi.

Từ năm 2024, Nhật sẽ cung cấp thêm cho Việt Nam một khoản mới là Viện trợ An ninh Chính thức (Official Security Assistance - OSA) [2]. Đây là một loại viện trợ mới mẻ, phản ánh những cân nhắc của Nhật về an ninh khu vực như Luật Khoa tạp chí đã phân tích trong bài trước [3].

Liệu Viện trợ An ninh sẽ thay đổi Viện trợ Phát triển?

Dù là chương trình mới, nhưng rồi đây OSA có thể thay đổi cả ODA. 

Viện trợ phát triển ODA lâu nay chủ yếu tập trung vào xây dựng hạ tầng, thậm chí đôi khi là một cách giúp cho các công ty xây dựng Nhật có được hợp đồng ở nước ngoài. 

Nhưng Chiến lược An ninh Quốc gia của Nhật Bản công bố cuối năm 2022 đã đưa viện trợ ODA tham gia vào chiến lược an ninh quốc gia [4].

Viện trợ ODA sẽ không còn phục vụ những lợi ích trước mắt cho cả hai phía cho và nhận nữa, mà sẽ đi vào các vấn đề chiến lược dài hạn. 

Bản Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Nhật viết:

“Tầm nhìn Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở (FOIP) là bộ khung để vận hành chương trình ODA. Nhật Bản sẽ sử dụng ODA một cách chiến lược để duy trì và phát triển trật tự quốc tế tự do và cởi mở, đồng thời hướng tới xây dựng một cộng đồng quốc tế thịnh vượng và cùng sinh tồn với nhau. 

Cụ thể, Nhật Bản sẽ hỗ trợ tăng cường kết nối thông qua cơ sở hạ tầng chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực, an ninh hàng hải, xây dựng nền tảng pháp quyền và an ninh kinh tế. 

Từ đó, Nhật Bản tăng cường mối quan hệ tin cậy và hợp tác với các nước đang phát triển và các nước khác”. 

Đoạn trên đã nói rõ các vấn đề chiến lược sẽ bao gồm trong viện trợ ODA, đó là cơ sở hạ tầng chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực, an ninh hàng hải, xây dựng nền tảng pháp quyền và an ninh kinh tế. 

Ngoài ra, văn bản này cũng nói rõ là do an ninh và hòa bình được coi là cơ sở nền tảng cho vấn đề phát triển, viện trợ ODA sẽ tham gia cùng Viện trợ An ninh Chính thức OSA. 

“Nhật Bản sẽ thành lập một khuôn khổ hợp tác mới vì lợi ích của các lực lượng vũ trang và các tổ chức liên quan khác. 

Nhật Bản sẽ cung cấp thiết bị, vật tư cũng như hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho các quốc gia có cùng quan điểm, nhằm tăng cường năng lực an ninh và cải thiện khả năng răn đe của họ. Đây là một phần trong nỗ lực củng cố cấu trúc phòng thủ toàn diện”.

Việt Nam trong chính sách OSA của Nhật 

Cuối năm 2023, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và các lãnh đạo ASEAN, trong đó có Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, tổ chức cuộc họp đánh dấu 50 năm hợp tác hữu nghị [5].

Nhưng mối quan hệ Nhật Bản và Việt Nam có một giá trị tương đối độc lập với khối ASEAN. 

Trước đó, bản Tuyên bố của hai nước sau hội nghị thượng đỉnh ở Tokyo ngày 27/11 giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác liên quan đến quốc phòng - an ninh [6].

Bản tuyên bố này cũng nói đến chương trình Viện trợ An ninh Chính thức mới được Tokyo công bố. Mục đích của chương trình này là Nhật Bản sẽ viện trợ quốc phòng cho một số quốc gia cùng chí hướng. 

Ông Võ Văn Thưởng nói đã “ghi nhận” ý kiến của thủ tướng Nhật Bản và giao cho các chuyên gia nghiên cứu thêm. 

Cách nói này có mục đích giảm nhẹ tính chất “hợp tác quân sự” để không gây ra ấn tượng về một “liên minh”. 

Cần nhớ lại rằng từ tháng 8/2023, Bộ Ngoại giao Nhật đã công bố Việt Nam là một trong sáu nước sẽ nhận Viện trợ An ninh Chính thức trong năm 2024 [7].

Đòn bẩy cho Việt Nam

Sự phát triển của một nước đang phát triển như Việt Nam không thể tách rời một chiến lược đúng đắn tiếp nhận đầu tư và viện trợ nước ngoài. Chiến lược này cần được phối hợp đồng bộ với các chiến lược về giáo dục đào tạo và xây dựng chính sách mới.

Nhà nghiên cứu Nishida Ippeita của Quỹ Hòa bình Sasakawa (Nhật Bản) cho rằng hiện nay Nhật Bản và các đối tác nhận viện trợ OSA mới chỉ tập trung chú ý đến chuyển giao những thiết bị cụ thể. Còn có một khía cạnh quan trọng khác của OSA là hỗ trợ cơ sở hạ tầng quân sự cho các nước đối tác. 

Ông Nishida chỉ ra là OSA cho phép Nhật Bản hỗ trợ các quốc gia đối tác trong việc phát triển theo hướng lưỡng dụng, vừa sử dụng trong quân sự vừa sử dụng trong dân sự. 

Trước hết là các sân bay và cảng biển có thể sử dụng kép quân sự - dân sự. Viện trợ OSA cũng có thể giúp sửa chữa và xây dựng các cơ sở và doanh trại quân đội. 

Những loại hỗ trợ nói trên không thể thực hiện được trong khuôn khổ Viện trợ Phát triển Chính thức ODA. 

Ngoài ra, chương trình OSA có thể thúc đẩy các chuyến thăm của tàu chiến và máy bay quân sự của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Theo ông Nishida, các chuyến thăm này có thể đóng một vai trò thậm chí còn quan trọng hơn việc chuyển giao thiết bị [8].

Có thể nói những hướng phát triển trên của chương trình OSA là những gợi ý lớn cho Việt Nam. Nếu thực sự chủ động trong chiến lược an ninh, Việt Nam có thể dùng các khoản hỗ trợ của Nhật như một đòn bẩy hữu ích.

Chú thích: 

1.   Thu, H. (2023, May 21). Việt - Nhật ký ba dự án ODA trị giá 500 triệu USD. Vnexpress.net; VnExpress. https://vnexpress.net/viet-nhat-ky-ba-du-an-oda-tri-gia-500-trieu-usd-4607900.html

2.   読売新聞オンライン. (2023, December 23). 防衛装備品の無償供与を拡充、来年度はベトナム・ジブチ体制強化へ担当部署格上げ読売新聞オンライン読売新聞オンライン [Nhật Bản tăng cường viện trợ không hoàn lại thiết bị quốc phòng cho Việt Nam và Djibouti trong năm tài chính tới, nâng cấp cơ quan phụ trách OSA].

 https://www.yomiuri.co.jp/politics/20231223-OYT1T50076

3.   Nguyễn, H. (2024, February 21). Viện trợ an ninh và bàn cờ châu Á của Nhật Bản. Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2024/02/vien-tro-an-ninh-va-ban-co-chau-a-cua-nhat-ban

4.   Bộ Quốc phòng Nhật (2022, tháng Mười hai), Chiến lược An ninh Quốc gia của Nhật Bản [National Security Strategy of Japan] https://www.mod.go.jp/j/policy/agenda/guideline/pdf/security_strategy_en.pdf

5.   Lê Kiên, Linh,D. (2023, December 15). Thủ tướng dự kỷ niệm 50 năm ASEAN - Nhật Bản: Vun đắp tình bạn vàng cho tương lai xanhhttps://tuoitre.vn/thu-tuong-du-ky-niem-50-nam-asean-nhat-ban-vun-dap-tinh-ban-vang-cho-tuong-lai-xanh-20231215080409333.htm

6.   xaydungchinhsach.chinhphu.vn. (2023, November 27). Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Nhật Bản lên Đối tác Chiến lược toàn diệnhttps://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-tuyen-bo-chung-ve-viec-nang-cap-quan-he-viet-nam-nhat-ban-len-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-119231127212221484.htm

7.   Press Conference by Foreign Minister HAYASHI Yoshimasa. (2023). Ministry of Foreign Affairs of Japan. https://www.mofa.go.jp/press/kaiken/kaiken23e_000060.html

8.   西田 一平太「政府安全保障協力能力強化支援(OSA)」の積み残した課題と戦略的活用笹川平和財団, 28九月、2,023 (Nishida Ippeita, Các vấn đề còn tồn đọng của việc sử dụng chiến lược “Viện trợ An ninh Chính thức OSA, Quỹ Hoà bình Sasakawa, 28 tháng Chín, 2023.) https://www.spf.org/iina/articles/nishida_06.html

H.N.

Nguồn: Luatkhoa.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn