Đảng soạn thảo văn kiện Đại hội 14, nỗ lực biện minh cho “làn sóng thứ ba của chủ nghĩa xã hội”

Bình luận của PGS.TS. Phạm Quý Thọ - nguyên Trưởng Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Việt Nam

2024.03.05

Phần 1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Quốc hội ở Hà Nội hôm 24/3/2021 (Hình minh họa)AFP

Ngày 23/2/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tiểu ban Văn kiện Đại hội 14 của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCS) đã tiến hành phiên họp đầu tiên. Tại đó ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban, đã phát biểu yêu cầu Thường trực Tổ Biên tập cần “quán triệt sâu sắc và thống nhất cao” một số vấn đề về phương châm, phương pháp tư tưởng, hệ quan điểm chỉ đạo và cách làm, trong đó cần nắm vững và xử lý tốt 'bốn kiên định'(1). Đó là: (1) Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; (1) Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; (3) Kiên định đường lối đổi mới của Đảng; (4) Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Giới quan sát chính trị không khó để nhận thấy rằng “bốn kiên định” nêu trên đều xoay quanh chủ đề ý thức hệ chủ nghĩa xã hội (CNXH), chủ nghĩa Mác - Lênin mà ĐCS cần phải biện minh, bảo vệ nó để duy trì chế độ toàn trị. Và, chính cá nhân ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người lãnh đạo cộng sản ‘kiên định’ theo đuổi và thực hành CNXH, vận dụng trong điều kiện cụ thể ở Việt Nam. Ngoài ra, trong sự nghiệp thăng tiến quyền lực, nắm giữ cương vị lãnh đạo tối cao của Đảng lâu nhất trong lịch sử Đảng, từ Đại hội 11 năm 2011 đến nay, ông Trọng còn được ca ngợi là nhà lý luận chính trị, từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, ông Trọng không những tin tưởng vào các giá trị lý tưởng của hệ tư tưởng này mà còn được cho là có đóng góp cho công tác lý luận của ĐCS.

Tình hình quốc tế đa cực phức tạp, diễn biến nhanh và khó lường ảnh lớn hơn đến tình hình trong nước khi cải cách chuyển đổi thị trường đang gặp khó khăn thì lĩnh vực tư tưởng có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định chính trị để duy trì chế độ. Trước thực trạng chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy Đảng - Nhà nước đối diện với nhiều thách thức và kinh tế ảm đạm thì yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, trong đó việc biện minh cho ý thức hệ CNXH giáo điều, được đặt ra hết sức cấp bách hòng ngăn chặn xu hướng “tự diễn biến, tự chuyển hoá” của quan chức chế độ. Đó là quan điểm cho rằng sau khi mô hình Xô-viết sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc nhưng CNXH vẫn đang tiếp tục như một làn sóng tiếp nối mang tính lịch sử. Dưới đây trình bày sự biện minh này diễn ra thế nào.

Mặc dù “làn sóng thứ ba của chủ nghĩa xã hội” là vấn đề mới, còn đang được tranh luận về nguyên tắc học thuật và cần thời gian thử nghiệm trong thực tế, nhưng khi nhận thấy nó sẽ mang lợi ích cho ĐCS, ông Nguyễn Phú Trọng đã đi ‘tiên phong’ trong việc bảo vệ nó. Gần đây ông ấy cho đăng hai bài viết về chủ đề này. Một là, “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”(2) (đầu năm 2024) nhân dịp 94 năm ngày thành lập Đảng CS VN; hai là, “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (3) (năm 2021) nhân dịp kỷ niệm 35 năm công cuộc Đổi mới. Tiêu đề bài viết đã phản ánh nội dung bên trong. Điều hiển nhiên rằng chế độ nào mà lại không tự cho mình là tốt đẹp! Và, vì thế phải bảo vệ nó, tuy nhiên, bài viết thứ hai về chủ nghĩa xã hội đã khiến giới nghiên cứu chú ý, không phải bởi những phát hiện ‘mới’ về lý luận hay thực tiễn, mà bởi vì nó gắn với cái gọi là “làn sóng thứ ba của chủ nghĩa xã hội”.

Liền ngay sau bài viết nêu trên của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trên trang điện tử của báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của ĐCS Việt Nam, có đăng bài “Làn sóng thứ ba của chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới ở Việt Nam” bằng hai thứ tiếng Việt(4) và Anh(5) của Tiến sĩ Michael Brie - Chủ tịch Ban cố vấn khoa học của Viện Rosa Luxemburg của Đảng Cánh tả Đức. Tác giả bài viết cho rằng, đường lối Đổi mới do ĐCS khởi xướng năm 1986 đã mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển chủ nghĩa xã hội không chỉ ở Việt Nam. Khác với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Trung và Đông Âu, Việt Nam đã “kết hợp thành công” trong việc chuyển đổi sâu rộng về kinh tế, chính trị và xã hội với sự ổn định chính trị dưới sự lãnh đạo của ĐCS đã đạt được những thành tựu to lớn, trong đó có tăng trưởng kinh tế và xoá đói giảm nghèo cho đa số người dân. Điều đó “rõ ràng đã trở thành một phần của phong trào lịch sử thế giới và có thể được gọi là làn sóng thứ ba của chủ nghĩa xã hội”.

Trong bài viết, Tiến sĩ Michael Brie đã cho rằng chủ nghĩa xã hội hiện đại cùng tồn tại với chủ nghĩa tư bản hiện đại, cũng có “lịch sử dài… hơn 250 năm”. Chủ nghĩa xã hội ra đời để khắc phục những bất cập trong chủ nghĩa tư bản mà nó không thể tự sửa chữa. Và, những ‘môn đệ’ theo chủ nghĩa xã hội đã được đặt ra vấn đề tổ chức lại xã hội, trong đó chủ nghĩa Mác nổi lên với một cơ sở khoa học hình thành “các phác thảo về quá trình chuyển đổi sang một xã hội hậu tư bản trong thực tế”. Đó là Làn sóng chủ nghĩa xã hội đầu tiên, sự hình thành lý thuyết và chính trị của chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh chủ nghĩa tư bản đang phát triển trên quy mô toàn cầu trong thế kỷ 19.

Làn sóng thứ hai được cho bắt đầu sau Cách mạng tháng 10 Nga năm 1917. Những người Bolshevik đã khẳng định quyền lực của họ và đưa Liên Xô vào con đường hiện đại hóa công nghiệp, chiến thắng phát xít Đức, thành lập phe xã hội chủ nghĩa và duy trì vị thế cạnh tranh với Hoa Kỳ và phương Tây. Trong suốt hơn 70 tồn tại, từng đã chứng tỏ khả năng là “một ứng cử viên nghiêm túc” chống lại chủ nghĩa tư bản, nhưng chủ nghĩa xã hội đã không thể duy trì sự cạnh tranh với chủ nghĩa tư bản và rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc. Căn nguyên, theo lời của TS. Michael Brie, các nước trong hệ thống XHCN sụp đổ vì “bị cuốn vào làn sóng chủ nghĩa tự do mới”.

Làn sóng thứ ba của CNXH, còn gọi chủ nghĩa xã hội 3.0, và sự ra đời của nó được giải thích là do chủ nghĩa tư bản khi phát triển “đến giới hạn của hệ thống” đã bước vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc: khủng hoảng về sinh thái, nền tảng tự nhiên của cuộc sống con người, lý tưởng bị huỷ hoại, sự bóc lột không tương thích với dân chủ… Theo Michael Brie, đây là hệ quả của sự tăng giàu có xã hội nhờ lợi thế vốn (tư bản) được tích lũy để giải phóng tiềm năng sản xuất, mà theo C. Marx đây là chỉ là "sự cần thiết tạm thời", nhưng dưới chủ nghĩa tư bản đã khiến tự do cá nhân phát triển quá thái. Trái lại, khi hệ thống Xô-viết sụp đổ, không còn đối thủ cạnh tranh, chủ nghĩa tư bản bành trướng ra thế giới từ lợi thế nêu trên, thì các nước như Việt Nam đã nắm bắt ‘thời cơ’, thu hút vốn tư bản để chuyển đổi nền kinh tế thị trường để phát triển quốc gia mà vẫn duy trì được chế độ toàn trị.

Cách tiếp cận của TS. Michael Brie về làn sóng thứ ba của CNXH chịu ảnh hưởng bởi một lập trường chính trị trung tâm giữa trung hữu và trung tả và được gọi là “Con đường thứ ba” (6) (Tiếng Anh: The Third Way). Nó kết hợp các chính sách kinh tế tự do kinh tế và dân chủ xã hội cùng với các chính sách xã hội trung tả. Nó hỗ trợ công việc thay vì phúc lợi, các chương trình đào tạo công việc, cơ hội giáo dục và các chương trình khác của chính phủ cung cấp cho người dân “cái cần câu thay vì con cá”. Con đường thứ ba tìm kiếm sự thỏa hiệp giữa một hệ thống kinh tế ít can thiệp hơn được hỗ trợ bởi những người theo chủ nghĩa tân tự do và chính sách chi tiêu dân chủ xã hội theo trường phái Keynes được hỗ trợ bởi các nhà dân chủ xã hội và những người tiến bộ. Tuy nhiên, trên “Con đường thứ ba” thì chủ nghĩa xã hội “từ trên xuống” bị bác bỏ, nhưng nội dung này đã cố tình bị lờ đi để lập luận cho sự tồn tại của nó.

*

Phần 2

Một cửa hàng bán các biểu tượng của đảng cộng sản bao gồm hình của Karl Marx, Lenin, Hồ Chí Minh ở Hà Nội (Hình minh họa)AFP

Một cách diễn giải khác về làn sóng thứ ba của CNXH đã không được đề cập công khai trong các tài liệu nghiên cứu khoa học thể chế chính trị ở Việt Nam. Xuất hiện cùng thời gian, trong năm 2021, với bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ở Trung Quốc trên tạp chí Wenhua Zongheng (Tiếng Trung: 文化và tiếng Việt: Khía cạnh văn hoá), số 3 tháng 6 năm 2021 có một bài viết có tiêu đề “Làn sóng thứ ba của chủ nghĩa xã hội”(7) (Tiếng Trung: 社会主的第三次浪潮 và Tiếng Anh: The Third Wave of Socialism) của tác giả Dương Bình (Yang Ping, ). Đây là một tạp chí tập trung vào việc xây dựng hệ thống giá trị cốt lõi của xã hội Trung Quốc trong khi luôn dương cao khẩu hiệu chủ nghĩa xã hội và tác giả là một học giả, biên tập viên hàng đầu trong cộng đồng văn hóa và tư tưởng đương đại của Trung Quốc.

Theo ông Dương Bình, cách phân loại về thời gian và nội hàm tương tự TS. Michael Brie, như đã trình bày trong phần một. Cách đặt vấn đề của họ đều xuất phát từ các bất cập của chủ nghĩa tư bản, trong đó ở làn sóng thứ nhất của CNXH, về cơ bản, do bóc lột sức lao động, bất bình đẳng giữa giai cấp tư sản và công nhân, ở làn sóng thứ hai xã hội chủ nghĩa với mô hình Xô-viết như một giải pháp thay thế, đã thử nghiệm và thất bại, và hiện nay, làn sóng thứ ba của CNXH đang bắt đầu từ những khủng hoảng của CNTB, trong đó mô hình Trung Quốc nổi lên như một điển hình.

Mô hình này cam kết ‘kiên trì’ chủ nghĩa xã hội, đồng thời theo đuổi chính sách cải cách và mở cửa, dần dần khám phá một con đường được gọi là chủ nghĩa xã hội với những đặc điểm của Trung Quốc. Về cơ bản, đây là sự kết hợp của một nền kinh tế thị trường vào hệ thống xã hội chủ nghĩa, dần dần hình thành một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Như đã biết, sau hơn ba thập kỷ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc (1991), chủ nghĩa xã hội với đặc điểm Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân năm hai con số, đang trở thành một lực lượng quan trọng định hình lại trật tự thế giới.

Trong bài viết của mình, ông Dương Bình lập luận mô hình Trung Quốc vẫn là chủ nghĩa xã hội mặc dù mang những đặc điểm riêng. Với sự linh hoạt của chính sách cải cách và mở cửa, chủ nghĩa xã hội với đặc điểm Trung Quốc đã hình thành như một con đường phát triển khác biệt với cả chủ nghĩa xã hội kiểu Liên Xô truyền thống và chủ nghĩa tư bản thị trường tự do cổ điển. Với những điều ‘kỳ diệu’, đặc biệt về kinh tế Trung Quốc đang ‘tự tin’ trên sân khấu thế giới. Tuy nhiên đây không phải là một mô hình tĩnh và sự thử nghiệm hơn bốn thập kỷ ở Trung Quốc, một số đặc điểm chủ yếu có thể được xác định như là những bài học kinh nghiệm.

Trước hết, sự phát triển của lực lượng sản xuất phải được coi là ưu tiên. Giới lãnh đạo đã dám học hỏi từ các hình thức kinh tế hợp lý của chủ nghĩa tư bản và cho phép sự phát triển của nền kinh tế tư nhân để thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các lực lượng sản xuất tiên tiến. Việc hình thành một cơ cấu sở hữu hỗn hợp được ‘định hướng’ bởi tầm nhìn và kế hoạch chiến lược trong các lĩnh vực chính; Hai là, sự hội nhập chặt chẽ nền tảng kinh tế XHCN và quan hệ sản xuất với nền kinh tế thị trường để dần thiết lập một hệ thống kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; Ba là, trong khi mở cửa và hội nhập với hệ thống tư bản toàn cầu, việc duy trì chủ quyền quốc gia và đảm bảo bản chất xã hội chủ nghĩa của Đảng CS, cảnh giác trước nguy cơ đi chệch hướng về chủ nghĩa tư bản được chú trọng; Bốn là, nỗ lực tìm cách giải quyết các vấn đề liên quan đến công bằng xã hội và bất bình đẳng thông qua phát triển, coi phát triển kinh tế là con đường chính để giải quyết các vấn đề công bằng xã hội; Năm là, các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có xoá đói giảm nghèo, xây dựng cơ cở hạ tầng nông thôn, được thúc đẩy để cân bằng sự bất bình đẳng giàu có trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; Và, sáu là, duy trì vị trí lãnh đạo của Đảng đồng thời với khắc phục lợi ích cục bộ trong một số lĩnh vực…

Tiếc rằng những “đặc điểm CNXH Trung Quốc” không được thảo luận công khai ở Việt Nam để cải thiện các chính sách cải cách. Điều này không tốt cho phát triển! Thiếu vắng đa nguyên và một số vấn đề ‘nhạy cảm’ khác như tranh chấp biên giới, lãnh hải là những nguyên nhân chính. Ngoài ra, không loại trừ nhà cầm quyền lo ngại trước thái độ “Sinophobia”(8) hay “tâm lý bài Trung” nói chung và trong một bộ phận người dân Việt nói riêng có thể dẫn đến quá khích gây bất ổn xã hội.

Tương lai “Làn sóng thứ ba của chủ nghĩa xã hội’, trong đó Trung Quốc và Việt Nam là một phần thiết yếu với mô hình Trung Quốc là cốt lõi, như thế nào vẫn đang là câu hỏi lớn về tầm nhìn thế giới trong giới tinh hoa chính trị và học thuật. Ở Trung Quốc, trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo tối cao năm 2012 và, “chủ nghĩa xã hội mang đặc trưng Trung Quốc” được nâng lên thành “tư tưởng Tập Cận Bình”, mô hình đang lung lay dữ dội, tốc độ tăng trưởng đang giảm sút nhanh chóng, đặc biệt trong và sau đại dịch COVID-2019, do khủng khoảng cấu trúc, giảm phát, khủng khoảng bất động sản, nợ công và nợ địa phương, già hoá dân số, vốn đầu tư nước ngoài chuyển khỏi đất nước, bẫy nợ từ con đường tơ lụa, chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, phản ứng của các nước phương Tây trước các vấn đề dân chủ, tôn giáo, dân tộc, nhân quyền, vấn đề Đài Loan, Hồng Kông, Tây Tạng, Tân Cương, tự do hàng hải quốc tế, quốc nạn tham nhũng…

Ứng phó trước những thách thức nêu trên, chế độ ĐCS toàn trị đang điều chỉnh theo xu hướng quay lại mô hình kiểu Mao, ‘hoàng đế đỏ’ Tập Cận Bình đã cho sửa Hiến pháp của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa để có thể cai trị suốt đời, hiện ông ấy đang ở nhiệm kỳ thứ ba. Đáng lo ngại là ở Việt Nam nhiều động thái diễn ra tương tự, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hai lần là “nhân sự đặc biệt”(9) để vượt qua những quy định của Điều lệ Đảng, tiếp tục lãnh đạo Đảng, mặc dù tuổi cao và sức khoẻ là “bí mật nhà nước”(10) nhưng ông vẫn là lãnh đạo không thể thay thế. 

Các nhà phân tích chính trị cho rằng liệu mô hình Trung Quốc tiếp tục thách thức chủ nghĩa tư bản và các nền dân chủ thế nào? Sự tác động và thu hút sự chú ý toàn cầu của mô hình sụt giảm ra sao? Liệu nó còn có thể cung cấp các lựa chọn mới cho các quốc gia đang phát triển? Và câu hỏi quan trọng nhất là Việt Nam cam kết “chia sẻ tương lai” với Trung Quốc liệu có thể tìm được lối rẽ riêng để phát triển?

Quay lại với giới hạn chủ đề bài viết, dù sao 'bốn kiên định' trên đặt ra nhiệm vụ và yêu cầu đối với giới tinh hoa “cung đình” là đổi mới những gì và như thế nào trong 5 năm tới bằng những chính sách dựa trên luận cứ thuyết phục để đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh và thực trạng kinh tế - xã hội phức tạp ở trong nước. Tuy nhiên, thực tế chuyển đổi thị trường trong những năm qua cho thấy ‘điểm nghẽn’ lớn nhất đối với hoạch định chính sách là ý thức hệ CNXH mà chế độ dựa vào không còn phù hợp, trong đó cải cách thể chế là “đột phá chiến lược” nhưng đã không thể đột phá, thậm chí nhiều thể chế quan trọng đã cải cách đã ‘dễ dàng’ bị vượt qua bởi các hành vi “tham nhũng” của các quan chức Đảng - Nhà nước. Tư tưởng dẫn dắt hành động, và rõ ràng ý thức hệ đang có vấn đề nghiêm trọng, không còn phù hợp với thực tế, vì vậy, trước hết, câu hỏi lớn đặt ra là “kiên định CNXH” thế nào để thích hợp với thực tế phát triển?

Tham khảo:

(1) https://tienphong.vn/tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-nam-vung-va-xu-ly-tot-bon-kien-dinh-post1614472.tpo;

(2) https://lyluanchinhtrivatruyenthong.vn/tu-hao-va-tin-tuong-duoi-la-co-ve-vang-cua-dang-quyet-tam-xay-dung-mot-nuoc-viet-nam-ngay-cang-giau-manh-van-minh-van-hien-va-anh-hung-p28316.html;

(3) https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam;

(4) https://nhandan.vn/lan-song-thu-ba-cua-chu-nghia-xa-hoi-va-cong-cuoc-doi-moi-o-viet-nam-post665592.html;

(5) https://en.nhandan.vn/the-third-wave-of-socialism-and-renewal-in-vietnam-post104131.html;

(6) https://en.wikipedia.org/wiki/Third_Way;

 (7) https://thetricontinental.org/wenhua-zongheng-2023-4-third-wave-of-socialism/;

(8) https://en.wikipedia.org/wiki/Anti-Chinese_sentiment;

(9) https://phapluatplus.vn/nhan-su-dac-biet-tai-cu-phai-co-duc-tai-vuot-troi-co-khat-vong-lo-cho-dan-150368.html;

(10) https://thuvienphapluat.vn/phap-luat/thong-tin-suc-khoe-cua-dong-chi-tong-bi-thu-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-la-bi-mat-nha-nuoc-o-muc--462707-136414.htm;

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn